Chuyến tầu cao tốc TGV[1]
Thứ hai - 17/05/2021 08:14
1436
Tôi nhớ hôm đó vào kỳ nghỉ Phục Sinh, trên chuyến tầu cao tốc từ Toulon qua Nice, qua Mônacô, rồi tới Rôma. Con tầu hút gió, lao mình về phía trước giữa những cánh đồng hoa Mù tạc vàng rực bát ngát mênh mông ở bên đường như đưa hành khách đến chân trời tương lai rộng mở ngập tràn niềm vui và hạnh phúc.
Ở các nước Châu Âu, một năm học có rất nhiều kỳ nghỉ, ngoài các ngày lễ lớn của Giáo Hội cũng như của xã hội còn có các kỳ nghỉ lớn như: Một tuần vào dịp lễ Các Thánh, hai tuần vào dịp lễ Giáng Sinh, một tuần nghỉ đông và hai tuần vào dịp lễ Phục Sinh. Thế nhưng mỗi khi kỳ nghỉ tới, cổng Chủng Viện nơi tôi theo học lại được khép lại. Đi ra khỏi Chủng Viện vào các dịp nghỉ, gần như đã nằm trong chương trình đào tạo của Chủng Viện, để chuẩn bị cho đời sống mục vụ sau này và tinh thần truyền giáo của mỗi chủng sinh: Khả năng tự lập, thích ứng với hoàn cảnh, trưởng thành trong đời sống ơn gọi, tập sống với giáo dân, loan báo và làm chứng cho Tin Mừng v.v… Vào các dịp nghỉ, anh em chủng sinh ở Châu Âu có thói quen về thăm nhà, đi thăm người quen, tham gia các hoạt động ngoại khóa, đi hành hương hay cắm trại v.v…, nhưng nhóm chủng sinh Châu Á chúng tôi lúc đầu gặp không ít khó khăn, như phải liên hệ trước những gia đình, người quen hay cộng đoàn mình sẽ tới và lo mua vé cũng như chuẩn bị hành lý v.v...
Ở Pháp có rất nhiều tầu cao tốc chạy ngang dọc khắp đất nước và sang cả các nước lân cận như : Đức, Thụy Sĩ, Bỉ, Ý. Đi tầu cao tốc rất thuận tiện, sạch sẽ, văn minh, dễ đến nhà ga, thủ tục đơn giản. Tầu cao tốc có thể đạt tới 300 km/h nghĩa là khoảng 4 đến 5 tiếng, từ sáng tới trưa bạn đã có thể đi từ miền Nam tới miền Bắc của đất nước. Đó cũng là lý do mà lần này tôi đã chọn tầu cao tốc để đi hành hương Rôma.
Thời tiết đầu tháng Tư nơi đây ấm áp, không còn buốt giá, băng tuyết. Rất đẹp! Cây cối sau thời gian dài ngủ đông đã bừng tỉnh, đua nhau nở hoa đưa hương như báo trước một mùa đầy trái thơm quả ngọt. Trên các nẻo đường, thôn xóm, thành phố rực rỡ muôn mầu hoa đua nhau kheo sắc trước ánh nắng vàng dịu hiền.
Khi con tầu đã khởi hành khoảng ba mươi phút, bất chợt tôi nghe có tiếng thở dài của một người đàn bà hàng ghế sau: Trời ơi! Sao Chúa lại phạt con tôi!
Tôi lấy làm lạ và tự đặt câu hỏi tại sao trên đất nước từng mệnh danh là trưởng nữ của Giáo Hội mà vẫn còn người đổ lỗi cho Thiên Chúa về sự đau khổ của con người. Vẫn biết, trước sự đau khổ con người được phép đi tìm nguyên nhân và các nguyên nhân đó thì rất nhiều: Có thể do bản thân như thiếu thận trọng trong khi tham gia giao thông hay đam mê, tội lỗi, hoặc do tha nhân gây đau khổ cho ta một cách trực tiếp hay gián tiếp. Các nguyên nhân của đau khổ đó cũng có thể do ma quỷ hay các yếu tố ngoại cảnh như dịch bệnh, thiên tai bão tố và các qui luật sinh, lão, bệnh, tử của kiếp nhân sinh. Nhưng có một điều chắc là Thiên Chúa không bao giờ là nguyên nhân gây ra đau khổ hay trừng phạt một cách nhãn tiền con người, dù rằng sách giáo lý của Hội Thánh có dậy tới ngày quang lâm của Đức Kitô, Thiên Chúa sẽ thưởng phạt một cách công minh.
Hơn nữa, nhiều khi sự đau khổ của con người là một Mầu Nhiệm mà ta chưa thể lý giải ngay được. Về điểm này, tôi luôn nhớ lời căn dặn của Cha Giáo Sư trong Chủng Viện là: « Nhiều khi trong mục vụ đồng hành với những người đang gặp đau khổ, thì việc lí luận tìm các nguyên nhân đau khổ trong lúc họ đang chịu đau khổ hầu như có rất ít tác dụng. Tốt hơn lúc đó ta đồng hành, hiện diện, ở bên cạnh, thinh lặng, cầu nguyện cho họ ». Thật vậy! Sự đau khổ nhiều khi là Mầu Nhiệm mà ta không giải thích được. Đức Kitô là Con Thiên Chúa, Người vô tội, không ai trừng phạt Người, nhưng Người đã chịu đau khổ, chết trên cậy Thập Giá để cứu chuộc chúng ta. Sự đau khổ của Người lại là nguồn ơn cứu độ cho chúng ta. Đức Kitô là Người Tôi Trung khổ đau mà sự khổ đau đó không phải do lỗi của Người. Người Tôi Tớ khổ đau, hiền lành đã được Thiên Chúa yêu thương suy tôn đến tột cùng như tiên tri Isaia loan báo: «Này đây, người tôi tớ của Ta sẽ thành đạt, sẽ vươn cao, nổi bật, và được suy tôn đến tột cùng. Cũng như bao kẻ đã sửng sốt khi thấy tôi trung của Ta, mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa, cũng vậy, người sẽ làm cho muôn dân phải sững sờ, vua chúa phải câm miệng, vì được thấy điều chưa ai kể lại được hiểu điều chưa nghe nói bao giờ» (Is 52,13-15).
Cũng thế trong lịch sử, Giáo Hội có biết bao thánh nhân được ơn tham gia vào sự đau khổ của Đức Kitô, cộng tác vào chương trình cứu chuộc nhân loại của Thiên Chúa. Thánh Gioan Thánh Giá nhìn thấy việc chấp nhận, chịu đựng khổ đau bằng tình yêu là con đường giúp các linh hồn đạt tới Nước Trời: « Tôi thấy một con sông mà trên đó mỗi linh hồn phải vượt qua để đến vương quốc thiên đàng và tên của con sông là chịu đựng. Và tôi thấy có con thuyền mang các linh hồn, tên của các con thuyền đó là tình yêu »[2]. Thánh Pio năm dấu sau khi cầu nguyện được in năm dấu thánh ở tay, chân và cạnh sườn cũng nói về sự đau khổ trong cuộc đời người tín hữu: “Cuộc đời Kitô hữu không gì khác hơn là cuộc chiến đấu dai dẳng với chính mình; không có sự thăng hoa của linh hồn để đạt đến sự tuyệt hảo mỹ miều nếu không phải trả giá sự đau khổ”.
Tôi đang tập trung suy nghĩ thì lại có tiếng nói từ phía sau vọng lên và hình như là của người chồng thì phải: « Thôi bà đừng than van nữa kẻo phải tội ». Để ý lắng nghe hơn tôi hiểu rằng, ông bà ngồi hàng ghế sau có người con trai mới gặp tai nạn xe, đang được chữa trị tại bệnh viện Marseille và ông bà đang tới thăm. Ông bà cũng là người giáo dân thuộc địa phận Toulon nơi tôi đang theo học Chủng Viện. Dẫu vậy tôi cảm thấy hình như có chỗ nào đó chưa phải lắm! Sao ông lại không cho bà lên tiếng trước sự đau khổ. Lên tiếng đúng mực trước đau khổ cũng góp phần xoa dịu và làm nguôi ngoai sự đau khổ của ta phần nào. Như ông Gióp trong Kinh Thánh là người công chính nhưng Thiên Chúa để cho Satan làm khổ. Tuy ông luôn tin vào Chúa, nhưng cũng lên tiếng biện hộ trước đau khổ và Thiên Chúa vẫn đồng ý, coi ông là người công chính.
Tôi đang liên tưởng sự đau khổ của ông bà với môn học về sự đau khổ mà tôi vừa được học trong Chủng Viện thì tiếng còi tầu bỗng vang lên cắt ngang dòng suy tư. Con tầu đã tới sân ga Maseille, ông bà vội vàng xuống tầu và tôi cũng chỉ kịp giúp ông bà lấy hành lý. Con tầu lại tiếp tục đưa tôi đi xa hơn. Tôi suy tư nhiều hơn về sự đau khổ của kiếp người nơi trần thế. Sự đau khổ có thể xảy ra cho mọi người không phân biệt người Pháp hay người Việt. Giáo dân nơi đây cũng như trên quê hương tôi luôn cần được người khác đồng hành, giúp đỡ trong khổ đau và bất hạnh. Cổng Chủng Viện nơi tôi theo học cũng cần được đóng lại vào các kỳ nghỉ để cánh chủng sinh chúng tôi có thêm trải nghiệm thực tế. Cũng thế, những chuyến tầu cao tốc đã trở nên phương tiện cần thiết cho chúng tôi không chỉ trong việc chuyên chở mà còn trong suy tư, gặp gỡ, mục vụ và truyền giáo. Tôi liên tưởng và suy gẫm tới sự khổ đau của Mẹ Maria cũng như dâng lên Mẹ nỗi khổ đau của ông bà để Mẹ cầu bầu cùng Chúa an ủi, chữa lành người con của ông bà. Mẹ đã chịu đau khổ để cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa nhất định Mẹ sẽ là ngôi Sao Mai soi đường, chỉ lối cho gia đình ông bà trong sự khổ đau này, cũng như cho mọi người chúng ta.
«Lòng Mẹ âu sầu nát tái tê
Ở bên Con Chúa lúc ê chề
Bao lời chửi rủa không thương xót
Những trận roi đòn thật thảm thê
Khi trước Giáng Sinh vua bái lậy
Trong giờ Tử Nạn lính cười chê
Khổ đau Mẹ dẫn người dương thế
Đường tới Thiên Đàng chính thật quê».
TGV là ba chữ cái đầu trong tiếng Pháp diễn tả con tầu cao tốc Train à grande vitesse Timothy M. Dolan, Linh Mục cho ngàn năm thứ ba, (chuyển ngữ Pt Giuse Trần Văn Nhật), tr. 179.
Tác giả: Lm. Giuse Đỗ Quần Phương
Nguồn tin: Ra Khơi số 24