“Đi tìm kho báu” là một trò chơi hấp dẫn trong phim, trong game và trong đời thường. Ngồi nhìn đường phố tấp nập hối hả, nhiều lúc ta tự hỏi mọi người đang đi đâu và đang tìm gì? Câu trả lời có thể rất khác nhau, nhưng tựu trung, họ đều đi tìm “kho báu” cho đời mình…
Lời Chúa hôm nay, giúp chúng ta hồi tâm nhìn lại xem đâu là kho báu của đời tôi, tôi có đi tìm kho báu ấy hay không và như thế nào? Tôi phải làm gì để có kho báu ấy…
Đi tìm kho báu…
Hình ảnh người nông dân đi tìm kho báu và người thương gia đi tìm ngọc đẹp, diễn tả một thái độ “tìm kiếm”. Họ không bằng lòng với thửa ruộng, với khối tài sản đang có, họ đi tìm một điều gì đó lớn hơn, cao hơn, giá trị hơn… Họ là những người cầu tiến, hướng thượng, có chí hướng vươn lên, không ù lì và thoái chí…
Một trong những căn bệnh của thời đại chúng ta là sự “uể oải tinh thần”. Đỉnh cao của sự uể oải này là “dửng dưng tâm linh”. Con người trở nên lười biếng với việc truy tầm chân lý, với nỗ lực vươn lên những điều cao thượng. Con người bằng lòng với chủ nghĩa tầm thường, chỉ cần sao có một cuộc sống dễ dãi, thoải mái, tiện nghi… Con người ngại hy sinh chịu khó, ngại nỗ lực phấn đấu, hơi một chút là kêu “hại não”, “nhọc tim”, “đông chữ”…
Hình ảnh của bác nông dân và bác thương gia trong Tin Mừng nhắc nhớ chúng ta về thái độ đúng đắn của người Kitô hữu: không bằng lòng với tình trạng hiện tại kém cỏi của mình, không ù lì trong sự tầm thường, không thỏa mãn với những mục tiêu dưới đất (nhà cửa, đất đai, xe cộ, tài sản…), nhưng hãy tiếp tục vươn lên không ngừng trong sự hiểu biết đức tin, trong sự công chính thánh thiện, vì chúng ta được mời gọi “nên thánh” và “nên giống hình ảnh Đức Kitô” (xem Bài đọc II: Rm 8, 28-30).
“Kho tàng chôn giấu”
Kho báu và viên ngọc quý có đó, nhưng không phải ai cũng thấy, vì nó bị “chôn giấu”. Ai tìm mới thấy… Lý do rất nhiều người không thấy là vì họ không tìm. Tình trạng “dửng dưng tâm linh” làm cho người ta “nhìn mà không thấy”!
Kho báu nhiều khi mang dáng vẻ bình thường. Một suy nghĩ, một tâm tình, một câu nói, một ánh nhìn, một cử chỉ… có thể rất nhỏ, rất thường, nhưng lại ẩn chứa một nội dung rất sâu sắc lớn lao và để lại một ảnh hưởng rất tốt đẹp hoặc ghê gớm trên đời mình, đời người. Hãy để ý với suy nghĩ nhỏ bé, vì “gieo suy nghĩ sẽ gặt hành động, gieo hành động sẽ gặt thói quen, gieo thói quen sẽ gặt tính cách, gieo tính cách sẽ gặt số phận…”
Kho báu bị chôn giấu, nên phải chịu khó tìm. Những giá trị càng lớn thường lại càng ẩn kín: “củi mục hương trầm”, “thâm tàng bất lộ”, “chân nhân bất lộ tướng”, “bậc cao nhân không lộ tướng, người hiền đức chẳng khoe mình”… Giá trị vĩnh cửu của Nước Trời không thể dễ tìm, dễ thấy, dễ đạt tới, nên cần một sự kiên trung dấn thân để có thể “tìm được”.
Bán hết của cải
Người ta chỉ đánh đổi tất cả vì những gì cao cả tuyệt đối. Có người làm việc, phấn đấu, liều lĩnh tới mức “bán mạng” vì đồng tiền, danh vọng, địa vị hay lạc thú. Những cuộc đánh đổi như thế thật lỗ lã và dại khờ, vì “lời lãi cả thế gian mà lỗ vốn mất linh hồn thì nào ích lợi gì?” (Lc 9,15).
Các thánh là những bậc khôn ngoan, vì đã “đánh đổi tất cả” đời mình cho giá trị vĩnh cửu. Một khi đã khám phá ra ý nghĩa cuộc đời là nhận biết Thiên Chúa và khám phá ra Đức Kitô như là “kho báu”, “ngọc quý” cho đời mình, các ngài đã sẵn sàng từ bỏ tất cả để có Chúa làm gia nghiệp. Nhiều vị đã sẵn sàng từ bỏ cả mạng sống mình để được thuộc về Nước Trời và ở bên Chúa mãi mãi.
Vua Salômôn là người khôn ngoan, tìm được “kho báu” và “ngọc quý” nên đã không xin gì khác ngoài “tâm hồn biết lắng nghe” để thi hành sứ mạng Chúa trao. Đó là điều đẹp ý Chúa, nên Chúa không chỉ ban khôn ngoan, mà còn ban tất cả cho ông (xem Bài đọc I). Có Thiên Chúa là sẽ có tất cả và ngược lại. Thánh Phaolô xác định Đức Kitô là “kho báu” đời mình: đối với Ngài, mọi sự khác chỉ là rác rưởi so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô. Thánh nhân “sẵn sàng mất tất cả và chịu thua thiệt được Đức Ki tô và được kết hợp với Người” (Pl 3,7), chính vì thế, Ngài đã được tất cả: được ơn cứu độ của Chúa Kitô và trở thành “tông đồ dân ngoại” để mang ơn cứu rỗi đến cho anh chị em mình.
***
Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta xác định lại “kho tàng đích thực” của lòng mình. Chúng ta đang sống, làm việc và thao thức vì ai hay điều gì? Chúng ta có “trước tiên tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người” không (x. Mt 6,33)? Chúng ta đang dấn thân như thế nào để Nước Trời có thể hiện diện ngay trong và ngang qua chúng ta?
Xin Chúa giúp chúng ta biết vui mừng tạ ơn vì được làm con Chúa, được đón nhận hồng ân đức tin, được lãnh nhận niềm hy vọng phục sinh, để chúng ta hân hoan dấn thân cách quảng đại vì Nước Trời, hết mình vì ơn cứu rỗi của anh chị em.
Chẳng may chúng ta đang mải mê đi tìm “kho báu” nơi những giá trị ảo, giả trá và mau qua, thì xin Thánh Phaolô gúp chúng ta mang lấy tâm tình “hoán cải” khôn ngoan của Ngài: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người. […] Nói thế không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu. Nhưng tôi đang cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ tôi đã được chính Đức Kitô chiếm đoạt” (Pl 3,7-12).