Thánh Giuse - Người đem Tin mừng

Thứ ba - 23/11/2021 03:32  1360
“Đẹp thay những bước chân người loan báo Tin mừng”
(Is 52,7; Rm 10,15)

Thánh Giuse xứng danh là “Người mang Tin Mừng”, không những vì Ngài gìn giữ Chúa Cứu Thế, mà còn vì Ngài “công chính” và chiếu tỏa Tin Mừng trong chính cuộc sống của mình, cũng như không ngần ngại lăn xả “gieo bước hành trình” trên những nẻo đường khó khăn và thách đố nhất để Tin Mừng được lớn lên.

1. Những bước chân tuyệt vời…

1Khi nhìn vào “sự nghiệp mang Tin Mừng” của Thánh Giuse, chúng ta thường nghĩ Ngài thâm trầm, lặng lẽ, ít xông pha. Nhưng thực ra, Ngài đã trải qua những hành trình khá dài, khá xa và cũng không kém phần gian nan nguy hiểm[1].

Trước hết là hành trình từ Nazareth tới Bêlem dài khoảng 130 km. Với hệ thống đường xá gập ghềnh, kèm theo phương tiện đi lại thô sơ, cộng thêm một bà bầu sắp sinh, hành trình này chắc hẳn chẳng dễ dàng chút nào! Tại đây, Ngài đã phải đau lòng chứng kiến cảnh vợ sinh con tại chuồng bò vì không tìm được nhà trọ và ngậm ngùi nhìn chiếc nôi đầu đời của Hài Nhi lại chỉ là một máng ăn của súc vật! (x. Lc 2,1-20).

Thứ đến là hành trình từ Bêlem về Giêrusalem khi Hài Nhi mới tám ngày tuổi (x. Lc 2,21). Hành trình tuy ngắn (khoảng 9 km), nhưng cũng là một trải nghiệm đầy cam go để Con Trẻ được hoàn tất luật cắt bì.

Hành trình thứ ba là khi Con Trẻ đủ 40 ngày tuổi, Ngài đưa hai mẹ con lên Giêrusalem để làm nghi thức thanh tẩy theo luật (Lv 12). Quãng đường cũng khoảng 9 km. Tại đây, Hài Nhi đã được tiến dâng và cụ già Simeon đã nói tiên tri về sứ mạng của Ngài và chúc lành cho hai Ông Bà (x. Lc 2,22-35).

Hành trình thứ tư là từ Bêlem trốn sang Ai Cập khi được tin vua Hêrôđê tìm giết Hài Nhi (x. Mt 2,13-18). Hành trình này khá gian nan vì phải thực hiện gấp rút, vào ban đêm, với quãng đường khá xa, xa về địa lý (ít nhất 65 km) và xa về tâm lý (đến nơi đất khách quê người). Để đến vùng an toàn (lãnh địa thuộc quyền cai quản của người Ai Cập), mất ít nhất 65 km. 

Hành trình thứ năm là từ đất Ai Cập về nguyên quán Nazareth dài ít nhất 170 km (x. Lc 2,39-40). Lại là một khởi nghiệp từ đầu sau những ngày tháng lưu lạc tha hương!

Sau cùng là cuộc hành trình từ Nazareth lên Giêrusalem khi Chúa Giêsu lên 12 tuổi (x. Lc 2, 41-52). Cuộc hành hương này hơn kém 150 km (300 km tính cả đi về). Thánh Giuse và Đức Mẹ đã trải qua những thời khắc lo âu hồi hộp vì lạc mất con.

2. Linh đạo truyền giáo Giuse

Chiêm ngắm cuộc đời thánh Giuse qua các hành trình trên, chúng ta có thể thấy được những bài học sống động cho các nẻo đường truyền giáo của mỗi chúng ta.

Đời sống nội tâm

Trước hết, chúng ta thấy thánh Giuse là con người có đời sống nội tâm thâm sâu. Ngài luôn kết hợp với Chúa, tìm kiếm và lắng nghe tiếng Chúa. Chính vì thế, Ngài có đức tin rất mạnh và lòng vâng phục rất nhanh. Bốn giấc mơ mà thánh Mátthêu thuật lại chứng minh cho ta thấy nội lực thiêng liêng thâm hậu của Ngài (x. Mt 1,20-21; 2,13; 2,19-20; 2, 22-23). Chỉ có những người có đời sống nội tâm cao mới có thể nhạy bén, nhanh nhẹn và sẵn sàng vâng phục được như vậy (x. Patris Corde, số 3).

Tông huấn Redemptoris Custos[2] (Đấng Gìn Giữ Chúa Cứu Thế, RC) đã dành cả chương V để bàn về đời sống nội tâm của Thánh Cả. Chân dung nội tâm của Ngài được bộc lộ qua sự thinh lặng chiêm niệm sâu xa (số 25), giúp Ngài kín múc ánh sáng và sức mạnh để duy trì đức tin kiên cường và tình yêu trinh khiết trước mọi thử thách gian nan (số 26). Qua đó, Thánh Cả nêu gương về đời sống nội tâm giúp sống tình yêu quân bình và trọn hảo (số 27).

Đây cũng là yếu tố cốt lõi của người tông đồ. Ưu tiên của tông đồ truyền giáo là mang chính tình yêu của Chúa đến cho anh chị em mình. Điều này giả thiết một tâm hồn đầy Chúa, chứa chan tình yêu Chúa và lòng khao khát chia sẻ tình yêu lớn lao ấy cho anh chị em mình.

Trái tim nhân từ

Người môn đệ truyền giáo trước tiên được mời gọi diễn tả dung mạo yêu thương của Thiên Chúa cho con người. Xét về phương diện này, thánh Giuse thật là một mẫu gương sáng ngời. Ngài đã diễn tả dung mạo của Chúa Cha cách trọn hảo trong đời sống. Tông thư Patris Corde trình bày những đặc tính nổi bật trong dung mạo “Cha” nơi thánh Giuse: yêu thương, dịu dàng, vâng phục, đón nhận, can đảm đầy sáng tạo, cần mẫn lao động, ẩn mình âm thầm phục vụ[3].

Qua đây, thánh Giuse cũng cho thấy, truyền giáo cần bắt đầu từ trong gia đình. Chính cha mẹ là người phác họa và khắc sâu vào lòng con cái dung mạo của Cha trên trời, của Thiên Chúa là tình yêu. Gia đình chính là địa chỉ đầu tiên để đón nhận Tin Mừng và vì thế là đích đến ưu tiên của người mang Tin Mừng.

Tâm hồn quảng đại

Tuy nhiên, nói như trên không có nghĩa là “nhà nào biết nhà nấy”! Nơi đầu tiên đón nhận cũng phải trở thành chiếc nôi đầu tiên cho sứ vụ mang Tin Mừng đến mọi nơi. Các hành trình của thánh Giuse không đơn thuần chỉ là gìn giữ bảo vệ gia đình nhỏ của mình mà là “gìn giữ Đấng Cứu Thế”! Qua các hành trình ấy, Tin Mừng đến với mọi người, kể cả những người chăn chiên bị gạt ra bên lề cuộc sống, những người vô gia cư, những người vô tội bị sát hại, những người già cả (Simeon, Anna), những người di dân tha hương cầu thực, những người bị đối xử bất công, bị loại trừ…

Ngài đặc biệt gần gũi với những người lao động, khi dùng đôi tay của mình để diễn tả tình yêu. Đó là tình yêu thường nhật được diễn tả qua việc lao động với lương tâm nghề nghiệp và qua việc cộng tác có trách nhiệm vào công trình sáng tạo và cứu độ của Chúa (RC, chương IV, số 22-24).

Đó chính là tâm hồn quảng đại của một người dám vượt ra khỏi bản thân và “tổ ấm” của mình để chia sẻ niềm vui tin mừng cho nhiều người.

3. Đẹp như bức Icon

2Icon[4] không chỉ là nghệ thuật tôn giáo[5]. Đó là những cánh cửa được mở ra cho cầu nguyện, chiêm ngắm, để chìm sâu trong một cảnh vực lớn hơn những gì được khắc họa bởi những nét vẽ. Vì thế, người ta thường nói rằng người họa sĩ “viết” hơn là “vẽ” trên các bức icon.

Icon về thánh Giuse[6] có thể được coi là một “dụ ngôn tranh” được “viết” ra bằng các biểu tượng, màu sắc, để dẫn chúng ta vào mầu nhiệm thánh thiện. Trung tâm bức icon là Thánh Giuse trong tư thế người cưu mang Chúa Cứu Thế, với chức năng “tay đỡ tay nâng” để bảo vệ Hài Nhi Thánh. Ngài là “Đấng mang vác” Tin Mừng trên vai, gương mặt đăm chiêu nhưng quyết đoán, sạm màu mưa nắng nhưng đậm chất kiên cường của một người từng trải nỗi khổ nỗi khó của cuộc đời. 

Người Con thánh trên vai cha, tuy cần được cha mang vác đỡ nâng, nhưng một tay cũng chúc lành trên đầu Thánh Cả và một tay giơ ra trong tư thế giáo huấn. Đầu Người nghiêng xuống trìu mến, nhưng không quá lệ thuộc. Ở đây, ta thấy sự hài hòa giữa hai bản tính của Ngôi Lời nhập thể, sự quân bình giữa tình yêu gia đình và sứ vụ cứu thế của Ngài.

Thánh Giuse như là “người mang Tin Mừng” đúng nghĩa, vì đang mang trên vai mình “Đấng là Tin Mừng”. Ngài vừa là Người Cha cưu mang, “Đấng chăm sóc Chúa Cứu Thế” (Redemptoris Custos), “Dung Mạo của Chúa Cha” với trái tim hiền phụ (Patris Corde, số 2), một người cha sẵn sàng khiêm hạ để nâng cao Người Con cũng là Cứu Chúa của muôn dân.  Nơi Thánh Giuse, Tin Mừng được đón nhận, nuôi dưỡng, tăng trưởng…

Như vậy, chúng ta thấy thánh Giuse quả là bậc thầy mô phạm trong việc mang Tin Mừng đến cho mọi người, nhất là qua các nẻo đường của cuộc sống thường ngày. Qua việc chu toàn trách nhiệm làm chồng, làm cha, Ngài đã phúc âm hóa gia đình, xã hội, nghề nghiệp, lễ nghi và luật lệ tôn giáo…

Ước mong việc ôn lại những bước chân của thánh Giuse, chiêm ngắm và học hỏi các nhân đức của Ngài, cũng truyền cảm hứng và thúc đẩy chúng ta hăng say hơn nữa trên những nẻo đường truyền giáo hôm nay, nhất là trong đời thường của mỗi người chúng ta.

 

[1] Phần này dựa vào “The Journeys of Mary and Joseph”, Web Bible Study: https://www.biblestudy.org/maps/the-journeys-of-mary-and-joseph.html.
[2] X. Gioan Phaolô II, Tông huấn Redemptoris Custos (Đấng gìn giữ Chúa Cứu Thế), 15/8/1989, toàn văn trên WHĐ: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-dang-gin-giu-chua-cuu-the-redemptoris-custos-41627
[3] X. Phan xi cô, Tông thư Patris Corde (Với trái tim người Cha), 08/12/2020, toàn văn trên Vatican News: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-12/tong-thu-patris-corde.html
[4] Bức vẽ Chúa Giêsu hoặc các Thánh trên gỗ theo phong cách các giáo hội Đông Phương (Nga, Hy Lạp…). Nguyên gốc Hy Lạp chỉ có nghĩa là “hình ảnh”. Ngày nay từ này được dùng để chỉ một nhân vật nổi tiếng được chọn là “hình ảnh đại diện” cho một nhãn hàng hay tổ chức. Ngôn ngữ công nghệ thì dùng từ này để chỉ một hình nhỏ hoặc một biểu tượng được dùng trong màn hình vi tính.
[5] Dựa trên Edward Hays, “The Great Saint Joseph Symbolism”,
https://www.edwardhays.com/st-joseph-symbolism.html
[6] Theo bản sao tranh bột đá đặt trong Nhà nguyện Mẫu Tâm Fatima (Nhà Thần, ĐCV Bùi Chu).

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

Nguồn tin: Tạp chí Ra Khơi số 25

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập418
  • Máy chủ tìm kiếm39
  • Khách viếng thăm379
  • Hôm nay40,996
  • Tháng hiện tại901,357
  • Tổng lượt truy cập78,904,808
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây