Tiếp nhận hạt giống lời Chúa
Thứ hai - 10/07/2023 10:19
1255
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Thường Niên XV, năm A này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: nếu chúng ta đang lầm đường lạc lối, thì xin ánh sáng chân lý Chúa dẫn ta về nẻo chính đường ngay, còn phần mình, chúng ta phải xa tránh những gì bất toàn để sống xứng hợp với danh xưng Kitô hữu của mình. Để sống đúng là người Kitô hữu, người mang danh Đức Kitô, có Đức Kitô, thuộc về Đức Kitô, và làm chứng cho Đức Kitô, chắc chắn, chúng ta phải đi trong ánh sáng của Lời Chúa, bởi vì, Lời Chúa chính là ngọn đèn soi cho chúng ta bước, là ánh sáng chỉ đường cho chúng ta đi.
Nhờ Ngôi Lời, mà muôn loài muôn vật được tạo thành. Tất cả đều xuất phát từ Thiên Chúa và sẽ quay trở về với Thiên Chúa, như lá rụng về cội, sông trôi về nguồn, như trong bài đọc một, ngôn sứ Isaia đã cho thấy: như mưa với tuyết từ trời sa xuống đất, rồi sẽ trở về lại với trời cao, nhưng, chúng sẽ chưa trở về trời, nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc… Lời Chúa một khi đã được gieo, dù chúng ta có thức hay ngủ, Lời Chúa vẫn tự sinh sôi, phát triển.
Bài Đáp Ca với Thánh Vịnh 64, vịnh gia đã cho thấy: Thiên Chúa là người làm vườn, tưới từng luống, sang từng mô đất, khiến dầm mưa cho hạt nẩy mầm, bốn mùa Chúa đổ hồng ân, Người gieo màu mỡ ngập tràn lối đi… Thật đúng như lời thánh Phaolô nói: Apôlô trồng, Phaolô tưới, nhưng Chúa mới làm cho nẩy hạt sinh mầm, cho sinh hoa kết trái…
Đành rằng, tất cả đều phát xuất từ Thiên Chúa, và sẽ quay trở về với Thiên Chúa, nhưng, hành trình trở về mang nhiều nỗi truân chuyên, như một hạt giống muốn nẩy mầm sinh trái cũng phải trải qua nhiều giai đoạn với biết bao thử thách cam go. Tuy nhiên, chúng ta hãy cứ an tâm, vì trong bài đọc hai, thánh Phaolô đã cho chúng ta thấy một viễn ảnh thật tươi sáng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa đã mặc khải cho chúng ta. Những đau khổ mà một hạt lúa phải chịu khi bị mục nát trong đất, sánh sao được với những bông lúa vàng trĩu hạt của ngày gặt hái.
Bài Tin Mừng cho chúng ta thấy số phận của những hạt giống tùy thuộc vào nơi tiếp nhận chúng: hạt giống rơi trên vệ đường, sẽ bị chim trời ăn mất; hạt giống rơi vào sỏi đá, sẽ mau chóng bị héo tàn; hạt giống rơi vào bụi gai, sẽ bị gai góc bóp nghẹt. Giống tốt, giống dồi dào phong phú, nhưng, cần đất tốt để trổ sinh hoa trái. Lời Chúa luôn sống động trào tràn, luôn có đó và luôn ngỏ lời với từng người chúng ta, nhưng, mỗi người có cách tiếp nhận khác nhau: Có người nghe, nhưng, tâm hồn cứng cỏi như vệ đường, nên bị chim trời ăn mất; Có người mau mắn thi hành, nhưng, chỉ như chút ít đất lẫn trong sỏi đá, nên rễ không sâu và mau chóng héo tàn; Có người tiếp nhận, nhưng rồi, để gai góc, lo lắng sự đời bóp nghẹt…
Chính vì tất cả mọi sự xuất phát từ Chúa, và sẽ quay về lại với Chúa, nên, cũng chỉ một mình Chúa mới có khả năng làm cho tiến trình quy hồi được diễn ra cách tốt đẹp nhất, phần của chúng ta chỉ là cộng tác, cộng tác bằng cách ngoan ngùy, để cho Chúa làm: như cục đất sét trong tay người thợ gốm. Sở dĩ, chúng ta nghe Lời Chúa mà không hiểu: trố mắt nhìn mà không thấy, lắng tai nghe mà không hiểu được gì, là bởi vì, chúng ta nhìn và nghe theo cách của chúng ta, chứ không nhìn, không nghe theo cách của Chúa.
Đức Giêsu đã từng nhắc nhở các môn đệ của mình: “Hãy để ý tới cách thức anh em nghe” (Lc 8,18). Lắng nghe Lời Chúa là một nghệ thuật: Chúa chủ động, còn ta thụ động. Tại sao chúng ta không cảm thấy khó chịu khi nghe tiếng gió thổi, tiếng suối chảy, tiếng chim hót? Ta không khó chịu, bởi vì, ta chỉ đơn thuần lắng nghe, không muốn làm chủ, không ham tích lũy, không cố tạo ra ý nghĩa nào đó để ta có cớ bám vào, nhằm tỏ lộ sự thông minh tài giỏi của mình. Đâu là ý nghĩa của tiếng mưa, tiếng gió? Tiếng suối chảy, tiếng chim hót có những vẻ đẹp lạ thường, nhưng không hề có nghĩa nào cả, hay nói đúng hơn, những gì ta nhận được từ chúng, không nằm ở những ý nghĩa thông thường, nhưng đã vượt lên trên, thuộc về huyền nhiệm. Khi chúng ta muốn làm chủ, muốn cho chúng một ý nghĩa là chúng ta phóng chiếu ý tưởng của mình vào chúng. Chẳng hạn, tiếng gió gõ cửa, ta đang chờ ai đó, ta chạy ra mở cửa, ta thất vọng, bởi vì, ta đã phóng chiếu ý tưởng của mình vào tiếng gió.
Nếu chúng ta dùng lý trí giới hạn của loài người, hay dùng sự khôn ngoan của thế gian để nắm bắt Lời Chúa, thì quả thật, chúng ta sẽ không thể hiểu gì, bởi vì, Chúa nói một đàng, chúng ta hiểu một nẻo. Chỉ qua lăng kính của thập giá, khôn ngoan của thập giá, chúng ta mới mong hiểu được những gì Chúa nói với chúng ta.
Nếu chúng ta dùng ý chí của loài người, dùng sức riêng để thực thi Lời Chúa, thì “không chóng thì chầy”, sớm muộn gì chúng ta cũng bỏ cuộc, vì rễ không sâu, chỉ khi nào ý chí của chúng ta bám chặt, cắm sâu vào Đức Kitô, vào ý chí nhân loại hoàn toàn quy phục thánh ý Chúa Cha của Đức Giêsu, khi đó, Lời Chúa mới có thể lớn lên và phát triển vững mạnh trong chúng ta.
Nếu chúng ta đón nhận Lời Chúa bằng những tình cảm ủy mỵ, cùng với những lo lắng sự đời, thì cho dù chúng ta có hùng hổ thề sống thề chết với Chúa như Phêrô, chúng ta cũng sẽ dễ dàng chối bỏ Người, hoặc sẽ bị chìm xuống, khi sóng gió nổi lên…
Tóm lại, nếu chúng ta tự sức mình: tiếp nhận Lời Chúa bằng lý trí cứng nhắc như vệ đường, bằng ý chí mau mắn như chút ít đất lẫn trong sỏi đá, hay bằng những tình cảm ủy mỵ cùng những lo lắng sự đời, thì chúng ta sẽ không thể hiểu và thực thi Lời Chúa được. Nếu không được soi sáng bởi Lời Chúa, chúng ta sẽ đi trong tăm tối lầm lạc của cái tôi ích kỷ, luôn quy hướng về mình: tôn thờ lý trí: tự hào về sự khôn ngoan thế gian của mình; tôn sùng ý chí: tự hào về những nhân đức anh hùng của mình; tôn cao cảm xúc: tự hào về những tình cảm, sốt mến nhất thời của mình… Muốn đi trong ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta phải buông bỏ tất cả: buông mình trong tay Chúa, để Chúa dẫn chúng ta đi, trên những nẻo đường chúng ta không nghĩ tới. Lời Chúa sẽ soi sáng: dẫn ta bước đi trên đường ngay nẻo chính, có Lời Chúa dẫn bước, chúng ta không bao giờ sợ phải lạc đường…
Thiên Chúa là Đấng Hằng Hữu, Người đang có đó, ở đây và ngay lúc này, nếu chúng ta dùng cách của Chúa để lắng nghe Lời Chúa, dùng sức mạnh của Chúa để thực thi Lời của Người, thì mỗi khi chúng ta nghe Lời Chúa, chúng ta sẽ lập tức hiểu ngay, lập tức trở nên một với Lời Chúa ngay chính thời điểm chúng ta tiếp nhận Lời của Người. Ước gì chúng ta luôn biết dâng lại cho Chúa tất cả: lý trí, ý chí, tình cảm của chúng ta, để Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa, để tâm hồn chúng ta thật sự trở thành mảnh đất tươi tốt, màu mỡ, mà hạt giống Lời Chúa có thể nẩy mầm, lớn lên, sinh được kết quả: ba chục, sáu chục, một trăm tùy theo ý Chúa… Ước gì được như thế!
Tác giả: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB