Ở lại trong tình thương của Thầy

Thứ sáu - 13/05/2022 04:05  650
Thứ Bảy tuần IV Phục Sinh
(Cv 1,15-17.20-26; Ga 15,9-17)

 
580 1402875 jesus is the good shepherdĐiều Đức Giêsu vẫn ao ước là đưa các môn đệ đến với Chúa Cha. Qua cuộc Phục Sinh, công trình của Người đạt được một phẩm chất mới: Người sẽ loan báo về Chúa Cha công khai cho các môn đệ, chứ không che giấu nữa (Ga 16,25). Không phải là y như thể Người nói với họ về Chúa Cha với các lời mạc khải mới; trái lại chính họ phải đạt tới một khái niệm về Chúa Cha. Chúa Cha chính là nguồn mạch tình yêu từ đó Đức Giêsu đã phát xuất ra và quy hướng về đó, Đức Giêsu dẫn chúng ta về. Chúng ta chỉ có thể về tới đó nhờ giữ điều răn của Chúa Cha và cũng là điều răn của Đức Giêsu: “yêu thương nhau”.

Động từ “Ở lại”

Đức Giêsu dùng động từ “Ở lại” để chỉ về hình ảnh cây nho để mô tả mối tương quan của Người với các môn đệ, ngay khi Người vắng mặt về thể lý. Người là cây nho “thật”, còn chúng ta là cành, mà cành thì phải ở lại trên cây nho để sinh hoa kết trái, hoa trái tình yêu. Đức Giêsu đã lệ thuộc Cha của Người trong mọi sự. Bây giờ Người cho chúng ta thấy rằng Cha của Người là nguồn mạch của mọi tình yêu: “Như Chúa Cha đã yêu mến Thầy, thì Thầy cũng đã yêu mến anh em” (Ga 15,9). Hai động từ đều cùng ở một thì quá khứ nói lên những biến cố rõ rệt trong quá khứ: Đức Giêsu đã từ Chúa Cha mà đến thế gian. Người vẫn ở an toàn trong tình yêu của Cha Người đến mức Người có thể cho thấy tình yêu của Người đối với các môn đệ bằng cách rửa chân cho họ (Ga 13,1-5). Tình yêu vâng phục của Đức Giêsu với Cha Người chính là nền tảng và điển hình cao vời cho cuộc sống người môn đệ.

Chúng ta phải “Ở lại” trong tình thương của Đức Giêsu, cũng như Người “Ở lại” trong tình thương của Cha Người bằng nhiều cách. Chúng ta cũng có thể “ở lại” trong tình thương của Đức Giêsu bằng cách để cho Người yêu thương ta, không đặt một trở ngại nào gây khó khăn cho tình thương ấy. Chúng ta cũng có thể “ở lại” bằng cách tuân giữ các điều răn của Cha Người, vì như thế là hài hòa các ý muốn. Đề tài đã được đề cập tới trước đây là “ở lại trong tình thương nhờ vâng phục” (x. 14,15.21.23-24) nay tái xuất hiện và được liên kết với niềm vui. Đức Giêsu giải thích tất cả những điều đó là để “niềm vui của Thầy ở trong anh em” và “niềm vui của anh em được nên trọn vẹn”. Trước đây Người đã bảo các môn đệ rằng họ phải vui mừng vì Người đi về cùng Chúa Cha (Ga 14,28). Đề tài niềm vui này sẽ còn được triển khai sau này (Ga 16,20-33).

Như thế, Đức Giêsu ở lại trong tình thương của Cha Người bởi vì Người giữ điều răn của Người để chuyển tình thương sang cho các môn đệ. Các môn đệ sẽ ở lại trong tình thương của Đức Giêsu nếu họ giữ điều răn của Người. Điều răn của Người cũng giống như điều răn của Cha Người: yêu thương như anh em đã được yêu thương. Mục tiêu của mạc khải cao cả này là niềm vui. Niềm vui của Đức Giêsu là tuôn đổ tình yêu Người đã nhận từ Chúa Cha vào lòng các môn đệ. Vậy các môn đệ được chia sẻ không những tình yêu mà cả niềm vui của người ban tặng tình yêu. Nhưng niềm vui của Đức Giêsu được Người thông ban chỉ là một hương vị khởi đầu. Quy luật của sự hoàn tất cho thấy rằng bạn chỉ hiểu điều bạn đã nhận khi bạn tặng nó đi. Như thế, các môn đệ sẽ nhận được niềm vui trọn vẹn khi yêu thương nhau như Đức Giêsu đã yêu thương họ. Đây chính là sự sống vĩnh cửu: tương giao đón nhận và trao tặng tình yêu không ngừng.

Ở lại “trong” tình yêu để trở nên bạn hữu
 
Từ “Điều răn” được Đức Giêsu sử dụng nhiều lần nhằm cho thấy rằng “yêu thương” là một tuyệt đối, mà không ai được đặt thành vấn đề nữa. Đây là thực tại chính yếu, đây là mối lo lắng cốt yếu, đây là điểm bận tâm duy nhất của những ai tự hào mình thuộc về Đức Giêsu và đứng vào hàng ngũ những kẻ thừa kế thiêng liêng của Người. Nếu Đức Giêsu nhấn mạnh như thế, phải chăng là vì nguy hiểm, cũng là sự cám dỗ và sự sai lầm, chính yếu và thường xuyên nhất, đã từng đe dọa các môn đệ xưa kia cũng như sẽ đe dọa mọi thế hệ môn đệ tương lai, chính là tình trạng thiếu lòng yêu thương?

Chúng ta thường quá bận bịu với việc làm “tôi tớ” Thiên Chúa, “làm việc cho Đức Giêsu”, mà quên rằng Người muốn chúng ta trở thành “bạn hữu” của Người, muốn chúng ta yêu thương Người và được Người yêu thương. Nếu hiểu rằng ta là những mắt xích trong sợi xích tình yêu, một dây tương quan đi từ Chúa Cha đến Đức Giêsu, từ Đức Giêsu đến với mỗi người, từ mỗi người đến với người khác, thì chúng ta sẽ đi từ một cuộc sống khắc khoải, cô lập, sang sự hiệp thông thánh thiêng. Khi đó, không cần phải nắm lấy, hoặc sở hữu đời sống này, y như thể hòng có được một chút tiện nghi thoải mái. Đời sống này dồi dào không mức độ. Thiên Chúa không cân đo Thánh Thần. Sống trong vòng lưu chuyển yêu thương này, thì không còn tôi tớ không biết đường lối của chủ, nhưng chỉ còn những người bạn an nhiên sống và hành xử trong tình yêu của Chúa Cha.

Động từ “Trong” được thánh sử Gioan đặc biệt nhấn mạnh nói lên tình yêu đã chiến thắng tất cả, tình yêu đã làm cho chúng ta nên một, một tình yêu của sự hy sinh để cho bạn hữu của mình được sống. Chúa Giêsu đã làm được điều đó và Người muốn chúng ta ở lại trong Người, trong tình yêu của Người: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”. Chúa Cha đã yêu thương Chúa Con và ở lại trong Chúa Con. Giờ đây, Chúa Con cũng yêu thương Chúa Cha và Người muốn những người được người yêu thương và tuyển chọn cũng ở lại trong tình yêu thương của Người: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em”. Chính tình yêu đã làm phát sinh ra sự sống, chính tình yêu làm cho sự sống mới được hình thành và lớn lên. Không những thế, Người còn truyền dạy cho chúng ta là những người được Người yêu mến tuyển chọn cũng phải yêu thương nhau. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.

Ở lại “Trong” tình yêu, vì con người từ bản tính ai cũng biết yêu, tuy mức độ và sắc thái có khác nhau, nhưng làm sao con người lại biết yêu? Thánh Gioan Tông đồ đã trả lời cho chúng ta: “Vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa” (1Ga 4,7). Thiên Chúa là nguồn gốc của tình yêu, Ngài ban cho chúng ta tình yêu ấy để chúng ta yêu Ngài và chúng ta yêu nhau. Thánh Gioan Tông đồ luôn khuyên nhủ tín hữu hãy yêu thương nhau. Yêu thì có năm bảy đường yêu, nhưng tình yêu đòi hỏi sự chân thật. Ngài khuyên: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu nhau nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm; căn cứ vào điều đó chúng ta biết rằng chúng ta đứng về phía sự thật, và chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa” (1Ga 3, 16-18).

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được ở lại trong Chúa và xin dạy chúng con biết yêu Chúa và yêu mọi người! Amen.

Tác giả: Nhóm Suy Niệm Bùi Chu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập271
  • Máy chủ tìm kiếm41
  • Khách viếng thăm230
  • Hôm nay55,174
  • Tháng hiện tại603,240
  • Tổng lượt truy cập70,630,997
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây