Chủng sinh và những "cái khuôn"
Thứ năm - 25/04/2024 21:28
1590
Công cuộc đào tạo linh mục luôn là một khía cạnh tối quan trọng trong đời sống Giáo hội. Do đó, đào tạo ơn gọi linh mục và thánh hiến là một tiến trình mang tính năng động, tiệm tiến và sư phạm. Tiến trình này phải được thực hiện qua các giai đoạn giáo dục, huấn luyện và đồng hành. Giáo dục, huấn luyện và đồng hành là ba khái niệm nền tảng quan trọng của một tiến trình huấn luyện. Đào tạo phải có giai đoạn giáo dục và giai đoạn huấn luyện kết hợp với sự đồng hành. Chính vì thế mà thánh Công đồng Vaticano II đã dành riêng Sắc lệnh về đào tạo linh mục để làm kim chỉ nam hướng dẫn việc đào tạo linh mục nơi các cơ sở đào tạo, nhất là các chủng viện và các học viện. Theo đó, ngay trong Lời mở đầu, Sắc lệnh đã nhấn mạnh: “Mọi người mong ước canh tân toàn thể Giáo hội, thánh Công đồng ý thức rõ ràng như thế, và công cuộc canh tân này phần lớn tùy thuộc vào việc thi hành chức vụ Linh mục đã được thần linh Chúa Ki-tô thúc đẩy, do đó Thánh Công đồng đã tuyên bố việc đào tạo linh mục là việc vô cùng quan trọng…”
Tuy nhiên, một trong những mối lo âu chính yếu của Giáo hội ngày nay là hầu như khắp nơi số ơn thiên triệu giảm sút quá nhiều. Nhất là trong một thời đại mà con người ngày càng đạt được những tầm cao mới trong sự phát triển khoa học kĩ thuật, cùng với sự lên ngôi và lan rộng của nhiều hệ tư tưởng, nhất là chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa hưởng thụ và thuyết tương đối… khiến con người, đặc biệt là người trẻ ngày càng thờ ơ với tôn giáo và đời sống tâm linh và đương nhiên thờ ơ với ơn thiên triệu. Chính vì thế, việc đào tạo linh mục thời đại mới cũng gặp không ít những thách đố không chỉ về số lượng chủng sinh, nhưng còn liên quan đến chất lượng hay căn tính của chủng sinh và linh mục. Nơi đó, những những ứng sinh linh mục đang phải đối diện với bao thử thách bủa vây của một xã hội tục hóa và hưởng thụ mà nếu không tỉnh táo và được đào tạo kĩ lưỡng, cũng như không có chiều sâu, nhất là đời sống tâm linh, những chủng sinh và cả những linh mục dễ rơi vào cạm bẫy và ngã quỵ. Điều đó khiến Giáo hội thân thể của Đức Ki-tô thêm những vết thương vô cùng đau xót, mà gần đây những bê bối trong Giáo hội liên quan tới các giáo sĩ là một lời cảnh tỉnh thực sự cấp thiết, nhất là trong việc đào tạo linh mục.
Nhận thức được điều đó, Giáo hội không ngừng cổ võ và đặt trọng tâm vào việc đào tạo linh mục như một mối quan tâm hàng đầu của mình, sao cho có thể thích nghi, thức ứng với thời đại mới, để việc đào tạo có thể sinh những hoa trái là những linh mục vừa là người môn đệ nhưng cũng vừa đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô mục tử. Với mục tiêu đào tạo những ứng sinh nên con người trưởng thành toàn vẹn, chắc chắn cần có những điều kiện cụ thể và cấp thiết trên nhiều phương diện của đời sống. Vì thế, tiếp nối bài viết “Chủng sinh và những cái bàn”, người viết mạn phép hướng lăng kính vào việc đào tạo một ứng sinh linh mục trong một khía cạnh nữa, đó là một số “cái khuôn” mà một chủng sinh trong giai đoạn đào tạo chủng viện, cũng như trong cuộc sống thường nhật cần phải đào luyện và sống theo để trở thành những mục tử như lòng Chúa mong ước.
1. Chiếc khuôn cuộc đời
Theo từ điển Tiếng Việt của Giáo sư Hoàng Phê, khuôn là một dụng cụ tạo hình để tạo ra những vật có một hình dạng nhất định giống hệt như nhau, hoặc là hình dáng với những đặc trưng cho một kiểu nào đó.
Như thế, có thể nói khuôn là một tiêu chuẩn, một dạng thức để tạo thành một vật thể hay tạo thành một cái gì đó giống với bản gốc. Chẳng hạn như để đúc một bức tượng, cần một cái khuôn để tạo ra những bức tượng có những đặc điểm giống với tượng gốc dù vẫn có những khác biệt về vật liệu, kích thước hay chất lượng. Cũng vậy, trong cuộc sống, một người cũng có thể học tập, bắt chước hay tu luyện theo một người nào đó, một trường phái, một lý tưởng nào đó những kiến thức, những đức tính, những kĩ năng, những học thuyết, theo những tiêu chuẩn, những định dạng, theo khuôn mẫu của người truyền thụ hay của tư tưởng đó, để dần dần, họ có thể đạt những kĩ năng hay những kiến thức như bản gốc, hầu phục vụ cho mục tiêu và lý tưởng của họ trong cuộc đời…
Cũng vậy, cuộc đời cũng là một cái khuôn mà mỗi người phải đi vào trong đó để sống và để hiện hữu. Khi chấp nhận bước vào cái khuôn cuộc đời, con người cũng phải chấp nhận những quy luật, những tiêu chuẩn để mỗi ngày làm cho sự hiện hữu của mình được tròn đầy hơn. Tất nhiên mỗi cái khuôn đều có dung sai và có cộng trừ không thể hoàn hảo và cái khuôn cuộc đời cũng thế, nó cũng tương đối. Thế nhưng mọi cái khuôn đều nhằm giúp cho một người định hình và sống đúng vai trò của mình trong xã hội, trong cuộc sống cũng như trong các tương quan với Thiên Chúa, với vũ trụ, với con người và với chính mình. Nếu cuộc đời không có những cái khuôn, không có những tiêu chuẩn thì thế giới sẽ rơi vào hỗn mang và con người không thể hiện hữu bởi sự vô trật tự sẽ hủy diệt họ. Đời tu cũng vậy, những người sống đời tu không chỉ là những người sống theo những cái khuôn của cuộc đời như bao người khác, nhưng còn tách ra để sống theo một cái khuôn hoàn hảo mang tên Ki-tô. Nhờ đó, người sống đời tu, nhất là mỗi chủng sinh tìm ra được ý nghĩa ơn gọi của mình, để mỗi ngày không chỉ sống theo và nên giống Chúa hơn. Nhưng còn lan tỏa và làm rạng sáng hình ảnh của Đức Ki-tô và ơn cứu đội của Ngài cho con người trong thế giới, để họ cũng biết sống theo những tiêu chuẩn hòan hảo của “khuôn Ki-tô”, bởi chỉ nhờ chiếc khuôn hoàn hảo ấy mà mỗi người nhận được ơn cứu độ và tìm được hạnh phúc đích thực.
Thật vậy, nói đến khuôn là nói đến tiêu chuẩn, nói đến kỉ luật, khổ chế, hy sinh… Do đó, thuờng thì nhiều người sẽ cảm thấy ngột ngạt và không mấy ai thích vào khuôn. Đời tu cũng vậy, cũng có những cái khuôn được đặt ra để người muốn sống đời thánh hiến, cách riêng là chủng sinh, những người đang muốn nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô Mục tử cách tự nguyện, tự do chọn lựa sống và bước theo con đường mang tên Ki-tô. Nhờ đó, khi tự do quyết định sống theo những cái khuôn ấy, mỗi chủng sinh sẽ thấy hạnh phúc với những cái khuôn, mà đôi khi với người đời là điên rồ và khó chấp nhận. Nhưng thật ra chính nhờ những chiếc khuôn ấy mà mỗi chủng sinh mỗi ngày được đào luyện và tự đào luyện nên đồng hình đồng dạng với Đức Giê-su Ki-tô, vị mục tử nhân lành, và cũng là chiếc khuôn hoàn hảo giúp những mục tử tương lai sống đúng ơn gọi của mình, hầu mưu ích cho con người trong thế giới hôm nay.
2. Khuôn mặt
Trên cơ thể con người, có thể nói khuôn mặt là thứ đầu tiên mà người ta để ý để nhận diện hay đánh giá về một người. Khuôn mặt đó gầy hay béo, biến dạng hay đẹp, trắng hay đen, cân đối hay dị dạng... đều có những biểu hiện rõ ràng trên khuôn mặt một người. Ngày nay với sự phát triển của kĩ thuật, nhất là y học, người ta có thể biến những khuôn mặt dị dạng nên đẹp đẽ và có thể sửa chữa những sai sót trên khuôn mặt của một người để làm cho khuôn mặt ấy nên đẹp hơn. Tuy nhiên, việc nhìn mặt mà bắt hình dong chỉ là tương đối, nhất là trong thời đại mà thật giả lẫn lộn hôm nay. Bởi trong cuộc sống, chúng ta có thể bắt gặp những khuôn mặt bề ngoài rất khó coi, dị dạng, xấu xí, thậm chí toát lên sự đáng sợ, xen lẫn độc ác khó gần, nhưng ẩn sâu trong đó là một khuôn mặt tâm hồn đầy nhân hậu, tốt bụng và vị tha. Trái lại, chính những những khuôn mặt thật mỹ miều, cuốn hút tưởng như đầy nhân hậu, từ bi… nhưng nơi đó lại ẩn chứa khuôn mặt của một tâm hồn đầy sự tính toán, những mưu hèn kế bẩn, tranh đua tranh và lọc lừa… theo kiểu “bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao”.
Trong ca dao tục ngữ, có rất nhiều câu ca dao nói về khuôn mặt như mặt vuông chữ điền, mặt rỗ như tổ ong bầu, mặt dầy mày dạn… Nghĩa là qua việc nhận diện khuôn mặt và những nét biểu hiện trên khuôn mặt, người ta có thể xác định phần nào tính cách và hành vi của một người. Thật vậy, có cả một ngành nghiên cứu hành vi dựa vào những biểu cảm trên khuôn mặt, mà những thành tựu của ngành khoa học ấy giúp ích rất nhiều cho các ngành khác cũng như trong cuộc sống, chẳng hạn như ngành tâm lý học tội phạm hay tâm lý học hành vi. Thậm chí, người ta có thể nhận diện nói dối nhờ những biểu hiện trên khuôn mặt của một người, hay có những nghiên cứu cho thấy những người phối ngẫu càng về già, họ càng có những nét giống nhau trên khuôn mặt... Tất nhiên, không thể đánh giá hoàn toàn một người qua khuôn mặt bởi tất cả chỉ mang tính chất tương đối để đánh giá phần nào về huyền nhiệm mang tên con người. Điều đó cho thấy khuôn mặt không thay đổi, và nhìn chung mỗi người chỉ có một khuôn mặt trên cuộc đời, còn tất cả những biểu hiện trên khuôn mặt ấy đều là sự thể hiện cảm xúc hay những tác động của tâm lý hay tâm linh của một người…
Trong công cuộc đào tạo linh mục, nhất trong thế giới hôm nay, mỗi chủng sinh cũng mang nơi mình một khuôn mặt di truyền do cha sinh mẹ đẻ, một khuôn mặt mà họ sẽ mang suốt cuộc đời. Thế nhưng, khi nghe theo tiếng Chúa và chọn bước theo Ngài trong hành trình dâng hiến, mỗi chủng sinh cũng phải cố gắng để họa lại khuôn mặt của chính Đức Ki-tô, Đấng mà mỗi anh em đang mỗi ngày muốn nên giống Ngài hơn. Dẫu vậy, việc biến đổi mỗi ngày để nên giống khuôn mặt của Chúa không làm lu mờ hay chết yểu những nét độc đáo và đặc trưng của khuôn mặt chủng sinh. Trái lại, chính nhờ việc đào luyện để nên giống khuôn mặt hoàn hảo của Đức Ki-tô sẽ giúp khuôn mặt của mỗi chủng sinh mỗi ngày nên đẹp hơn để có thể tỏa sáng Tin Mừng của Chúa cũng như khuôn mặt của Ngài cho con người trong thế giới hôm nay.
Khuôn mặt của Đức Ki-tô mà mỗi chủng sinh phải họa lại không đơn thuần là một khuôn mặt đẹp của siêu mẫu hay ngôi sao mà nhiều người, nhất là người trẻ thần tượng hay thầm thương trộm nhớ. Nhưng khuôn mặt hoàn hảo mang tên Ki-tô là khuôn mặt toát lên tình yêu vô tận của Thiên Chúa dành cho con người từ trong tư tưởng, lời nói cho tới hành động. Khuôn mặt ấy có thể là một khuôn mặt đầy hấp dẫn và cuốn hút khi Ngài lôi kéo các môn đệ và dân chúng theo Ngài, khuôn mặt ấy cũng có thể là khuôn mặt đầy vinh quang trên núi Tabor (x. Mt 17, 1-9), quyền năng khi Ngài dẹp yên sóng biển, trừ khử ma quỷ hay chữa lành bệnh tật (x. Mc 5, 1-20)… Thế nhưng, khuôn mặt ấy có thể lại là một khuôn mặt bầm dập vì yêu, một khuôn mặt tan nát để cứu độ con người. Cũng vậy, khuôn mặt của Đức Ki-tô cũng là một khuôn mặt đậm chất người ẩn chứa đâu đó sự giận dữ, buồn khổ vì họ lòng chai dạ đá (x. Mc 3,5), chấm phá những nét ngạc nhiên bởi sự cứng lòng của con người(x. Mc 6,6), hay khuôn mặt phấn khởi, hân hoan khi gặp gỡ Thiên Chúa (x. Lc 10, 21-22), Cha của ngài trong cầu nguyện, một khuôn mặt bị đấm đá, bị rủa bị vả bị giật râu bị tra tấn và bị tan nát vì người mình yêu và vì người mà mình muốn hiến dâng, một khuôn mặt không còn sự sống rũ gục trên Thập giá (x. Ga 19, 30 ) và trên hết là một khuôn mặt hiển vinh Phục sinh để mang ơn cứu độ cho nhân loại…
Thật vậy, Đức Ki-tô không dùng khuôn mặt vinh quang hay quyền lực của một Thiên Chúa, nhưng Ngài lại chấp nhận dùng khuôn mặt bầm dập của mình để phẫu thuật, để chữa lành và làm mới khuôn mặt của con người bằng chính giá máu của Ngài trên Thập giá. Theo đó, người Ki-tô hữu nói chúng và những chủng sinh nói riêng, cũng phải chấp nhận trả cái giá đắt đỏ cho cuộc phẫu thuật thẩm mĩ đầy đau đớn nhưng vô cùng cao quý này để tái tạo khuôn mặt đã bị hoen ố bởi tội lỗi, cũng như để nên giống khuôn mặt của Chúa mỗi ngày một hơn. Cách đặc biệt, mỗi chủng sinh, khi bước theo Chúa chấp nhận liều lĩnh đi vào một hành trình biến đổi, một cuộc phẫu thuật thẩm mĩ để mỗi ngày, để có thể từng bước họa lại những nét đặc trưng nhất, những nét đẹp nhất khuôn mặt của Đức Ki-tô. Nhờ đó, chỉ khi chủng sinh có khuôn mặt của Chúa và càng có khuôn mặt giống Chúa, người môn đệ mới có khả năng lan tỏa Tin Mừng cứu độ, lòng thương xót, sự tha thứ và tình yêu cho con người trong thế giới hôm nay.
Chúng ta biết con người ngày nay đang sống trong một thế giới vô cảm và dễ bị đánh lừa và gây ảo giác bởi biết bao những khuôn mặt giả tạo và những chiếc mặt nạ tẩm thuốc độc, để rồi nhiều người đôi khi mất định hướng và mất niềm tin, bởi không tìm ra khuôn mặt đích thực của Chân lý và Tình yêu. Dù được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng con người ngày nay, với sự ích kỉ, yếu đuối và cái tôi tự do nhất là với sự kiêu ngạo thâm căn cố đế, họ thật khó chấp nhận sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng. Thay vì mặc lấy khuôn mặt của Chúa Ki-tô, họ lại thích mang nơi mình những khuôn mặt tưởng như lý tưởng, đẹp đẽ, hay khoác lên khuôn mặt thật của mình những chiếc mặt nạ của sự giả tạo, nhưng ẩn giấu bên trong là khuôn mặt thật với một tâm hồn đầy những nét độc ác, ích kỉ tham lam, chia rẽ, hận thù... Những khuôn mặt như thế chỉ làm méo mó khuôn mặt của Chúa cũng như làm cho chính khuôn mặt của mình bị biến dạng, để rồi thế giới và nhân loại vẫn chưa thể một ngày nếm hưởng hòa bình đích thực…
Trước thực trạng đó, lời mời gọi “Hãy theo Thầy” (x. Ga 21, 19); “anh em hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (x. Mt 5, 48), và nhất là là “anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (x. Mt 28, 19-20) lại càng trở nên những lời mời gọi khẩn thiết mà mỗi chủng sinh cần đáp trả và nỗ lực để có thể họa lại khuôn mặt của Chúa cho con người và thế giới hôm nay. Do đó, sự đói khát khuôn mặt của Đức Ki-tô nơi con người chỉ được thỏa mãn khi chính những người đang bước theo Đức Ki-tô họa lại khuôn mặt của Ngài và làm sáng lên khuôn mặt ấy bằng chính đời sống chứng tá và đức tin của mình trong sứ mạng mục tử và trong đời sống hằng ngày.
Vì thế, như những ngọn hải đăng, những người đang bơi ngược dòng, những người trong đời tu, cách riêng mỗi chủng sinh hẳn luôn phải cố gắng để mỗi ngày họa lại diện mạo một Đức Ki-tô của lòng thương xót, của sự sẻ chia của tình yêu, sự tha thứ, sự hòa giải… Những khuôn mặt ấy dù bề ngoài có thể rất bình thường, xấu xí, thậm chí tầm thường, nhưng qua việc được đào tạo bởi Chúa Thánh Thần cũng như tự đào tạo, mỗi chủng sinh sẽ mang nơi mình một khuôn mặt của Đức Ki-tô từ trong suy nghĩ, lời nói cho tới hành động và cuộc sống đậm chất Chúa. Qua đó, con người mới có thể nhận ra Đức Ki-tô là Đấng cứu độ duy nhất. Có như thế, thế giới dù ngập tràn hận thù vẫn cảm thấy và nhận ra còn đó một khuôn mặt của một con người và cũng là một Thiên Chúa đã chết để yêu và cứu chuộc họ để hòa giải họ với Thiên Chúa và với nhau. Nhờ đó, qua việc làm sáng lên khuôn mặt của Chúa nơi chính những khuôn mặt của mỗi chủng sinh, không chỉ bằng lời nói, không chỉ bằng những bài giảng thuyết hùng hồn, nhưng bằng hành động và nhất là bằng chính đời sống thấm đẫm giá trị Tin Mừng, chắc chắn, mỗi chủng sinh và mỗi mục tử tương lai sẽ nên ngọn đèn chiếu sáng, từng bước trở thành cánh tay nối dài của Đức Ki-tô giúp cho con người trong thế giới hôm nay nhận ra và đón nhận Tin Mừng và ơn cứu độ muôn đời…Trái lại dù cố tô phết và khoác lên mình những khuôn mặt tưởng như mĩ miều, diêm dúa, quyến rũ và hấp dẫn nhưng tâm hồn lại mang một khuôn mặt quỷ với đủ tính toán, bon chen…thì không những đời tu của người đó trở nên vô nghĩa và tai hại, nhưng trên hết còn làm biến dạng và méo mó đến đáng thương khuôn mặt nhân từ của Đức Ki-tô và Giáo hội của Ngài.
3. Khuôn khổ
Nhìn vào vũ trụ thiên nhiên, chúng ta không khỏi ngạc nhiên và thán phục trước sự vận hành hài hòa và quy luật đáng kinh ngạc của các hành tinh, muôn tinh tú cũng như trái đất và mọi loại thọ tạo. Cũng thế, nhìn vào xã hội, chúng ta cũng nhận ra sự vận hành của những quy luật, những quy tắc, những chuẩn mực hầu giúp cho xã hội được yên ổn và con người được chung sống hòa bình hạnh phục… Tuy nhiên, sự hài hòa ấy đã phần nào bị con người phá hủy do tội lỗi của mình. Theo đó, dù chỉ một cái gì đó trở nên vô trật tự thì chắc chắn sẽ trở nên hỗn loạn và dẫn tới thảm họa. Chúng ta thấy lũ lụt, hạn hán, biến đổi khí hậu chính là do sự mất trật tự nào đó nơi thiên nhiên. Nhưng sâu xa là do chính con người đã phá vỡ trật tự trong tương quan với Thiên Chúa, để rồi mọi trật tự khác đều bị phá đổ mà đau khổ và cái chết chính là những hậu quả ghê gớm nhất của sự mất trật tự do con người gây ra cho chính mình và cho đồng loại… Cách khác, nhìn vào chính mình, chúng ta cũng nhận ra sự hài hòa đến kinh ngạc của các cơ phận, các hệ thống từ thể lý đến tâm lý để một người có thể phát triển và hiện hữu cách trọn hảo nhất. Nhìn chung, khi quan sát và chiêm ngắm vũ trụ thiên nhiên, thế giới, loài người, nhất là chính mình chúng ta sẽ thán phục và cảm nhận rất rõ những quy tắc, những quy luật, những chuẩn mực tuyệt vời của Tạo Hóa giúp cho vũ trụ vần xoay, con người thăng tiến và xã hội phát triển không ngừng dù khuôn khổ ấy cách nào đó đã bị tổn thương…
Trong công cuộc đào tạo linh mục cũng vậy, mỗi chủng sinh khi chấp nhận bước vào đời tu cũng phải có khuôn khổ. Khuôn khổ ở đây là những kỉ luật, những tiêu chuẩn, những hy sinh, những hạn chế… được đặt ra giúp mỗi chủng sinh mỗi ngày được đào luyện để mỗi ngày nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô Mục tử. Dẫu vẫn biết con người muốn tự do và luôn làm tất cả để có tự do, thậm chí bất chấp việc loại trừ Thiên Chúa. Nhưng thực tế cho thấy, nếu tự do mà không có khuôn khổ thì tự do đó sẽ trở thành một thứ đáng ghê tởm và đáng sợ có thể nhấn chìm và phá hoại tất cả. Tự do đó là thứ tự do mà Dostoevsky gọi là tự do tự tung tự tác, một tự do không có Chúa và không cần Chúa. Nếu cuộc đời không có khuôn khổ, vô kỉ luật sẽ trở nên hỗn loạn, thì đời tu cũng vậy. Chúng ta không thể phủ nhận, đã vào khuôn thì phải khổ, phải hy sinh, phải cắt tỉa để lớn lên và trưởng thành. Do đó, kỉ luật hay khuôn khổ không phải là điều mà ai cũng thích và chấp nhận. Nhất là trong một thế giới mà nhiều người tôn thờ chủ nghĩa tự do, thích sống dễ dãi, hưởng thụ cùng văn hóa vứt bỏ lên ngôi, thì việc chấp nhận những khuôn khổ của những người sống đời thánh hiến, cách riêng là mỗi chủng sinh lại trở nên thách đố và nghịch lý với con người hôm nay. Tuy nhiên, nếu công cuộc đào tạo linh mục không có khuôn khổ hay những kỉ luật cần thiết, những thứ kỉ luật không nhằm giam hãm hay giết chết, nhưng nhằm tăng triển và hoàn thiện tự do, hay không có sự khổ chế, hy sinh con người, cách riêng mỗi chủng sinh không thể trưởng thành và trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô.
Thật vậy con đường theo Chúa không bao giờ là một con đường dễ dãi, nhưng là con đường Thập giá như chính Chúa đã kêu mời: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (x. Lc 9, 23) và là một con đường mà “qua đau khổ mới tới được có vinh quang” (x. Ga 16, 20-23). Con đường mang tên Ki-tô là con đường không phải lúc nào cũng bằng phẳng và đầy hoa hồng, nhưng là một con đường của hy sinh, vất vả, của chiến đấu và chiến thắng vì không có hy sinh chẳng có gì có giá trị. Khi không có khuôn khổ đời chủng sinh và linh mục sẽ chỉ như một chiếc thuyền lênh đênh không bến đậu và sẽ lạc hướng và đắm chìm giữa biển đời, vốn không thể dung túng cho sự dễ dãi và vô kỉ luật. Trái lại, khi tự do chấp nhận bước vào con đường của khuôn khổ của Thập giá, mỗi chủng sinh sẽ nhận ra tình yêu và con đường đích thực duy nhất có thể đưa con người cập bến bình an và hạnh phúc.
Công cuộc đào tạo là công cuộc đào tạo toàn diện và xoay quanh bốn chiều kích: nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ. Mỗi chiều kích đều có những khuôn khổ đặc thù và những kỉ luật cũng như những chuẩn mực hầu giúp mỗi chủng sinh mỗi ngày trưởng thành và nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, cũng như xứng đáng lãnh nhận thánh chức linh mục, hầu có thể mang Chúa và Tin Mừng cứu độ của ngài cho con người trong thế giới hôm nay. Theo đó, thời gian đào tạo chủng viện là thời gian lý tưởng nhất để mỗi chủng sinh được đào tạo và tự đào tạo để sống theo khuôn khổ, cũng như giữ kỉ luật, hầu có đủ sức sống sứ vụ mục tử tương lai và đứng vững trước những cạm bẫy, những khó khăn, thử thách trong đời sống sứ vụ cũng như trong cuộc sống thường ngày.
Vì thế, nếu đào tạo mà không có khuôn khổ, không có kỉ luật, thì công cuộc đào tạo sẽ hoàn toàn thất bại, cũng như chắc chắn không thể có những mục tử như lòng Chúa và Giáo hội mong ước. Do đó, cùng với những chuẩn mực, những khuôn khổ của một người bình thường, người sống đời tu, cách riêng mỗi chủng sinh còn cần phải có một khuôn khổ nghiêm ngặt hơn, kỉ luật hơn nhưng hoàn toàn tự do mới có thể trở thành những người trưởng thành toàn diện mỗi ngày. Một chủng sinh có một đời sống nhân bản không có khuôn khổ, không có giới hạn, không có sự tiết chế hay sự hài hòa thì không thể trở thành một linh mục chất lượng và có nhân bản. Theo đó, nếu mỗi chủng sinh không tự tạo cho mình khuôn khổ để kỉ luật bản thân trong lời ăn, tiếng nói hay trong nhịp sống hằng ngày, sẽ dễ chiều theo những đam mê, nết xấu và sống theo bản năng, buông thả để rồi tự mình phá nát cuộc đời và cũng như hủy hoại đời tu bằng sự tham lam ích kỉ, kiêu ngạo. Đó là những thứ dễ dàng được dung túng, biện minh bởi sự vô kỉ luật và sống không có khuôn khổ ngay từ khi còn sống dưới ghế nhà trường hay nơi Chủng viện. Vì thế, nhịp sống nơi Chủng viện hay các cộng đoàn tu trì đều nhằm tạo cho người thụ huấn một nhịp sống điều độ để qua đó có thể mỗi ngày trưởng thành về nhân bản và rèn luyện nghị lực, hầu có thể đối diện với cuộc đời và con người cũng như làm gương sáng cho con người trong thế giới hôm nay. Bởi vì nếu một chủng sinh không có khuôn khổ thì hoặc không thể làm linh mục, hoặc có chăng cũng chỉ là một linh mục vô trật tự, thất bại và đau khổ đúng như lời nhắn nhủ của thánh Tê-rê-xa Calcutta “chủng sinh thế nào linh mục thế ấy…
Cũng vậy, trong đời sống thiêng liêng, dẫu vẫn biết đó là mối tương quan cá vị của mỗi người với Chúa. Thế những, dù là cá vị, nhưng nếu không có khuôn khổ, không có kỉ luật, đời sống thiêng liêng và cầu nguyện của chủng sinh cũng như linh mục thật dễ trở nên nhạt nhẽo, nhàm chán và dễ dàng bỏ cuộc buông xuôi. Thật vậy, những người sống đời thánh hiến, cách riêng những chủng sinh, linh mục có đời sống cầu nguyện sâu đều là những người sống có kỉ luật, có khuôn khổ ngay trong chính đời sống thường ngày và ngay khi còn được đào tạo tại chủng viện. Để rồi, chính nhờ việc thực hành đều đặn, nghiêm túc, dù có đôi lúc thiếu sốt sắng và uể oải, chia trí, lo ra trong những giờ kinh, giờ nguyện gẫm, giờ chầu và nhất là Thánh lễ đôi khi nhàm chán ấy, người chủng sinh có thể kín múc được nguồn nghị lực và sức mạnh vô tận nơi chính Chúa. Nhờ đó, người sống đời tu mới có thể đứng vững trước những cơn cám dỗ và làm chủ được mình giữa biển đời. Nếu không có khuôn khổ và kỉ luật trong đời sống cầu nguyện, tòa nhà thiêng liêng của họ dễ dàng sụp đổ và tan tành. Chính vì thế, khi nói đến sự thánh thiện của linh mục, chúng ta cũng không quên rằng, đời sống thánh thiện của linh mục phải khởi đi từ lúc còn là chủng sinh. Người ta thường nói: “Chủng sinh hôm nay, linh mục ngày mai”. Điều đó có nghĩa, một chủng sinh thánh thiện chắc chắn sẽ trở thành một linh mục thánh thiện và ngược lại, nếu một chủng sinh lười biếng và thiếu đời sống nội tâm thì không thể hy vọng sẽ là một linh mục thánh thiện.
Không những thế, khi đối diện với một thế giới không ngừng phát triển, nhất là về tri thức, người chủng sinh cũng phải có những thách đố trong đời sống tri thức. Do đó, khi còn đào tạo tại Chủng viện, người chủng sinh cũng cần kỉ luật bản thân và có khuôn khổ trong việc tiếp thụ kiến thức cả về tri thức thánh lẫn kiến thức xã hội. Những tri thức vô tận về Thiên Chúa, về Giáo hội cũng như về văn minh nhân loại không chỉ được thủ đắc trên lớp học, nhưng còn phải được mở rộng ra những vùng kiến thức bao la nơi sách vở cùng bao phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ đó, khi càng mở rộng tầm nhìn về xã hội và Giáo hội, người chủng sinh biết khiêm tốn và nhận ra sự nhỏ bé của bản thân trước biển tri thức vô tận. Để từ đó, người mục tử tương lai biết tận dụng mọi hiểu biết, mọi kĩ năng để phục vụ và giúp ích cho nhiều người. Thật vậy, việc học tập ở Chủng viện cũng quyết định rất lớn cho sứ vụ tương lai của ứng sinh linh mục. Miệt mài đèn sách là điều cần thiết cho các chủng sinh. Khi lên lớp để tham gia các khoá học, nếu không để ý hay ngủ gật nhiều, chủng sinh sẽ bị hổng kiến thức vì không ai dạy lại cho mình nữa. Hoặc chỉ học qua ở lớp mà không chịu đọc lại, tìm hiểu đi tìm hiểu lại bài học đã thụ huấn thì chủng sinh khó nắm vấn đề chắc chắn cho sứ vụ của mình. Quý Cha giáo sư chỉ là người giúp mình khai mở vấn đề, chỉ giúp mình biết cách mở những cánh cửa, còn khám phá bên khu phòng kiến thức là chuyện của các chủng sinh. Do đó, các chủng sinh phải cố gắng để lắng nghe, chăm chỉ đọc sách ở nhà cũng như tại thư viện để bổ sung thêm kiến thức cho các bài học. Quả thật, thời đại @ là thời đại tri thức, giáo dân đa số hiểu biết nhiều, được học hành cao rộng, nên đòi hỏi các linh mục cũng phải có kiến thức, chưa muốn nói là uyên thâm về các chuyên môn. Nhưng làm sao có được những linh mục như thế, nếu trong thời gian đào tạo các chủng sinh không chịu học bài, không để ý các Cha Giáo sư giảng dạy, hoặc bỏ giờ, hoặc ngủ gà ngủ gật trong giờ học, không dành thời gian đọc sách, nghiên cứu kỹ càng các bài học…
Cuối cùng, trong chiều kích mục vụ tương lai mà các chủng sinh đối diện sẽ có rất nhiều mặt, nhiều vấn đề: mục vụ gia đình, mục vụ truyền giáo, mục vụ di dân, mục vụ giới trẻ - thiếu nhi, mục vụ bệnh nhân, mục vụ các hội đoàn…nên các chủng sinh phải có sự chuẩn bị ngay trong thời gian đào tạo. Theo đó, chắc chắn ngay tại Chủng viện, các chủng sinh đã phải tạo cho mình một khuôn khổ, một sự kỉ luật nghiêm túc để đào luyện những kĩ năng, những kiến thức cần thiết cho sứ vụ và cho những đối tượng mà mỗi anh em phải đối diện và phục vụ trong tương lai. Vì thế, nếu muốn trở nên linh mục vững vàng trong công tác mục vụ tại các giáo xứ, người chủng sinh không được lơ là, không hay biết, không quan tâm và vô cảm đối với chiều kích mục vụ. Đừng đòi hỏi nơi một linh mục luôn chậm chạp, không thành công trong mục vụ, khi thấy một chủng sinh ù lì, chậm chạp và không quan tâm đến con người, nhất là người nghèo. Đừng lạ lùng khi nhìn thấy một số vị linh mục sống quan liêu, độc quyền, ‘làm vua’ một cõi, vì nơi chủng sinh trước đó thích được phục vụ, thích được ‘suy tôn’, thích làm oai, thích thể hiện, thích ‘làm quan’ – ‘làm vua’. Như vậy, nơi một chủng sinh ươn lười, không chịu khó, hay phàn nàn, kêu ca, không nhiệt huyết, bỏ trốn công việc, chọn việc nhẹ nhàng, không chịu sửa đổi hay thay đổi tính cách, thì chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp một linh mục không nhiệt huyết và không hăng say loan báo Tin mừng cũng như trở thành rào cản trong việc rao giảng Tin mừng cho muôn dân. Đúng là chủng sinh thế nào, linh mục thế đó.
4. Khuôn mẫu
Trong thế giới mà con người ngày càng có nhiều thần tượng, người trẻ thích chạy theo những idol, những siêu sao, siêu mẫu… để rồi học theo, cũng như rập khuôn từ cách ăn mặc, cử chỉ, nói năng, cho tới lối sống và suy nghĩ theo khuôn mẫu của người đó. Đó cũng là một trong những lý do mà ngày càng ít người trẻ muốn bước theo và chọn Chúa Ki-tô làm khuôn mẫu cho đời mình, bởi đối với não trạng của nhiều người trong thế giới ngày nay, việc đi tu, làm linh mục hay chọn rập khuôn đời mình theo khuôn Ki-tô là điều bất khả và điên rồ. Chính vì thế, việc chọn Chúa Ki-tô làm khuôn mẫu, là lý tưởng để bước theo cách triệt để trong ơn gọi linh mục không chỉ là một niềm vinh dự nhưng còn là cuộc ngược dòng, một thách đố cho chủng sinh trong thế giới hôm nay.
Ngay từ thuở tạo thiên lập địa, khi tạo dựng con người, Thiên chúa cũng đã chọn một khuôn mẫu. Thế nhưng, Ngài đã không thấy khuôn mẫu nào hoàn hảo và xứng đáng hơn là chính Ngài. Vì thế, Thiên Chúa đã dựng nên con người theo khuôn mẫu là hình ảnh của chính Thiên Chúa, để nhờ đó, con người được thông phần sự sống với Ngài, được ngày ngày đi dạo và hàn huyên với gia định Thiên Chúa (). Tuy khuôn mẫu ấy đã bị chính con người làm tổn thương và sứt mẻ khi con người không sống theo khuôn mẫu Thiên Chúa, để rồi sa ngã, phạm tội, phải đau khổ và phải chết. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ bó tay, chấp nhận để khuôn mẫu mà Ngài đã vất vả chọn và nhào nặn con người theo hình ảnh Ngài hoàn toàn hư nát. Trái lại, Ngài đã tiệm tiến sửa chữa khuôn mẫu đã bị sứt mẻ nơi con người trong suốt dòng lịch sử cứu độ. Cuối cũng, Ngài dùng chính chiếc khuôn hoàn hảo vĩnh cửu không bao giờ hư nát hay bị vấy bẩn bởi tội lỗi để tái tạo chiếc khuôn con người. Đó chính Đức Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa thật và là người thật. Nhờ đó, hình ảnh Thiên Chúa, qua cái chết và sự phục sinh của Con Ngài được tái tạo và nên hoàn hảo, để rồi bất cứ ai can đảm và tự nguyện sống theo khuôn mẫu Ki-tô ấy, đều sẽ nhận được ơn cứu độ và được trả lại khuôn mẫu đích thực hoàn hảo, vốn đã bị hư hỏng vì tội lỗi nhờ chính Giá Máu của Con Thiên Chúa.
Chính vì thế, nhờ Bí tích Rửa tội, mỗi người Ki-tô hữu đều được tái sinh và được dự phần vào sự sống muôn đời khi được rập khuôn đời mình theo khuôn mẫu là Đức Giê-su Ki-tô nhờ nước và Thánh Thần. Tuy nhiên, những người muốn bước theo Chúa Ki-tô cách triệt để hơn trong đời sống thánh hiến, cách riêng là chủng sinh đang hướng tới chức linh mục, luôn được mời gọi bước theo và rập khuôn đời mình cách triệt để và quyết liệt hơn trong chức Linh mục. Vì thế, người chủng sinh không chọn một khuôn mẫu, một Idol nào khác ngoài khuôn mẫu là Đức Ki-tô để bước theo và sống theo khuôn mẫu hoàn hảo ấy. Thật vậy, trong nghi thức phong chức linh mục, khi Đức giám mục trao bình thánh và bánh thánh cho vị tân chức, ngài đọc: và rập khuôn đời mình theo khuôn mẫu của chúa Ki-tô. Đó là một lời đọc thật sự ý nghĩa nhưng cũng nói lên sứ mạng cả đời của người linh mục tương lai, để rồi trong mọi hoàn cảnh, người linh mục đều phải nỗ lực để họa lại hình ảnh đức Ki-tô giữa đời và cho mọi người bằng cách rập khuôn đời mình theo khuôn mẫu duy nhất và hoàn hảo là Đức Ki-tô. Đó là một lời mời gọi nhưng cũng là một sứ mạng, một thách đố mà các linh mục phải thực thi mỗi ngày, hầu có thể mưu ích cho Chúa và các linh hồn…
Theo đó, khi đã chọn bước theo Chúa trong ơn gọi linh mục, mỗi chủng sinh không thể có một khuôn mẫu nào khác ngoài khuôn mẫu của Đức Ki-tô. Đó là khuôn mẫu duy nhất và trường tồn mang lại ý nghĩa cho đời Ki-tô hữu nói chung, cũng như trong đời dâng hiến qua chức linh mục nói riêng. Một chủng sinh không thể xây dựng đời mình theo khuôn mẫu của một ngôi sao điện ảnh, một minh tinh màn bạc hay một ngôi sao bóng đá hay bất cứ người nào... Cũng vậy chẳng có Bề trên nào, Giám mục nào hay anh em linh mục nào có thể trở thành khuôn mẫu của chủng sinh ngoại trừ chính Đức Ki-tô. Bởi vì những người hữu trách dù có thánh thiện, đạo đức hay giỏi giang đến đâu cũng chỉ họa lại một nét nào đó, cũng như đang rập khuôn theo khuôn mẫu hoàn hảo là chính Đức Ki-tô…
Do đó, để mỗi ngày nên giống Chúa hơn, mỗi chủng sinh phải rập khuôn đời mình theo khuôn mẫu hoàn hảo là chính Chúa Ki-tô. Chính Đức Ki-tô là khuôn mẫu hoàn hảo về Tình yêu, về lòng thương xót và hạnh phúc đích thực của Chúa Cha. Chính vì thế, chỉ khi sống theo và rập đời mình theo khuôn mẫu ấy, thì dù giữa bao sóng gió, bao cạm bẫy của cuộc đời và cả sự vấp ngã, yếu hèn… người chủng sinh và linh mục tương lai mới có thể đứng vững và thấy hạnh phúc, khi cảm nhận được phần nào tình yêu mà Chúa. Đồng thời nhờ khuôn mẫu ấy, chính mỗi chủng sinh và linh mục tương lai cũng có thể giúp người khác nhận ra và sống theo khuôn mẫu ấy, bởi chỉ khi sống đúng với khuôn mẫu Ki-tô, con người mới có thể đạt tới hạnh phúc và ơn cứu độ muôn đời. Chúng ta càng giống Chúa Giê-su thì càng trở thành người mà chúng ta được sinh ra để trở thành. Cũng vậy, người sống đời thánh hiến, cách riêng mỗi chủng sinh luôn là người được mời gọi tha thiết hơn xây dựng đời mình trên khuôn mẫu của Đức Ki-tô. Để nhờ đó, họ không chỉ tái tạo khuôn mẫu méo mó do tội lỗi của mình, nhưng còn trở thành những cánh tay nối dài của Đức Ki-tô và Giáo hội trong cuông cuộc loan báo Tin Mừng và giúp cho nhân loại nhận ra và sống theo khuôn mẫu ấy trong chính cuộc sống và bậc sống của mình, hầu đạt được ơn cứu độ muôn đời…
5. Tạm kết
Theo báo cáo của Tòa Thánh nhân ngày cầu cho ơn gọi thế giới lần thứ 61 vào Chúa Nhật thứ Tư Phục Sinh vừa qua, “từ hàng chục năm nay, ơn gọi trong Giáo Hội tiếp tục sa sút, và hiện tượng này người ta thấy rõ qua con số các Linh Mục và tu sĩ nam nữ giảm sút, cũng như việc thực hành đạo của giáo dân ngày càng đi xuống. Tuy nhiên, có những nơi có số ơn gọi gia tăng.” Đó là một tín hiệu không mấy khả quan, nhất là với ơn gọi trên toàn thế giới. Dẫu vậy, chúng ta tin rằng Giáo hội là của Chúa, và chúng ta phải đón nhận sự giảm sút ấy như một quy luật và như một dấu chỉ của thời đại. Từ đó, tiếp tục cầu nguyện và xác tín Chúa có cách của Ngài và Ngài sẽ tiếp tục ban cho Hội thánh những linh mục, những ơn gọi đúng thời đúng buổi theo kế hoạch và chương trình của Ngài. Tuy nhiên, công cuộc đào tạo linh mục trong thế giới ngày nay luôn là một quá trình dài hơi và cần có sự cộng tác của con người, từ những nhà đào tạo tới mỗi chủng sinh, hầu có thể đào tạo được những linh mục như lòng Chúa mong ước để có thể phục vụ cho con người và thế giới hôm nay. Nhất là trong một thời đại mà chủ nghĩa hưởng thụ lên ngôi, khi đồng tiền ngày càng chi phối lương tâm con người, việc trở nên những linh mục như lòng Chúa mong ước ngày càng gặp thách đố. Cũng vậy, nhịp sống bộn bề, nhiều cám dỗ và hấp dẫn khiến người trẻ thật khó để có thể liều lĩnh, can đảm bước theo Đức Ki-tô trong ơn gọi thánh hiến cũng như trong đời sống linh mục. Chính vì thế, việc đào tạo linh mục cho thế giới và con người ngày hôm nay lại càng đặt ra nhiều vấn đề cho những nhà đào tạo, những cộng tác viên của Chúa Thánh Thần – nhà đào tạo chính. Tuy nhiên, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Giáo hội qua các mục tử và các nhà đào tạo, luôn thích ứng để giải quyết và tìm ra những đường hướng, những giải pháp, những mô hình đào tạo tối ưu, nhằm đáp ứng phần nào những thay đổi và nhu cầu của thế giới hiện đại và con người trong thế giới hôm nay. Thế nhưng, dù dưới bất cứ mô hình nào, công cuộc đào tạo linh mục luôn cần phải có những cái khuôn để rồi mỗi chủng sinh, những người đang dấn thân họa lại hình ảnh Đức Ki-tô, phải sống theo để được đào tạo và tự đào tạo mình mỗi ngày nên những người trưởng thành toàn diện theo khuôn mẫu duy nhất và hoàn hảo là chính Đức Ki-tô, vị Mục tử Nhân lành. Nhất là trong một thời đại mà con người tưởng như dư của cải nhưng thiếu tình yêu, thừa tự do, nhưng thật ra lại thiếu lòng thương xót và hạnh phúc đích thực, thì lời mời gọi của Chúa Giê-su kêu mời mỗi chủng sinh thực thi khuôn vàng thước ngọc (x. Mt 7,12) càng trở nên khẩn thiết. Nhờ đó, sứ vụ linh mục tương lai của mỗi chủng sinh cho con người trong thế giới hôm nay mới có thể thu được những thành quả tốt đẹp như lòng Chúa và Giáo hội ước mong…
Cf. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/dao-tao-linh-muc-mot-tien-trinh-nang-dong-52568
Cf. Thánh Công đồng Vaticano II, Sắc lệnh về Đào tạo linh mục, Lời mở đầu
Cf. Bộ Giáo sĩ - 2016, Đào tạo Linh mục, Hồng ân ơn gọi Linh mục, Nxb. Tôn Giáo, số 61-73
Cf. Giáo sư Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Hồng Đức, tr. 651
Cf. Richard Wisemen, Tâm lý học hài hước, Vũ Thanh Nhàn dịch, Nxb Lao Động, tr. 79-91
Cf. N. BERDYAEV, Thế giới quan của Dostoevsky, Nxb Tri Thức, Hà Nội năm 2017, tr. 166-167
Cf. John Mason, Sinh ra là một bản thể, đừng chết như một bản sao, Thúy Hằng dịch, Nxb Lao động, tr. 19