Thánh Giuse, người lắng nghe và hành động
Thứ năm - 30/12/2021 03:51
1418
Trong các sách Tin Mừng, thánh Giuse được kể là con người của lắng nghe và hành động. Việc lắng nghe của thánh nhân khác lạ bởi không gian và thời gian. Thế nhưng, thánh nhân vẫn nhận được những lệnh truyền của Chúa cách rõ ràng. Điều đó được thể hiện qua thái độ dứt khoát trong việc hành động, thực thi điều đã được nghe. Trong bài viết này, chúng ta cùng chiêm ngắm thánh Giuse qua một số biến cố được ghi lại trong các sách Tin Mừng để thấy rõ hơn hình mẫu về việc lắng nghe và hành động theo thánh ý Thiên Chúa nơi thánh Giuse và cuối cùng rút ra bài học cho bản thân.
1. Thánh Giuse trong các sách Tin Mừng
Khi đọc các sách Tin Mừng, chỉ có Matthêu và Luca nói về thánh Giuse, nhưng lại kể rất ít. Thánh Giuse chỉ được nêu danh hay nhắc tới chứ không có bất kỳ một đoạn hội thoại nào. Trong một vài sự kiện, biến cố liên quan đến thánh Giuse, chúng ta chú ý tới các biến cố sau:
- Biến cố truyền tin cho thánh Giuse (x. Mt 1,18 -21)
Tin Mừng viết: Sau khi chịu thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần và được sứ thần Gabrien cho biết là bà Elizabet - người chị họ - đã mang thai được sáu tháng, Đức Maria liền lên đường đi thăm bà và ở lại nhà bà độ ba tháng (x. Lc 1,56). Do đó, có lý để suy đoán thánh Giuse nhận ra Đức Maria có thai sau khi Mẹ đi thăm người chị họ trở về. Phản ứng của thánh Giuse trước sự kiện này được thánh Matthêu ghi nhận: “Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1,19). Nhưng tất cả đã bị cản lại do sự can thiệp của sứ thần Chúa khi sứ thần đến báo mộng cho ông vào ban đêm: “Đừng ngại đón bà Maria vợ ông về”. Thánh Giuse đã đón nhận và thi hành: “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như lời sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà”.
Biến cố thánh Giuse được báo mộng đem “Hài Nhi và mẹ Người” lánh nạn bên Ai Cập (x. Mt 2,13-15). Đây là lần thứ hai thánh Giuse được sứ thần Chúa hiện ra báo mộng. Trong lần này, sứ thần truyền đạt cho thánh Giuse ý muốn của Thiên Chúa liên quan đến tính mạng của Hài Nhi Giêsu. Sứ thần nói: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê tìm giết Hài Nhi đấy”. Thánh Giuse liền trỗi dậy và đang đêm đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập. Biến cố hồi hương từ Ai Cập trở về đất Ítraen (x. Mt 2, 19-23). Tin Mừng viết, khi vua Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa đến gặp thánh Giuse trong giấc mộng và bảo hãy đưa thánh gia trở về đất Ít-ra-en. Cũng như lần trước, sứ thần nói rõ là đưa Hài Nhi và mẹ Người về. Và cũng thái độ như lần đó, thánh Giuse liền trỗi dậy và đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en như được báo. Thế nhưng, sau đó không lâu sứ thần Chúa hiện ra báo cho thánh Giuse đưa thánh gia về Na-da-rét chứ không phải về Ít-ra-en như đã báo.
2. Thánh Giuse - người lắng nghe và hành động
Như đã nêu ở trên, Tin Mừng ghi lại bốn lần sứ thần Chúa đến gặp thánh Giuse và tất cả đều là những lần sứ thần đến gặp ông trong giấc mộng, tức khi ông đang ngủ. Điều này cho thấy rằng, thánh Giuse đang trong tư thế thụ động, ông để cho sứ thần Chúa vào tận bên trong con người ông, nói với ông – ông lắng nghe, nhận thông báo hoặc lệnh truyền. Mỗi lần đến báo mộng, sứ thần chỉ truyền đạt cho thánh Giuse ý định của Thiên Chúa rồi rời đi; tiếp đó là việc thánh nhân thi hành ý định của Thiên Chúa mà ông vừa được nhận.
Thật vậy, trong biến cố truyền tin, trước khi sứ thần đến báo mộng, thánh Giuse chắc chắn phải đau khổ vì nếm trải một cuộc xung đột nội tâm, khi ông lâm vào một tình thế khó giải quyết nhưng phải giải quyết. Đó là việc ông đứng trước hai sự kiện đối lập nhau: một đàng, theo nhận xét khách quan của ông, Đức Maria phạm tội “ngoại tình” vì có thai trước khi hai người về chung sống và do đó ông đã định tâm bỏ bà; nhưng đàng khác ông xác tín Đức Maria là con người rất mực thánh thiện. Theo lương tâm của một người công chính, thánh Giuse đã cố gắng tìm ra giải pháp mà ông cho là tốt nhất nhằm tránh gây tổn hại thanh danh cho người bạn trăm năm yêu quý của mình. Trong khi đau khổ và nhất quyết làm theo điều đã định, sứ thần Chúa đã đến gặp thánh Giuse trong giấc mộng. Sau khi xác định dòng dõi và cũng là địa vị của thánh Giuse, sứ thần đi vào vấn đề là bảo ông hãy bỏ ý định “ly dị” và thay vào đó bằng một hành động tích cực, tức là “đón vợ” về chung sống. Sứ thần còn cho biết những lý do của hành động đó. Lý do thứ nhất liên quan đến vấn đề Đức Maria có thai: Đức Maria có thai do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Lý do thứ hai liên quan đến chính ông trong tương quan với Hài Nhi mà Đức Maria sẽ sinh ra: “Ông sẽ đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu”. Sau khi đón nhận thông báo của sứ thần, thánh Giuse không thể không nhận ra cái vinh dự lớn lao được làm bạn đời của Đức Maria, làm dưỡng phụ của Chúa Giêsu. Ý muốn của Thiên Chúa đã được sứ thần truyền đạt rõ ràng cho thánh Giuse. Vì thế, thánh Giuse - con người công chính - chỉ biết một việc là đón nhận và thi hành.
Thái độ lắng nghe và hành động nơi thánh Giuse còn được nói đến trong biến cố “lánh nạn bên Ai Cập và hồi hương”. “Ông Giuse liền trỗi dậy”, cụm từ diễn tả một hành động dứt khoát của thánh Giuse sau khi đón nhận lệnh truyền của sứ thần Chúa. Không than phiền, không thắc mắc, không do dự, thánh Giuse vội vã thực hiện lời sứ thần dạy, ông đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập ngay giữa ban đêm. Gia đình thánh bước vào một hành trình lên đường trong lo lắng, một cuộc lên đường không được chuẩn bị vì bất ngờ, một cuộc lên đường khẩn cấp vì Hêrôđê sắp sửa ra lệnh tìm giết Hài Nhi Giêsu. Cuộc hành trình đầy vất vả, cực nhọc nhưng thánh Giuse vẫn bước vào để bảo vệ Hài Nhi.
3. Bài học cho bản thân
Theo gương thánh Giuse, chúng ta được mời gọi lắng nghe thánh ý Thiên Chúa trong thinh lặng và mau mắn hành động.
Noi gương thánh Giuse, chúng ta khám phá ý muốn của Thiên Chúa bằng nhiều cầu nguyện, xin ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, suy nghĩ chín chắn, bàn hỏi với những người khôn ngoan và thánh thiện. Phải kiên nhẫn thay vì nóng vội vì ý Chúa có khi chỉ được biểu lộ dần dần.
Ngoài ra, Thánh Giuse còn là tấm gương nhắc bảo chúng ta rằng không phải trong mọi trường hợp chúng ta đều biết rõ ngay từ đầu thánh ý của Thiên Chúa, nhưng một khi đã nhận ra thánh ý Ngài, chúng ta hãy thực hiện nhanh chóng và trung thực, thay vì chần chừ hay cố bám vào những toan tính hay dự định riêng sẵn có.
Bên cạnh đó, để việc lắng nghe và thực thi ý Chúa có hiệu quả, chúng ta cần khiêm hạ bởi chỉ trong khiêm hạ, thinh lặng, bỏ ý riêng, ta mới có thể lắng nghe được tiếng Chúa, cùng lúc Chúa thêm sức giúp ta mau mắn lên đường thực thi ý Ngài. Không những thế, trong khi thực thi ý Chúa, chúng ta cần sống thái độ tin tưởng, phó thác và cậy trông nơi Chúa. Bởi lẽ, trên hành trình đó, sẽ không thiếu những cản trở, thách đố và khó khăn. Ngoài ra, chúng ta được mời gọi mở lòng cộng tác với mọi người xung quanh, kêu cầu sự giúp đỡ trợ lực của họ. Như thế, với ơn Chúa và sự giúp đỡ của tha nhân, chúng ta mới mong đi đến được cuối hành trình, hoàn thành sứ vụ Chúa trao.
Lời kết
Một lần nữa, chúng ta đều nhận ra sự xuất hiện rất ít chứ không muốn nói là “vắng bóng” của thánh Giuse trong các sách Tin Mừng, thế nhưng cũng đủ cho ta thấy thánh thân đã chu toàn vai trò là Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria, Cha nuôi Chúa Giêsu, người công chính. Bên cạnh đó, thánh Giuse còn nêu gương cho hậu thế về thái độ lắng nghe thánh ý Thiên Chúa và việc thực thi mau mắn mà không than phiền.
Lạy thánh Giuse là Cha nuôi Con Đức Chúa Trời – Xin cầu cho chúng con!
Lạy thánh Giuse là bạn trăm năm của Mẹ Thiên Chúa – Xin cầu cho chúng con!
Lạy thánh Giuse là đấng rất công chính – Xin cầu cho chúng con!
Lạy thánh Giuse là đấng rất vâng lời – Xin cầu cho chúng con!
Tác giả: Giuse Trần
Nguồn tin: Tạp chí Ra Khơi số 25