Đại Chủng viện Bùi Chu: Những vị khách đặc biệt
Chủ nhật - 06/10/2024 10:42
2107
Cuộc đời của mỗi người được đan kết bởi những cuộc gặp gỡ, và đời tu cũng vậy. Trong hành trình theo chân Chúa, mỗi chủng sinh, những linh mục tương lai, cách riêng anh em đang được đào tạo dưới mái trường chủng viện - ngôi nhà của Mẹ Vô Nhiễm, cũng đang dệt đời mình bằng các cuộc gặp gỡ. Mỗi ngày họ được gặp gỡ Chúa trong Thánh lễ và cầu nguyện, cũng như gặp gỡ nhau trong các sinh hoạt. Cuộc sống của họ thêm phong phú nhờ được gặp gỡ những vị khách đặc biệt qua những lần viếng thăm, những buổi nói chuyện và chia sẻ. Ngày 30 tháng 09 vừa qua, quý cha giáo và quý thầy nội trú của Đại Chủng viện Đức Mẹ Vô Nhiễm Bùi Chu đã đón tiếp và gặp gỡ hai vị khách đặc biệt đến từ Châu Âu.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên trong bầu khí thân tình với một linh mục người Ý, cha Rocco thuộc dòng Thánh Tâm Linh Mục Truyền Giáo (Comboni). Cha đang làm việc tại một trụ sở của nhà dòng ở Sài Gòn, để phục vụ và tìm kiếm ơn gọi, cách riêng là người Việt cho nhà dòng. Theo cha cho biết, sau khi hoàn thành chương trình học tập, các ứng sinh sẽ được gửi đi để phục vụ và truyền giáo tại các nơi mà Nhà dòng đang hiện diện trên thế giới cũng như tiếp tục sứ mạng truyền giáo của Giáo hội, với ước mong đem ánh sáng Lời Chúa soi chiếu trên những miền đất và những con người chưa nhận biết Chân Lý và ơn cứu độ. Qua cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, ai cũng cảm nhận được sự chân thành, thân thiện cùng lòng nhiệt huyết với công cuộc truyền giáo của cha Roco. Nghe theo tiếng Chúa gọi, cha rời bỏ quê hương xứ sở để đến những vùng đất xa xôi, trong đó có Việt Nam để thi hành sứ vụ của mình. Đặc biệt, tình cảm và mối tình của cha dành cho Việt Nam thật đặc biệt. Cha đã gắn bó với Việt Nam 11 năm, và chinh phục một trong những ngôn ngữ khó nhất. Sự đã thành công này đã giúp cho vị linh mục người Ý có thể nói chuyện và chia sẻ bằng tiếng Việt một cách trôi chảy và dễ hiểu. Qua đó, mỗi chủng sinh cũng cảm nhận được hình ảnh một Giáo hội hiệp hành và luôn lan tỏa khắp nơi trên khắp địa cầu.
Niềm vui nối tiếp niềm vui, sau cuộc gặp gỡ với một linh mục đến từ nước Ý, Đại Chủng viện lại được chào đón một linh mục đến từ Pháp quốc và cũng là một người rất rành tiếng Việt. Đơn giản là bởi vì vị linh mục này là một người con của giáo phận Bùi Chu, đó là cha Đaminh Nguyễn Xuân Nghĩa. Cha đã phục vụ tại nước Pháp hơn 27 năm. Cũng cần nói thêm rằng Cha Đaminh Nguyễn Xuân Nghĩa sinh ra và lớn lên tại Giáo xứ Kiên Chính thuộc Giáo phận Bùi Chu, từ năm 1997, cha đã rời Việt Nam cùng một số anh em qua Pháp Quốc để thực hiện hóa lý tưởng linh mục của mình. Để rồi, từ sau ấn tượng nơi Đại hội Giới trẻ thế giới tại Paris, cha đã vào Chủng viện để tu học và trở thành linh mục thuộc một Giáo phận của Pháp.
Sau 27 năm phục vụ tại một số giáo xứ bên Pháp, cha trở về Việt Nam để nghỉ ngơi và như cha chia sẻ là để “báo hiếu” trong “một năm Sa Bát” bên gia đình và người thân nơi quê cha đất tổ. Nhờ đó, trong thời gian tạm nghỉ phục vụ Giáo xứ để đi thăm một số cộng đoàn ở Châu Á, cũng như chia sẻ và cổ võ lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giê-su tại một số nơi, trong đó có Việt Nam, cơ duyên đã đưa cha đến với mái trường Đại Chủng viện Đức Mẹ Vô Nhiễm Bùi Chu để thăm và có bài chia sẻ với quý thầy nội trú. Đây quả thật là một cuộc gặp gỡ thật ý nghĩa, dù cha trở về sau bao năm xa xứ, nhưng lòng vẫn hướng về Giáo phận, nhất là thao thức với công cuộc đào tạo linh mục của Giáo phận nhà, nơi những thế hệ đàn em đang tiếp bước để Tin Mừng cứu độ tiếp tục được lan tỏa tới tận cùng trái đất.
Trong bài chia sẻ, cha Đaminh đã đưa quý thầy thực hiện một cuộc viễn du nho nhỏ đến nơi mà cha đang sinh sống và phục vụ. Dù chỉ là qua những thước phim hay những hình ảnh, nhưng qua lời chia sẻ của một người đã sống, đã cảm và đã ở gần 30 năm thì vùng đất mà cha đang sống và phục vụ thật sinh động. Trước hết, cha đã đưa quý thầy tham quan thành phố Macon, một thành phố giàu lịch sử với nhiều tòa lâu đài cổ kính với bề dày lịch sử trên dưới ngàn năm; với những cánh đồng nho bạt ngàn, với ngành công nghiệp rượu vang nổi tiếng cũng như việc thưởng thức những thứ rượu được nâng lên mức nghệ thuật. Nhất là nơi đây đã từng diễn ra một Công nghị của Giáo hội bàn luận một vấn đề khá thú vị và đôi chút hài hước đó là “người nữ có linh hồn không?”. Tiếp đến, cha đã giới thiệu một vài khía cạnh và thực trạng đời sống đức tin của người Công Giáo tại Giáo phận, giáo xứ mà cha đang làm cha xứ. Đây là một giáo phận thuộc một quốc gia đã từng là “Trưởng nữ của Giáo hội” và Công giáo từng được coi là “quốc giáo”, nơi mà nền văn minh Ki-tô giáo thấm đẫm và một đời sống đức tin rất khác với Giáo phận Bùi Chu, dù ngày nay việc thực hành và sống đạo chỉ còn là thiểu số…
Phần thứ hai của bài chia sẻ, cha Đaminh đã giới thiệu cho quý thầy về lịch sử, vị thánh sáng lập phong trào sùng kính Thánh Tâm Chúa Giê-su nhân mừng Năm Thánh kỉ niệm 350 năm các lần hiện ra của Thánh Tâm Chúa Giê-su. Năm thánh này kéo dài từ ngày 27 tháng 12 năm 2023 đến ngày 27 tháng 6 năm 2025. Vị thánh đã được Chúa Giê-su hiện ra và mạc khải về Thánh Tâm bị đâm thâu của Ngài là thánh nữ Maria Magarita, một nữ tu dòng kín tại Paray-le-Monial thuộc Giáo phận mà cha đang phục vụ. Các sự kiện tại Paray-le-Monial đã diễn ra vào cuối thế kỷ XVII. Những lần Chúa Giêsu hiện ra với thánh nữ Maria-Magarita diễn ra từ cuối tháng 12 năm 1673 đến tháng 6 năm 1675. Dựa trên sứ điệp mà Chúa Giê-su tỏ ra cho thánh nữ Maria-Magarita, cha chia sẻ rất ý nghĩa và cổ vũ về việc sùng kính Thánh Tâm Chúa, một trái tim đã bị rớm máu và tan nát vì tội lỗi con người, nhưng trái tim ấy vẫn yêu và vẫn hiến trao hầu mang ơn cứu độ cho con người. Kết thúc bài chia sẻ, cha cũng đưa ra cho quý cha và quý thầy những việc thực hành cụ thể để thực hiện lòng sùng kính đối với Thánh Tâm Chúa.
Buổi gặp gỡ khép lại với lời cám ơn của cha Giám đốc Đaminh Trần Ngọc Đăng và của thầy đại diện cho anh em chủng sinh.
Hy vọng qua cuộc gặp gỡ đậm tình Chúa, đẫm tình người này, nhất là bài chia sẻ và tấm gương về sự hy sinh vì Giáo hội của quý cha, mỗi chủng sinh ngày càng yêu mến Thánh Tâm Chúa Giê-su hơn. Đồng thời, mỗi người cũng nỗ lực và hun đúc tinh thần lên đường, hăng say mang lời Chúa đến cho muôn dân, nhất là những người mà anh em gặp gỡ và phục vụ trong sứ vụ hầu có thể góp phần mình hàn gắn những vết thương mà Thánh Tâm Chúa Giê-su đã và đang chịu vì tội lỗi con người…
Tác giả: Ban Văn Hóa- ĐCV Bùi Chu