Khiêm tốn để nhận ra chân lý
Thứ tư - 12/10/2022 10:14
575
Thứ Năm tuần XXVIII
Lc 11,47-54
Thánh sử Luca hôm nay đã thuật lại cho chúng ta thái độ của Đức Giêsu đối với các luật sĩ. Ngài khiển trách họ vì sự giả hình và tiếc thương cho họ vì họ thông luật, nhưng lại không hiểu điều cốt lõi của Luật yêu cầu đó chính là tình yêu thương. Đặc biệt điều đáng trách hơn là sự cản trở của họ đối với người khác trong việc thực thi tìm kiếm chân lý đích thực. Chính vì thế, lời khiển trách của của Đức Giêsu đối với các luật sĩ năm xưa và cũng là lời cảnh tỉnh cho chúng ta hôm nay: “Khốn cho các người, hỡi những nhà thông luật. Các người đã cất giấu chìa khoá của sự hiểu biết: các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các ngươi lại ngăn cản” (Lc 11,52).
Thật vậy, các luật sĩ là những người hiểu biết luật lệ Thánh kinh. Họ được coi là những người lãnh đạo dân chúng, vì họ nắm giữ “chìa khóa của sự hiểu biết”. Thế nhưng “thay vì phục vụ, hướng dẫn người khác, họ đã sử dụng sự hiểu biết để bắt người khác phục vụ mình”. Đây là điều mà Đức Giêsu lên án các kinh sư. Ngài lên án họ không phải vì ghét họ mà là vì những hành động cách cư xử của họ đối với người khác, nhất là sự cản trở người khác trong việc tìm kiếm chân lý đích thực. Lẽ ra họ phải dùng sự hiểu biết của mình để chia sẻ, giảng dạy, hướng dẫn, giúp đỡ người khác cùng nhau tìm ra chân lý đích thực, nhưng họ lại trở thành rào cản đối với người khác trong việc tìm kiếm và nhận ra chân lý đích thực.
Những nhà biệt phái và kinh sư cứ nghĩ rằng mình thông luật, cho rằng mình giỏi hơn người khác, bắt người khác giữ luật vị luật, thiếu hẳn sức sống và tình yêu trong đó. Do đó, họ trở nên kiêu ngạo không chịu tin nhận vào Đức Giêsu. Chính Thánh Gioan Maria Vianney đã khảng định: “Người kiêu ngạo thì hay nói về những gì mình đã làm và đang làm, họ sống bằng lời ca tụng của người khác và ra sức tìm mọi cách để được khen nhiều hơn, vì họ không bao giờ cảm thấy đủ cả. Nếu các con làm chút gì phật lòng người kiêu ngạo, họ liền giận dữ kết tội các con là ngu dốt hay bất công với họ”. Thật ra, chúng ta chỉ là con số không trước mặt Chúa. Chúng ta vào đời với đôi bàn tay trắng, thì chắc chắn ra đi cũng trắng đôi tay mà thôi.
Nhìn vào thực tế cuộc sống hôm nay, một cách nào đó, có thể chúng ta cũng có phần giống với các kinh sư và biệt phái năm xưa. Không ít lần chúng ta cũng mang tính hám danh. Chúng ta muốn những địa vị mà chúng ta không xứng đáng. Hoặc chúng ta làm việc bác ái, làm việc tốt, nhưng làm với ý định để người khác khen ngợi chúng ta. Tâm hồn chúng ta ra sao chỉ có chính chúng ta và Chúa biết. Đôi khi sự xấu xa của tâm hồn lại được che đậy bằng những hình thức bên ngoài rất thánh thiện đạo đức. Có thể chính chúng ta là những nhà “thông luật”, chúng ta biết Chúa, được gia nhập Hội Thánh, được làm Con Chúa và con Hội thánh, nhưng đời sống của chúng ta lại đi ngược lại với lời Chúa và Hội Thánh dạy. Nhiều khi chúng ta chỉ thấy cái khiếm khuyết của người khác mà lại không nhận ra cái sai trái của mình. Khi được người khác góp ý, sửa dạy, chúng ta lại tức giận, không hài lòng. Như thế, chúng ta cũng có khác gì các nhà biệt phái và kinh sư xưa đâu: “Khi Đức Giêsu ra khỏi đó, các kinh sư và các người Pharisiêu bắt đầu căm giận Người ra mặt, và vặn hỏi Người về nhiều chuyện, gài bẫy để xem có bắt được Người nói điều gì sai chăng” (Lc 11,53-54).
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết nhìn nhận sự yếu đuối bất toàn của mình, để từ đó chúng con biết sống khiêm tốn hơn và cùng với mọi người cùng hiệp hành tiến về quê hương Thiên Quốc cách vui vẻ hằng sống vậy. Amen.
Tác giả: Nhóm Suy Niệm Bùi Chu