Tại sao các nữ tu lại vui vẻ phục vụ bệnh nhân?
Chủ nhật - 02/01/2022 03:56
1284
Chăm sóc người già, người bệnh, người đau yếu luôn là một công việc khó khăn, thậm chí là gánh nặng đối với nhiều người. Vì thế mà không ít gia đình con cái hay đùn đẩy việc chăm sóc cha mẹ già, ốm đau, bệnh tật cho nhau làm bố mẹ buồn. Nhiều người cảm thấy khó chịu hay nặng nề khi phải chăm sóc người già cả hay bệnh nhân đau yếu lâu dài. Không ít người dễ bẳn gắt, nóng nảy, khó chịu, chẳng vui vẻ với người già, người ốm, người bệnh. Vậy mà tôi không thấy những thái độ như thế nơi bệnh xá của hội Dòng Mân Côi Bùi Chu.
Gần đây, thỉnh thoảng tôi ghé thăm một số cha già đau yếu được chăm sóc và chính tôi cũng có ít lần đến tập vật lý trị liệu tại bệnh xá của Hội Dòng. Để ý quan sát, tôi luôn thấy các nữ tu vui vẻ, ân cần với mọi bệnh nhân. Các nữ tu coi bệnh nhân lớn tuổi như cha mẹ của mình, coi những người trung tuổi như anh chị, coi những người trẻ tuổi như em ún trong nhà. Từ lời nói đến cử chỉ, từ ánh mắt đến hành động, các nữ tu luôn diễn tả sự ân cần, chu đáo với bệnh nhân. Để ý quan sát các bệnh nhân, tôi cảm nhận rằng các bệnh nhân rất an tâm tin tưởng các nữ tu thầy thuốc. Đặc biệt trong phòng vật lý trị liệu, lúc nào các nữ tu cũng vui vẻ cười nói với bệnh nhân như ngày lễ hội, như ngày tết. Việc các nữ tu cư xử với bệnh nhân như thế đã khơi lên niềm lạc quan và hy vọng cho bệnh nhân. Nếu như bệnh tật thể xác chưa được chữa lành thì tinh thần của họ đã phần nào phấn chấn lên. Chắc chắn họ lạc quan hơn, vui sống hơn, và nhất là đối với những người có đức tin, họ sẽ sẵn sàng đón nhận mọi vui buồn, may mắn hay rủi ro của cuộc đời.
Quan sát thái độ của các nữ tu, tôi không khỏi thắc mắc: Tại sao công việc các nữ tu đang làm khó khăn như vậy mà các chị lại luôn vui vẻ, ân cần, và tử tế đối với bệnh nhân như vậy? Đâu là động lực để các nữ tu không mệt mỏi khi chăm sóc các bệnh nhân? Đâu là sự lý giải thích đáng cho việc hoàn thành công việc khó khăn này?
Trao đổi với một vài nữ tu làm việc ở đó, tôi nhận được câu trả lời: Trước hết, các nữ tu chăm sóc các bệnh nhân một cách ân cần, chu đáo và vui vẻ, bởi vì các nữ tu coi đó như một bổn phận, một trách nhiệm, một sứ mạng: sứ mạng phục vụ người đau khổ. Vì ý thức đó là sứ mạng, là bổn phận, là trách nhiệm, là ơn gọi nên nữ tu nào cũng cố gắng chu toàn sứ mạng ấy tốt nhất hầu đem lại sự an ủi và chữa lành cho bệnh nhân bởi đã là bệnh nhân thì ai ai cũng đã đau khổ rồi. Một chút lạc quan, ân cần, vui vẻ có thể khơi lên niềm hy vọng, vui sống, và thậm chí có cả khả năng đem đến sự chữa lành cho họ.
Thứ đến, các nữ tu có thể làm tốt công việc đó bởi vì tự nhiên quý nữ tu đã có được lòng nhân ái điều mà tôi vẫn nói đùa với các nữ tu: “chỉ có các chị mới làm được, chứ các cha nhiều chịu. Chúa ban cho các chị trái tim thật rộng lớn. Nếu không có trái tim biết cảm thông và sẻ chia, không ai có thể làm tốt công việc đó”. Thật ra, trong đời thường vẫn có những người giàu lòng nhân ái. Nhìn thấy đau khổ của người khác, những người này thường mủi lòng và sẵn sàng giúp đỡ trong khả năng. Vì thế mà trên thế giới này, trong đời sống xã hội, không thiếu những người giàu lòng nhân ái dù họ không thuộc tôn giáo nào. Họ làm thế chỉ vì họ có tấm lòng nhân ái, làm mà không cần ai biết đến, không cần ai trả công... Thật ra, suy cho cùng một cách nhiệm mầu và kín đáo, chính Chúa đã đặt để trong con người trái tim biết rung động và cảm thương với nỗi nhục nhằn khổ đau của người khác.
Sau cùng, các nữ tu có thể làm được như thế bởi các nữ tu nhận được sức mạnh, niềm vui, nguồn ủi an nơi Chúa Giêsu, Đấng mà các nữ tu trọn để dâng hiến cả cuộc đời cho Chúa. Các chị xác tín rằng khi chăm sóc những người bé nhỏ, bệnh tật, nghèo khó, là các chị đang làm cho Chúa và phần thưởng các chị nhận được không phải là những gì các bệnh nhân trả lại cho các chị mà là phần thưởng của chính Chúa như Chúa đã nói trong Tin mừng “Hỡi những người Cha ta chúc phúc, hãy đến và lãnh nhận phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi. Vì xưa khi ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta bị cầm tù, các ngươi đã đến với Ta.” (Mt Mt 25,34-36). Những người đau yếu bệnh tật, khổ đau, nghèo khó... chính là hình ảnh của Chúa Giêsu đau khổ “Quả thật, Ta bảo các ngươi: Mỗi lần các ngươi làm việc đó cho một trong các enh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25,40).
Mẹ thánh Têrêxa Calcutta là mẫu gương tuyệt vời về việc đem tình thương của Chúa đến cho tha nhân. Từ một nữ tu thật hạnh phúc trong dòng Loretto, mẹ đã tách ra và lập một dòng mới mang tên dòng Thừa Sai Bác Ái chỉ để chăm sóc người đau khổ. Mẹ đau đáu một lòng yêu thương người đau khổ, nghèo khó, bị bỏ rơi, đang hấp hối... Khi tham dự vào việc truyền giáo của giáo hội, mẹ không nói về Chúa bằng lời cho bằng ân cần chăm sóc những người đau khổ. Có lần mẹ kể rằng một ngày kia mẹ gặp một người đàn ông sắp chết nằm bên rãnh nước. Đem về nhà, mẹ tắm rửa và ân cần rửa các vết thương cho ông. Người này thưa với mẹ: Khi còn sống, con không được ai coi là một con người, nhưng hôm nay con được coi như một thiên thần. Thế rồi ông nở một nụ cười thật tươi với mẹ. Hôm sau, ông qua đời trong bình an. Đối với mẹ thánh Têrêxa Calcutta, yêu thương chính là cách giới thiệu tuyệt vời nhất về Chúa Giêsu cho tha nhân. Có lẽ các nữ tu Mân Côi kia cũng muốn giới thiệu Chúa cho tha nhân bằng con đường yêu thương phục vụ.
Cuộc đời thật đẹp! Chúa luôn ban cho nhân loại ở mọi nơi, mọi thời những con người có tấm lòng nhân ái để họ trở nên hiện thân của tình yêu Chúa đối với nhân loại. Các nữ tu chọn đời sống thánh hiến cho Chúa để phục vụ tha nhân cách ân cần, vui vẻ, chu đáo là dấu chỉ của sự hiện diện của Chúa nơi trần gian này. Nói cách khác, các nữ tu của Chúa vui vẻ, lạc quan, ân cần phục vụ là ơn huệ Chúa ban tặng cho nhân loại, cho giáo hội. Hy vọng những tấm lòng quảng đại ấy không bao giờ thiếu trong giáo hội để giáo hội của Chúa không ngừng khơi lên cho nhân loại niềm vui, niềm hy vong, và nhất là giáo hội chu toàn sứ mạng phản chiếu ánh sáng yêu thương của Chúa cho thế giới hôm nay.
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh