Thái độ học tập cần có của chủng sinh
Thứ tư - 25/09/2024 05:25
2247
Trong Thư gửi các chủng sinh ngày 18/10/2010, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI nhấn mạnh: “Thời kỳ chủng viện cũng là và trên hết là thời gian học tập. Đức tin Kitô giáo có chiều kích thuần lý và tri thức một cách hết sức cơ bản. Không có chiều kích này, đức tin không còn là mình”. Cũng trong thư này, ngài còn tha thiết mời gọi các ứng sinh linh mục: “Hãy học hành nghiêm túc! Hãy tận dụng những năm học tập ấy! Sau này các con sẽ không ân hận”.
Quả thực, thời gian đào tạo tập trung tại đại chủng viện được tổ chức chặt chẽ một cách có hệ thống, đặc biệt là việc đào tạo trí thức chiếm nhiều thời gian nhất. Chính vì thế đối với mỗi chủng sinh, việc tận dụng khoảng thời gian quý báu tại đại chủng viện để học tập sẽ có ý nghĩa rất lớn chuẩn bị cho sứ vụ mục tử tương lai. Vậy đâu là thái độ học tập cần có nơi mỗi người chủng sinh? Xin chia sẻ ba nét sau: khiêm tốn cầu tiến, kiên trì thăng tiến và khao khát cùng tiến.
- Khiêm tốn cầu tiến
Khiêm tốn là thái độ đầu tiên phải có của con người khi đứng trước Thiên Chúa, trước mầu nhiệm. Và đó cũng là thái độ khôn ngoan của mỗi người trước kho tàng tri thức bao la của nhân loại. Kiến thức mà mỗi người thủ đắc chỉ như một giọt nước li ti trong đại dương vô tận của sự hiểu biết. Những “cái đã biết” may chăng là vài gợn sóng lăn tăn giữa trùng dương mênh mông sóng nước của “cái chưa biết”. Chỉ khi nào nhìn nhận mình yếu kém thì con người ta mới biết tiếp nhận cách chân thành. Tự cho mình là đủ sẽ không thấy nhu cầu cần thiết phải bổ sung. Một ly nước đã đầy thì không thể rót thêm được nữa. Nhà văn Nga Daniil Granin (1919-2017) nói rằng: “Người ta không mắc sai lầm vì dốt mà vì tưởng là mình giỏi”.
Quả thật, người nào càng học hành nghiêm túc thì mới càng cảm thấy mình dốt. Càng nghiên cứu, càng tìm hiểu chuyên sâu thì càng thấy nhu cầu phải học hỏi nhiều hơn nữa. Lúa chín cúi đầu, sông sâu tĩnh lặng, người khôn kiệm lời. Chỉ có Chúa mới là sự thật tuyệt đối, là Chân Lý toàn vẹn. Bao lâu còn có dấu vết của con người, ở đó còn khiếm khuyết và còn có thể sai hỏng, cho nên cần khiêm tốn và ham muốn học hỏi. Tác giả sách minh triết Kinh Thánh khuyên chúng ta: “Hiểu biết và khôn ngoan, con hãy mua hãy sắm” (Cn 4,5), “vì bước đầu để đạt tới Đức Khôn Ngoan là thật lòng ham muốn học hỏi. Chăm lo học hỏi là yêu mến Đức Khôn Ngoan” (Kn 6,17).
Hơn nữa, sự hiểu biết đích thực không có nghĩa là sở hữu thông tin hay tri thức, cho bằng đó chính là việc sống những gì đã tri ngộ. Điều này nhắc nhớ mỗi người không biến mình trở thành những tay “kiến thức nửa mùa”, xem hiểu biết như một thứ đồ trang sức không hơn không kém, và chỉ dùng nó để loè thiên hạ. Và càng không tự phụ kiêu căng về “cái biết của mình” nhưng khao khát tìm kiếm “cái biết về Thiên Chúa” và vươn tới “cái biết của Thiên Chúa”. Mà “cái biết về Thiên Chúa” không phải là biết về Ngài theo một lối hàm hồ, nhưng là sự dấn thân hầu bước vào hành động cứu chuộc của Ngài.
Về điều này, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng nhắc nhở: “Quan tâm học hỏi không chỉ giản lược vào việc thu thập một mớ kiến thức trừu tượng, không được khép kín người tận hiến trong một vòng đai tự mãn ngột ngạt; trái lại, quan tâm học hỏi cổ võ đối thoại và chia sẻ, phát huy óc phán đoán, thúc đẩy chiêm niệm và cầu nguyện, luôn luôn tìm kiếm Thiên Chúa và nhận ra hoạt động của Người ngay giữa thực tại phức tạp của thế giới đương thời”.
- Kiên trì thăng tiến
Công cuộc đào tạo linh mục là một tiến trình duy nhất, toàn diện và tiệm tiến. Cách riêng, đó là tiến trình đào tạo toàn diện, liên tục và năng động về mặt tri thức. Con đường dẫn tới thành công không có lối đi tắt. Cũng chẳng có đường lên đỉnh vinh quang lại trải toàn hoa hồng. Những thành tích kiểu nóng vội chộp giật thường không lâu bền. Không thể có ngày mùa hân hoan nếu trước đó không vất vả ra công gieo trồng và nhọc nhằn lao tác. Ánh huy hoàng phục sinh chỉ đến sau khi đã trải qua đường khổ nạn thập giá. Đức Giêsu cũng đã kinh qua con đường đó và trở nên gương mẫu cho chúng ta. Và đây cũng là xác tín căn bản trong mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó có việc học tập.
Mang thân phận con người giới hạn và yếu đuối, chúng ta phải trông cậy vào ơn Chúa, “vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Hành trình biến đổi của mỗi chủng sinh cũng thể hiện sự tương phản giữa ơn thánh và sức phàm: sức con người bằng một, ơn Thiên Chúa bằng muôn. Tuy nhiên, Thiên Chúa luôn đòi nơi mỗi người một sự cộng tác, nỗ lực vươn lên liên lỷ không ngừng. Sự quan phòng siêu nhiên không phá huỷ, cũng không mâu thuẫn với những cố gắng tự nhiên của con người. Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận nói: “Muốn cách mạng thế giới, phải có ơn Chúa, nhưng con phải là khí cụ điêu luyện” (Đường hy vọng, số 563).
Cũng như các chiều kích đào tạo khác, trong việc học tập, chủng sinh cần có “đặc tính thanh thản và cần mẫn của những người tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa”. Trên hành trình tìm kiếm chân lý, ngày nào dừng lại thoả mãn thì cũng đồng nghĩa với việc đang bước vào con đường tụt hậu. Mỗi chủng sinh nên rèn luyện khả năng kiên trì trong học tập để ngày càng biết Chúa, biết mình và biết người. Thực tế mục vụ ngày nay đòi hỏi các nhà lãnh đạo tinh thần cần sở hữu một nền tảng tri thức đạo đời vững vàng, chắc chắn; một sự am hiểu phong phú và tâm hồn nhạy bén; cùng với một phán đoán quân bình và khả năng sáng tạo để có thể dấn thân cách đắc lực hơn cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Điều đó giúp các linh mục có khả năng phân định và đứng vững trước những chao đảo vần xoay của thế sự đổi thay, không ngừng làm lung lay các giá trị nền tảng.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, Tông huấn Pastores Dabo Vobis đề nghị: “Tình huống hiện đại tự nó cũng đòi hỏi các bậc thầy ngày càng ngang tầm hơn với sự đa phức của thời đại và phải đủ sức biện luận một cách có uy thế, minh bạch và sâu sắc để đương đầu với những vấn nạn do con người ngày nay đặt ra, những vấn nạn mà chỉ có Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô mới mang lại được một lời giải đáp đầy đủ và dứt khoát”. Ở đây, chúng ta mới có thể hiểu tại sao thánh tiến sĩ Phanxicô Salêsiô thậm chí còn cho rằng: “kiến thức như bí tích thứ tám của người linh mục”. Thật thế, nếu thiếu kiến thức, người linh mục có nguy cơ trở nên như ngọn đèn đã tắt (x. Mt 5,14-16).
- Khát khao cùng tiến
Ngay từ đầu, công cuộc đào tạo linh mục đặc biệt mang tính cộng đoàn. Thật vậy, ơn gọi linh mục là một hồng ân Thiên Chúa ban cho Giáo hội và thế giới, là con đường để tự thánh hoá và thánh hoá người khác, một con đường mà chúng ta không thể đi, theo kiểu chủ nghĩa cá nhân. Nếu như tình yêu Đức Kitô đã quy tụ các chủng sinh thì họ được mời gọi sống tinh thần cộng đoàn cách đặc biệt với những người anh em cùng chí hướng. Chiều kích cộng đoàn của việc đào tạo linh mục cũng được thể hiện trong đời sống tri thức tại đại chủng viện. Theo đó, học tập chủ yếu là một quá trình hội nhập vào một cộng đồng những người truy tìm chân lý.
Đúng là “tri thức làm đẹp con người”, nhưng không đơn giản chỉ là tô vẽ lên cái tôi của mình thêm chút màu mè của sự thông thái nhưng cốt yếu là tinh thần chia sẻ để cùng nhau tận hưởng cái vị ngọt ngào huyền nhiệm của tri thức. Vì thế, các chủng sinh cần tránh thái độ cạnh tranh, ghen tương, đố kỵ về thành tích học tập, theo tinh thần thế tục không xứng bậc tu trì. Cần loại bỏ những mầm mồng của “khát vọng thống trị” (libido dominadi), vốn là đặc điểm của đô thị trần gian, mà thánh Augustinô nói tới. Cũng cần loại bỏ cả đam mê đi tìm kiếm sự phù phiếm cho riêng mình. Thánh Phaolô nhắc nhở: “Chúng ta đừng có tìm hư danh, đừng khiêu khích nhau, đừng ganh tỵ nhau” (Gl 5,26).
Học tập trong tinh thần cùng tiến giúp người chủng sinh không còn quá coi trọng điểm số và những so kè về thứ bậc xếp loại. Việc học tại đại chủng viện cũng không nhằm động cơ thể hiện mình tài năng, giỏi giang hơn người khác nhưng trong khao khát vượt lên chính mình và khuyến khích cùng nhau thăng tiến. Ngoài ra, cũng không “khai thác” người khác cho những toan tính cá nhân hẹp hòi nhưng giúp nhau nên thánh. Nhờ đó, những động cơ vị kỷ, tranh giành thắng thua kiểu thế gian sẽ được thay bằng nỗ lực theo đuổi những giá trị Tin Mừng, cùng nhau cống hiến, cùng nhau phục vụ. Ở đó, mỗi chủng sinh sẽ nhận ra niềm vui của việc cùng nhau khám phá tri thức.
Đối với mỗi ứng sinh linh mục, việc đào tạo tri thức nhằm học biết những chân lý về Thiên Chúa, về con người, về thế giới và cuộc sống để hiểu, đón nhận, sống, loan báo và làm chứng về những chân lý này. Việc học hỏi này được thực hiện dưới nhiều hình thức: học trên lớp, học qua thư viện, học hỏi lẫn nhau, học từ cuộc sống… và nhất là những bài học thâm sâu trong cầu nguyện, dưới chân thánh giá, trước Thánh Thể. “Thần học thư viện” cần dẫn tới “thần học bàn thờ”, “bàn học” cần dẫn tới “bàn quỳ”. Tất nhiên, ai cũng muốn mình giỏi, ai cũng muốn có kết quả học tập tốt. Những thành tích cao nếu đạt được trong quá trình học tập rất đáng trân trọng nhưng nó không mang ý nghĩa quyết định cho đời tu. Có lẽ lời nhắn nhủ của Đấng Đáng Kính Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận vẫn mang giá trị định hướng: “Học để biết. Học để canh tân. Học để phục vụ. Học để yêu mến” (Đường hy vọng, số 560).
Tóm lại, mỗi chủng sinh cần biết sắp xếp hợp lý thời gian tại đại chủng viện để học tập, bởi lẽ như người ta thường nói: “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Muốn trở nên những ngôn sứ trung thành của Lời Chúa, muốn trở thành mục tử tin cậy của mọi người, chủng sinh phải chuẩn bị một cách tích cực, với đầy đủ ý thức trách nhiệm. Muốn trở nên khí cụ sắc bén Chúa dùng, muốn trở thành một chỗ tựa nương tín cẩn cho người giáo dân thì linh mục cần hội tụ những phẩm chất cần thiết, sự hiểu biết và khôn ngoan, đời sống nội tâm sâu sắc và lòng nhiệt thành phục vụ. Nếu như linh mục là “người mà người ta tìm đến” thì bản thân linh mục phải trở nên đáng tin và đáng mến.
Mặc dù tri thức chỉ là một chiều kích trong tiến trình đào tạo linh mục nhưng đây là phương diện được nhấn mạnh trong giai đoạn đào tạo tập trung tại đại chủng viện. Những cố gắng trau dồi tri thức cần được thực hiện hài hoà cùng với những nỗ lực để trưởng thành về mặt nhân bản, thăng tiến đời sống thiêng thiêng và lớn lên trong thao thức mục vụ. Trong chiều hướng ấy, xin nhắc lại lời khẳng định của Bộ Giáo sĩ: “Sự đầu tư tri thức của bản thân chủng sinh trong từng môn học là tiêu chuẩn để phân định ơn gọi và là điều kiện để họ ngày càng trung thành hơn với sứ vụ mục vụ được giao phó trong tương lai”.
x. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Đào tạo Linh mục: Định hướng và chỉ dẫn (2012), số 248.
Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata (25/3/1996), số 98.
Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis (25/3/1992), số 56.
x. Jose Kuttianimattathil, “Ministres dans un monde plat et dans une Église plate” (Làm thừa tác viên của Chúa trong một thế giới phẳng và trong một Giáo hội phẳng), trong Tạp chí Omnis Terra của Hiệp hội Truyền giáo Giáo hoàng, số tháng 2/2011, tr. 67-76, Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành chuyển ngữ, trích lại theo WGPHN (30/12/2012): https://www.tonggiaophanhanoi.org/lam-thua-tac-vien-cua-chua-trong-mot-the-gioi-phang-va-trong-mot-giao-hoi-phang/
x. Bộ Giáo Sĩ, Bản Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis (2016), Dẫn nhập.
x. Timothy Radcliffe, Hát lên bài ca mới: Ơn gọi Kitô hữu, Lm. Giuse Nguyễn Văn Chữ và anh em Đaminh chuyển ngữ, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2013, tr. 343-353.
Ngạn ngữ Nga có câu: “Bộ lông làm đẹp con công, học vấn làm đẹp con người”.
Bộ Giáo Sĩ, Bản Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis (2016), số 141.