Một phụ nữ, nhưng lại sôi sục chí khí nam nhi [1]

Thứ tư - 23/11/2022 03:38  637
unknown 2Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Lời Chúa trong Tin Mừng Gioan có lẽ làm sống lại hình ảnh của những chứng nhân anh dũng dám sống và chết cho đức tin, bằng một niềm tin kiên cường bất khuất trong máu đào của các Thánh Tử đạo Việt Nam. Các ngài như những hạt giống rơi vào đất tốt và đã sinh hoa kết quả. Những hạt giống ấy phải chịu mục nát đi, thối rữa đi để mang lại cho đời hoa thơm tiếng tốt.

Gương mẫu về đời sống anh hùng của các Thánh Tử Đạo Việt Nam không chỉ trở nên dấu chỉ giúp các Ngài lưu danh thiên thu, mà còn giúp mỗi người trong thế giới hiện đại này học hỏi về đời sống anh hùng mà chính chính các Ngài đã vạch ra tựa như một “linh đạo”, giúp cho hạt giống đức tin các Ngài đã gieo vãi tiếp tục được nảy nở và trổ bông chín vàng trong ngày mùa sau hết.

Nhìn ngược về quá khứ, có lẽ các Thánh tử đạo, cách riêng các Thánh tử đạo trên cõi Việt có một mẫu số chung: đó là sống mối tương quan cá vị thắm thiết với Đấng mà họ tôn thờ; sống một đời sống đượm tình huynh đệ với tha nhân, và sống bài ca Nước trời cách trọn vẹn ngay trong đời sống gia đình.

Lòng trung nghĩa

Người đời có câu: “Vô tri bất mộ”. Có lẽ, vào thời cấm đạo, những tư tưởng triết thần cao siêu chưa được biết đến, mà có biết, nó vẫn là một điều gì đó bí ẩn và khó hiểu. Tư tưởng Kitô giáo lúc bấy giờ vẫn còn là cái gì đó rất xa lạ và khó hiểu đối với những người Á Đông. Vậy điều gì khiến các vị tử đạo có trong mình một đức tin mạnh mẽ đến thế? Với cảm nghiệm cá nhân, điều quan trọng nhất là sự trung tín vào Chúa Trời mà họ cảm nghiệm là Đấng tốt lành. Đàng khác, vốn sống trong môi trường chịu ảnh hưởng của Khổng giáo, Lão giáo… nặng chữ Lễ, chữ Nghĩa. Nay qua Bí tích Rửa tội mà họ lãnh nhận, họ đoan thề cùng Đấng Toàn Năng rằng sẽ nhận Chúa Trời là cùng đích. Hoa trái của lời hứa ấy là tuân giữ những lời dạy của Thiên Chúa và tìm kiếm Ngài qua một đời sống tốt lành.

Lòng trung nghĩa của các anh hùng đức tin nơi cõi Việt phản ánh một nếp sống mà ngày nay ngôn ngữ nhà tu hay gọi bằng từ “linh đạo”. Có lẽ, nếp sống tử đạo không chỉ các anh hùng thời kỳ bách hại, mà ngay từ thời giao ước cũ, con cái Israel đã phải chịu tử đạo vì Đức tin. Họ chết để minh chứng mối tình duyên sắt son của họ với Đấng họ thuần phục suy tôn, Đấng mà họ vui lòng hiến dâng tất cả, không phải một sự thật trừu tượng, khó hiểu.

Nói như thế, không có nghĩa là người viết đang phủ nhận vai trò của ân sủng. Ân sủng của Thiên Chúa mãi mãi được nhìn nhận là yếu tố trên hết và trước hết nơi những hi sinh của các chứng nhân Đức tin. Tuy nhiên, việc định hình nên một truyền thống đức tin sau một thời gian dài truyền giáo của các nhà thừa sai, các thầy dạy bản xứ và các giáo lý viên, chính là một hành động đáp trả tình thương hải hà của Thiên Chúa. Không ngoa khi khẳng định rằng các vị tử đạo là hoa trái trổ sinh của một “quá trình đào tạo dựa trên lòng tin cậy”.

Tình yêu biết cho đi

Sống trong một thời điểm “vàng thau lẫn lộn” của xã hội với điểm nhấn là sự nghi ngờ, bất công và chia rẽ; những tín hữu Việt Nam phải đối diện với sự nhiễu nhương trong đời sống đức tin. Trong bối cảnh ấy, tinh thần Kitô giáo với tone màu chủ đạo là tình yêu Agape đã phất cao lá cờ khải hoàn. Mang trong mình tinh thần ấy, các tín hữu cảm thấy hân hoan khi lao tù, mừng rỡ lúc gươm vung và mang quyết tâm theo Chúa đến cùng dù thịt tan xương nát.[2] Không chỉ thế, họ còn khích lệ động viên nhau “ra pháp trường” theo gương bà mẹ đã động viên các con mình được sách Maccabê ghi lại. Cả trong những cuộc khủng hoảng trong đức tin, bằng cách khuyến khích lẫn nhau để trung thành và làm chứng cho tình yêu của họ dành cho Chúa Giêsu. Đây là lý do tại sao trong lịch sử của Công giáo ViệtNam, có những nhóm các vị tử đạo đã chết chung với nhau vì đức tin của họ.

Trong thời tiên khởi, các Kitô hữu Việt Nam đã làm sáng lên chiều kích cộng đồng: Cộng đồng đức tin và tình yêu lẫn nhau của họ được đặt dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và các Tông đồ thừa sai và trong sự hiệp nhất với các giáo sĩ.[3] Hơn nữa, sự đề cao mối tương quan cá nhân đã trở nên phương tiện đặc biệt để người tín hữu Kitô trên cõi Việt minh chứng tình yêu nhưng không trước những người chưa tin.

“Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em hãy yêu thương nhau”. Ôi! đẹp thay những bước chân người sẵn sàng dám chết vì yêu. Không phải tự nhiên mà các Kitô hữu thời đầu được người dân Việt gọi là những người theo “Đạo yêu thương”. Điều này rất quan trọng trong cho người tín hữu sống trong Giáo hội thời hiện đại này. Thiết nghĩ, các giáo lý, giáo huấn, văn kiện với những lời lẽ logic, cao siêu trong thời đại này có thừa; nhưng chỉ có tình yêu và sự hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng mới có thể chống lại những ảnh hưởng tiêu cực mạnh mẽ.

Trong một thế giới cứ sà sà mặt đất mà không bay bổng cao siêu. Cần lắm những anh hùng để minh chứng cho niềm tin và tình yêu!  Bao nhiêu thịt xương, máu và nước mắt tử đạo xưa như một mệnh lệnh yêu cầu chúng ta biến xã hội này thành như một mảnh đất được dọn, được sới, được vun, được tưới đẫm thật kỹ lưỡng. Chúng ta cần có một 'con đường tình yêu chân chính', một linh đạo độc đáo và hợp thời. Ơn Chúa không ban riêng cho bất cứ một ai. Mỗi “kitô hữu” hãy biến mình thành một “tình yêu hữu” giữa biển trời nhân loại mênh mông này. Mỗi chúng ta đều phải là hạt giống tình yêu rơi trên luống cày của thời đại!

Ước mong rằng sự đổ máu anh hùng của các vị tử đạo vì lòng trung thành với Thiên Chúa truyền cảm hứng cho các thế hệ Kitô hữu Việt Nam hôm nay và mai sau để sống theo lý tưởng của các ngài và thực hiện mong muốn tối thượng của các thánh là Thiên Chúa sẽ ngự trị ở mọi nơi và trong trái tim mọi người trên quê hương đất nước yêu quý của họ.

 

[1] Người viết xin mượn lời trong sách Maccabê để đặt tiêu đều cho bài viết.
Người nữ: Biểu tượng cho những anh hùng tử đạo. Họ là những người yếu thế, nhưng lại dịu dàng trong cung cách cư xử với những người bách hại mình, trên hết là họ biết tha thứ cho họ.
Sôi sục chí khí nam nhi: Nhờ Ân sủng, tình yêu và Lòng thương xót làm cho những con người vốn dĩ mỏng dòn yếu đuối giờ trở nên can đảm phi thường.
[2] Lời bài hát Anh hùng Việt Nam, Lm. Kim Long.
[3] Nguyễn Đình Anh Huệ, Suy niệm thần học về các vị tử đạo Việt Nam cho hôm nay, tr5

Tác giả: Đức Hữu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập186
  • Máy chủ tìm kiếm56
  • Khách viếng thăm130
  • Hôm nay23,725
  • Tháng hiện tại555,433
  • Tổng lượt truy cập70,583,190
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây