Thứ Hai tuần XXX Thường Niên
Lc 13, 10-17
Khi so sánh các sách Tin Mừng, người ta thấy thánh Luca có một cái nhìn lưu ý đặc biệt đến giới phụ nữ, là thành phần bị xã hội Do thái loại trừ và coi như những công dân hạng hai. Trong số các tác giả sách Tin Mừng, chỉ có một mình thánh Luca kể lại câu chuyện Chúa Giêsu đã cho người con trai của bà góa thành Naim sống lại, và đã cứu chữa người phụ nữ bị còng lưng suốt 18 năm, mà chúng ta vừa được nghe trong bài Tin Mừng hôm nay.
Chúa Giêsu đã thấu hiểu sự đau khổ của bà, đau khổ của một con người luôn luôn cảm thấy thấp bé và thua kém kẻ khác, đau khổ của một con người luôn luôn phải nhìn xuống đất, không bao giờ nhìn khuôn mặt của những người đối thọai, cũng như hoàn toàn không có khả năng để nhìn lên trời cao. Chúa Giêsu đã có sáng kiến trước, khi người phụ nữ tật nguyền và bất hạnh này đưa ra một lời kêu xin nào, thì Người đã “trông thấy bà” và gọi bà lại. “Rồi Người đặt tay trên bà ấy, tức thì bà đứng thẳng lên và tôn vinh Thiên Chúa”. Qua phép lạ cứu chữa cho người phụ nữ bị còng lưng này, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ rằng Ngài là Đấng cứu thế. Ngài đến để giải thoát con người khỏi sự thống trị của quyền lực của satan, ma quỉ và xác thịt.
Thế nhưng, việc làm ấy khiến ông trưởng hội đường tức giận. Ông thuộc về nhóm người Do thái đã coi ngày hưu lễ là tuyệt đối, và cho rằng trường hợp này đã vi phạm luật ngày hưu lễ. Vì thế, Chúa Giêsu đã phản ứng lại, Ngài tố giác thái độ giả hình của ông, vì chỉ bám vào việc tuân giữ nghi thức và luật lệ đến độ dẫm lên trên cả mạng sống con người. Trong khi đó, đối với Chúa Giêsu, cốt lõi của luật lệ chính là tình yêu. Ngài đã tuyên bố dứt khoát: “Ngày hưu lễ được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày hưu lễ”. Ngài đã giải thoát một người đàn bà khỏi bị còng lưng trong ngày hưu lễ, để chứng tỏ rằng sự sống và phẩm giá của con người là điều đáng được quan tâm trước hết, hay đúng hơn, tình yêu thương vượt lên trên mọi định chế, mọi cơ cấu luật lệ và việc tuân giữ bên ngoài.
Phép lạ kể lại đây cho chúng ta thấy được lòng thương xót của Thiên Chúa, mà Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa làm người, đã thể hiện đối với những người nghèo hèn. Tất cả những ai muốn sống xứng đáng làm con cái Thiên Chúa thì phải có tình yêu bắt nguồn từ chính Thiên Chúa, như trong bài đọc I, thánh Phaolô đã nói với các tín hữu ở Êphêsô: “Vậy anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, như con cái rất yêu dấu của Người: hãy sống trong tình thương, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta” (Ep 5, 2).
Lạy Chúa, xin cho chúng ta hiểu rằng cái cốt lõi của đạo chính là tình thương. Những lời cầu nguyện, những việc tuân giữ luật lệ không là những cái vỏ hình thức bên ngoài, mà phải dẫn chúng con đến những hành động cụ thể của tình yêu. Xin cho chúng ta luôn xác tín rằng sống cho tình yêu là được sống trong Chúa. Amen.