Mồng 2 Tết: Tôn kính tổ tiên
Thứ sáu - 09/02/2024 06:17
483
Kính thưa cộng đoàn,
Để đón Tết, chúng ta đã chuẩn bị nhiều thứ. Nào là dọn nhà dọn cửa, trang hoàng bên trong cũng như bên ngoài, nào là mua sắm đồ đạc vui Tết, thăm viếng, biếu quà tết cho ông bà, cha mẹ, cô dì chú bác,... Không những lo cho người sống, chúng ta còn làm nhiều việc cho người đã quá cố như sửa sang lại mồ mả, thắp những nén hương, lau chùi bàn thờ tổ tiên, chỉnh lại bình bông, thắp mâm quả, xin lễ cầu nguyện cho ông bà tổ tiên… Thậm chí có những gia đình còn mời ông bà, cha mẹ… về cùng ăn Tết với con cháu. Đây là những cử chỉ đẹp nói lên lòng hiếu thảo, tâm tình biết ơn đối với tổ tiên, những người đã để lại cho chúng ta sự sống, giúp chúng ta hình thành nhân cách, giáo dục chúng ta nên người, nên con cái Chúa.
1. Tôn kính tổ tiên, thảo hiếu với cha mẹ, nét son trong truyền thống Việt Nam
Nhớ đến tổ tiên, thảo kính cha mẹ, biết ơn những người thi ân cho mình còn sống hay đã chết là điều rất phải lẽ và đáng trân trọng. Ca dao tục ngữ có câu:
“Uống nước nhớ nguồn
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Nguyên tắc sống ngàn đời chẳng bao giờ phai; muốn có trái cây để dùng thì không thể không có người trồng tỉa, chăm bón. Chúng ta không thể sinh ra nếu không có tổ tiên. Chúng ta không thể được nuôi dưỡng và lớn lên nếu không có bàn tay yêu thương chăm sóc của cha mẹ. Thậm chí chúng ta không thể là người có nhân cách, nếu không được cha mẹ, thầy cô từng li từng tý chỉ dẫn và đào luyện. Quả vậy, công cha nghĩa mẹ thật đáng khắc ghi trong sâu thẳm cõi lòng:
“Công cha như núi thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Không gì có thể so sánh với tình cha nghĩa mẹ. Cha mẹ đã sinh thành, dưỡng dục chúng ta nên người, cho ta cảm nếm cuộc đời, cho ta hưởng trọn vẹn niềm vui mà cuộc sống trao tặng. Lẽ nào ngần đó chưa đủ để nói lên và thực hành lòng biết ơn?
Quan sát các gia đình Việt Nam, ta luôn thấy bàn thờ tổ tiên được đặt ở vị trí quan trọng. Nếu là người không tôn giáo, bàn thờ này được đặt chỗ trang trọng nhất trong nhà. Người Công giáo thường đặt ảnh tượng ông bà, cha mẹ ngay bên dưới tượng Chúa, Đức Mẹ và các thánh. Điều này hoàn toàn phù hợp với luật Chúa và giáo huấn của Giáo hội.
2. Tôn kính tổ tiên, thảo hiếu cha mẹ là lệnh truyền của Thiên Chúa
Trong Thập giới, giới răn thảo kính cha mẹ được đặt ngay sau ba giới răn quy về Chúa: “Thứ bốn thảo kính cha mẹ”. Cha mẹ ở đây không hiểu theo nghĩa hẹp tức chỉ có cha mẹ, nhưng bao hàm cả ông bà tổ tiên, những người có công sinh thành, dưỡng dục và giúp chúng ta lớn lên về mọi mặt. Do đó, những ai làm phúc cho ta thì họ đều xứng đáng để chúng ta tôn kính và yêu mến như: cha mẹ, ông bà, người thân, thầy cô, quý cha, quý thầy, quý dì... Gần hơn nữa lời Chúa trong thánh lễ hôm nay mời gọi chúng ta hướng về tổ tiên.
Bài trích sách Huấn ca mời gọi chúng ta hãy ca ngợi công đức của các bậc tổ tiên. Các ngài đã để lại gia tài cao quý là đàn con cháu, các nhân đức, danh thơm tiếng tốt, những kinh nghiệm đối nhân xử thế… Bài đọc hai, thánh Phaolô kêu gọi hãy thảo kính cha mẹ theo tinh thần của Chúa đó là điều kiện để được hưởng phúc lành của Thiên Chúa: “Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên đất này”.
Bài Tin Mừng một lần nữa Đức Giêsu khẳng định “Quả thật, Thiên Chúa dạy: ngươi hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử”. Theo Đức Giêsu, tội bất hiếu là tội rất nặng, đáng bị xử tử như Kinh Thánh đã khẳng định. Và như vậy, tôn kính tổ tiên, thảo cha kính mẹ là một mệnh lệnh của Thiên Chúa chứ không đơn thuần là chuẩn mực thuần tuý con người.
3. Tôn kính tổ tiên, thảo kính cha mẹ là lời mời gọi của Giáo hội
Giáo hội dạy chúng ta tháng 11 cầu nguyện cho các linh hồn, đặc biệt những linh hồn các người thân của chúng ta. Hơn nữa, ngay sau ngày mồng một Tết, ngày kính Chúa Con và cầu bình an trong năm mới, Giáo hội đã mời gọi chúng ta hãy hướng về ông bà tổ tiên và cha mẹ vừa để tỏ lòng tôn kính, vừa cầu nguyện cho các ngài và nhất là, sống những gì thanh cao mà các ngài đã sống. Đây là cách đáp đền ân nghĩa tốt nhất đối với các ngài. Ngày nay, chúng ta còn thấy Giáo hội cho phép chúng ta đặt trong nhà mình bàn thờ tổ tiên, trưng bày hoa nến, mâm quả, thắp hương nhang trên bàn thờ để biểu lộ lòng kính yêu đối với các ngài.
Anh chị em thân mến,
Tôn kính tổ tiên, thảo hiếu đối với ông bà, cha mẹ và những người làm ơn cho mình là một nét đẹp của văn hóa Việt Nam vì tổ tiên ông bà cha mẹ đã sinh thành và dưỡng dục chúng ta nên người. Hơn nữa, đây còn là lệnh truyền của Thiên Chúa và giáo huấn của Giáo hội. Nguyện xin Chúa cho mỗi kitô hữu chúng ta không chỉ ý thức về bổn phận tôn kính tổ tiên, thảo hiếu với cha mẹ mà còn thể hiện bổn phận ấy bằng những lời nói và những hành động đẹp đẽ, cụ thể để xứng đáng làm con cái Chúa và con cháu của tổ tiên. Amen.
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh