Thứ Bảy tuần III Thường Niên
Mc 4,35-41
Sự kiện Chúa Giêsu và các môn đệ sang bên kia biển hồ không phải chỉ có ý nghĩa địa lý: di chuyển từ nơi này sang nơi nọ, cũng như sóng gió nổi lên không chỉ mang ý nghĩa về khí tượng thuần tuý; nhưng còn mang ý nghĩa thần học nữa. Chúa Giêsu và các môn đệ rời khỏi miền đất Israel để đi sang bên kia biển hồ là vùng đất của dân ngoại, điều đó mang ý nghĩa truyền giáo; sóng gió nổi lên tượng trưng cho sức mạnh của sự dữ và ma quỷ chống lại sứ vụ loan báo Tin Mừng của Chúa và các môn đệ.
Ở biển hồ Tibêria sóng gió nổi lên bất thường, nhất là những cơn giông làm sóng cao hơn. Thánh Máccô cho biết: “Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước”. Các môn đệ là những tay chài lưới nhà nghề mà còn phải sợ. Còn Chúa Giêsu “thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ”. Các môn đệ cho rằng Chúa ngủ mệt quá không biết, nên đánh thức Chúa dậy để xin Chúa giúp cách nào chứ sức họ bất lực hoàn toàn rồi. Bấy giờ, Chúa Giêsu chỗi dậy và truyền cho sóng gió im lặng ngay. Quả thật, Chúa Giêsu là Đấng tạo hóa (Ga 1,3), và là chủ mọi loài thụ tạo. Vì thế, Ngài ra lệnh cho sóng gió im lặng và chúng phải tuân lệnh, như là binh lính tuân lệnh vị chỉ huy có quyền (Mt 8,5-11).
Tuy nhiên, khi con thuyền gặp sóng gió thì Chúa Giêsu đang ở đằng lái, gối đầu mà ngủ. Giấc ngủ ấy khiến chúng ta liên tưởng đến cái chết của Chúa Giêsu trên cây Thập giá. Lúc đó, Chúa Giêsu dường như đã thất bại, trong khi các quyền lực sự dữ tưởng chừng như đã thành công, vì đã thủ tiêu được Người mà họ coi như là kẻ thù, như kẻ quấy rầy nền đạo đức tôn giáo của họ. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã chỗi dậy, nghĩa là Ngài đã phục Sinh, và đó là cuộc chiến thắng vĩ đại của Ngài trên mọi quyền lực của sự dữ, cũng như của bất cứ thế lực nào chống lại Giáo Hội.
Đời sống của Giáo Hội, cũng như của mỗi kitô hữu được ví như một cuộc ra khơi. Con thuyền lênh đênh trên sóng nước biển cả, rồi hoảng loạn trong cơn bão táp, đó là hình ảnh của Giáo Hội lữ thứ trong thế gian. Các môn đệ biết phận mình mỏng manh giữa muôn vàn nghịch cảnh, nhưng luôn có hy vọng về tới bến bình an của ơn cứu độ. Chúa Giêsu luôn ngồi đàng sau lái để điều khiển con thuyền Giáo Hội. Đôi lúc có vẻ như Ngài đang ngủ say, ngay cả khi chúng ta tưởng rằng Ngài vắng mặt trong những khó khăn thử thách của cuộc đời. Nhưng thực sự Ngài vẫn luôn hiện diện và hành động mỗi khi cần thiết, như Ngài đã thản nhiên ra lệnh cho sóng gió im lặng, bởi vì Ngài là Thiên Chúa toàn năng.
Sau khi dẹp yên bão tố, Chúa Giêsu cảnh báo các môn đệ: “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?” Lời Chúa muốn nhắc nhở chúng ta một điều quan trọng này là: muốn vượt qua được những khó khăn thử thách, chúng ta cần phải có đức tin vào Chúa, biết chạy đến cầu xin với Chúa, để Ngài dẹp yên cơn sóng gió và đưa con thuyền cuộc đời chúng ta về tới bến bờ bình an.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa không bao giờ để chúng con bị thử thách quá sức chịu đựng, nhưng sẽ ra tay cứu giúp mỗi khi chúng con kêu cầu đến Ngài. Xin cho chúng con biết tin vào quyền năng và tình thương của Chúa hơn là tin vào những thế lực của sự dữ. Amen.