Thứ Bảy tuần VII Phục Sinh
Ga 21,20-25
“Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho đến khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy” (Ga 21,22).
Kết thúc Mùa Phục Sinh, Tin mừng hôm qua cho chúng ta thấy Phêrô đã nhận chức Mục tử thay mặt Chúa Ki-tô trên trần gian (x. Ga 21,15-19). Còn Tin mừng hôm nay cho thấy Gioan là chứng nhân thường trực trong Hội Thánh.
Thật vậy, khi được Chúa cho biết về số phận của mình: “Hãy theo thầy” cho đến cùng, cho đến tử vì đạo, ông Phêrô, vốn tính hay thắc mắc, quay lại hỏi Chúa Giê-su về số phận của người môn đệ Đức Giêsu thương mến là Gioan. Đức Giêsu trả lời: "Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho đến khi Thầy đến, thì việc gì đến anh" (Ga 21,22). Câu này không phải là một lời tiên báo, nhưng là lời từ chối trả lời (x Ga 21,23 b). Thật ra, Chúa muốn ông Phêrô hoặc hãy chú ý đến việc của mình, không phải lo việc kẻ khác hoặc cho biết Gioan là môn đệ thấu hiểu về mầu nhiệm Chúa hơn ai hết. Ông sẽ tiếp tục hiện diện trong Hội Thánh qua minh chứng của Tin Mừng ông viết và sách Khải Huyền ông soạn thảo.
Tuy nhiên, một số Ki-tô hữu hồi đó hiểu lời Chúa nói với Phêrô về Gioan theo nghĩa đen, nghĩa là Gioan sẽ không phải chết. Vì thế khi về già, lúc viết Tin Mừng này, Gioan đã phải thanh minh lời Chúa nói rằng: Chúa không bảo Gioan không chết, nhưng chỉ bảo: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho đến khi Thầy đến, thì việc gì đến anh.” Sau này như lịch sử cho biết, Gioan bị đày ở đảo Patmor trong cuộc bắt của Đô-mi-ti-en; khi quan Rôma bỏ ông vào vạc dầu sôi nhưng ông đã không chết; lúc được trả tự do, ông về Ephêsô và chết tại đó khoảng năm 104 thời vua Trajan. Nhóm môn đệ của ông Gioan, hoặc chính cộng đoàn ông đã tiếp nhận tác phẩm này, nhận thấy ở đó (tác phẩm Tin Mừng Gioan) có lời chứng liên tục và luôn luôn có tính cách hiện tại của người môn đệ được Đức Giê-su thương mến. Như vậy, Bài tin mừng hôm nay cho thấy:
Trước hết, tuy tất cả những người mong ước chịu tử vì đạo như Phêrô, hoặc nhiệt thành mở mang Hội Thánh như Phaolô mà chúng ta thấy trong bài đọc 1 hôm nay (x. Cv 28,16-20; 30.31), nhưng cũng nhiều người được mời gọi dâng hiến cuộc sống mình như Gioan để làm chứng cho Chúa, mỗi người mỗi cách thế khác nhau, tất cả đều có sứ mạng làm chứng tá cho Chúa.
Tiếp đến, Gioan là chứng tá thường trực trong Hội Thánh qua sách Tin Mừng và sách Khải Huyền của Ngài (Ga 21,15-26). Nhìn vào ông, tuy không được phúc tử đạo như Phêrô và các tông đồ khác nhưng Gioan đã sống một thời gian rất dài, thậm chí dài nhất trong các tông đồ, để củng cố Đức tin cho các tín hữu tiên khởi, nhất là để suy niệm và viết sách Tin Mừng, cùng ba lá thư và sách Khải Huyền, tất cả đều là những cách thức để làm chứng cho Chúa.
Sau cùng, chúng ta cần hiểu và tin nhận điều thánh Augustinô đã chia sẻ khi chú giải về câu Tin Mừng theo thánh Gioan trên đây như được tình bày trong bài đọc 2, giờ Kinh sách ngày thứ Sáu tuần thứ 6 Mùa Phục Sinh như sau: "Hội Thánh được biết là có hai cuộc sống Thiên Chúa đã mạc khải và trao ban: Cuộc sống trong đức tin và cuộc sống trong trực kiến; cuộc sống thời lữ hành và cuộc sống nơi cư ngụ vĩnh viễn; cuộc sống lầm than vất vả và cuộc sống nghỉ ngơi an nhàn; cuộc sống thời đi đường và cuộc sống tại quê hương; cuộc sống phải ra sức làm việc và cuộc sống được phúc chiêm ngưỡng làm phần thưởng. Thánh Phêrô tông đồ là tiêu biểu cho cuộc sống trước còn thánh Gioan tiêu biểu cho cuộc sống sau. Toàn bộ cuộc sống trước diễn ra trên trần gian này cho đến ngày tận thế, và sẽ kết thúc vào ngày đó. Cuộc sống sau thì khác: Nó sẽ chỉ hoàn thành sau ngày tận thế, nhưng sẽ không bao giờ chấm dứt trong thế giới tương lai. Vì thế, Chúa Giê-su mới bảo ông Phêrô: Hãy theo Thầy, nhưng lại nói về ông Gioan: Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho đến khi Thầy đến thì việc gì đến anh. Phần anh, anh hãy theo Thầy…"
Như vậy, bài Tin mừng cho thấy, qua cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Phêrô về Gioan, Giáo hội có hai loại cuộc sống. Cuộc sống của Phêrô tượng trưng cho cuộc sống trong đức tin, cuộc sống lữ hành, cuộc sống lầm than vất vả,... Còn cuộc sống của Gioan tượng trưng cho cuộc sống trong trực kiến, cuộc sống nơi cư ngụ vĩnh viễn, cuộc sống được hưởng phúc chiêm ngưỡng. Amen.