Một vài suy tư về Đối thoại
Thứ hai - 14/06/2021 05:04
1540
Đối thoại là một phần của cuộc sống. Nó diễn ra hằng ngày, ở mọi lúc, mọi nơi, trong rất nhiều hình thức và cấp độ khác nhau. Từ những câu chuyện thường nhật như kiểu chuyện thời tiết nắng mưa, mạnh yếu v.v... đến những vấn đề nghị sự quan trọng, như chuyện chính trị, tôn giáo, đạo đức v.v... Tuy nhiên, từ chính những kinh nghiệm thực tế, G.Marcel một triết gia hiện sinh người Pháp đã nhận định: “Thường người ta nói chuyện, và nghĩ mình đối thoại với tha nhân, trong khi thực sự, người ta vẫn độc thoại” bởi theo Marcel, họ nói chuyện, nhưng không “gặp gỡ”. Vậy phải chăng tất cả mọi cuộc nói chuyện đều là đối thoại, hay chúng ta chỉ thực sự đối thoại khi nó dẫn chúng ta đến một chiều kích sâu xa và rộng lớn hơn?
Theo quan niệm hiện đại, đối thoại được định nghĩa “là nói chuyện qua lại giữa hai hay nhiều người với nhau”. Nói như thế thì tất cả mọi người đều đang đối thoại. Hai thanh niên đang nói chuyện ở quán nước vỉa hè, đó là đối thoại; Thầy cô giáo đang giảng bài trên lớp, đó là đối thoại; hai bà hàng cá hàng thịt đang tranh cãi nhau về chỗ ngồi ở chợ, đó là đối thoại; cô nhân viên đang trả lời điện thoại, đó là đối thoại; trong nhà thờ, một linh mục đang thinh lặng cầu nguyện, đó là đối thoại; hay ở Châu Âu, các chính trị gia đang nhóm họp trao đổi về việc tiêm vacxin chống Covid, đó là đối thoại... Với việc định nghĩa đối thoại như thế, xem ra đối thoại mới chỉ chạm đến bề mặt của cuộc sống, không mang tính cam kết đôi bên và chưa diễn tả được tầm quan trọng của đối thoại với cuộc hiện sinh con người. Quan niệm giản lược này mới chỉ cho ta thấy được phần nổi của tảng băng.
Ở một mức độ sâu hơn, khái niệm đối thoại thường được ưu tiên cho việc nhận thức. Qua đối thoại, con người trao đổi tư tưởng, lắng nghe, đón nhận và truyền đạt quan điểm của mình với người khác. Đối thoại còn liên quan đến chủ thể con người nên cũng mang chiều kích hiện sinh “Đối thoại là một bước không thể thiếu trên con đường hướng tới việc hoàn thiện chính mình, hoàn thiện cá nhân cũng như toàn thể cộng đồng”. Nhờ đối thoại, con người thăng tiến bản thân mình.
Tuy nhiên, không phải cuộc đối thoại nào của con người cũng đưa đến việc gặp gỡ nhau và hoàn thiện bản thân. Thực tế cho thấy, có rất nhiều cuộc đối thoại lại trở thành một cuộc “khẩu chiến” của quan niệm và tư tưởng, đưa đến những bất hòa, chia rẽ và kết án lẫn nhau. Điều này xảy ra cũng nhiều, hay can đảm ta có thể nói là nhiều hơn những cuộc đối thoại mang tính xây dựng và gặp gỡ nhau.
Từ những vấn đề đời thường, nhưng trong một xã hội mà chủ nghĩa cái tôi được đề cao, ta rất dễ bắt gặp những cuộc đối thoại trao đổi hay hội thảo về một vấn đề nào đó, kiểu nói “theo tôi”, “theo quan điểm của tôi” hay kiểu như “vấn đề đó theo anh là sai, nhưng đối với tôi điều đó chẳng có gì là sai cả”. Hầu như tất cả chúng ta đều đã từng đâu đó nói như thế trong một vài cuộc đối thoại với người khác. Hay ở một hình thái khác, như trong chuyện bàn tính làm ăn, người trên thường lấy giọng phán truyền còn người dưới thì biết chắc rằng, dù có đưa ra những ý kiến hay hơn thì cũng không được chấp nhận.
Đến những vấn đề quan trọng hơn, mang tầm mức quốc tế chẳng hạn như: Vào trung tuần tháng ba năm nay, báo chí trong nước và quốc tế đã nói rất nhiều về cuộc đối thoại hai ngày 18/3 và 19/3 ở Alaska (Mỹ) giữa các quan chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc được đánh giá là cuộc đối thoại quan trọng giữa hai cường quốc trên thế giới, nhưng nó lại trở thành một cuộc “khẩu chiến”, một cuộc cãi vã công khai. Trong khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc Trung Quốc có những hành động “đe dọa trật tự dựa trên luật pháp giúp duy trì ổn định thế giới”, thì ông Dương Khiết Trì - ủy viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc - cáo buộc Mỹ đang cố tình chèn ép, “bóp nghẹt” Trung Quốc. Trang Politico bình luận: “Đối thoại bắt đầu bằng những trao đổi cay đắng và kết thúc bằng những từ ngữ ảm đạm”. Cuộc đối thoại giữa hai nước đã không đưa đến một cuộc gặp gỡ huynh đệ, nhưng đã trở thành một cuộc lên án lẫn nhau. Cuối cùng, họ đã không ăn tối với nhau. Những cuộc đối thoại như thế này phần nào là nguyên nhân gây nên tình trạng bất khoan dung và bạo lực trong xã hội.
Hay trong lãnh vực y học, liên quan đến vấn đề đạo đức sinh học, hiện cũng có những cuộc tranh cãi nảy lửa xung quanh câu hỏi “liệu có nên chấp nhận việc nghiên cứu tế bào gốc phôi thai người không?” Chân lý về tính thánh thiêng của sự sống đã được Giáo Hội Công Giáo khẳng định “sự sống con người phải được coi là linh thánh. Vì thế, “sản xuất những phôi người để lạm dụng, nghĩa là để sử dụng như ‘một vật liệu sinh học’, là vô luân”. Thế nhưng vẫn có những người tán thành việc nghiên cứu phôi người khi cho rằng, sức mạnh đạo đức của việc nghiên cứu này nằm ở chỗ nó có khả năng hạn chế nỗi khổ đau mà con người phải gánh chịu. Chẳng hạn như quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hiện khá phổ biến với các cặp vợ chồng vô sinh và được thừa nhận là giải pháp chữa trị cho “một cơn đau tim khủng khiếp”. Ở đây ta thấy rằng, để phản bác chân lý về tính thánh thiêng của sự sống con người, những người ủng hộ nghiên cứu cũng viện dẫn những lý do mang tính đạo đức để bảo vệ cho quan điểm của mình.
Đối thoại là để con người cùng nhau tìm kiếm chân lý. Chân lý là điều mà con người tìm kiếm chứ không phải là điều con người có thể tạo ra. Thế nhưng qua các cuộc “đối thoại” như trên ta thấy rằng, con người dường như đang muốn tạo ra chân lý theo chủ quan của mình. Ai cũng có thể nói “lời tôi nói là đúng” hay “tôi có chân lý”. Điều này dẫn đến một sự hỗn loạn trong đối thoại, khiến con người trở nên hoang mang và ngờ vực lẫn nhau, như kẻ bị đẩy vào tình thế tròng trành giữa hai miệng hố, chẳng biết đặt chân vào đâu.
Vậy đâu là nguyên nhân đã đưa đến sự hỗn loạn trong đối thoại của con người?
Ngày 18 tháng 4 năm 2005, trong diễn từ khai mạc mật nghị Hồng y bầu Đức Giáo H
oàng tại nhà nguyện Sixtine, Hồng y Ratzinger (sau đó trở thành Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI) đã nhận định rằng: “Độc tài của chủ nghĩa tương đối đang hiện hình, thứ độc tài này chẳng còn công nhận cái gì là tối hậu nữa, quy chuẩn tối hậu của nó chỉ còn là cái tôi và những ước muốn riêng của nó”. Quả thật, chịu ảnh hưởng của thuyết tương đối, triết học hậu hiện đại lập luận rằng, chẳng có gì là đúng hay sai hoàn toàn, và tất cả những quyết định mang tính đạo đức chỉ là tương đối.
Khi không còn nhìn nhận một giá trị tuyệt đối, con người cũng đánh mất luôn nền tảng vững chắc cho chính mình. Do đó, chẳng có gì để phân biệt giữa đúng và sai, mọi thứ đều có thể hoán đổi, theo hoàn cảnh và chủ quan của mỗi người. Như vậy, cuộc đối thoại thực chất chỉ là một cuộc tranh luận đúng sai. Đó là một cuộc chiến mà mỗi bên cố nói làm sao để đối phương bỏ đi xác tín của họ, và dành chiến thắng cho mình. Người dành chiến thắng là người xem như nói đúng, kẻ thua là kẻ bị cho là sai. Đó không phải là cuộc đối thoại để cùng nhau tìm ra chân lý, nhưng là một cuộc loại trừ lẫn nhau.
Đàng khác, nếu xem đối thoại để đưa đến gặp gỡ, nhưng với một thái độ tự tôn, tự cho mình là đủ, là đúng, không có gì và còn gì để mong chờ ở người khác, thì lời nhận định của G.Marcel thật đúng: Họ không đối thoại mà đang độc thoại. Tại sao thế? Ông lập luận rằng: “Bao lâu tôi chưa thắc mắc về tha nhân, chưa chờ đợi ở tha nhân những câu trả lời có tính cách quan trọng thì tôi chưa coi tha nhân là anh (Tu) mà mới chỉ coi là hắn (Lui). Khi tôi chưa ghi nhận anh là anh (Tu) (tức là tôn trọng anh là một nhân vị) thì chưa thể có gặp gỡ”.
Bế tắc là kết luận cuối cùng cho những cuộc “đối thoại” như trên và còn rất nhiều cuộc đối thoại khác của con người, bởi con đường “gặp gỡ” đã bị bít lối bởi chính họ. Vậy con người đối thoại thế nào để đưa đến gặp gỡ?
Trong Tông huấn Verbum Domini, Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI nói rằng: “Để xây dựng cuộc đời, con người cần những nền tảng chắc chắn, vẫn đứng vững ngay cả khi những xác tín nhân loại mờ nhạt đi”. Điều này cũng đúng đối với mọi cuộc đối thoại của con người. Để đối thoại đưa đến gặp gỡ, trước hết hai bên phải cùng đứng chung trên một nền tảng vững chắc. Đàng khác, “đối thoại không chỉ đơn giản là một cuộc trao đổi ý tưởng. Theo một cách nào đó, đối thoại luôn luôn là một sự ‘trao ban hồng ân’”. “Ý nghĩa của cuộc đối thoại hệ tại ở hai bên tham dự, chứ không hệ tại ở lượng kiến thức như một thứ trung gian xen giữa. Đối thoại ở đây đồng nghĩa với hiệp nhất với nhau”.
Đối thoại theo chiều hướng này sẽ dẫn đưa con người trở về với cuộc đối thoại đích thực, nền tảng của mọi cuộc đối thoại, đó là cuộc đối thoại của Thiên Chúa nói với con người, cách đặc biệt trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, là Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu Kitô chính là nền tảng và chuẩn mực cho mọi cuộc đối thoại của con người.
Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế tín lý Dei Verbum đã diễn tả cuộc đối thoại đó khi nhìn nhận rằng: “Thiên Chúa vô hình, trong tình yêu thương chan hòa, đã ngỏ lời với con người như với bạn hữu và đến sống với họ, để mời gọi họ và chấp nhận cho họ đi vào cuộc sống của chính Ngài” (DV 2). “Trong thời sau hết này”(Hr 1,1) cuộc đối thoại của Thiên Chúa với con người đã đạt tới cùng đích nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là người.
Quả thật, “trong cuộc đối thoại này, vấn đề không phải là nói một hay nhiều “điều gì đó” nhưng là tự thông ban nơi chính Lời. Vì thế, cuộc đối thoại đạt mục đích không phải là vì đã truyền đạt một khối lượng tri thức lớn hết sức có thể, nhưng là vì qua Lời đó mà Tình Yêu tỏ hiện, và trong Lời đó nhân loại được đưa vào trong mối liên hệ mật thiết với Thiên Chúa”. Hay như Karl Rahner nói: “Trong Người Con, Thiên Chúa và trần gian đã nên một”.
Từ những suy tư trên ta thấy rằng, đối thoại gắn liền với cuộc sống con người. Còn sống là còn đối thoại với người khác. Năng lực “đối thoại” phát xuất từ bản chất và phẩm giá của con người. Và để năng lực đối thoại đó đưa con người đến một sự gặp gỡ, trao ban và hiệp nhất với nhau, khi nó được nâng đỡ và hướng dẫn nhờ chính Đức Giêsu Kitô. Vì nơi Đức Giêsu Kitô, Lời Ngài là Chân Lý, và chính Ngài cũng đã khẳng định: “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”(Ga 18,37). Đồng thời, Ngài là Đấng đã “hạ cố” (DV 13 ) đến nói với con người, gặp gỡ và nên một với con người, để trao ban chính mình cho con người. Qua đó, Ngài trở nên như chuẩn mực để con người ướm mình vào mỗi khi đối thoại với nhau. Tất cả những ai đối thoại trên Lời của Ngài thì cũng được “ví như người khôn xây nhà trên đá”(Mt 7,24), bởi vì “Muôn lạy Chúa, Lời Ngài bên vững đến ngàn đời trên cõi trời cao” (Tv 119, 89), và “Lời Ngài là đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”(Tv 119,105).
Trần Thái Đỉnh, Triết học hiện sinh, Nxb Văn học, 2015, tr. 288. “Gặp gỡ” theo quan điểm hiện sinh của Marcel là sự cảm thông giữa hai nhân vị. Đây là mối cảm thông hai chiều: cả hai người cùng coi nhau là nhân vị. Gặp gỡ là một thái độ tinh thần, không phải một vị trí vật chất, không bị chi phối bởi không gian và thời gian. Viện Ngôn Ngữ Học, mục từ “Đối Thoại”, trong Từ điển Tiếng Việt, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2018, tr. 427. Thánh Gioan Phaolô II, Thông Điệp Để tất cả nên một, Giuse Phạm Văn Phi chuyển ngữ, Nxb Đồng Nai, TP HCM, 2020, tr. 143. Hđgmvn Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công giáo, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr. 642. Francis S.collis, Ngôn ngữ của Chúa, Lê Thị Thanh Thúy dịch, Nxb Lao Động, Hà Nội, 2010, tr. 295. Đgh Bênêđitô, Ánh sáng thế gian, Phạm Hồng Lam dịch, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2011, tr. 73. Trần Thái Đỉnh, Triết học hiện sinh, Nxb Văn học, 2015, tr. 287-288. Đgh Bênêđitô, Tông huấn Verbum Domini, Ủy ban Kinh Thánh dịch, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2011,Tr. 38. Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Để tất cả nên một, Giuse Phạm Văn Phi chuyển ngữ, Nxb Đồng Nai, TP HCM, 2020, tr. 145. Đgh Bênêđitô, Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, Lm. Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm dịch, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2009, tr. 280. Thánh Gioan Phaolô II, Thông Điệp Để tất cả nên một, Giuse Phạm Văn Phi chuyển ngữ, Nxb Đồng Nai, TP HCM, 2020, tr. 143.