Lúa tốt và cỏ lùng
Thứ sáu - 14/07/2023 04:34
996
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Thường Niên XVI, năm A này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: để có thể chuyên cần tuân giữ những gì Chúa truyền dạy, chúng ta cần phải có đức tin, đức cậy, đức mến, mà để có lòng tin cậy mến, chúng ta phải được Chúa tỏ lòng nhân hậu và rộng tay ban phát mọi ơn lành.
Lòng nhân hậu của Thiên Chúa được sách khôn ngoan miêu tả, trong bài đọc một, qua việc Chúa ban ơn sám hối cho người có tội. Bài Đáp Ca, với Thánh Vịnh 85, vịnh gia cũng cho thấy Thiên Chúa là Đấng nhân hậu khoan hồng. Thiên Chúa luôn tỏ lòng nhân hậu, và luôn ban phát mọi ơn lành, nhưng, chúng ta là những kẻ yếu hèn, không biết cầu xin thế nào cho phải, nên trong bài đọc hai, thánh Phaolô nói cho chúng ta biết: chính Thánh Thần sẽ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta bằng những tiếng rên siết khôn tả. Bài Tin Mừng với ba dụ ngôn: (1) Lúa và cỏ lùng; (2) Hạt cải; và (3) Nắm men đã cho thấy lòng nhân hậu của Thiên Chúa được diễn tả trong sự nhỏ bé, âm thầm, và có khi bị yếu thế, nhưng rồi, cũng sẽ đến (1) mùa gặt, (2) hạt cải sẽ thành cây to, đến nỗi, chim trời có thể đến nương náu, và (3) nắm men sẽ làm dậy lên cả một khối bột lớn.
Lòng nhân hậu của Thiên Chúa cũng chính là quy luật tiến hóa “từ từ” mà Chúa đã đặt để trong vũ trụ này. Chẳng có loài hoa nào nở trước khi thành nụ, và chẳng có nụ nào kết trái trước khi thành hoa. Những đứa bé hồn nhiên cũng “từ từ” trở thành những ông thầy bà sơ, rồi trở thành những ông thầy già, những bà sơ lão. “Từ từ” là quy luật huyền nhiệm và diệu kỳ của Thiên Chúa: Âm dương biến chuyển, xuân đến thu đi, tất cả đều tuân theo quy luật này. Nụ mùa xuân hé nở “từ từ” thành lá xanh mùa hạ, “từ từ” chuyển vàng mùa thu, rồi “từ từ” thành trơ trụi quạnh quẽ mùa đông. Tác dụng của “từ từ” là che giấu những vết tích biến thiên của sự vật và dòng chảy của thời gian bằng cách thay đổi từng chút một, thật chậm, thật nhỏ, khiến chúng ta cứ ngỡ là chưa hề đổi thay.
Quy luật “từ từ” của Thiên Chúa cũng chính là quy luật của ơn cứu độ: Ơn cứu độ là một lời hứa, mà đã là “lời hứa” thì còn chờ thực hiện; Ơn cứu độ là một niềm hy vọng, mà đã là “hy vọng” thì phải trông mong; Ơn cứu độ là một con đường, mà đã là “con đường” thì phải đi, chứ chưa phải là đích đến. Quy luật “từ từ” của Thiên Chúa vừa thể hiện lòng từ bi, chậm bất bình, giàu thương xót của Người dành cho chúng ta, vừa thể hiện lòng khao khát, nỗi chờ mong, niềm khắc khoải đón nhận ơn cứu độ của chúng ta. Trên thập giá, Đức Giêsu đã thốt lên: “Ta khát”, Chúa khát khao ơn cứu độ cho từng người chúng ta. Không có gì mà Chúa không thể làm được, cho dẫu, chúng ta có là cỏ lùng, nếu chúng ta biết khao khát ơn cứu độ của Chúa, nhận mình là tội nhân cần được Chúa cứu, Chúa cũng sẽ biến chúng ta thành lúa tốt, trong mùa gặt cuối cùng.
Trong cánh đồng ơn cứu độ của Thiên Chúa: có cả lúa tốt lẫn cỏ lùng. Khi thấy cỏ lùng mọc lên giữa những cây lúa, chúng ta đừng vội oán trách, nhưng hãy kiên nhẫn chờ đợi, và biết mở lòng ra để chiêm ngắm cách thế mà Lời Chúa nhập thể, trong những hoàn cảnh, cho dẫu không mấy thuận lợi. Hạt giống Lời Chúa một khi đã được gieo, thì tự nó luôn có quyền năng, mà chúng ta không thể đoán trước được. Đến mùa thu hoạch: lúa sẽ được thu vào kho lẫm, còn cỏ lùng sẽ bị đốt đi. Chúng ta muốn là lúa hay cỏ lùng, tất cả đều tùy thuộc vào chọn lựa của chúng ta. Thuộc về Đức Kitô, thuộc về con cái ánh sáng, chúng ta sẽ là lúa tốt; Thuộc về thế gian, thuộc về con cái tăm tối, chúng ta sẽ là cỏ lùng. Con cái ánh sáng sẽ luôn bị con cái thế gian bách hại, như lúa tốt luôn bị cỏ lùng lấn lướt, nhưng chúng ta cứ kiên nhẫn đợi chờ: hạt cải nhỏ bé sẽ trở thành cây cao bóng cả cho chim trời nương náu, nắm nem âm thầm sẽ làm dậy lên cả một khối bột lớn…
Tác giả: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB