ĐCV Bùi Chu cử hành Tam Nhật Thánh 2024

Thứ hai - 01/04/2024 23:09  2330
“Chúa Kitô đã hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo, nhất là nhờ mầu nhiệm Vượt Qua của Người. Qua đó, Người đã chết để tiêu diệt sự chết của chúng ta và sống lại để khôi phục sự sống cho chúng ta. Vì thế Tam Nhật Vượt Qua nhằm tưởng niệm cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa, sáng chói lên như tột đỉnh của Năm Phụng Vụ” (AC 18). Nhằm giúp cho mỗi thành viên được sống và cảm nếm mầu nhiệm cao cả ấy, Đại Chủng Viện Đức Mẹ Vô Nhiễm Bùi Chu long trọng cử hành Tam Nhật Vượt Qua từ ngày 28 đến ngày 30 tháng 3 năm 2024.

Thứ Năm Tuần Thánh

Mở đầu Thánh lễ, Cha giáo Giuse Phạm Văn Hiển nhắc nhớ về ý nghĩa của Thánh lễ Tiệc Ly. Với Thánh lễ chiều nay, Hội Thánh khai mạc Tam Nhật Vượt Qua. Trong suốt thời gian này, Giáo hội tưởng niệm việc Thiên Chúa bày tỏ tình yêu cách sâu thẳm, nhiệm lạ với nhân loại. Về phần mỗi người, mỗi người được mời gọi giục lòng để dành trọn trái tim, tâm hồn và thân xác trong cuộc kết hợp với cuộc khổ nạn của Đức Kitô, hầu giúp chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn tình yêu của Thiên Chúa ngang qua từng giây phút của cuộc sống.

 
hinh anh 1

Trong bài chia sẻ, khởi đi từ Tin mừng Gioan (Ga 13,1-15), Cha giáo Giuse Đào Văn Toàn nói lên ý nghĩa của Thánh lễ Tiệc Ly chính là hiện tại hoá biến cố Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ, cũng như thiết lập Bí tích Thánh Thể và chức linh mục. Từ đó, khắc hoạ hình ảnh một Thiên Chúa đến phục vụ con người, Thiên Chúa cúi xuống để nâng con người lên. Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ cũng là để nêu gương cho các ông và cho mỗi người chúng ta mẫu gương của sự phục vụ.

Bên cạnh mẫu gương của sự khiêm hạ, việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể cũng là để lại cho Giáo hội “ký ức” về tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Nếu dân Do Thái xưa nhờ ký ức mà họ biết Thiên Chúa là ai, Thiên Chúa đã làm gì cho họ, và họ được giải thoát như thế nào. Thì nay, Bí tích Thánh Thể chính là ký ức của Giáo hội về công trình tạo dựng và cứu chuộc của Thiên Chúa trên cuộc đời mỗi người. Để rồi, mỗi khi cử hành Bí tích Thánh Thể, mỗi khi hiện tại hoá lại việc Chúa Giêsu đã làm là thêm một lần ta cảm nghiệm tình yêu vô biên mà Thiên Chúa ban tặng.

Cuối bài chia sẻ, Cha giáo Giuse trích lời của Đức Hồng Y Henri de Lubac: “Chính Thánh Thể đã làm nên Giáo hội và Giáo hội cũng làm nên Thánh Thể”. Từ đó, ngài nhắc nhở mỗi người trong những giây phút của Tam Nhật Thánh lắng đọng tâm hồn để nhận ra công trình kỳ diệu, nhận ra tình thương bao la mà Thiên Chúa dành cho từng người.

 
hinh anh 2

Sau bài giảng lễ, Cha chủ tế cử hành nghi thức rửa chân.
 
hinh anh 3

Tiếp nối Thánh lễ Tiệc Ly là những giờ Chầu Thánh Thể luân phiên của các lớp, đó là dịp để mỗi anh em chủng sinh bước vào vườn Ghêtsêmani để ngồi lại bên Chúa, để nghỉ ngơi, để chiêm ngắm, để lắng nghe tiếng nói của Chúa Giêsu Thánh thể.
 
hinh anh 6
hinh anh 7

Thứ Sáu Tuần Thánh

Sau khi cùng Đức Giêsu bước vào vườn Cây Dầu, ngày thứ Sáu Tuần Thánh mỗi anh em chủng sinh lại được mời gọi cùng Thầy Chí Thánh lên đồi Calvê.

 
hinh anh 8

Trong bài chia sẻ, Cha giáo Phaolô Phạm Thế Đoàn nói đến “mầu nhiệm Đấng Mêsia”. Theo đó, người triển khai từ Cựu Ước với việc Thiên Chúa chuẩn bị kế hoạch cứu độ, ngang qua việc gửi đến cho Dân Thánh các vị lãnh đạo trong thời: thủ lãnh, quân chủ, ngôn sứ, và thượng tế…Tuy nhiên, tất cả những vị ấy chỉ là hình bóng tiên trưng cho Đấng Lãnh Đạo Hoàn Thiện là chính Đức Giêsu, Người vừa là ngôn sứ, vừa là vua, vừa là tư tế và thượng tế. Trong bài Thương Khó, Chúa Giêsu không hề sợ hãi khi quân dữ tiến vào vườn Ghêtsêmani, cũng không sợ hãi khi ra trước toà Philatô. Trái lại, trong mọi việc, Người luôn chủ động, chính sự chủ động đó làm cho Philatô và quân lính phải run sợ, kinh hãi. Và trên thập giá, Chúa Giêsu trao phó Đức Mẹ cho Gioan và Gioan cho Đức Mẹ, qua đó hoàn tất công trình cứu độ của Người. Đó chính là mầu nhiệm của Đấng Kitô, mầu nhiệm về Đấng Mêsia, Đấng Cứu Thế của chúng ta. Chúa Giêsu chính là hình ảnh “người tôi trung đau khổ” mà Isaia nói tới, Người chết trên thập giá để trở nên của lễ toàn thiêu tinh tuyền, thánh thiện. Người trở nên bàn thờ dâng của lễ lên Chúa Cha và trở nên vị Thượng Tế Thập Toàn ban ơn cứu độ cho chúng ta.

Cuối bài chia sẻ cha giáo nhắn nhủ, khi lắng nghe các bài đọc và bài Thương Khó, ta không tưởng niệm cái chết đau thương của Đức Giêsu nhưng là lắng đọng tâm hồn để hiệp thông vào công cuộc cứu độ của Người. Qua đó, chúng ta nhận ra tình yêu thương mà Thiên Chúa dành cho từng người, cũng như tăng thêm lòng yêu mến, tin tưởng phó thác bước đi theo Chúa.

 
hinh anh 9

Sau bài chia sẻ, cả cộng đoàn cùng Kính thờ Thánh Giá.
 
hinh anh 10
hinh anh 11

Tiếp nối phụng vụ suy tôn và kính thờ Thánh Giá, gia đình Đại Chủng Viện đã cùng bước đi và suy niệm 14 đàng Thánh Giá quanh khuôn viên Chủng viện.
 
hinh anh 13
hinh anh 14

Buổi tối, quý Cha và quý Thầy ngắm 15 ngắm sự Thương Khó của Đức Giêsu, sau đó là đóng đanh và táng xác Chúa.
 
hinh anh 14 1
hinh anh 16
hinh anh 15
hinh anh 17

Thứ Bảy Tuần Thánh

Buổi sáng, quý Thầy thinh lặng bên cạnh mồ Chúa để suy niệm việc Chúa chịu thương khó, chịu chết và xuống ngục tổ tông. Ban chiều, cử hành ngắm dấu đanh, nhằm tôn kính 5 dấu Thánh, đó là những dấu đanh và lưỡi đòng Chúa Giêsu đã mang khi bị treo trên Thánh Giá.

 
hinh anh 18

Tối Thứ Bảy Tuần Thánh – Canh Thức Vọng Phục Sinh

Trong bầu khí thánh thiêng của đêm Vọng Phục Sinh - Mẹ của các đêm, thánh lễ Canh Thức Vượt Qua đã được cử hành cách trang nghiêm và sốt sắng tại nhà nguyện Đức Mẹ Vô Nhiễm vào lúc 20h00p, do cha Giám đốc Đaminh Trần Ngọc Đăng chủ sự, đồng tế với ngài còn có sự tham dự của Cha Phó Giám đốc Giuse Nguyễn Văn Quang, cùng quý cha giáo, và toàn thể quý Thầy nội trú.

 
hinh anh 20

Ngọn nến Phục Sinh đã được thắp lên như hình ảnh tượng trưng cho một mầm sống tái sinh đã được thắp lên giữa bóng đêm tội lỗi. Ánh lửa từ ngọn nến Phục Sinh đã được tỏa lan càng làm bừng lên một niềm hy vọng cho nhân loại trong thế giới ngày hôm nay, bừng lên một ánh sáng vĩnh cửu không bao giờ tàn lụi.
 
hinh anh 19

Trong bài chia sẻ, lấy gợi hứng từ 9 bài đọc, Cha Phó Giám đốc Giuse đã giúp cộng đoàn cũng suy gẫm về hai kinh nghiệm.

Thứ nhất là kinh nghiệm về một Thiên Chúa yêu thương. Để triển khai ý tưởng đó, người dùng ba động từ để diễn tả tình yêu: trong công trình sáng tạo chính Thiên Chúa đã “ban Lời”; trong công trình cứu độ Thiên Chúa lại “ban Con” của Ngài và động từ thứ ba, lên tới đỉnh cao đó là Thiên Chúa “nộp Ngôi Lời”. Ba động từ nói lên sự đi lên của tình yêu, một tình yêu nói ra Lời sáng tạo, một Thiên Chúa ban Con của Ngài để Nhập Thể và đến cuối cùng là nộp chính Con mình. Từ kinh nghiệm đó, Cha Phó giám đốc gợi ra câu hỏi: phần mỗi người, khi theo Chúa đã dâng cho Chúa những gì? Liệu mỗi người có dám trao nộp chính mình vì tình yêu Thiên Chúa, vì tình yêu tha nhân hay chỉ dám cho đi những gì hời hợt bên ngoài.

Thứ hai là kinh nghiệm đi theo Đức Giêsu của các môn đệ. Đặt trong bối cảnh bài Tin Mừng (Mc 16,1-8), các môn đệ đã đi theo Đức Giêsu được hơn kém ba năm, tính từ khởi đầu ở Galilê. Ba năm theo Đức Giêsu, đến ngày hôm nay chỉ còn là nấm mồ. Trong hành trình đó, lúc khởi đầu với bao hồ hởi, sẵn sàng bỏ mọi sự để theo Chúa và cũng không thiếu những lúc được vẻ vang khi chứng kiến Thầy mình thành công, được dân chúng tung hô, ca ngợi… Nhưng đến cuối đời, lại là một sự ê chề, Thầy mình bị liệt vào hàng trộm cắp và chết nhục nhã... Thế nhưng chính sự tuyệt vọng đó lại trở nên một lời mời gọi cho một khởi đầu. Khởi đầu ấy không phải từ Giêrusalem đô thành hay Caphacnaum nhộn nhịp, nhưng là từ chính Galilê, một khởi đầu để làm lại. Nếu như khởi đầu lần thứ nhất các môn đệ vẫn còn u mê, vì chỉ nghĩ theo một ông Vua Mêsia trần thế, thì khởi đầu này là một khởi đầu khác cho một hành trình khác, một hành trình mang Tin Mừng cứu độ đến với muôn dân. Nếu trước đó các ông từng phản bội, từng chối Chúa, từng nhát đảm… thì nay các ông được mời gọi xây dựng một hành trình mới, một khởi đầu dựa trên chính đống đổ nát của đời mình.

Từ kinh nghiệm của các môn đệ, người liên hệ đến mỗi người, khi nhìn lại hành trình cuộc đời, ai cũng có những khởi đầu, có thể là khởi đầu: của tiếng khóc chào đời, của ngày lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy, của ngày lãnh tu phục, hay ngày hồng phúc trở thành linh mục… Nhìn lại những khởi đầu đó, có ê chề, có sai hỏng không? Dù có khiếm khuyết như thế nào, thì hôm nay Đức Giêsu đang mời gọi mỗi người hãy trở lại Galilê để từ đó cất bước cho một hành trình mới.

 
hinh anh 21

Cuối thánh lễ, Cha Giám đốc Đaminh ban phép lành trọng thể và dành những lời cầu chúc tốt đẹp trong mùa Phục Sinh đến quý cha giáo cùng toàn thể anh em chủng sinh.

Xin Đức Giêsu đã đến thế gian, đã chịu chết và sống lại, tiếp tục trợ giúp để mỗi người có bước khởi đầu mới trong mùa Phục Sinh, ngõ hầu trở thành nhân chứng sâu sắc hơn, can đảm, nhiệt thành hơn và xứng đáng loan Tin Mừng cứu độ đến với mọi người.

 
hinh anh 23

Tác giả: Ban Văn hoá - ĐCV

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập279
  • Máy chủ tìm kiếm35
  • Khách viếng thăm244
  • Hôm nay35,787
  • Tháng hiện tại896,148
  • Tổng lượt truy cập78,899,599
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây