Đối thoại, hành động của đức tin
Thứ hai - 07/06/2021 06:00
1465
“Cháu này, nhớ cầu nguyện cùng Chúa Trời cho ông với nhé”. Ông vừa nói vừa đưa bàn tay gầy guộc, xanh xao nắm lấy tay tôi như muốn đặt trong sự tin tưởng vào một Chủng sinh, người đang được đào tạo để trở thành môn đệ thân tín của Chúa. Có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được khoảnh khắc ấy bởi nó cho tôi một cảm giác lạ thường. Ông không phải là một theo đạo, nhưng tôi cảm nhận được ông có một niềm tin rất mạnh vào Thiên Chúa.
Sau hơn chục năm, từ khi rời xưởng mộc để theo lời mời gọi dâng mình cho Chúa, tôi mới có dịp gặp lại ông, người chủ xưởng mộc tôi đã từng gắn bó. Đã bao năm nay phần vì bận rộn với việc học tập, phần vì ít khi ở nhà nên hai ông con chưa một lần gặp lại. Tôi chỉ nghe người ta nói rằng ông bị xương thủy tinh đã nhiều năm. Văn hóa gặp gỡ, đối thoại như tiếp thêm cho tôi ngọn lửa nhiệt huyết để đến với những người nghèo khó, bệnh tật.
Dịp tết vừa qua, tôi quyết định đến thăm ông. Con đường vào nhà ông trước đây chỉ là đoạn đường đất, ngày nắng thì bụi mù, ngày mưa thì lầy lội, có những lúc tôi phải dắt bộ chiếc xe đạp cà tàng, mười đầu ngón chân phải bấm chặt xuống đất cho khỏi trơn trượt. Nay nó đã được phủ lớp bê tông phẳng lì với hai hàng cây xanh tốt bên ven đường. Dù đường xá và quang cảnh đã thay đổi hoàn toàn, nhưng từ xa xa, căn nhà ba gian với mái ngói đã phai màu vẫn hiện lên. Đối nghịch với cảnh nhộn nhịp của ngày tết, mọi người tấp nập mua sắm và trang hoàng cho ngôi nhà của mình, căn nhà ông vắng vẻ đến lạ thường. Bước chân vào nhà, mùi hôi của mùa nồm ẩm mốc cộng với cái mùi của người bệnh thật dễ khiến người ta cảm thấy khó chịu. Đến bên cạnh giường, tôi gọi và chào ông, nhưng ông không còn nhận ra tôi. Sau khi tôi giới thiệu tên và nói chuyện vui thời học nghề, ông đã dần nhớ lại.
Về phần ông, trải qua nhiều lần xạ trị, mái tóc đen nhánh ngày nào giờ đã chuyển màu trắng như cước, làn da nhăn nheo không còn sức sống, giọng nói thều thào. Bàn tay ông gầy guộc, chai sạn với nhiều chấm đồi mồi cho thấy một cuộc đời đã dạn dày sương gió. Căn bệnh quái ác đã hành hạ ông nhiều năm, kèm theo đó là những cơn đau như muốn gãy từng khúc xương. Ông chia sẻ: “những lúc đau đớn như vậy, không có ai bên cạnh, ông chỉ muốn chết đi mà không được”. Ông nói mà những giọt nước mắt rưng rưng trào ra hai khóe mắt vì vừa thương nhớ người vợ bao năm chung sống, chia sẻ đắng cay, ngọt bùi đã qua đời sau một vụ tai nạn giao thông vừa xót xa cho số phận mình khi đứa con trai mà ông hết mực yêu thương, và là chỗ nương tựa duy nhất lúc tuổi già lại rơi vào cảnh nghiện ngập. Đứa con dâu dù có ngoan ngoãn, hiền lành, chịu thương chịu khó đến đâu cũng không thể chịu nổi những trận đòn của người chồng vũ phu nên bỏ về nhà ngoại.
Giờ đây chỉ còn mình ông cô đơn buồn tủi trong căn nhà vắng tanh “ăn cho qua ngày và chờ cho qua đời”. Khi biết tôi đi tu, ông mừng lắm. Ông khuyên tôi chịu khó học hành và không ngớt lời với tôi “Cháu này, nhớ cầu nguyện cùng Chúa Trời cho ông với nhé”.
Hoàn cảnh của ông chỉ là một trong số rất nhiều những mảnh đời bất hạnh. Hành trang tôi mang bên mình để đến với ông chẳng có gì ngoài một con tim chân thành, nồng ấm, muốn được sẻ chia như Lời Chúa Giêsu đã dạy: "Cho thì có phúc hơn là nhận" (Cv 20,35).
Tôi ra về, ngồi lên xe mà trong đầu vẫn văng vẳng tiếng thều thào của ông: “Cháu đừng quên cầu nguyện cho ông”. Đó như một lời đánh thức tôi, một Chủng sinh đang được đào tạo về nhân bản và thiêng liêng. Tôi miên man nghĩ mãi về lời ông xin tôi. Chợt nhớ lại hình ảnh Cha xứ quỳ trước Chúa Giêsu Thánh Thể mà tôi thường gặp mỗi buổi chiều. Hình ảnh đẹp ấy nơi Cha xứ đã cuốn hút và khơi trong tôi ơn gọi dâng mình cho Chúa. Nhờ đó, tôi xác tín rằng chính Chúa đã gìn giữ và luôn đồng hành với tôi trên bước đường ơn gọi đến giờ này.
Cuộc gặp gỡ và thăm hỏi ông chủ xưởng mộc đã giúp tôi có suy nghĩ: Gặp gỡ, đối thoại đâu phải chỉ dừng lại ở những món quà vật chất hay những việc làm vĩ đại… nhưng đó có thể chỉ đơn giản là những cử chỉ đơn sơ, lời thăm hỏi ân cần mang tình yêu Giêsu. Gặp gỡ, đối thoại, đến với người nghèo khó, đơn giản là ra khỏi lòng mình, thoát ra khỏi cái tôi ích kỷ co cụm để chia sẻ, quan tâm đến nhu cầu của anh chị em đồng loại, lắng nghe những tâm sự của họ. Từ đó giúp họ nhận ra rằng chỉ có thể vượt qua khó khăn, đau khổ khi họ có niềm tin vào Thiên Chúa, giúp họ nhận ra được tình yêu của Thiên Chúa. Đó cũng là một cách để ta giới thiệu Chúa cho họ. Thay vì xây bức tường ngăn cách, ta được mời gọi trở nên chiếc cầu nối giữa Đức Kitô và họ, cùng vui mừng và lo âu với con người, vui với người vui, khóc với người khóc, bởi đó là bổn phận của tất cả những ai mang danh là Kitô hữu. Như vậy, có thể nói đối thoại là một hành động của đức tin vì “đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17).
Đối tượng ta cần gặp gỡ, đối thoại không ở đâu xa. Đó là những người chung quanh bạn, chung quanh tôi, những người bạn và tôi gặp gỡ hàng ngày. Ta không cần làm những gì to tát, hay tặng những món quà giá trị, nhưng với tấm lòng chân thành, dù chỉ một chén nước lã thôi cũng đủ làm cho Chúa hài lòng như Chúa đã khen ngợi những người ngồi bên hữu Ngài: "Ta đói các ngươi đã cho ăn, Ta khát các ngươi đã cho uống, Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm" (Mt 25,35-36).
Mặc dù ông là không tôn giáo, nhưng tôi cảm nhận được ông có niềm tin thật mạnh vào Thiên Chúa. Ông tín thác vào quyền năng của Chúa trước sự bất lực của con người về căn bệnh quái ác. Thời gian tôi ở bên ông thật ngắn ngủi, nhưng nó đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc. Cuộc gặp gỡ ông, nhất là việc ông xin tôi cầu nguyện cho ông như một lời nhắc nhở tôi ý thức hơn về việc cầu nguyện. Ngoài việc gặp gỡ, đối thoại với tha nhân, tôi còn phải gặp gỡ, đối thoại và kết hiệp với Chúa qua việc lắng nghe Lời Ngài, bởi Chúa là Nguồn Sức Mạnh, Nguồn Trợ Lực cho tất cả những ai là môn đệ Ngài, Nguồn Trợ Lực của đời tôi.