Triết lý nơi dụ ngôn
Thứ bảy - 15/07/2023 05:28
606
Có thể nói câu chuyện dụ ngôn là một trong những “đặc sản” của Kinh Thánh Tân Uớc vì dân Do Thái là bậc thầy về cách dùng loại văn chương này. Là người Do Thái, Đức Giêsu thừa hưởng tài năng này để rao giảng Nước Trời. Hơn nữa, chính Mátthêu cũng là người am tường về văn chương này. Từ ba điều này giúp chúng ta hiểu được tại sao trong tin mừng thánh Mátthêu nói riêng, Tân ước nói chung, Đức Giêsu dùng nhiều dụ ngôn. Chúng ta dễ dàng đọc thấy 38 dụ ngôn trong Tân Ước[1]
Để lời Sấm ứng nghiệm, Đức Giêsu đến thực hiện lời các Tiên tri và các Tổ phụ, báo trước việc giảng dạy bằng dụ ngôn. Đàng khác, đây cũng là cách giảng dạy để người nghe dễ hiểu, dễ nhớ bởi nó liên quan đến phương pháp giảng phổ biến của các Rabbi thời đó. Đặc biệt với chân lí siêu nhiên về Thiên Chúa, không thể nhìn bằng mắt, hiểu bằng trí khôn, cần phải có câu truyện cụ thể để người ta dễ nắm bắt. Để chứng minh điều này, Đức Giêsu dẫn lời Isaia nói về lí do việc Ngài dùng dụ ngôn, là bởi thái độ kẻ nghe: “Vì lòng dân này đã ra chai đá, họ bịt tai nhắm mắt lại, kẻo mắt thấy được, tai nghe được” (Is 6,10; Mt 13,16). Ngoài việc dùng dụ ngôn để nói cho những ai muốn đón nhận mạc khải: “Phần các con, đã cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không cho biết (Mt 13,11), Chúa Giêsu còn nhấn mạnh: “Nhiều Tiên tri đã ao ước thấy điều các con thấy, mà không được; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe” (Mt 13,17).
Trước hết, chiều kích “hồng ân” được Matthêu đề cập[2]. Người đã gieo chân lí cách hào phóng, ban phát tràn đầy các ơn huệ cho hết mọi người, không có loại trừ. Chúa ban cho con người khả năng dùng trí khôn và tiếng nói, mà loài vật không có, để diễn tả các tư tưởng và hành động, tạo nên niềm tin và sự nối kết. Thiên Chúa luôn đòi hỏi con người sử dụng quyền tự do, để biến tâm hồn mình thành mảnh đất màu mỡ, hầu đón nhận ơn Chúa. Bạn thấy người gieo giống không biết tính toán chỗ nào tốt để gieo hạt. Ông ta gieo tứ tung, chỗ nào cũng rắc (x Mt 13,3–8): vệ đường cũng có hạt giống; nơi sỏi đá, bụi gai, ông ấy cũng rắc hạt giống. Dĩ nhiên, hạt giống ấy có lên cũng èo uột. May mà nhiều hạt giống cũng được gieo vào đất tốt. Chắc khi ấy bạn không còn khó chịu nữa, nhưng thấy hy vọng chứa chan vào ngày mùa bội thu.
Có thể nói, dụ ngôn nêu bật tầm quan trọng của Lời Chúa. Thiên Chúa đến với nhân loại bằng Lời của Ngài. Đó là Lời hằng sống, Lời tác tạo vũ trụ, Lời nhập thể và cư ngụ giữa nhân loại. Người mạc khải các ‘mầu nhiệm’ còn bị ‘che giấu.’ Chân lý siêu nhiên được ẩn dưới nội dung các dụ ngôn. Lời Chúa rất cần cho con người, giúp họ đạt tới ơn cứu độ. Người ta cần khôn ngoan và can đảm đón nhận, bất chấp bị bắt bớ, tù tội hay bị bóp nghẹt. Trong lúc kể dụ ngôn này, Đức Giêsu nhắc cho mỗi người thời Tân Ước là đoàn dân may mắn. Thực vậy, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính thời Cựu Ước đã mong mỏi thấy điều các môn đệ đang thấy, mà không được thấy, nghe điều các môn đệ đang nghe, mà không được nghe (Mt 13,10–17).
Dân Israel mong chờ Đấng Thiên Sai, Đấng Mêsia. Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta. Đó là ân huệ, là thời kỳ của Ngôi Lời đồng hành với con người. Dụ ngôn người gieo giống đưa ra phương pháp giảng dạy. Đức Giêsu trình bày chân lý siêu nhiên. Rất tiếc, hạt giống đó bị người ta bỏ ngoài tai, ‘đàn gảy tai trâu,’ vì lòng chai dạ đá. Do đó, Người giảng dạy bằng phương pháp đơn giản là dẫn những câu chuyện đời thường, để mọi người có thiện chí có thể hiểu được. Các chân lí mầu nhiệm này không áp đặt người nghe, vì đây là những điều bí nhiệm, chỉ tỏ ra cho những ai tình nguyện đón nhận.
Sự quan phòng của Thiên Chúa cũng là yếu tố mà các dụ ngôn đề cập tới.[3] Xuyên suốt lịch sử cứu độ, Ngài đã gieo Lời qua các Tổ phụ, các Tiên tri và qua Đức Kitô. Lời Người hiệu quả, như mưa xuống trên đất đai, tưới gội lòng đất, làm cho nó trở nên màu mỡ. Hạt giống thần linh này còn phát triển để sinh ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Chúa Giêsu còn chỉ ra cho con người con đường để vào Nước Trời, như bài giảng về Tám mối phúc thật.
Lời Chúa cần những tâm hồn quảng đại. Gieo Tin Mừng là sứ vụ của mỗi Kitô hữu. Đức tin yếu kém, làm ảnh hưởng đến sự hiện diện của Giáo Hội mà Chúa Kitô đã trao phó. Những ai đón nhận Lời Chúa và đem ra thực hành thì sẽ được sống muôn đời.
Ước gì mỗi người hãy bắt chước Đức Giêsu gieo biết bao điều tốt đẹp cho cuộc đời. Thà thắp lên một ngọn nến còn hơn là ngồi nguyền rủa bóng đêm. Thú vị là càng làm điều tốt, mảnh đất tâm hồn càng trở nên màu mỡ. Khi ấy cuộc sống sẽ đáng sống hơn nhiều.
[1] https://bibilium.com/38-parables-of-jesus-parables-of-jesus/
[2] Ngay từ đầu Tin Mừng, Đức Giêsu đề nghị các vị lãnh đạo Do thái suy nghĩ một điều khó hiểu theo hình thức dụ ngôn: “Các ông nghĩ sao về chuyện sau đây?”. Quả thật, đây là một lời cảnh báo tối hậu, một lời kêu gọi sau cùng thực thi ý muốn của cha, sau khi đã khước từ lời mời gọi của cha.
Nét đáng chú ý của dụ ngôn là việc chọn lựa “hai người con”, nghĩa là người cha đều dành cho cả hai đứa con mình tình thương yêu như nhau. Đứa con thứ nhất từ chối lời mời gọi của người cha: “Không, con không đi đâu”, nhưng rồi lại thi hành ý muốn của cha, trong khi đưa con thứ hai đã ngoan ngoãn đáp lại lời mời gọi của cha: “Thưa cha, vâng!”, nhưng rồi lại không thi hành ý muốn của cha.
Bản văn Êdêkien nhắc lại rằng Thiên Chúa không muốn người tội lỗi phải chết, và vì sự tự do của con người mà không có gì bất di bất dịch: người công chính có thể sa ngã và kẻ tội lỗi có thể hoán cải. Đây là ý nghĩa phi thời gian của dụ ngôn về hai người con. Dụ ngôn giải thích sự thay đổi thái độ của người con thứ nhất: “Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi”, nhưng lại không nêu ra lý do nào người con thứ hai sau đó lại thay đổi triệt để như thế. Tuy nhiên, chúng ta có thể nghĩ đến một lời khác của Đức Ki-tô: “Không phải những ai nói: “Lạy Chúa, Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời đâu, nhưng chính là thi hành ý muốn của Cha tôi”.
[3] Phần sau cùng của dụ ngôn nầy gây nên những tranh cãi. Những lời này của Đức Giêsu có thật sự được đặt vào ở đây chứ? Phải chăng chúng đã được đưa vào ở đây vào lúc biên soạn sau cùng của Tin Mừng chứ? Trước hết, thánh Mátthêu hiếm khi nói “Nước Thiên Chúa” thay vì “Nước Trời”. Hơn nữa, tại sao tin vào lời của ông Gioan được dùng làm điểm mốc, trong khi đó chính trên thái độ đối với sứ điệp của Ngài mà Đức Giêsu ngầm đặt câu hỏi?
Đức Giêsu không ngần ngại nói thẳng ra: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế, những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông đấy”. Đức Giêsu chủ đích đưa ra cho giai cấp lãnh đạo Do thái hai mẫu người tội lỗi công khai bị khinh bỉ đặc biệt nhằm tác động thật mạnh vào tính tự cao tự đại cố hữu của họ. Quả thật, các thượng tế và kỳ mục đều đã biết sứ điệp của Gioan Tẩy Giả, nhưng không chịu tin, họ vẫn một mực từ chối lời mời gọi của Thiên Chúa qua ông Gioan. Trái lại, phường thu thuế và bọn gái điếm đã lắng nghe ông Gioan và hoán cải.
Thiên Chúa chỉ xét đoán con người dựa trên thái độ hiện tại của họ, cho dù quá khứ như thế nào đi nữa. Chính những giây phút hiện tại mới là quan trọng. Đối với Thiên Chúa, cái ngày hôm nay mới là quan trọng. Vì thế, sứ điệp của sách Đệ Nhị luật luôn luôn bắt đầu với “ngày hôm nay”: “Phải chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người, đừng cứng lòng nữa”.