Chủng sinh với việc cầu nguyện và truyền giáo

Thứ năm - 09/01/2025 19:18  662
examples of jesus praying in the bibleCông cuộc đào tạo linh mục luôn là một khía cạnh tối quan trọng trong đời sống Giáo hội. Chính vì thế mà Thánh Công đồng Vaticano II đã dành riêng Sắc lệnh về đào tạo linh mục để làm kim chỉ nam hướng dẫn việc đào tạo linh mục nơi các cơ sở đào tạo, nhất là các chủng viện và các học viện. Theo đó, ngay trong Lời mở đầu, Sắc lệnh đã nhấn mạnh: “Mọi người mong ước canh tân toàn thể Giáo hội, thánh Công đồng ý thức rõ ràng như thế, và công cuộc canh tân này phần lớn tùy thuộc vào việc thi hành chức vụ Linh mục đã được thần linh Chúa Ki-tô thúc đẩy, do đó Thánh Công đồng đã tuyên bố việc đào tạo linh mục là việc vô cùng quan trọng…”[1]

Dưới ánh sáng của Công đồng, hành trình đào tạo linh mục tại Chủng viện đã được phác họa cách cụ thể hơn trong Ratio Fundamentalis, khởi đi từ bốn nét đặc trưng: một công cuộc đào tạo duy nhất, toàn diện, cộng đoàn và truyền giáo[2]. Theo đó, công cuộc đào tạo linh mục xoay quanh bốn chiều kích căn bản là nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ[3]. Trong đó, chiều kích thiêng liêng được coi như “linh hồn” của việc đào tạo, “quyết định phẩm chất của thường tác vụ linh mục...”[4].

Cũng vậy, bản chất của Giáo hội là truyền giáo, nên“nhiệt tâm truyền giáo và việc thực thi truyền giáo cách cụ thể thuộc về bản chất của toàn thể dân Chúa… Do đó, nhiệt huyết truyền giáo như thế còn chạm đến cách đặc biệt hơn nữa những người được kêu gọi vào chức linh mục thừa tác, vì nhiệt tâm loan báo Tin Mừng chính là mục đích và chân trời của toàn bộ công cuộc đào tạo”[5]. Như thế, có mối dây liên kết sâu xa giữa việc đào tạo đời sống thiêng liêng với việc hun đúc tinh thần truyền giáo, vì chỉ những linh mục được đào tạo tốt trên bốn chiều kích, nhất là chiều kích thiêng liêng, mới có thể sống thừa tác vụ của mình cách viên mãn, cách riêng trong việc hăng say loan báo Tin Mừng.

Cầu nguyện, một nhu cầu sống còn
Thật vậy, đời sống thiêng liêng hay cầu nguyện là một nhu cầu sống còn[6] của người Ki-tô hữu, cách riêng đối với người chủng sinh. Theo Ratio 2016, “đào tạo thiêng liêng nhằm nuôi dưỡng và hỗ trợ cho mối hiệp thông với Thiên Chúa và anh em, trong tình bằng hữu với Chúa Giê-su mục tử nhân lành, cùng thái độ ngoan ngùy với Chúa Thánh Thần… Tâm điểm của đào tạo thiêng liêng là kết hợp cá vị với Chúa Ki-tô, vốn được nảy sinh và nuôi dưỡng cách đặc biệt trong nguyện ngắm thinh lặng và lâu giờ…”[7] Như thế, việc đào tạo chiều kích thiêng liêng là vô cùng quan trọng, giúp người ứng sinh linh mục xây dựng cho mình một mối liên hệ cá vị và thâm sâu với Thiên Chúa. Nhờ đó, người chủng sinh kín múc được nguồn nghị lực thần linh, giúp người linh mục tương lai sống đúng căn tính dù phải đương đầu với những cam go, khó khăn của tác vụ linh mục, nhất là hun đúc tâm hồn truyền giáo, hầu có thể hăng say mang Chúa đến cho con người trong thế giới hôm nay. Đồng thời, người có đời sống nội tâm sâu sắc sẽ dám sống thật với Chúa, với mình và với người để can đảm lột bỏ những chiếc mặt nạ giả tạo hay những lớp sơn đạo đức[8]. Từ đó, họ luôn biết cách đứng dậy khi vấp ngã, để tiếp tục hành trình dâng hiến và phục vụ.

Đức Giê-su Ki-tô, mẫu gương cầu nguyện tuyệt hảo

Mang nơi mình lý tưởng bước theo Thầy Chí Thánh, để mỗi ngày nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô mục tử, người chủng sinh phải mở lòng để từng ngày được đào tạo và tự đào tạo. Cách riêng trong việc cầu nguyện, không có mẫu gương nào tuyệt hảo hơn là chính Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã gắn kết trọn vẹn với Chúa Cha trong cầu nguyện và qua cầu nguyện bằng một thái độ vâng phục, ngoan ngùy thẳm sâu.

Tin Mừng cho thấy Đức Giê-su luôn cầu nguyện mọi nơi, mọi lúc, nhất là trong những giai đoạn, những biến cố quan trọng của cuộc đời trần thế như trước khi chọn gọi các tông đồ (Lc 6,12), sau một ngày làm việc và đặc biệt trước cuộc khổ nạn (Lc 22, 41-44). Bởi chỉ trong cầu nguyện, Chúa Giê-su mới có thể gặp gỡ thân tình và lắng nghe được tiếng Chúa Cha và qua đó chiến thắng cám dỗ, vượt mọi khó khăn của kiếp người để hoàn tất sứ mạng cứu độ cách viên mãn, mang lại ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại, mà trong đó có chúng ta.

Vì thế, noi gương Thầy Chí Thánh, mỗi linh mục tương lai cũng phải kết hiệp liên lỉ với Chúa trong cầu nguyện để có thể lắng nghe, phân định và thực thi điều mà Thiên Chúa muốn trong sứ mạng mà Chúa mà Giáo hội giao phó qua thiên chức linh mục mà mỗi anh em đang hướng tới. Cũng thế, nhờ cầu nguyện, mỗi anh em chủng sinh luôn hướng ý cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo của Giáo hội, cũng như tìm thấy nguồn nghị lực đẩy bước anh em can đảm lên đường đem Chúa đến mọi nơi và cho mọi người.

Chủng sinh thế nào, linh mục thế ấy

Nói về đời sống thiêng liêng, Đức Thánh cha Phan-xi-cô nhắn nhủ các chủng sinh:“Ai muốn trở thành linh mục, trước tiên phải là người của Thiên Chúa”, cần phải nuôi dưỡng quan hệ thân tình với Thiên Chúa bằng đời sống cầu nguyện, sống Thánh Thể, và siêng năng lãnh nhận bí tích Thống Hối, nhạy cảm đối với lòng đạo đức bình dân, vun trồng đời sống trí thức sâu rộng.”[9] Thánh Tê-rê-sa Calcutta cũng nhắn nhủ thật sâu sắc: “chủng sinh thế nào, linh mục thế ấy”[10].

Do đó, công việc đào tạo sẽ chẳng mang lại hoa trái tốt đẹp nếu ngay từ khi còn ngồi ghế Chủng viện, các chủng sinh không mở lòng để Chúa Thánh Thần tác động và biến đổi mỗi ngày. Thật vậy, chẳng thể có một linh mục thánh thiện đạo đức, nếu không có một chủng sinh yêu mến cầu nguyện; chẳng thể có một nhà truyền giáo đích thực, nếu không có một chủng sinh biết gắn kết với Chúa và Giáo hội trong thinh lặng và cầu nguyện. Cũng vậy, chỉ có những linh mục thánh thiện, đạo đức và nhiệt tâm nơi bàn lễ, hay trong sứ mạng truyền giáo, khi và chỉ khi ngay từ thời đang được đào tạo và tự đào tạo dưới mái trường Chủng viện, người chủng sinh đã có một đời sống cầu nguyện thâm sâu.

Trái lại, sẽ là một hình ảnh một linh mục hời hợt, uể oải, nóng giận, thiếu nhiệt tâm và tinh thần truyền giáo, kéo theo những Thánh lễ thiếu sốt sắng, hời hợt, cùng một đời sống bê bối, thậm chí làm ô uế bàn thờ khi biến bàn thánh thành nơi để biểu diễn, để thể hiện hay làm những điều lố lăng làm biến chất, và suy thoái thiên chức linh mục. Từ đó, hình ảnh Giáo hội bị hoen ố và Thân Mình Đức Ki-tô tiếp tục bị đâm thâu và loang lổ những vết thương rớm máu.

Thực tế cho thấy một chủng sinh thiếu đời sống nội tâm thường là những người gặp những vấn đề về tâm lý và vấp ngã trong cuộc sống và đời tu, dù bề ngoài có thể rất hào nhoáng hay đạo đức và tài năng. Nhiều người có đời tu hời hợt bởi vì không có đời sống nội tâm, bỏ bê cầu nguyện và nhất là không yêu mến bàn quỳ. Khi không còn gắn bó với bàn quỳ, người chủng sinh dễ rơi vào tình trạng kiêu ngạo khi không còn biết cúi mình để nhìn vào tận đáy lòng mà nhận ra sự yếu đuối và bất toàn của mình. Từ đó, những thái độ hời hợt, thậm chí hống hách dễ bộc lộ và khiến cho người đó ngày một xa cách Thiên Chúa, để rồi dù vẫn tiến bước trong đời tu, nhưng sẽ là một đời tu không hạnh phúc, thậm chí gây tổn thương cho Giáo hội và tha nhân[11]. Cũng vậy, hầu hết những người bỏ bàn thờ, bỏ chức linh mục, hay thậm chí bỏ Giáo hội, thì trước đó đã bỏ bàn quỳ, bỏ kinh nguyện… nghĩa là không có đời sống cầu nguyện. Vì thế, khi gặp bão tố, lúc nguy nan không khó hiểu những chủng sinh, hay các linh mục dễ dàng ngã quỵ, thậm chí ngay tại những lúc tưởng như thành công nhất…

Cầu nguyện, động lực truyền giáo

Hẳn nhiên, đời sống cầu nguyện không chỉ dừng lại ở đời sống nội tâm sâu sắc, nhưng những chủng sinh, linh mục còn được mời gọi đi ra với thế giới, đến với con người, nghĩa là tiếp bước những bước chân truyền giáo của các vị tiền nhân. Nhưng để có một bàn chân năng động và đầy nhiệt tâm truyền giáo và tái truyền giáo, thì mỗi linh mục hay những linh mục tương lai phải gắn kết với bàn quỳ. Để rồi, từ bàn quỳ, các chủng sinh và linh mục mới có thể tiến lên bàn thờ với tất cả tâm tình và sốt sắng. Đồng thời, từ bàn quỳ, những bàn chân của người sứ giả mới có đủ sức mạnh và nghị lực để hăng say đem Chúa đến cho mọi người. Do đó, ngay tại chủng viện, ngoài việc yêu mến và tham dự Thánh lễ, cùng với việc lãnh nhận các bí tích như nguồn lương thực, phương dược và nguồn sức mạnh nuôi dưỡng đời sống tâm linh, người chủng sinh phải tập cho mình lòng yêu mến và sự gắn bó mật thiết với bàn quỳ. Chính nơi bàn quỳ, qua các giờ cầu nguyện chung hay riêng qua các giờ kinh hoặc qua những giây phút thinh lặng, đời sống nội tâm của chủng sinh mỗi ngày được nuôi dưỡng và trưởng thành và nên vững mạnh bởi vì không thể có một linh mục cầu nguyện nếu không có chủng sinh cầu nguyện và yêu mến bàn quỳ…[12]

Tuy nhiên, trong một xã hội luôn ồn ào náo nhiệt, đời sống tu trì cũng không tránh khỏi những tác động và những xáo trộn. Nếu không tỉnh thức và đào sâu đời sống nội tâm, những người sống đời thánh hiến trong, đó có các chủng sinh rất dễ bị cuốn theo và bỏ bê đời sống cầu nguyện để chạy theo những thứ hào nhoáng, nhộn nhịp, ồn ã bên ngoài. Thay vì cầu nguyện, chủng sinh sẽ đi cầu cạnh; thay vì cầu mong nơi Chúa, chủng sinh dễ cầu may nơi người nọ, kẻ kia, để rồi dễ sa ngã và thất bại trong đời tu.

Do đó, thời gian đào tạo chủng viện là giai đoạn quý báu nhằm giúp người chủng sinh rèn luyện và tạo cho mình một thói quen, một nhân đức cầu nguyện, hầu có đủ sức mạnh nội tâm và có đủ phương thế thiêng liêng để đáp ững những nhu cầu cho sứ vụ tương lai như chính lời của Chúa Giê-su: “Anh em phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 21, 34). Vì thế, trước mọi biến cố, nhất là những biến cố quan trọng, không phải hành động ngay, nhưng cầu nguyện mới là điều cần thiết và tiên quyết giúp giải quyết mọi vấn đề mà mẫu gương đó chính là Chúa Giê-su, Đức Mẹ và các thánh. Do đó, tiến trình đào tạo luôn phải hướng chủng sinh tới bàn quỳ trước khi đưa chủng sinh tới các bàn hay các công việc khác, vì chỉ nơi đó, người chủng sinh và linh mục tương lai mới kín múc nguồn sức sống đích thực để tiến bước và trung kiên trong đời dâng hiến.

Tắt một lời, Giáo hội luôn coi trọng và đề cao việc đào tạo linh mục như một trong những điều tiên quyết nhằm canh tân Hội Thánh cũng như thúc đẩy công cuộc truyền giáo. Để rồi, khi có những mục tử như lòng Chúa mong ước, Giáo hội mở ra với thế giới, để những làn gió sống động của Chúa Thánh Thần tác động và canh tân mọi thành phần trong Giáo hội. Nhờ đó, Giáo hội đủ sức đối diện với những thách thức của thời đại. Cũng vậy, chính các mục tử là những nhân tố quan trọng giúp Giáo hội đi vào thế giới và sống với con người để phục vụ con người, nhằm đem ơn cứu độ và tình yêu Thiên Chúa lan tỏa và chiếu giãi ánh sáng Tin Mừng đến tận cùng trái đất.[13]

[1] Cf. Thánh Công đồng Vaticano II, Sắc lệnh về Đào tạo linh mục, Lời mở đầu
[2] Cf. Bộ Giáo sĩ - 2016, Đào tạo Linh mục, Hồng ân ơn gọi Linh mục, Nxb. Tôn Giáo, tr. 9
[3] cf. ibid., chương V
[4] Cf. ibid., số 89
[5] Cf. ibid., số 91
[6] cf. Sách Giáo Lý Hội Thánh CÔng Giáo, số 2744
[7] cf. ibid., số 101
[8] Cf. ibid., số 41
[12] cf. Ibid.,
[13] Cf. Ibid.,

Tác giả: Thất Nguyễn

Nguồn tin: (Trích trong Tạp Chí Ra Khơi số 31, có sửa đổi)

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập124
  • Máy chủ tìm kiếm57
  • Khách viếng thăm67
  • Hôm nay35,668
  • Tháng hiện tại842,316
  • Tổng lượt truy cập81,244,456
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây