Nén hương lòng và niềm tin Phục sinh

Thứ ba - 01/06/2021 04:19  979
untitled1Ngày mồng Hai, Tết Nguyên Đán 2021, tôi có dịp gặp gỡ, giao lưu với một nhóm bạn sinh viên Công giáo - giáo xứ quê hương tôi. Trong lúc trò chuyện, một bạn sinh viên hỏi tôi: Thưa Cha, hôm nay, nếu có một điều ước, Cha sẽ ước điều gì?

Tôi trả lời: mong ước bố mẹ mạnh khỏe, an vui và được sống lâu. Bởi vì với tôi, bố mẹ còn sống và mạnh khỏe là một món quà quý giá nhất. Bố mẹ qua đời, đó là một sự mất mát lớn nhất. Vì sống ở đời, mọi thứ của cải, vật chất... khi mất đi, chúng ta có thể tìm lại được, nhưng khi bố mẹ đã qua đời, chúng ta tìm lại ở đâu?

Người xưa đã nói:
“Còn cha, còn mẹ thì hơn,
Không cha, không mẹ như đàn đứt dây.
Đàn đứt dây còn tay nối lại,
Mất cha, mất mẹ rồi biết thuở tìm đâu”.

Trong tâm tình của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, khi suy niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu trên đường khổ giá, tôi chợt nhớ lại câu hỏi của bạn sinh viên đã hỏi tôi trong dịp Tết Nguyên Đán, và trong dòng suy nghĩ của tôi về câu trả lời hôm đó: “Ước mong bố mẹ luôn mạnh khỏe, an vui và được sống lâu” đã thôi thúc tôi chia sẻ một vài tâm tình trong tập san Ra Khơi, số 24 như một nốt nhạc trầm trong bản nhạc vui của tập san với tiêu đề: “Nén Hương Lòng và Niềm Tin Phục Sinh”.

Bạn thân mến,
Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta đều có những mong muốn riêng, nhưng có lẽ ai trong chúng ta cũng mong muốn bố mẹ mình được mạnh khỏe và sống lâu. Thế nhưng, với quy luật tự nhiên của phận người: Sinh – lão – bệnh – tử, không ai có thể tránh được cái chết.

Hữu sinh tất hữu tử. Được sinh ra và sống ở đời, ai cũng phải đi đến cái đích cuối cùng của kiếp nhân sinh, đó là cái chết. Chết là một sự thật, một sự thật hiển nhiên, không ai phủ nhận.

Nhưng ta tự hỏi: Đàng sau cái chết là gì ?
Đó là một câu hỏi lớn.
Đó là một mầu nhiệm.

Đức tin Công giáo dạy ta rằng, đàng sau cái chết là một sự sống mới. Sự sống mới trong Đức Kitô, Đấng đã chịu chết, nhưng đã sống lại để mang lại sự sống đời đời cho những ai tin vào Ngài. Vì thế, Thánh Phao-lô tông đồ đã nói: “Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng sống lại với Người” (Rm 6,8).

Đức Kitô đã sống lại thật. Ngài đã sống lại để mang niềm vui ơn cứu độ và sự sống đời đời cho nhân loại. Thánh Phanxicô Assisi đã nói: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Vui sống muôn đời, vì qua cái chết, chúng ta được trở về quê hương đích thực. Quê hương ấy đã được thánh Phao-lô tông đồ khẳng định: “Quê hương chúng ta ở trên trời” (Pl 3,20).

Đó là niềm tin của người Công giáo. Niềm tin ấy giúp tôi suy niệm và chiêm ngắm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu cách mật thiết hơn trong Tam Nhật Thánh. Niềm tin ấy là nền tảng, giúp tôi lắng đọng tâm hồn trong cuộc thương khó, nhất là trong sự chết của Chúa Giêsu để rồi hướng tới niềm vui Phục Sinh của Đấng cứu độ trần gian, như lời Chúa Giêsu đã nói: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại” (Lc 9,22).

Lời của Chúa đã nâng đỡ đức tin của tôi. Trong đức tin, tôi xác tín: cái chết của Chúa Giêsu không phải là một kết cục bi thảm như những người không có đức tin thường nghĩ. Trái lại, đó là một chiến thắng trong vinh quang, mở đường đem lại sự sống đời đời cho những ai đã cùng chết với Chúa Giêsu sẽ được cùng Ngài sống lại hiển vinh. Sự xác tín ấy giúp tôi can đảm đối diện trước cái chết của phận người, nhất là trước cái chết của những người thân trong gia đình.

Tuy nhiên, với tình cảm tự nhiên của con người, khi đối diện trước cái chết, nhất là trước cái chết của những người thân yêu, ruột thịt, ai trong chúng ta cũng mang một tâm trạng buồn sầu và sợ hãi.

Tôi cũng vậy, đứng trước sự ra đi của bố mẹ tôi, tôi cũng buồn và sợ hãi. Tôi buồn và sợ hãi vì cái chết đã ngăn cách mối dây tình cảm của tình cha con, tình mẹ con, để rồi từ đây mãi mãi cha con, mẹ con không còn được gặp nhau trên trần gian này.

Mang tâm trạng ấy trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, tôi hướng lòng mình về Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu. Nơi đó, Chúa Giêsu đã tha thiết cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha trước khi Ngài bước vào cuộc khổ nạn.

Trong vườn Cây Dầu, khi sắp phải đối diện trước cái chết, Chúa Giêsu cũng buồn sầu, sợ hãi, sợ hãi đến nỗi đổ mồ hôi máu mình ra. Trong nỗi buồn sầu và sợ hãi đến tột cùng ấy, Chúa Giêsu đã kêu lên cùng Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được thì xin cho con khỏi uống chén này” (Mt 26, 39). Đó là lời kêu xin thống thiết nơi bản tính con người của Chúa Giêsu. Bởi vì đã là con người, ai trong chúng ta cũng sợ chết và muốn được sống.

Muốn được sống mà lại phải chết, đó là một sự buồn sầu, một sự sợ hãi, và đó cũng là lý do khiến tôi muốn chia sẻ cùng Bạn một vài tâm tình dưới đây như một Nén Hương Lòng của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.

… Bạn ạ, ngày tôi được vào Chủng viện là ngày giỗ 4 năm của mẹ tôi. Và sau 8 năm học tập, tu luyện, đến ngày tôi chuẩn bị ra trường, cũng lại là ngày chuẩn bị giỗ 4 năm, ngày bố tôi qua đời. Trong suốt những năm học tập, vất vả ấy, mẹ tôi ra đi, bố tôi cũng ra đi. Một sự ra đi không có ngày trở lại. Điều ấy đã để lại trong tôi bao nỗi trống vắng, tủi buồn và nhớ thương.

Ngày mẹ tôi ra đi, tôi đội chiếc khăn tang trên đầu, chiếc khăn tang ấy nói cho tôi biết: tôi đã mất mẹ. Nỗi buồn vì sự ra đi của mẹ tôi chưa nguôi, tôi lại phải đón nhận nỗi buồn thứ hai: bố tôi ra đi. Một lần nữa, tôi lại ngậm ngùi đội lên đầu chiếc khăn tang trắng lần thứ hai. Chiếc khăn tang trắng lần này, một lần nữa lại nói với tôi: tôi đã mất bố.

Đứng trước cảnh mẹ ra đi, rồi bố cũng ra đi, lòng tôi trống vắng, bơ vơ, và mọi sự trong nhà tôi cũng trở nên im lìm, hưu quạnh. Trong sự im lìm, hưu quạnh ấy, tôi lặng lẽ đứng trước di ảnh bố mẹ: Thắp một nén hương. Nén hương của cõi lòng. Nén hương của niềm tin, niềm tin phục sinh: Phục sinh trong Đức Kitô. Trong đức tin, tôi đọc thầm: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy, Amen”.

Trong sự sống lại của Đức Kitô, tôi tin bố mẹ tôi sẽ sống lại trong ngày sau hết. Thế nhưng niềm tin ấy nơi tôi vẫn trĩu nặng một nỗi buồn miên mang.

Lặng lẽ. Tôi ngước mắt nhìn lên Thánh Giá Chúa.
Chúa đã chết.
Lặng lẽ. Tôi nhìn sang di ảnh bố mẹ.
Bố mẹ tôi cũng đã chết.
Chết là hết ư?

… Không. Chết không phải là hết!
Chúa đã chết, nhưng Ngài đã sống lại.
Bố mẹ tôi cũng đã chết, nhưng ngày tận thế, bố mẹ tôi sẽ sống lại trong sự sống lại của Đức Kitô để cùng Ngài hưởng sự sống đời đời.

Những dòng suy nghĩ trên đây cứ tái hiện trong tâm trí tôi trên suốt chặng đường suy tôn Thánh Giá Chúa từ Khoa Triết sang Khoa Thần của Đại Chủng viện. Trên đường Thánh Giá ấy, mầu nhiệm về sự chết qua cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu đã giúp tôi suy niệm, cảm nếm nhiều hơn về ý nghĩa của sự chết qua cái chết của bố mẹ tôi, để rồi trong sự sống lại của Chúa Giêsu, tôi xác tín thâm sâu rằng: bố mẹ tôi đã cùng chết với Chúa Giêsu thì chắc chắn trong sự sống lại của Ngài, bố mẹ tôi cũng sẽ được sống lại để hưởng sự sống đời đời bên Chúa như lời Thánh Phaolô tông đồ đã nói: “Ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ được sống. Và nếu ai sống mà tin Ta sẽ không chết bao giờ” (Ga 11,25).

Như vậy, hóa ra những nỗi buồn và sự sợ hãi mà tôi phải đối diện trước cái chết của bố mẹ tôi trước đây, một lần nữa không làm cho tôi thất vọng. Trái lại, những biến cố ấy giúp tôi xác tín cách thâm sâu hơn nữa cho sứ vụ loan báo Tin Mừng về một Đức Giêsu chịu đóng đinh, nhưng đã sống lại để mang ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.

Trong niềm tin ấy, tôi tin tưởng tất cả những ai đã cùng chết với Đức Kitô, chắc chắn họ sẽ được sống lại cùng với Người trong ngày sau hết để được sống muôn đời. Đó là niềm tin, và đó cũng là lý do để trong ánh sáng của Đức Kitô Phục Sinh, chúng ta cùng nhau tung hô:

Aleluia. Aleluia.
Chúa đã sống lại. Aleluia. Aleluia. Amen. 

Tác giả: Lm. Đaminh Tiến Trần

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập185
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm158
  • Hôm nay33,758
  • Tháng hiện tại862,784
  • Tổng lượt truy cập69,922,658
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây