Tản mạn về sự thinh lặng

Thứ năm - 17/02/2022 21:35  1219
1 2Con người có thể nói là hữu thể độc đáo nhất so với mọi hữu thể khác trong vũ trụ. Có rất nhiều nét độc đáo mà chỉ con người mới có. Chẳng hạn, con người đơn giản là một sinh vật biết cười, là một hữu thể biết suy tư, một sinh vật chính trị… hay một sinh vật có ngôn ngữ. Theo một tài liệu được công bố của Ethnologue, tính đến tháng 09 năm 2019 có khoảng hơn 7111 ngôn ngữ được biết đến trên thế giới. Nhưng con số này vẫn chưa chính xác bởi người ta vẫn chưa thể xác định được hết cư dân ở một số vùng đất đặc biệt trên thế giới đang dùng ngôn ngữ gì.[1] Tuy nhiên, có những ngôn ngữ mà con người không cần phải dùng lời nói hay chữ viết để giao tiếp, hay thông truyền thông tin với nhau mà đối phương hay mọi người vẫn có thể hiểu. Đôi khi đó chỉ cần một cái nhìn, một cái phẩy tay, hay một phản ứng trên cơ mặt và thậm chí là sự thinh lặng... Phải chăng giữa cuộc đời đầy sóng gió và bão hòa về sự náo động, đôi khi hay nhiều lúc từ ngữ hay cử chỉ là không đủ để diễn tả hay thấu hiểu? Những lúc như vậy, phải chăng con người vẫn còn cần những giây phút thinh lặng để nhìn, để nghe, để cảm và để nói một thứ ngôn ngữ của đất trời, của lòng mình và của Chúa Trời, Đấng hiện diện và thấu suốt những điều kín đáo.

Tuy nhiên, không phải thinh lặng lúc nào cũng là tích cực, cũng chẳng phải lúc nào lặng thinh cũng tốt. Có nhiều thứ thinh lặng, có nhiều thứ lặng im trong cuộc đời, đôi khi vì nó vốn thế một cách tự nhiên, hay vì hoàn cảnh bắt phải như vậy. Nhưng cũng có những giây phút thinh lặng mang đến cho con người nguồn năng lượng tích cực cùng những khả năng vô tận mà chỉ nơi thinh lặng của sâu thẳm tâm hồn, con người mới thực sự gặp gỡ được thiên nhiên, đất trời, gặp gỡ người khác, gặp gỡ chính mình và chỉ nơi thinh lặng và trong sự thinh lặng, con người mới có khả năng nhận ra và gặp gỡ được Đấng Siêu Việt là Thượng Đế.

Cuộc sống vốn được dệt nên bởi muôn vàn những điều kì diệu và đối nghịch, giữa thiện và ác, giữa tối và sáng, giữa trắng và đen… hay giữa sôi động và tĩnh tại, hay thinh lặng. Đâu đó, dẫu giữa những náo động, ầm ĩ, hay ồn ào, vẫn còn đó những sự im lặng như nó vốn thế. Đó là sự im lặng mang tính chất tự nhiên hay sinh học. Trong vũ trụ bao la vẫn còn đó những khoảng không gian tĩnh lặng nơi đất trời như ngưng thở để quan sát hay chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chính mình hay của tạo hóa; vẫn còn đó xung quanh ta một nơi nào đó hoang vắng không một tiếng động hay bất cứ một âm thanh nào… Cũng vậy, nơi con người, sự thinh lặng có thể là một khoảng khắc hay hoàn cảnh nào đó tức thời hay kéo dài mà ta chẳng thể nói hay chẳng phát ra một âm thanh nào ngoài tiếng thở để biểu hiện sự hiện hữu như khi ta ngủ hay chìm đắm trong một trạng thái suy tư nào đó. Đó là sự vận hành tự nhiên vốn làm nên những cuộc đời, và những khoảng khắc đó thật đẹp.

Nhưng đâu đó vẫn còn những phận người do bẩm sinh hay vì một lý do nào đó mà bị khuyết tật ngôn ngữ hay bị câm. Đó thật sự là một sự thiệt thòi rất lớn bởi khi mất khả năng nói, con người phải thinh lặng một cách miễn cưỡng đầy đau khổ. Dù có những phương tiện hay ngôn ngữ cơ thể để hỗ trợ nhưng chẳng gì có thể thay thế ngôn ngữ vốn làm nên bản chất người và khi đó con người mất đi một phần thế giới, một phần gia sản mà họ đáng được hưởng... Một câu hỏi đặt ra là Tạo Hóa thật diệu kì, nhưng có công bằng không khi vẫn còn đó những con người bị như thế từ thuở mới sinh. Đó là một nỗi đau, một câu hỏi mà có lẽ chỉ có được câu trả lời ở một nơi xa xăm nào đó hay trong trong niềm tin mà chúng ta đang theo và hướng về. Để rồi nhờ niềm tin, con người tiếp tục hy vọng, học cách chấp nhận và sống chung với những gì không thể đổi thay, mà sống để cảm thông và yêu thương nhiều hơn, bởi cuộc đời vốn thế và phận người vốn vậy.

Bên cạnh đó, cũng có sự thinh lặng thể hiện một trạng thái tâm lý nào đó mà có lẽ ai trong chúng ta cũng đã từng hoặc sẽ phải trải qua trong cuộc đời. Đó có thể là sự im lặng của sự khinh bỉ hay coi thường. Khi một người nào đó coi thường những gì mà người khác thể hiện một cách thái quá, hay đơn giản vì không thích, thì người đó thay vì tranh cãi với đối phương sẽ im lặng và làm ngơ để thể hiện thái độ không quan tâm “mac-ke-no”, thậm chí tệ hơn là khinh ra mặt vì đúng là im lặng đôi khi là đỉnh cao của sự khinh bỉ. Cùng với đó, khi một người vì qua tức giận, và ức chế vì một người hay một điều gì đó mà không thể làm gì được, hay không muốn phản ứng thì cũng chỉ biết nhịn, cắn răng nín lặng và bỏ đi. Cũng có những người  vì sợ hãi quá mà nín lặng không nói nên lời, tê dại và tắc tiếng, chẳng hạn khi gặp một cảnh huống bất ngờ hay khủng khiếp nào đó, bị kẻ thù tấn công, họ rơi vào trạng thái tâm lý sợ hãi cao độ đến mức lặng người. Đó là những trạng thái ức chế tâm lý cao độ mà sự im lặng choán chỗ và thay thế cho một sự bùng nổ về tâm lý.

Tuy nhiên, giữa muôn vàn những trạng thái và kiểu thinh lặng khác nhau của cuộc đời, dẫu vẫn còn đó những trạng thái thinh lặng tiêu cực và không mong muốn, thì cuộc đời vẫn được đan kết bởi những khoảng lặng mang lại nguồn năng lượng tích cực giúp cuộc sống trở nên đáng sống hơn. Đó là những khoảng lặng nơi tâm hồn và cao hơn là sự thinh lặng nội tâm hay tâm linh, mà chỉ con người, một sinh vật tôn giáo mới có và tận hưởng được. Nơi đó, con người thinh lặng trong sự lắng nghe và để cảm tiếng nói của chính tâm hồn và của Tạo Hóa, thinh lặng chứ không lặng thinh, thinh lặng mà không hề bất động hay câm nín sợ hãi.

2 2Đối với mỗi Kitô hữu, Thánh Giuse có thể nói là một mẫu gương mẫu mực cho chúng ta về sự thinh lặng thánh này. Dù Kinh Thánh không nói nhiều về ngài, nhất là không hề có một câu nào trên môi miệng ngài phát ra dù những dữ kiện về thánh nhân trong các biến cố đầu đời của Đấng Cứu Thế được gì lại và hình ảnh của ngài không hề xa lạ trong những trang đầu của sách Tin Mừng. Tin Mừng dường như vẽ lên một Giuse thật lạnh lùng, kiệm lời và vô cảm nhưng dù thánh nhân không nói một câu nào thì chắc chắn ngài không bao giờ phải là một người câm, cũng chẳng có gì khẳng định ngài là một con người lạnh lùng ít nói. Trái lại, thánh nhân là một gia trưởng gương mẫu trong mọi vấn đề bởi gia đình thánh gia không thể thánh nếu thiếu những tiếng cười, những cuộc trò chuyện, những vui buồn của một gia đình vốn có, hay sự quan tâm, tình yêu thương mà sự lạnh lùng hay vô cảm không bao giờ có chỗ trong gia đình Thánh Gia. Điều mà Giáo hội muốn con cái xác tín nơi thánh Cả Giuse về việc Kinh Thánh không ghi lại những phát ngôn của ngài là muốn làm nổi bật sự thinh lặng tâm linh tuyệt vời của thánh Giuse. Chính sự thinh lặng nội tâm tuyệt vời này giúp Ngài trở thành gương mẫu của mọi gia trưởng và giúp Ngài lèo lái gia đình Thánh Gia luôn đi theo đường lối và chương trình của Thiên Chúa.

Cách riêng, trong tông thư Patris Corde, Đức thánh cha Phanxicô khẳng định: “Sự thinh lặng kiên nhẫn của ngài dẫn tới những thể hiện cụ thể của lòng tin tưởng. Thế giới của chúng ta ngày nay cần những người cha. Nó không chấp nhận những bạo chúa, những kẻ hà hiếp người khác như một phương tiện để bù đắp cho nhu cầu của chính họ.”[2] Như vậy, nơi thinh lặng nội tâm, nhất là khi nghe tiếng Chúa, có lẽ ngài không bị chi phối quá nhiều bởi những ưu tư hay xáo trộn bề ngoài, nhưng chỉ nơi đó, thánh nhân mới có thể nghe, hiểu và thi hành lời hay những mệnh lệnh của Chúa một cách mau mắn đúng theo tinh thần và điệp khúc “khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy”(Mt 1, 24) và giúp Thánh Gia mãi là gia đình, trường học và môi trường thánh cho mọi gia đình. Với ngài, có lẽ ngôn ngữ duy nhất để giao tiếp với Chúa là sự thinh lặng nội tâm, nơi đó không một âm thanh nào có thể len lỏi và làm ngài xáo động ngoài tiếng Chúa và chỉ nơi đó, Ngài mới có đủ nghị lực để vượt qua mọi rào cản của sự thất vọng, của sự ghen tỵ và sự trả thù để nâng niu, để yêu thương và chăm sóc Mẹ Maria và Chúa Giêsu vượt qua những sóng gió của cuộc đời và của phận người. Ngài đã sống trọn một cuộc đời xứng với danh hiệu Đấng Công Chính và trở nên một gia trưởng mẫu mực cho mọi gia trưởng dù ở bất cứ thời đại nào…

Thế giới càng phát triển, con người càng vội vã, bon chen và xáo động đến mức quên đi và không để những khoảng lặng, những giây phút lắng đọng len lỏi vào cuộc đời và tâm hồn khiến nhiều người trở thành những cái máy di động. Họ vô tình hay cố ý lãng quên đời sống tâm lý và tâm linh bởi đúng như câu khẳng định của Blaise Pascal: “Tôi vẫn hay nói rằng mọi sự bất hạnh của con người nảy sinh từ một điều duy nhất, đó là không thể an tĩnh trong chính căn phòng của họ.” Con người là một sinh vật của xã hội và tôn giáo, nên nơi con người luôn cần có những khoảng lặng để tái tạo năng lượng và lấp đầy tâm hồn bằng sức mạnh tinh thần và tâm linh mà chỉ tìm được nơi sâu thẳm tâm hồn mỗi người, nơi mà tiếng nói của Thiên Chúa vẫn âm thầm và vang vọng mà đôi khi con người chúng ta không muốn nghe bởi chẳng thể lặng thinh hay chậm lại giữa dòng đời vạn biến. Hình ảnh và mẫu gương về sự thinh lặng thánh nơi thánh Cả Giuse luôn và mãi là kim chỉ nam cho mỗi người dù trong bất cứ cảnh huống hay bậc sống nào hay ở bất cứ thời đại nào. Nhất là trong thời đại công nghệ số này, khi mà nhiều người sợ sự thinh lặng và không dám thinh lặng, để rồi nhiều người buông mình và bị nhấn chìm trong những thứ hạnh phúc giả tạo nơi những xô bồ và náo động đến kích động bóp chết tâm hồn. Thế giới vẫn còn nhiều điều bí ẩn mà con người cần khám phá, ước chi dẫu giữa dòng đời như nước cuốn, con người vẫn giữ và có cho mình những giây phút thực sự thinh lặng để lắng nghe lòng mình và lắng nghe tiếng Chúa nơi sâu thẳm, để trong những lúc căng thẳng nhất hay đau khổ nhất của kiếp người, mỗi người vẫn cảm nhận được nguồn trợ lực và sức mạnh đích thực thúc đẩy và giúp vượt thắng tất cả vì chỉ nơi thinh lặng đó, con người mới có đủ sức mạnh vượt thắng tất cả, dù cuộc đời ra sao và phận người thế nào!

Tác giả: Hừng Đông

Nguồn tin: Tạp chí Ra Khơi số 25

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập298
  • Máy chủ tìm kiếm54
  • Khách viếng thăm244
  • Hôm nay13,482
  • Tháng hiện tại290,678
  • Tổng lượt truy cập75,998,944
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây