ĐCV Bùi Chu: Lớp K9 - Phêrô Tự bác ái Mùa Chay

Thứ ba - 19/03/2024 04:31  2145
Khi hành trình Mùa Chay Thánh dần khép lại, toàn thể Giáo hội chuẩn bị bước vào Tuần Thánh tưởng niệm cuộc khổ nạn và mừng biến cố Phục Sinh, dịp lễ lớn nhất của người Công Giáo. Đây cũng là thời gian lời mời gọi của Giáo hội nên tha thiết hơn với mọi thành phần dân Chúa, để mỗi người mở con tim, giang rộng vòng tay và bước đôi chân đến với những anh chị em đang cần lắm sự sẻ chia của tình Chúa, tình người. Đó cũng là tâm tình của anh em lớp thánh Phê-rô Nguyễn Văn Tự đại chủng viện Đức Mẹ Vô Nhiễm Bùi Chu trong chuyến đi bác ái Mùa Chay tại Giáo xứ Xuân Dương. Đây là một giáo xứ có thể nói là lớn về địa bàn và số giáo dân, nhưng vẫn còn đó bao con người bé mọn đang cần lắm nhưng đôi tay và trái tim của sự quan tâm; một giáo xứ có thể nói là giàu có nhưng vẫn còn đó những người nghèo cần sự sẻ chia về cả vật chất lẫn tinh thần; một giáo xứ có những người khỏe mạnh, nhưng cũng không thiếu bao người yếu đau bệnh tật cần sự an ủi động viên...
 

Thật vậy, cùng với việc ăn chay và cầu nguyện, làm việc tông đồ, bác ái cũng là một trong ba cột trụ của mùa Chay thánh[1]. Cũng vậy, mùa Chay còn là mùa xuân của tâm hồn, một thời điểm tuyệt vời giúp mỗi người làm mới lại trái tim có thể đã nên khô cằn vì tội lỗi, để nhờ ơn tha thứ, sự hy sinh hãm mình, việc giao hòa với Chúa nơi bí tích Hòa giải, cùng những cuộc gặp gỡ với những con người, trái tim hèn yếu của chúng ta được tưới gội và đâm chồi nảy lộc những chồi non của tình yêu, sự tha thứ và lòng bác ái. Bên cạnh đó, mùa Chay là mùa không chỉ để vào sa mạc ở một mình với Chúa trong ăn chay, cầu nguyện và thinh lặng, nhưng còn là mùa của ra đi, đến với mọi người, nhất là những người bé mọn bằng những cử chỉ, hành động và việc làm bác ái cụ thể. Qua đó, chúng ta có thể gặp gỡ, sẻ chia, cảm thông với những phận người có thể nghèo hèn, ốm đau bệnh tật, nhưng nơi đó lại ẩn chứa rõ nhất hình ảnh chính Đức Ki-tô, Đấng giàu lòng thương xót mà mỗi anh em chủng sinh đang bước theo và muốn nên đồng hình đồng dạng.

Cùng với đó, Mùa Chay còn là mùa của trái tim, mùa để thanh luyện và tái tạo một trái tim biết yêu và chạnh thương, nhất là trước cảnh đời còn nhiều khó khăn, cô đơn, đau khổ và bất hạnh. Do đó, bác ái là một trong những cột trụ mà Giáo hội luôn mời gọi con cái mình thực hiện mỗi ngày, cách riêng trong mùa Chay Thánh. Nhờ đó, lời cầu nguyện và việc ăn chay mới thực sự có ý nghĩa. Qua việc làm bác ái, khi gặp gỡ những cảnh đời nghèo khổ, bệnh tật và kém may mắn, mỗi người sẽ nhận ra tình yêu và khuôn mặt của chính Đức Ki-tô nơi những con người, nhất là người nghèo khổ bất hạnh, một đức Ki-tô đang sống. Không những thế, bác ái không chỉ là cho đi những vật chất tầm thường và chóng qua. Dẫu vẫn biết của cải vật chất là quý, nhưng không phải là tất cả và cái quyết định ý nghĩa của việc bác ái. Trái lại, cốt lõi của việc bác ái là để trái tim biết mở ra để tâm hồn được thanh tẩy, lớn lên và trưởng thành mỗi ngày. Nhờ đó, mỗi chuyến đi, nhất là những chuyến đi bác ái là một cơ hội giúp mỗi anh em trưởng thành hơn để mỗi ngày và trong sứ vụ mục tử tương lai, mỗi anh em biết khiêm tốn, đại lượng, cúi mình đến với những con người nhỏ bé nhất như chính Đức Ki-tô, nhất là trong một thế giới đề cao sự hưởng thụ và tôn thờ vật chất.

Chính Chúa Giê-su đã nói: “Tôi sinh ra và đến thế gian vì điều này: đó là để làm chứng cho sự thật, ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37). Giữa một thế giới mà sự thật dường như là một thứ gì đó xa xỉ và lố bịch với nhiều người, nhất là khi con người ngày nay thích khoác cho nhau và cho chính mình những chiếc mặt nạ sặc sỡ, đẹp đẽ của sự dối trá và bất công, thì lời của Đức Ki-tô, lời của sự thật lại càng cần được minh chứng bằng hành động. Để rồi, trong một xã hội tưởng như hào nhoáng công bằng, khi sự thật vẫn như một cô gái trần trụi, xấu hổ phải ẩn mình dưới giếng sâu, vì đã bị tên dối trá lừa mất bộ quần áo[2] thì lời mời gọi làm chứng cho sự thật của Thầy Chí Thánh đối với mỗi Ki-tô hữu, cách riêng mỗi anh em chủng sinh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15) lại càng trở nên tha thiết và vọng vang trong tâm trí mỗi người môn đệ.

Cách riêng trong cánh đồng truyền giáo bao la, sứ mạng loan báo Tin Mừng tưởng như thật khó khăn và đòi hỏi nhiều hy sinh vất vả khi các nhà thừa sai vẫn miệt mài những nơi xa xôi hẻo lánh. Điều đó không sai, nhưng nếu hiểu truyền giáo hay loan báo Tin Mừng đơn giản là làm chứng cho sự thật, là nói sự thật về Chúa, về con người và thế giới, thì mỗi cuộc gặp gỡ, mỗi sự sẻ chia qua lối sống và cách ứng xử của mọi thành phần dân Chúa cũng chính là một cách loan báo Tin Mừng hữu hiệu. Đó là mục đích cuộc Nhập thể của Chúa Ki-tô và cũng là sứ mạng của Giáo hội, mà trong đó có mỗi người chúng ta, nhất là những người đang bước theo “con đường Giê-su”. Nói sự thật về Chúa là gì nếu không phải là Tình Yêu, như thánh Gioan đã cho chúng ta biết “Thiên chúa là tình yêu”(1Ga 4,16). Như thế, nói sự thật về Thiên Chúa là nói sự thật về tình yêu và lòng thương xót của Ngài. Tuy nhiên, sự thật hay tình yêu chẳng có ý nghĩa gì nếu chỉ dừng lại trong suy nghĩ hay con tim. Trái lại, lòng thương xót và tình yêu phải được thể hiện cụ thể bằng những hành động cụ thể với con người trong thế giới, nhất là với những người bé mọn, những người còn cần lắm những đôi tay và nhất là trái tim biết cảm thông sẻ chia. Quả thật, “người nghèo bên cạnh anh em lúc nào cũng có”(Mc 14, 7) là lời đánh động để rồi việc làm bác ái không chỉ là công viêc thời vụ, nhưng là việc hằng ngày, khi trong mỗi Thánh lễ, mỗi giờ cầu nguyện và trong nếp nghĩ lối sống phải luôn hướng tới nơi mà Đức Ki-tô hiện diện cách sống động và chân thực nhất đó là nơi những người nghèo khổ bất hạnh cả về vật chất lẫn tinh thần. Nơi đó, hình ảnh đức Ki-tô sáng rõ và gần gũi nhất.

Tuy nhiên, trong một xã hội vô cảm, hầu như vô tình, rốt cuộc chúng ta trở nên vô cảm trước tiếng kêu của người nghèo, không còn có thể khóc trước nỗi đau của người khác hay cảm thấy cần cứu giúp họ, coi như tất cả đều là trách nhiệm của một ai khác chứ không phải của chính chúng ta. Văn hoá của sự thịnh vượng làm chúng ta mất đi sự mẫn cảm; chúng ta phấn khích nếu thị trường cung cấp cho chúng ta một món hàng mới; trong khi tất cả những mảnh đời cằn cỗi vì thiếu cơ hội có vẻ chỉ là một cảnh tượng bình thường, không hề làm chúng ta mủi lòng.”[3] Đó là lời trăn trở của Đức Thánh cha Phan-xi-cô, nhưng cũng là lời mời gọi mỗi người Ki-tô hữu, nhất là những người đang bước theo Đức Ki-tô trong ơn gọi Linh mục luôn ý thức, nhạy bén và quan tâm đến người nghèo và đến với họ, nhất là trong Mùa Chay thánh này.

 

Chính vì thế, Mùa Chay là mùa biến đổi không gì khác là biến đổi trái tim, một trái tim biết chạnh thương và biết yêu vì con người là một hữu thể muốn yêu và biết yêu. Do đó, mang trong mình những ưu tư của Chúa và Giáo hội, chuyến đi bác ái Mùa Chay của anh em lớp K9 tại giáo xứ Xuân Dương chính là cơ hội thuận tiện để mỗi anh em thể hiện tình yêu ấy, không phải để chỉ dừng lại nơi những món quà hay những cuộc viếng thăm qua lần chiếu lệ, nhưng là thể hiện một trái tim có Chúa, một trái tim biết mở ra, để cặp mắt tâm hồn có thể thấy sự thật về chính Chúa nơi những con người mà mỗi anh em gặp gỡ, nhất là những người nghèo và bệnh tật. Nơi đó, mỗi anh em dù là những người đang nói sự thật về Chúa lại nhận ra sự thật về chính Ngài nơi những con người bé mọn, mà đức tin của họ được đâm rễ sâu sắc bằng chính trái tim chân thành và không lay chuyển vào đức Ki-tô. Thật vậy, nơi những con người nghèo khổ, bệnh tật và kém may mắn luôn vang vọng một lời nguyện ước rất đơn sơ, nhưng xác tín: “xin cho con được chịu mọi sự khó cho nên và vững tin đến cùng giữa những nghịch cảnh” và “xin Thầy cầu nguyện cho con để con vâng theo ý Chúa”… Những lời nguyện ước, cùng niềm tin của những con người ấy giúp cho ơn gọi của mỗi anh em nên xác tín hơn và nhận ra chính Chúa nơi những con người mà anh em gặp gỡ. Để rồi mỗi anh em nhận được nhiều hơn là cho đi, bởi nơi đó có Chúa hiện diện cách đơn sơ và chân thật nhất. Đó chính là những gói hành trang quý giá cho sứ vụ sau này.
 


Chuyến đi bác ái Mùa Chay dù thật ngắn ngủi nhưng ắp đầy ý nghĩa và mang lại cho anh em những bài học mà sách vở không thể mang lại. Hơn nữa, cuộc gặp gỡ càng thêm ý nghĩa hơn khi anh em được quây quần bên cha xứ, cha phó, thầy xứ cùng ban hành giáo để cảm ơn quý cha và mọi người đã rộng tay chào đón anh em. Đồng thời, chúc mừng cha xứ nhân ngày bổn mạng Giu-se, và cha phó nhân kỉ niệm một năm ngày lãnh nhận thánh chức Linh mục.

Qua chuyến đi, nhất là qua những cuộc gặp gỡ để đồng cảm và sẻ chia chính Đức Ki-tô, việc làm bác ái không chỉ dừng lại ở việc cho đi những món quà vật chất đơn sơ, nhưng trên hết là cơ hội để cùng nhau nói sự thật về Chúa và Giáo hội. Qua đó hình ảnh Đức Ki-tô và Giáo hội được tỏa sáng giữa một thế giới giàu vật chất, thừa thãi của cải nhưng lại thiếu tình yêu và lòng thương xót. Không những thế, chính nơi những người đơn sơ, dù đang phải đối diện với những khó khăn, mỗi anh em lại nhận được những món quà, những sự giàu có vô giá là đức tin sống động và một niềm cậy trông tuyệt vời nơi những con người ấy. Để rồi cùng với sự cho đi dù rất nhỏ bé, mỗi anh em nhận lại những điều kì diệu để nhận ra để mỗi ngày chính mỗi anh em biết khiêm tốn để can đảm lột đi những chiếc mặt nạ. Nhờ đó, nhờ Chúa thánh hóa và biến đổi, mỗi anh em cũng mỗi ngày biết cắt tỉa, bớt đi những toan tính, những vun vén, dám sống thật và chân thành với Chúa và với nhau…

 

Trở về với cuộc sống thường nhật, nơi mái trường Chủng Viện, mỗi anh em tiếp tục được đào tạo và tự đào tạo để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô. Nhưng nhờ những bài học quý giá của mỗi lần ra đi và đến với những con người cụ thể mà nơi đó chính Chúa hiện diện và âm thầm giáo dục, mỗi anh em sẽ viết tiếp những trang sử đời mình, cách riêng những trang sử đời dâng hiến, bởi mỗi người, mỗi cuộc đời đều là cuốn lịch sử kì diệu. Ước chi, qua chuyến đi, nhất là qua cuộc gặp gỡ, anh em gặp được chính Đức Ki-tô nơi những con người và nhận ra sự thật về Ngài, để rồi mỗi ngày mỗi anh em biết ngoan ngùy để chính Chúa biến đổi và thánh hóa để mỗi ngày. Nhờ đó, trái tim của mỗi anh em trở nên mềm hơn, biết yêu hơn, biết chạnh thương và biết sẻ chia hơn, để rồi đời tu và sứ mạng của mỗi anh em trong tương lai mang lại nhiều ơn ích cho Chúa và cho Giáo hội, nhất là mưu ích cho nhiều linh hồn và con người trong thế giới hôm nay.

Và để gói ghém những ước nguyện, những hy vọng, những quyết tâm trên hành trình dâng hiến còn nhiều chông gai, người viết xin mượn lời của thánh Inhaxiô và cũng là lời của bài hát “Quảng đại hiến dâng”, để nói lên niềm ước ao được quảng đại hiến dâng cho Chúa và Giáo hội. Lạy Chúa Giêsu! Xin Chúa dạy con biết sống quảng đại, biết phụng sự Chúa, như Chúa đáng được phụng sự, biết cho đi mà không tính toán, biết chiến đấu không ngại thương tích, biết làm việc không tìm nghỉ ngơi, biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào hơn, là được biết con đang thi hành ý Chúa. Con xin dâng Chúa con người của con. Những gì con có xin dâng lại cho Chúa. Này là tự do, ý chí của con; này là trí nhớ trí hiểu của con, mọi sự đều thuộc về Chúa. Xin dùng con theo thánh ý Ngài. Xin ban tình yêu và ân sủng của Chúa. Amen.[4]

[1] Cf. https://daminhvn.net/suy-tu-nghien-cuu/ba-cot-tru-cua-mua-chay-7604.html
[2] Cf. https://songdep.com.vn/359-su-that-luon-tran-trui-doi-tra-lai-dep-de-cau-chuyen-y-nghia-d6085.html
[3] Cf. Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô, Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 54

Tác giả: Phê-rô Tự

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập280
  • Máy chủ tìm kiếm66
  • Khách viếng thăm214
  • Hôm nay42,294
  • Tháng hiện tại1,205,065
  • Tổng lượt truy cập71,232,822
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây