ĐCV Bùi Chu tất niên và chào năm mới
Thứ tư - 07/02/2024 05:25
2240
Sáng thứ Bảy, ngày 03 tháng 02 năm 2024 (tức ngày 24 Tết), trong bầu khí ấm cúng, yêu thương, gia đình Đại Chủng viện Đức Mẹ Vô Nhiễm Bùi Chu đã long trọng tổ chức chương trình mừng Tất Niên năm Quý Mão và chào đón năm mới Giáp Thìn.
Hiện diện trong chương trình văn nghệ tất niên và chào đón năm mới của Đại Chủng viện, có Cha Giám đốc Đaminh Trần Ngọc Đăng, cùng quý Cha trong Ban đào tạo, quý Cha linh hướng, và đông đủ quý thầy nội trú và ngoại trú.
Buổi văn nghệ được khai mở với tiết mục rất sôi động và ý nghĩa của quý Thầy trong ban Thiếu Nhi Thánh Thể, ngay sau đó là tiết mục kịch: “Nhìn lại” của quý Thầy nội trú. Đằng sau những tiếng cười mà quý Thầy mang lại qua tiểu phẩm, là những khoảng lặng để mỗi người cùng nhìn lại chính mình trong năm qua. Nhìn lại để tạ ơn, nhìn lại để tri ân, để thấy niềm hạnh phúc, bởi Thiên Chúa đã bao bọc cuộc đời ta ngang qua những biến cố thăng trầm, buồn vui, được mất, dang dở hay thành toàn. Nhìn lại cũng là để hướng ánh nhìn hy vọng vào tương lai, vẫn còn đấy những trầm lắng suy tư, còn đấy những ngổn ngang tâm trí, còn đấy những quyết tâm tốt đẹp và thánh thiện cần được viết bằng những nét tươi sáng của Mùa Xuân.
Trước khi khép lại chương trình văn nghệ, Cha Giám đốc Đaminh thay lời cho quý Cha trong ban đào tạo, gửi tới mỗi anh em chủng sinh lời nhắn nhủ trong dịp Tết Nguyên Đán. Bốn chữ được Cha Giám đốc Đaminh đưa ra là: an toàn – gia đình – tinh thần nghèo khó – ý nghĩa của năm con Rồng. Với chữ “an toàn”, ngài nhắn nhủ mỗi anh em cần sắp xếp thời gian để đi lại hợp lý, đặc biệt là giữ an toàn khi tham gia giao thông. Với chữ “gia đình,” Cha nhấn mạnh về ý nghĩa sum họp, gặp gỡ gia đình của ngày Tết. Do đó, mỗi người cần ưu tiên thời gian bên cha mẹ và những người thân quen họ hàng, đặc biệt là những người cao niên, những người đau yếu.
Cha giám đốc tiếp tục với lời nhắn nhủ về “tinh thần khó nghèo”. Người nói: “sẽ không ai chê một chủng sinh ăn mặc không sang trọng, nhưng người ta sẽ chê trách nếu người đó nghèo trong nhân đức, nghèo trong tình thương”. Vậy nên mỗi người cần tập luyện nghèo về cách chi tiêu nhưng giàu về tình thương. Ngoài ra, khi sống tinh thần nghèo khó, mỗi người sẽ có nhiều điều kiện hơn để chia sẻ với những người khó khăn, nhất là những người ốm đau, bệnh tật. Về “ý nghĩa của năm con Rồng” trong văn hoá Việt Nam, Rồng thể hiện cho sự cao quý, Rồng cũng biểu tượng cho sự thịnh vượng, phát triển. Tuy nhiên, Rồng cũng mang những hình ảnh tiêu cực trong dân gian như nói đến tính cách bốc đồng, màu mè, chuộng hình thức bên ngoài. Vậy nên, mỗi Chủng sinh cần gìn giữ phát triển những điều cao quý, ngoài ra cần tránh những điều mang tính tiêu cực.
Sau chương trình văn nghệ là Thánh lễ Tất Niên do Đức Cha Tôma, giám mục giáo phận chủ tế. Mở đầu Thánh lễ, ngài nhắc nhớ lễ Tất Niên năm nay trùng vào thứ bảy đầu tháng và cũng là thứ bảy cuối cùng trong năm Quý Mão, mỗi người hãy đến với trái tim vẹn sạch Đức Mẹ, để dâng lời ca tiếng hát tạ ơn, tri ân Thiên Chúa về muôn ơn lành Ngài đã thương ban. Đồng thời, mỗi người cũng cần thống hối xin Chúa tha thứ mọi lỗi lầm thiếu sót trong các việc bổn phận. Ngài cũng hướng ý cầu nguyện cho Đức Cha cố Giuse, quý Cha giáo và anh em Chủng sinh đã ra đi trước, cũng như cầu nguyện cho ân thân nhân đã âm thầm giúp đỡ Đại Chủng viện trong suốt thời gian qua.
Trong bài giảng lễ, hai ý tưởng chính được Đức Cha Tôma triển khai đó là “tạ ơn” và “xin lỗi”. Để làm sáng tỏ tâm tình “tạ ơn”, ngài lần lượt điểm qua các bài đọc trong thánh lễ. Với bài đọc 1 (Is 63, 7-9), chính Thiên Chúa là Đấng thi ân, chính Thiên Chúa là Đấng lắm nghĩa giàu ân, luôn yêu thương chăm sóc mỗi người. Theo Đức Cha, đặt trong bầu khí lễ Tất Niên, nhà Israel mà ngôn sứ Isaia nói tới chính là mái nhà Đại Chủng viện và mỗi người là Dân được Thiên Chúa tuyển chọn và đang được biến đổi để nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Với bài đọc 2 (Cr 1, 3-9), thánh Phaolô hướng mỗi người gắn bó với Đức Kitô là Đấng ban ơn lành cho chúng ta qua hy tế cứu độ của Ngài. Tất cả trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô ta đón nhận được hết hồng ân này đến hồng ân khác. Từ đó, mỗi người cần bắt chước Đức Mẹ qua lời ca Magnificat (Lc 1,39-55), để thưa lên với Chúa và xác tín thân phận mỗi người chủng sinh hèn mọn chỉ là những tôi tớ vô dụng mà Chúa đang đẽo gọt, uốn nắn.
Tâm tình thứ hai mà Đức Cha Tôma nhắn gửi là tâm tình “xin lỗi”. Lễ Tất Niên là dịp thuận tiện để mỗi người xin lỗi Chúa về những lỗi lầm, thiếu sót; thiếu sót với anh em và thiếu sót trong chính việc bổn phận. Chỉ khi làm hoà với nhau, mỗi người mới xứng đáng tham dự các mầu nhiệm thánh. Đức Cha cũng nguyện chúc mỗi người biết mặc lấy tâm tình “vội vã” lên đường của Mẹ Maria, qua đó từng chủng sinh cũng biết đem niềm vui, đem Chúa đến với mỗi người mà mình gặp gỡ.
Kết thúc thánh lễ Tất Niên, một thầy đại diện đã thay lời cho Chủng sinh đoàn tri ân và chúc Tết Đức Cha cùng quý Cha giáo.
Ước mong khi nhìn lại một năm đã qua, mỗi thành viên trong gia đình Chủng viện nhận ra những ưu điểm để tiếp tục phát huy, đồng thời cố gắng khắc phục những hạn chế trong năm mới. Xin Chúa gìn giữ và ban nhiều ơn lành cho gia đình Đại Chủng viện trong năm tới, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Tác giả: BVH Đại Chủng Viện