Thứ Sáu tuần VI Phục Sinh
Ngày mừng lễ Chúa Giêsu lên trời càng gần kề, Giáo Hội cho chúng ta thấy những lời trăn trối của Chúa Giêsu càng rõ ràng và dứt khoát trước khi chia tay các môn đệ. Bài Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta nhìn vào những biến cố cuộc sống với cái nhìn Đức tin để gặt hái được những niềm vui trọn vẹn.
Trước hết, Chúa Giêsu đã tiên báo cho các môn đệ những điều sẽ xảy đến sau khi Chúa Giêsu chia tay các ông: các ông sẽ phải khóc lóc, lo buồn, than van còn thế gian sẽ vui mừng, nhưng nỗi buồn của các ông sẽ sớm trở thành niềm vui. Chúa Giêsu đã lấy hình ảnh của người phụ nữ trước, trong và sau khi sinh con, để dẫn chứng cho ông hiểu rõ hơn. Trước khi sinh con, người Phụ nữ rất lo lắng, khi sinh con, người phụ nữ đau đớn đến không gì có thể diễn tả, nhưng sau khi sinh con, người phụ nữ chỉ cảm thấy niềm vui, hạnh phúc vì một con người đã chào đời – một người được sinh ra cho thế gian. Tiếng khóc chào đời của đứa bé đã đem lại niềm vui khôn tả cho người mẹ. Niềm vui đó sẽ kéo dài bao lâu con bà còn sống. Đây là một cái nhìn rất thực tế mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ hiểu rõ hơn về những biến cố sẽ xảy đến trong cuộc đời của các ông, đặc biệt là sau khi Thầy của mình bước vào cuộc khổ nạn vượt qua. Sự buồn sầu mà Chúa Giêsu nói đến ở đây là sự buồn sầu gây nên bởi việc Ngài ra đi. Sự buồn sầu đó rồi sẽ qua đi để nhường chỗ cho niềm vui vĩnh cửu, niềm vui do sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Niềm vu ấy sẽ kéo dài mãi mãi vì Thánh Thần sẽ hiện diện trong Giáo Hội và trong các tâm hồn, nếu chúng ta không tự ý trục xuất Ngài.
Thực vậy, chỉ trong Đức tin, con người mới tìm thấy được ý nghĩa cao cả của hy sinh: Chỉ trong Đức tin, đau khổ mới mang ý nghĩa của hy sinh và trở thành biểu tượng của tình yêu Kitô giáo; Kitô giáo không tuyên xưng một Thiên Chúa chỉ biết vui lòng khi thấy con người đau khổ. Kitô giáo thiết yếu là đạo của tình yêu vì chỉ có tình yêu mới mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, chỉ có tình yêu được cảm nhận trong mọi hoàn cảnh cuộc sống mới có thể khiến cho người hy sinh ngay cả mạng sống mình và chỉ có tình yêu mà con người không ngừng trao ban cho người khác mới thực sự đem lại ý nghĩa cho cuộc sống.
Như thế, lời tiên báo của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ làm cho chúng ta suy nghĩ về thân phận của mình: Nếu chúng ta chấp nhận nỗi buồn, chấp nhận thử thách vì Đức tin trong tinh thần Đức Kitô thì nỗi buồn của chúng ta ở đời này, mai ngày sẽ trở thành niềm vui trong Đức Kitô. Tuy nhiên, có lẽ không phải chờ đến đời sau mới được hưởng niềm vui đó bởi lẽ sách Công Vụ ghi lại thái độ của các Tông đồ: Chúng tôi vui mừng và cảm thấy mình xứng đáng được chịu khổ vì danh Đức Kitô. Niềm vui mà Chúa Giêsu nói ở đây trước hết là niềm vui Phục Sinh. Các môn đệ đã vui mừng vì thấy Chúa Phục Sinh. Ngày nay, chúng ta cũng vui mừng khi ta cùng sống lại với Chúa, niềm vui của kẻ được giải phóng. Niềm vui nào cũng được cưu mang trong đau đớn, kể cả niềm vui sống lại của chúng ta. Vì có chết cho tội lỗi, có hy sinh hãm mình đền tội, có can đảm dứt khoát với tội lỗi thì ta mới có niềm vui sống lại. Sự từ bỏ nào cũng đòi hỏi cả, nhất là từ bỏ những đam mê, cái làm cho ta mê say thích thú, lại khó từ bỏ hơn, đòi hỏi nhiều can đảm hơn.
Thử hỏi: Bao nhiêu mùa phục sinh qua đi trong đời, tôi đã có niềm vui ấy chưa? Các môn đệ buồn sầu lo lắng vì mất Chúa, còn ta thì sao? Phải chăng có Chúa trong đời hay không chẳng quan trọng gì đối với tôi? Một lần nữa chúng ta xác tín rằng niềm vui chỉ có được khi chúng ta sống trong hy vọng và mong chờ. Chúng ta hy vọng, mong chờ gì nơi Chúa? Có Chúa là niềm vui vì Chúa có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống các Tông Đồ; còn chúng ta, Chúa có chỗ đứng nào trong đời chúng ta? Xin Chúa cho chúng ta những niềm vui trọn vẹn, biết nhìn mọi biến cố xảy ra trong đời bằng cái nhìn Đức Tin trong trước sự hiện diện của Chúa Phục Sinh. Amen.