Đường nghĩa tình, đường đến với thầy Giêsu

Thứ bảy - 01/07/2023 04:39  925
Chúa Nhật XIII Thường Niên A

z4479140204940 a54547b80b7031d537792ca11a0bbb1b“No man is an island”, đó là tựa đề một quyển sách (Không ai là một hòn đảo). Ai sống cũng có những người khác sống chung quanh. Cuộc sống đầy những dịp gặp gỡ. Khi tôi đến gặp ai, nếu người ta lạnh nhạt với tôi, tôi có khó chịu không? Thế thì tại sao khi người ta đến với tôi, tôi lại không đón nhận huống chi Chúa Giêsu còn muốn tôi coi những người đến với tôi là do Chúa sai đến.

Có thể nói, việc đón tiếp và được đón tiếp là nhu cầu căn bản của con người. Mỗi nơi, mỗi nền văn hóa có cách thức đón tiếp người khác theo truyền thống của mình. Người Phi Châu coi việc tiếp khách lạ là linh thiêng, là người Chúa sai, nhường chỗ mát, dọn đồ ăn, dành ghế tốt nhất. Người Việt Nam trân trọng việc đón tiếp, ‘nhịn miệng đãi khách’ như trong bài thơ “sáng láng”, Hàn Mặc Tử viết:

“Anh đã đón tình em bay phất phới,
Như hương trăng đằm thắm cõi không gian.”


Bài đọc I trong sách các vua nói đến việc Êlisa qua miền Sunêm[1], được đón tiếp như người của Chúa sai đến: “Hãy làm cho ông căn phòng trên lầu, một cái giường, cái bàn, cái ghế và cây đèn, để khi đến, ông ở đó” (2 V 4,10). Trong khi đó, bài Tin Mừng thuật lại lời Đức Giêsu nói về tầm quan trọng của việc đón tiếp[2]: “Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy” (Mt 10,40).

 Trước hết, thực thi việc đón Chúa được thể hiện qua việc đón tiếp người công chính. Giao tiếp có thể bằng tiếng nói hay phi ngôn ngữ, như tay, mắt, mũi, miệng; có thể bằng văn bản như thư từ hay tin nhắn. Cựu Ước có chuyện ông Abraham đón tiếp ba vị khách lạ và vợ ông son sẻ được có con; hay ông bà giàu có ở Sunam đón tiếp tiên tri Êlisa và bà cũng được khỏi son sẻ. Đức Giêsu coi việc đón tiếp người công chính là quan trọng. Matta cũng đã từng tiếp đón Đức Giêsu rất nhiệt tình. Việc đón tiếp kẻ bé mọn, nghèo hèn cũng là điều tối cần thiết trong việc thực thi đón tiếp Đức Giêsu: “Kẻ nào cho kẻ bé mọn này uống chỉ một bát nước lã với danh nghĩa là môn đệ, thì họ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10,42). Kẻ bé mọn không ở đâu xa, mà ngay cạnh nhà mình, đó là người già cả, nghèo hèn, trẻ em bị bỏ rơi, nghiện ngập. Họ là nạn nhân của cường quyền, bạo lực. ‘Tiếp rước những kẻ mình trần, cho người đói bát cơm’ (2V 4,9), là đón tiếp chính Đức Giêsu.

Có thể nói, trong xã hội mà người ta đã đóng cửa lòng, Đức Kitô lại kêu gọi lòng hiếu khách. Không chỉ mở két tiền, mở cửa phòng, mà là mở cửa lòng. Chúa Giêsu đặt việc ‘đón tiếp Thầy’ vào một tương quan rộng lớn, đó là tương quan ‘anh em – Thầy – và Đấng đã sai Thầy.’ Xin cho chúng con biết dành cho Đức Kitô địa vị số một, vì chúng con biết rằng Ngài không thua ai về lòng quảng đại, Người sẽ đáp trả dồi dào cho mỗi người.

Tựu trung lại, ngang qua việc đón tiếp Đức Giêsu, Lời Chúa mời gọi chúng ta đi vào mối tương quan với Thiên Chúa cách sống động. Hành trình này có thể được ví như một hành trình đức tin. Đức tin ấy được chứng minh bằng những việc thực thi đức ái, từ bỏ tội lỗi để sống cho Thiên Chúa. Chúng ta không thể nói rằng đức tin của tôi chỉ cần được ghi trong sổ Rửa Tội; đức tin của tôi cũng chỉ cần ở trong nhà thờ; hay đức tin của tôi chẳng cần phải tỏ lộ ra bên ngoài. Không! Nói như thế là tự mâu thuẫn, không nền tảng và vu vơ, chẳng khác gì người xây nhà mình trên nền cát, bởi vì: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,26); hay như thánh Gioan nói: “Người anh em chúng ta nhìn thấy mà không yêu mến, thì làm sao yêu mến Thiên Chúa là Đấng ta không thấy?” (x. 1 Ga 4,20). Đức tin mà chúng ta được đón nhận phải đưa chúng ta vào trong sự sống mới của Đức Kitô, mà sự sống mới của Đức Kitô chính là vâng lời Chúa Cha tuyệt đối và yêu con người đến cùng.

“Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đẵ chịu chết và sống lại, xin dạy chúng con biết chiến đấu trong cuộc chiến mỗi ngày để được sống dồi dào hơn.

Chúa đã khiêm tốn và kiên trì nhận lấy những thất bại trong cuộc đời cũng như mọi đau khổ của thập giá, xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách chúng con phải gánh chịu mỗi ngày, thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến và trở nên giống Chúa hơn.

Xin dạy chúng con biết rằng chúng con không thể nên hoàn thiện nếu như không biết từ bỏ chính mình và những ước muốn ích kỷ.

Ước chi từ nay, không gì có thể làm cho chúng con khổ đau và khóc lóc chỉ vì quên đi niềm vui ngày Chúa Phục Sinh.

Chúa là mặt trời tỏa sáng Tình Yêu Chúa Cha, là hy vọng hạnh phúc bất diệt, là ngọn lửa tình yêu nồng nàn; xin lấy niềm vui của Người mà làm cho chúng con nên mạnh mẽ và trở thành mối dây yêu thương, bình an và hiệp nhất giữa chúng con. Amen.”

(Mẹ Thánh Têrêxa Calcutta).
 

[1] Sunêm là một thành phố nhỏ bé miền Galilê, gần thành Naim, dưới chân núi Hêmôn. Vào thời Cựu Ước có nhiều người Sunêm sinh sống ở đây. Người phụ nữ Su-nêm nổi tiếng nhất là vị hôn thê của sách Diễm Tình Ca. Đó cũng là người phụ nữ xứ Sunêm của sách Các Vua quyển hai này. Bản văn nói với chúng ta rằng bà “thuộc giới thượng lưu”, nghĩa là “một mệnh phụ”.

Lòng hiếu khách vốn là tập quán của các dân tộc thời xưa. Việc tiếp đãi khách vừa tự phát vừa quảng đại. Cựu Ước cung cấp cho chúng ta nhiều mẫu gương về lòng hiếu khách này. Tuy nhiên, lòng hiếu khách của người phụ nữ xứ Sunêm này không là chuyện thường tình. Người khách mà bà tiếp đón tận tình trong nhà mình, không chỉ là một khách qua đường nhưng còn là “một người của Thiên Chúa”, nghĩa là một ngôn sứ. Bà bảo xây cho vị ngôn sứ một phòng nhỏ trên sân thượng, là nơi hảo hạng ở đó vị ngôn sứ có thể ẩn mình hay nghỉ qua đêm vào những lúc khí trời nóng nực.

 
[2] “Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính”. Hai thuật ngữ: “ngôn sứ” và “người công chính”, được mượn ở Cựu Ước, ở trong bản văn Tin Mừng này xem ra thuật ngữ ngôn sứ chỉ ra các nhà truyền giáo và thuật ngữ người công chính chỉ ra các tín hữu.

“Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ là một chén nước lã mà thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”. “Những kẻ bé nhỏ” mà Chúa Giê-su muốn nói trước hết chính là các Tông Đồ, họ thuộc về những kẻ bé mọn mà những mặc khải về Nước Trời đã được hứa ban cho họ: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã dấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11, 25). Tuy nhiên, thuật ngữ này có một ngữ nghĩa rộng lớn hơn. Thánh Máccô và thánh Luca tường thuật rằng vào lúc đó Đức Giêsu đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình và nói với các ông: “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy là tiếp đón chính Đấng đã sai Thầy. Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất” (Lc 9, 48; Mc 9, 36-37).

Tác giả: Đức Hữu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập447
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm51
  • Khách viếng thăm395
  • Hôm nay48,195
  • Tháng hiện tại908,556
  • Tổng lượt truy cập78,912,007
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây