Thánh Giuse – Cha, vị tông đồ thầm lặng
Thứ tư - 12/01/2022 20:50
1201
Trong Tin Mừng (Lc 7,28), Đức Giêsu nói với đám đông dân chúng rằng: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gioan”, vì ông là Đấng dọn đường cho Con Thiên Chúa, là sứ giả loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Nhưng trong lịch sử nhân loại, Thánh Giuse là người nam duy nhất được Con Thiên Chúa gọi là “Cha”, được vinh dự phản ánh hình ảnh của Thiên Chúa Cha, trong thiên chức làm Cha của Đức Giêsu. Đồng thời, trong vai trò là một thụ tạo, Ngài đã cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa qua “sự vâng phục đức tin” và trở thành vị Tông đồ thầm lặng, qua đời sống cầu nguyện, góp phần mở mang Nước Chúa và cứu giúp các linh hồn.
Tên gọi Giuse theo nguyên ngữ có nghĩa “Thiên Chúa đã tăng thêm” (St 30, 22-24) và Thiên Chúa đã thực hiện những điều lớn lao trên cuộc đời Giuse qua những giấc mơ. Thánh Giuse đã góp phần xây dựng ước mơ, theo đường lối của Thiên Chúa, về một Đấng Mêsia được sinh ra, và sẽ giải phóng nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi.
Thiên Thần báo tin cho Giuse qua giấc mơ : “Này ông Giuse, là con cháu Đavit, đừng ngại đón Bà Maria vợ ông về, vì người con Bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi” (Mt 1, 20-21). Dù đã đính hôn với Bà Maria, nhưng hai ông bà chưa về chung sống. Đứng trước lời báo tin của sứ thần, Giuse không đáp lại một lời, không thưa “Xin vâng” như Đức Maria, nhưng “hành động trong sự vâng phục đức tin”. Ông chấp nhận lời Thiên Chúa ngỏ với ông, để Thiên Chúa hành động và dấn thân vào cuộc đời ông. Nhờ đó, mầu nhiệm Nhập Thể được thực hiện cách viên mãn. Con Thiên Chúa đã tạm gác lại ngôi vị Thái Tử để mặc lấy thân phận con người, được sinh ra trong một gia đình có cha và mẹ dạy dỗ, thương yêu. Giuse đã đại diện cho tất cả người nam của mọi thời đại, được vinh dự lớn lao là Cha của Đức Giêsu, là Cha của “Tin Mừng” và cũng là Cha của “Niềm Hy Vọng”.
Tuy nhiên, Cha Giuse không can thiệp vào việc hình thành nên thân xác của Đức Giêsu, mà là nhờ “quyền năng của Chúa Thánh Thần”. Từ đó, nơi Đức Giêsu có hai bản tính là “bản tính Thiên Chúa” và “bản tính con người”. Chính vì thế, chúng ta thường gọi Thánh Giuse là Cha nuôi của Đức Giêsu, Cha tinh thần hay Cha dưỡng dục. Nhưng khi nhắc đến thiên chức làm cha của Giuse, tôi thích gọi Ngài là người “Cha trinh tiết”[1], vì ngoại trừ khía cạnh thể xác, Cha Giuse đã thi hành đầy đủ trách nhiệm của một người cha đối với con của mình, phản ánh tư cách làm Cha của Thiên Chúa. Chính Người đã muốn Chúa Con biết đến người cha nhân loại và để cho người cha ấy hướng dẫn dạy dỗ. Quyền làm cha của Thánh Giuse là một trong những điều kỳ diệu có liên quan đến Mầu nhiệm Nhập Thể. Để từ đó, “Ông thợ mộc” ở Nadaret trở thành Cha của Đức Giêsu, khi chính Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa Cha trên trời, và đại diện Chúa Cha nắm giữ vai trò của Người.
Vai trò làm Cha còn được biểu lộ qua việc đặt tên cho Con Trẻ là Giêsu. Theo lời sứ thần, ông cần phải làm Cha của Hài Nhi bởi vì ông là “Con cháu Đavít”, nhờ vậy, Hài Nhi Giêsu được nhận vào hàng miêu duệ Đavít. (Mt 1,16-17). Hơn nữa, việc đặt tên cho con trẻ Giêsu không chỉ mang một hành vi hộ tịch, mà còn là một hành vi đức tin. Con trẻ sinh ra được gọi là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ. (Mt 1,22).
Cha Giuse là chủ gia đình Thánh Gia, được chính Thiên Chúa trao ban uy quyền chăm sóc, gìn giữ Đức Maria và Đức Giêsu thời thơ ấu. Điều này gợi cho tôi nhớ đến hình ảnh bánh lái trong một con tàu. Bánh lái là một vòng tròn được đặt ở đầu tàu, chiếm tỉ trọng không đáng kể, nhưng là bộ phận rất quan trọng, giúp con tàu băng băng ngoài đại dương. Chính thánh Giuse đưa Đức Maria và Hài Nhi Giêsu lánh nạn sang Ai Cập, bảo vệ, che chở và hết tình yêu thương Gia đình thánh. Sau khi vua Hêrôđê băng hà, Ngài đưa Con và Đức Maria trở về Galile. Khi Đức Giêsu lên 12 tuổi, Giuse đưa Đức Giêsu lên Đền thờ Giêrusalem. Qua đó, ta thấy Giuse là người Cha mạnh mẽ, cứng rắn, đầy nam tính, thích hợp cho việc thực thi uy quyền.
Uy quyền mà Ngài thực thi, Ngài ý thức nắm giữ nó từ Thiên Chúa[2]. Ngài nhận thức rất rõ đó không phải là một tước vị xứng đáng, bởi nhân đức của ngài và vai trò làm chủ gia đình không có nghĩa là một ưu thế trong lãnh vực hoàn thiện về đạo đức. Ngài tự biết mình thua kém hơn Đức Maria và Đức Giêsu; ngài thán phục hai vị cách thành thật để không tự đặt mình trên những vị ấy. Ngài xem uy quyền của ngài như một đặc ân Thiên Chúa ban cho. Trong khi hành động với tư cách chủ gia đình, ngài càng khiêm tốn hơn, tự đặt mình vào hàng sau rốt.
Cha, cũng có nghĩa là nhà giáo dục[3]. Qua giáo dục, người cha gây ảnh hưởng trên tâm hồn của con cái. Không có gì cao cả hơn là góp phần đào tạo một trí tuệ, một con tim, một tính cách.
Người ta sẽ luôn kinh ngạc vì Thiên Chúa đã mong muốn học hỏi điều gì đó của con người. Tuy nhiên, ta không thể nêu lên câu hỏi “Thánh Giuse có nhiều chủ đề để dạy dỗ Đức Giêsu hay không? Ngài chưa từng đi học và kiến thức của ngài được giới hạn trong phạm vi của một người thợ thủ công trong làng. Nhưng chúng ta ý thức rằng điều cốt yếu của giáo dục nằm ở nhân cách của người thầy. Giáo dục trước tiên là giao tiếp, san sẻ những thái độ cốt lõi của tâm hồn.
Đức Giêsu có sẵn trong mình một nền tri thức để tự đào tạo và tự phát triển, cũng như có mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Nhưng điều mà người nhận nơi thánh Giuse là cách hành xử mang tính cách nhân loại đối với Thiên Chúa, diễn tả với Thiên Chúa lòng tôn thờ và tình yêu bằng ngôn ngữ loài người, từ ngữ của lòng mộ đạo Do Thái.
Tôi tự hỏi có bao giờ Giuse mong muốn Giêsu là con ruột do chính mình sinh ra hay không? Làm sao ngài có thể dùng hết tình thương và sự hy sinh cho Giêsu một cách quảng đại như vậy?
Có thể nói, Giuse đóng một vai trò quan trọng trong thời thơ ấu của Đức Giêsu. Nhờ Giuse, “Tin Mừng” được bảo vệ, dưỡng dục và đến với nhân loại. Tuy vậy, Kinh Thánh không ghi lại được một chi tiết nào về lời nói của thánh Giuse. Giuse sống trọn cuộc đời trong sự vâng phục và thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Vì thế, Giuse trở nên vĩ đại và đặc biệt nhất trong lịch sử nhân loại.
Bên cạnh đó, ít ai biết rằng thánh Giuse là vị Tông đồ thầm lặng của Giáo Hội[4]. Tông đồ là môn đệ ưu tuyển của Đức Giêsu, là người được sai đi để rao giảng Tin Mừng trên khắp thế giới.
Giuse không hề biết đến biến cố hiện xuống, không hăng say giảng thuyết, không dự phần vào việc phát triển Giáo Hội, nhưng Ngài là Tông đồ theo cách khác. Ngài không rời khỏi ngôi làng Nadaret. Ngài là Tông đồ trước khi thiết lập Giáo Hội để chuẩn bị và dẫn dắt các linh hồn. Giuse có thể nhận thấy tội lỗi của “dân được tuyển chọn” đã xúc phạm đến Thiên Chúa qua miệng các ngôn sứ. Ngài thương cảm với tình trạng thất vọng về tinh thần của nhiều số phận nhân loại đang mong chờ Đấng Cứu Thế. Chính vì lẽ đó, ngài kín múc sức mạnh thiêng liêng nhờ lời cầu nguyện thành thật và sốt sắng, tác động lên trái tim của Thiên Chúa. Ngài xác tín rằng bất cứ lời cầu khẩn nào cũng đều có kết quả.
Thánh Giuse đã mở đầu một hình thức Tông đồ về cầu nguyện và việc mở mang vương quốc của Thiên Chúa. Tinh thần tông đồ làm cho ngài chịu đựng những gian lao, khó nhọc một cách êm ái, dịu dàng. Ngài xác tín rằng những đau khổ có thể góp phần vào sự giúp đỡ vô hình cho các linh hồn và sự mở mang nước Chúa.
Từ sứ vụ Tông đồ của thánh Giuse gợi cho tôi nhớ đến hình ảnh Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, một nữ tu Dòng Cát Minh bé nhỏ, đơn sơ, tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện, chiêm niệm. Ngài không dùng sức mạnh của đôi bàn chân, không dùng tài năng của trí tuệ để rao giảng Tin Mừng, nói về Đức Kitô cho mọi người. Sức mạnh của ngài đến từ một tâm hồn cầu nguyện khiêm tốn, một tình yêu nồng cháy với sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội. Vì thế, Thiên Chúa đã hành động, thực hiện những ước nguyện của ngài. Têrêsa đã mang đến một tinh thần mới, một sức sống mới trong đời sống cầu nguyện chiêm niệm, góp phần xây dựng và canh tân Giáo Hội, khích lệ mọi Kitô hữu tín thác vào lòng thương xót của Chúa với tâm tình con thảo. Có thể nói, “Thiên Chúa đã vẽ đường thẳng bằng những nét cong”.
Nhân dịp kỉ niệm 150 năm thánh Giuse được tuyên phong là Đấng Bảo Trợ của Giáo Hội, chúng ta cùng chiêm ngắm thánh Giuse – Đấng Thiên Chúa đã phản ánh hình ảnh của chính mình trên người. Từ đó, Giuse hoàn thành sứ mạng làm Cha của Đức Giêsu, nhà giáo dục và cột trụ trong Gia đình thánh. Giáo Hội thật khôn ngoan khi nhận thánh Giuse là quan thầy vì tin rằng: “Thánh Giuse có quyền thế trước mặt Đức Chúa Trời, đến nỗi người ta có thể nói rằng trên trời, thánh Giuse truyền lệnh hơn là van xin”. Đồng thời, Giáo Hội cũng không quên khích lệ tinh thần tông đồ, đời sống cầu nguyện hy sinh nơi anh chị em giáo dân, góp phần đem Tin Mừng của Chúa đến với muôn dân.
[1] Jean Galot S.J, Thần học Thánh Giuse, NXB Phương Đông, TP. HCM 2016, Chương IX, tr 57. [3] X. Ibidem, tr. 86-89. [4] X. Ibidem, tr. 170-174.
Tác giả: Phanxicô Nguyễn Văn Hiệp
Nguồn tin: Tạp chí Ra Khơi số 25