Để đối thoại thành công
Chủ nhật - 30/05/2021 20:40
1131
Trong Thông điệp Đức tin và lý trí, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Con người không được dựng nên để sống một mình”. Qủa thực, tự bản chất con người là một hữu thể mở ra và sẽ không trọn hảo nếu không mở ra để gặp gỡ và sống liên đới với tha nhân. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã triển khai điều này trong Thông điệp Fratelli Tutti – Tình huynh đệ và tình thân hữu xã hội: “Con người không thể hiểu biết đầy đủ chính mình nếu không gặp gỡ những người khác. Tôi liên lạc tốt đẹp với chính mình chỉ trong mức độ tôi liên lạc với người khác”, rồi ngài mời gọi mọi người: “Hãy nói không với cô lập, nói vâng với gần gũi! Hãy nói không với văn hóa đối đầu, và hãy nói vâng với văn hóa gặp gỡ!”. Như thế, việc kiến tạo một nền văn hóa gặp gỡ và đối thoại sẽ làm cho tình liên đới giữa con người và tình thân hữu xã hội ngày càng triển nở hơn.
“Đối thoại là một bước không thể thiếu trên con đường hướng tới việc con người hoàn thiện chính mình, hoàn thiện cá nhân cũng như toàn thể cộng đồng nhân loại”. Vậy đâu là những điều cần thiết để có được một cuộc đối thoại thành công?
Gặp gỡ giữa các nhân vị
Trước hết, đối thoại là cuộc gặp gỡ giữa các nhân vị. Nhân vị là một hữu thể tương quan, mở ra và hướng đến các ngôi vị khác. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khẳng định: “Nhân vị con người, với các quyền bất khả nhượng, tự bản chất mở ra cho tương quan”. Trong sự tương quan này, con người không đánh mất chính mình, nhưng thông truyền những điều hoàn hảo và hoàn thiện chính mình. Sự thông truyền ấy chỉ có thể được thực hiện trong đối thoại. Như thế, đối thoại là điều thiết yếu cho sự phát sinh và triển nở cái tôi, nhưng đối thoại chỉ có nghĩa khi chúng ta “nhìn nhận giá trị của mọi nhân vị, ở mọi lúc mọi nơi”, điều này có nghĩa là ta cần nhìn nhận tha nhân là một hữu thể có phẩm giá ngang bằng với mình và ta cần tôn trọng họ.
Cởi mở
Để đối thoại, chúng ta cần có một tâm hồn cởi mở. Cởi mở là không thành kiến, luôn khách quan và sẵn sàng chấp nhận các quan điểm mới và khác biệt, nó đối lập với sự đóng kín, cô lập, tự qui về mình. Đức Thánh Cha Phanxicô cho thấy tầm quan trọng của điều này khi ngài nói: “Một cá nhân và một dân tộc chỉ triển nở và phong phú khi có thể phát triển một thái độ cởi mở đầy sáng tạo đối với người khác”. Thái độ cởi mở ở đây bao hàm sự ra khỏi chính mình, ra khỏi óc hẹp hòi và thành kiến để có thể lắng nghe và đón nhận ý kiến của người khác. Bên cạnh đó, “thái độ cởi mở đích thực đòi hỏi sự gắn bó với các xác tín sâu xa nhất của mình, rõ ràng và vui vẻ trong căn tính của mình, đồng thời mở lòng mình ra để hiểu phía bên kia và biết rằng đối thoại có thể làm giàu lẫn nhau”. Cuộc đối thoại sẽ trở nên vô ích khi ai đó vẫn giữ óc bảo thủ, khép kín và thành kiến.
Chân thành
Một yếu tố quan trọng khác để xây dựng cuộc đối thoại là sự chân thành. Phải chân thành với nhau thì mới có thể đối thoại, vì đối thoại là nói thật với nhau. Bước vào cuộc đối thoại, cả hai bên cần chân thành trình bày các quan điểm của mình để cùng nhau hướng tới sự đồng thuận và lợi ích chung. Không những thế, “đối thoại chân thực đòi khả năng tôn trọng quan điểm của người khác, chấp nhận rằng quan điểm ấy có thể bao gồm những xác tín và những quan tâm chính. [...], trong một tinh thần đối thoại đích thực, chúng ta sẽ lớn lên trong khả năng nắm được ý nghĩa của những gì người khác nói và làm, ngay cả dù chúng ta không chấp nhận đó như là chính xác tín của chính chúng ta.”
Xây dựng thiện ích chung
Đối thoại không chỉ nhằm trao đổi ý tưởng, hiểu biết lẫn nhau mà còn hướng đến việc xây dựng thiện ích chung: “Ở đâu thiếu đối thoại thì có nghĩa rằng ở đó người ta không quan tâm đến công ích, nhưng chỉ tranh thủ quyền lực, hoặc giả chỉ là để tìm cách áp đặt các ý tưởng của mình. Những bàn tròn, như vậy, sẽ trở thành những cuộc thương lượng mà thôi, trong đó người ta cố nắm được mọi lợi điểm hết sức có thể, thay vì hợp tác mưu cầu thiện ích chung”. Như thế, đối thoại là cách tốt nhất để kiến tạo một xã hội tốt đẹp vượt lên trên những khác biệt, bất đồng và cùng nhau tìm kiếm thiện ích chung, xây nên những nhịp cầu chứ không phải những bức tường.
Kiến tạo một nền văn hóa gặp gỡ và đối thoại, đặc biệt là đối thoại liên tôn là một trong những ưu tiên của Giáo Hội. Đó cũng là một trong những điểm chính yếu mà Vị Cha Chung của Giáo Hội mời gọi mỗi người. Đáp lại lời mời gọi ấy, mỗi chúng ta thay vì lựa chọn một thái độ sống “thờ ơ ích kỉ và thái độ phản kháng đầy bạo lực, luôn luôn còn một khả năng chọn lựa khác: Đó là đối thoại.”
Gioan Phaolô II, Thông điệp Fides et Rasio (14/9/1998), số 31. Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti (3/10/2020), số 87. Gioan Phaolô II, Thông điệp Ut Unum Sint (25/05/1995), số 28. Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti (3/10/2020), số 111. Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti (3/10/2020), số 41. Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (24/11/2013), số 251. Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti (3/10/2020), số 203.