Rồng và những biểu tượng tích cực văn hoá VN

Thứ sáu - 09/02/2024 03:16  796
picture1 1Hình ảnh con rồng mang biểu tượng xấu trong Kinh Thánh, vì là hình ảnh ám chỉ “con rắn xưa” (x. Kh 12,9), mang ý nghĩa tiêu cực, thậm chí như là thủ lãnh của ma quỷ, của quyền lực sự dữ và bóng tối…[1]
Tuy nhiên, trong văn hóa Việt Nam và Đông Phương, con rồng lại là biểu tượng của nhiều điều tích cực, như sự cao quý, uy quyền, sức mạnh, sự thăng hoa, sự phát triển... Chính vì thế, trong những bản dịch Kinh Thánh gần đây, từ “rồng” (tannin, drakōn), được dịch thành “thủy quái”, “giao long” hay “mãng xà” để tránh đụng chạm về phương diện văn hóa.

Nhân dịp năm Giáp Thìn, chúng ta cùng tìm hiểu một số biểu tượng tích cực của con rồng để cùng suy tư và chiêm nghiệm.

Ước vọng thiêng liêng cao quý

Con rồng được xếp vào một trong bốn con vật linh thiêng (tứ linh: long lân quy phụng). Sự xuất hiện của rồng được coi như là điềm báo của sự may mắn phúc lành. Chúng ta đều biết rằng rồng là sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú, nhưng lại là biểu tượng của một ước vọng về những điều linh thiêng và một tín ngưỡng mang tính bình dị. Con rồng có vẩy cá sấu, thân dài như rắn, móng giống đại bàng, đầu hình sư tử, sừng tựa như hươu… như là một sự tổng hợp phong phú của những gì là nhanh nhất, mạnh nhất, uy hùng nhất trên trời cũng như dưới đất. Qua đó, con người thể hiện ước vọng về những điều vượt lên trên cái hữu hạn và hướng tới cái vô biên của đất trời, vũ trụ…

Con rồng cũng là biểu tượng của những gì cao quý. Những gì thuộc về vua chúa đều có danh hiệu rồng: long nhan, long bào, long thể, long sàng, bệ rồng, sân rồng, đầu rồng, thuyền rồng… Chữ “long” cũng gắn liền với những điều được cho là tốt lành, tôn quý, như “long môn”, “long mạch”, “long vận”… Rồng vì thế cũng là biểu tượng cho sự sang trọng, quý tộc, như câu ca dao:

“Chồng sang đi võng đầu rồng
Chồng hèn gánh nặng đè còng cả lưng”.

Khát vọng phát triển vươn lên

Rồng cũng là biểu tượng của một khát vọng “cất cánh” để phát triển, vươn lên, như kiểu nói: “cá chép hóa rồng”, “rồng lên mây” … “Hóa rồng” vì thế thường được dùng để diễn tả một sự phát triển vượt bậc… Rất nhiều những nước kém phát triển hay đang phát triển thường nói đến giấc mơ “hóa rồng”, nhất là về lãnh vực kinh tế.

Tuy nhiên, ngày nay giấc mơ “hóa rồng” cũng mở rộng tới việc phát triển về văn hóa, uy tín và ngoại giao của một tổ chức nữa. Dầu vậy, cha ông chúng ta cũng cảnh giác cháu con về những ảo tưởng phát triển thiếu nền tảng, như câu nói “vẽ rồng vẽ rắn”, “vẽ rồng ra giun”, “ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa”…

Triển vọng thăng tiến, an lành

Những ước vọng thiêng liêng cao quý và những khát vọng phát triển vươn lên có thể là một đà tiến cho một sự thăng tiến và an lành. Thế giới đang bị xáo trộn và vỡ vụn do đại dịch covid 19 cùng với những cuộc chiến kéo dài ở Âu Châu và Trung Đông. Phải chăng nguyên nhân sâu xa của tất cả là “mãng xà” đang lấn sân “rồng quý”, cái tục đang lấn lướt cái thiêng, phần quỷ đang lấn át phần thánh nơi con người và trong thế giới?

Khơi dậy ước vọng về những gì thiêng liêng cao quý nơi tâm hồn con người, củng cố nền tảng đạo đức luân lý trong xã hội, khôi phục sự hiện diện uy quyền của Đấng Tuyệt Đối trên thế giới, thiết nghĩ là những việc làm cần thiết cho một lộ trình “hóa rồng” cho trái đất này. Một thế giới chỉ văn minh thực sự khi có sự an lành và cao quý của những gì là thánh thiêng và thiện hảo. Chân lý này đang bị thách đố mãnh liệt bởi cơn siêu bão tục hóa đang hoành hành dữ dội trên mặt đất.

Như vậy, năm con rồng, theo nghĩa văn hóa, cũng khơi lên cho chúng ta những biểu tượng mang ý nghĩa tích cực. Xin cho lòng chúng ta luôn biết hướng lên những gì là thiêng liêng cao đẹp, lan tỏa những giá trị tích cực của Tin Mừng và góp phần mình cho những điều cao quý ấy thăng hoa trong cuộc sống.

Lời của Thánh Tông Đồ dân ngoại thôi thúc chúng ta: “Thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý. Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh em” (x. Pl 4,6-9).

Xuân Giáp Thìn 2024

[1] Lm. Giuse Vũ Đức Thiện, “Năm Con Rồng và Con Rồng trong lời dạy Kinh Thánh”, website: Giáo Phận Long Xuyên: https://giaophanlongxuyen.org/tin-tuc/nam-con-rong-va-con-rong-trong-loi-day-cua-kinh-thanh.html

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập191
  • Máy chủ tìm kiếm41
  • Khách viếng thăm150
  • Hôm nay64,474
  • Tháng hiện tại125,805
  • Tổng lượt truy cập71,492,151
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây