Đối thoại, phương thế giúp gia đình hạnh phúc

Thứ năm - 03/06/2021 05:41  1403
untitled 1Trong Tông huấn Amoris Laetitia – Niềm Vui Của Tình Yêu, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định: “Đối thoại là một cách thức ưu việt và thiết yếu để sống, bày tỏ và làm triển nở tình yêu trong đời sống hôn nhân và gia đình” [1]. Thực vậy, đối thoại là yếu tố quan trọng giúp duy trì và củng cố hạnh phúc gia đình. Nhờ đối thoại, vợ chồng, cha mẹ và con cái hiểu nhau hơn, giảm bớt những bất đồng và mang đến cho nhau niềm vui.

Đối thoại là nói và nghe. Cần nói cho nhau nghe những điều mình suy nghĩ và mong ước, đồng thời cần nghe những suy nghĩ và mong ước của người khác. Nghe không chỉ bằng đôi tai, mà còn cả bằng khối óc và con tim. Đức Phanxicô khuyên các vợ chồng: “Hãy dành thời gian, khoảng thời gian chất lượng để lắng nghe một cách kiên nhẫn và chú ý cho tới khi diễn tả hết mọi điều mà người ấy muốn nói […] đừng hấp tấp, hãy đặt qua một bên tất cả các nhu cầu và lo toan cấp thời riêng của bạn, và hãy dành chỗ để lắng nghe. Rất nhiều khi người bạn đời không cần một giải pháp cho vấn đề của người ấy, mà chỉ cần được lắng nghe. Người ấy cần cảm nhận rằng có người hiểu nỗi đau của mình, hiểu sự chán nản, nỗi sợ hãi, cơn giận, những hy vọng và những ước mơ của mình”.

Bên cạnh đó, khi đối thoại, mỗi người cần loại bỏ tính cố chấp. Cố chấp là luôn bảo vệ ý kiến của mình mà thiếu sự lắng nghe hay quan tâm đến ý kiến của người khác. Nếu một trong hai người hoặc cả hai cố chấp lâu dài thì hậu quả sẽ khó lường bởi lúc đó chẳng ai nghe ai, “ông nói gà bà nói vịt” hay “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”. Và như thế, cuộc sống gia đình sẽ trở nên nặng nề, mãi mãi là cuộc đối đầu bất phân thắng bại. Chúng ta được mời gọi: “Hãy cởi mở trong suy nghĩ, đừng tự khép mình lại để mình bị mắc kẹt trong một vài ý kiến và quan điểm giới hạn của mình, nhưng hãy sẵn sàng để thay đổi hay bổ túc ý kiến của mình” bởi lẽ “sự kết hợp cách nghĩ của tôi và cách nghĩ của người kia khác nhau, nhưng có thể dẫn đến một tổng hợp làm phong phú cho cả hai”.

Vì thế, đôi bạn cũng cần nói ra những điều mình suy nghĩ cho người bạn đời. Thẳng thắn đối thoại và biết lắng nghe nhau, nhất là giúp nhau nhận ra những gì đúng, những gì sai, những ưu khuyết điểm để có hướng điều chỉnh, sửa chữa. Tuy nhiên, “điều quan trọng là khả năng nói lên những gì mình nghĩ mà không gây tổn thương cho người khác”. Do đó, “cần phải lựa lời mà nói và lựa chọn cách nói làm sao để được người kia chấp nhận cách dễ dàng hơn, nhất là khi thảo luận những vấn đề gay cấn. Việc nêu những ý kiến phê bình của mình đừng bao giờ gắn với việc xả cơn giận như một hình thức trả thù, và tránh giọng điệu dạy đời chỉ cốt tấn công, châm chọc, tố cáo và gây tổn thương”. Harold Nichlson nói rằng: “Bí quyết lớn nhất làm cho cuộc hôn nhân thành công là coi tất cả các tai họa là chuyện nhỏ và không bao giờ biến chuyện nhỏ thành tai họa”.

Ngoài ra, khi gia đình có những chuyện quan trọng, vợ chồng cần chia sẻ, bàn bạc với nhau. Cha ông ta có câu: “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Làm việc gì cũng nên trao đổi và thống nhất trước khi hành động. Trong lúc bàn bạc cần lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau, không nên độc tài, độc đoán, áp đặt ý kiến của mình bởi lẽ “trong tất cả những gì liên quan đến đời sống chung trong gia đình, hai vợ chồng đều có nhiệm vụ và quyền lợi bằng nhau”[2]. Hơn nữa, nếu thường xuyên chia sẻ tâm tình với nhau, vợ chồng sẽ dễ dàng đi đến chỗ thống nhất trên các lãnh vực công ăn việc làm, tổ chức đời sống, giáo dục con cái, giải trí, giao tế bạn bè, đời sống đạo đức… Nhờ đó, sẽ hiểu nhau, tin tưởng nhau và gắn bó với nhau hơn. Ca dao Việt Nam dạy rằng: “Yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”.

Đồng thời, một nguyên tắc vàng trong các cuộc đối thoại là sự tôn trọng nhau. Điều này lại càng trở nên quan trọng hơn trong đời sống hôn nhân gia đình. Tôn trọng là việc nhìn nhận giá trị của nhau, chấp nhận những mặt hạn chế của nhau, vì “nhân vô thập toàn” đã là con người thì không thể hoàn hảo “mười phân vẹn mười”. Đức Thánh Cha đương kim khuyên đôi bạn: “Hãy phát triển thói quen trao tầm quan trọng thực sự cho người kia. Điều này có nghĩa là biết trân trọng họ, nhìn nhận quyền tồn tại của họ, quyền suy nghĩ theo cách riêng và quyền được hạnh phúc của họ”. Và theo Ngài thì “đừng bao giờ chế giễu những gì họ nói hay nghĩ, ngay cả khi bạn cần diễn tả quan điểm riêng của mình”. Điều quan trong hơn là “cố gắng đặt mình vào chỗ của người ấy, cố gắng nhìn vào trái tim của người ấy, hiểu ra những nỗi bận tâm sâu xa nhất của người ấy và lấy đó làm khởi điểm cho cuộc đối thoại sâu xa hơn”.

Sự tôn trọng trong đối thoại của vợ chồng còn được diễn tả qua cách cư xử, qua lời ăn tiếng nói hằng ngày. Tránh nói với nhau bằng lời lẽ tục tằn, thô lỗ, hoặc nói xấu nhau với người khác. Trái lại, biết dành cho nhau những lời nói nhẹ nhàng, âu yếm, những cử chỉ trân trọng, lịch sự, lễ độ… Người xưa thường dạy: vợ chồng phải “Tương kính như tân”. Vợ chồng luôn phải coi nhau những vị khách quý, khách đặc biệt trong cuộc đời của mình. Tôn trọng nhau không phải là tâng bốc nịnh bợ nhau một cách giả dối, mà là tôn kính, tin tưởng nhau với một tình yêu chân thành, tự do và tế nhị[3]. Tuy nhiên, trên thực tế ai cũng biết để bảo toàn sự kính trọng và tin tưởng nhau lâu dài trong hôn nhân không phải là chuyện dễ bởi sự nhàm chán, va chạm thường ngày khiến người ta có thái độ lờn mặt hay khinh thường nhau. Nhưng nếu yêu nhau thực tình, thì sự tin tưởng và kính trọng nhau sẽ mãi tồn tại như một danh nhân nói: “Nền tảng của tình yêu vợ chồng là yêu kính trân trọng nhau”(Elijah Fenton) hay có câu: “Yêu là kính, không kính là chưa yêu”.

Như vậy, trong đời sống hôn nhân gia đình, tình yêu ban đầu khi mới nảy sinh, như bao điều tốt đẹp mới khởi đầu, bao giờ cũng tươi vui và hấp dẫn. Những người đang yêu luôn nhìn nhau trong lý tưởng. Ai cũng ước mong mình có một gia đình luôn được hạnh phúc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đời sống hôn nhân gia đình không phải lúc nào cũng bằng phẳng, êm ả. Có những lúc êm ấm hạnh phúc nhưng cũng có những lúc bất hòa, cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Dù cho vợ chồng có yêu nhau thắm thiết thì nhiều lúc vẫn xảy ra bất hòa. Những bất hòa có thể làm cho tình yêu bị sói mòn và có thể đưa đến những đổ vỡ tại hại. Phần lớn sự bất hòa xảy đến là do đôi bạn bất đồng quan điểm, không cảm thông cho nhau và nhất là chưa thực sự nhìn nhận đúng phẩm giá người bạn đời của mình là hình ảnh Thiên Chúa, từ đó dẫn đến không thể chia sẻ đối thoại được với nhau.

Vì thế, đôi bạn “cần luôn luôn phát triển một thái độ diễn tả tình yêu và thúc đẩy sự đối thoại đích thực”. Qua việc “bày tỏ tình cảm và sự quan tâm đến người kia, tình yêu vượt qua mọi rào chắn tệ hại nhất” bởi lẽ “khi chúng ta yêu thương một người, hay khi chúng ta cảm thấy mình được họ yêu thương, thì chúng ta có thể hiểu tốt hơn những gì họ muốn truyền đạt hay muốn làm cho ta hiểu”, và như thế đời sống gia đình mỗi ngày một thăng tiến, hạnh phúc và an vui.

[1] Các trích dẫn được lấy trong “Tông huấn Amoris Laetitia – Niềm Vui Của Tình Yêu” của ĐGH. Phanxicô, số 136-141.
[2] HĐGMVN, Bộ Giáo Luật 1983, NXB Tôn Giáo, Tp. HCM 2007, số 1135.
[3] X. HĐGMVN/ Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Giáo lý hôn nhân và gia đình, NXB Tôn Giáo, 2004, tr. 90-91.

Tác giả: Vinc. Thiên Phúc

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập201
  • Máy chủ tìm kiếm30
  • Khách viếng thăm171
  • Hôm nay17,409
  • Tháng hiện tại845,186
  • Tổng lượt truy cập69,905,060
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây