Khoan dung để được khoan dung
Thứ bảy - 22/07/2023 06:44
1048
Khi ra cánh đồng lúa và nhìn thấy cỏ mọc lẫn với lúa, người nông dân tức muốn nhào xuống nhổ cỏ ngay lập tức. Tuy nhiên, làm vậy có thể gây chết những cây mạ non. Đàng khác, cũng có khi tự nhiên ở trong một góc vườn, ta thấy nảy lên một cây mận một cây xoài không biết ai gieo đã ăn một trái mận, một trái xoài rồi quăng hạt vào đó và nó mọc lên. Lúc đó, người ta đánh nó ra và trồng nơi đất tốt để nó phát triển. Kể ra những cảm nghiệm như vậy để hiểu phần nào lời Chúa nói trong ba dụ ngôn.
Cỏ lùng, hạt cải và nấm men trong bột không phải là một kinh nghiệm canh tác, cũng không phải là một cái kinh nghiệm làm bánh của các bà… nhưng đây là một hình ảnh để diễn tả Nước Trời. Nước Trời là mầu nhiệm nhưng Chúa Giêsu lại dùng những hình ảnh cụ thể để diễn tả.
Nghe câu chuyện cỏ lùng sống chung với lúa, thấy cách ông chủ xử lý sự viện, những môn đệ, những người thợ, những tá điền, những đầy tớ không khỏi thắc mắc: Tại sao lại ông chủ lại có một cách làm ruộng lạ kỳ như vậy? Vô lý quá bởi vì cỏ dại rất mạnh. Nếu sống chung với lúa tốt, nó sẽ hút hết chất dinh dưỡng trong đất của lúa tốt, làm cho sản lượng giảm đi nhiều. Tuy nhiên, cái vô lý ấy lại là cái hữu lý mà Chúa muốn nói với chúng ta về Nước Trời, về Thiên Chúa, là điều chính yếu Chúa muốn nói với chúng ta, đó là lòng khoan dung nhân từ.
Thiên Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi và hi vọng những người xấu có thể trở nên tốt. Họ cũng như chúng ta luôn luôn có một cơ hội. Chúng ta không tốt lành gì, vậy mà đối với anh em nhiều khi ta cũng nóng nảy lắm, khó chịu lắm. Khi thấy chuyện này chuyện kia, ta muốn thể hiện mình, thể hiện khả năng trừng trị, thị uy của mình đối với người khác. Sách Khôn Ngoan nói với chúng ta: “sức mạnh của Chúa là nguồn gốc sự công minh, và vì Người là Chúa mọi sự, nên tỏ ra khoan dung với mọi người” (Kn 12,16).
Chúng ta rất dễ nổi nóng đối với người khác. Còn Chúa, Ngài có những quyền năng mà vẫn chịu đựng tất cả. Chúa mà nhổ ngay chúng ta khi chúng ta đang là cỏ lùng thì ta đâu còn cơ hội, nhưng không chúng ta luôn có cơ hội nhờ Lòng Thương xót và niềm hi vọng của Chúa đặt ở nơi chúng ta.
Chúa muốn chúng ta học bài học này để biết cư xử với anh chị em như vậy, để biết rằng mình có rất nhiều cơ hội và phải quay trở lại để trở thành người tốt, hầu hi vọng người khác cũng sẽ nên tốt. Điều quan trọng là chúng ta đang gieo cái gì vào thế gian này, chúng ta đang gieo cái gì vào cuộc sống? Đó là lời nói, đó là việc làm, đó là cách cư xử của chúng ta độc hại gian ác xấu xa; hay là những lời nói, việc làm, hành động xây dựng? Hãy gieo hạt cải một chút thôi, nhỏ bé, rất nhỏ bé nhưng thành cây lớn lúc nào chúng ta không biết. Hãy gieo chút men Tin Mừng của Chúa, men giá trị Kitô Giáo để cả khối bột sẽ dậy men lúc nào không biết. Một hòn sỏi thả xuống hồ, mặt hô hơi lăn tăn nhưng sức lan tỏa, sự dao động của nó cứ càng lúc càng lan càng lan ra gần như đến vô tận cho đến khi nó gặp bờ hồ thì dừng lại.
Điều chúng ta gieo vào trần gian này tốt lành cũng như thế đó. Chúng ta không biết được rồi ra nó nó sẽ đến đâu, nhưng chắc nó sẽ có âm hưởng và trổ sinh hoa trái như cây cải thật lớn đến nỗi chim trời có thể nương náu.
Xin Chúa cho chúng ta sống lòng nhân từ, tốt lành, kiên nhẫn và hy vọng của Chúa, vì Chúa đã thể hiện điều đó. Nhờ đó, chúng ta cũng sống niềm hi vọng ấy đối với anh chị em qua việc kiên nhẫn đón nhận và không ngừng gieo rắc những điều tốt lành vào cuộc sống xung quanh.
Trong số các dụ ngôn mà Chúa Giêsu rao giảng, dụ ngôn “cỏ lùng” này làm cho các môn đệ rối trí nhất, bởi vì đây là dụ ngôn duy nhất mà họ hỏi Đức Giêsu. Quả thật, dụ ngôn “cỏ lùng” này đặt ra một vấn đề nghiêm trọng: người lành và kẻ ác cùng sống chung với nhau trong công trình của Thiên Chúa.
Dụ ngôn “cỏ lùng” cho hiểu rằng ông chủ ruộng có một kẻ thù bí nhiệm, hắn hành động lén lút ban đêm như một người có quyền năng giới hạn. Khi đầy tớ báo cho ông biết hiện trạng của thuở ruộng, ông không hề xao động nhưng bình thản chờ đợi thời vụ, bởi vì ông biết rằng ông sẽ có lời phán quyết sau cùng. Cỏ lùng sẽ không ngăn cản được vụ mùa bội thu: công trình của Thiên Chúa sẽ không bao giờ thất bại cả.
Phần cuối dụ ngôn, ông chủ giải thích tại sao Thiên Chúa cứ để cả hai mọc lên cho tới mùa gặt, sau đó mới phân loại. Theo bản tính bộc phát của loài người cũng như theo kỷ thuật canh tác, đương nhiên là phải lập tức nhổ cỏ xấu đi để khỏi ăn bám chất đất màu mở và làm hại đến lúa tốt. Tuy nhiên, trong trường hợp hiện tại, có quá nhiều cỏ lùng và cũng rất dễ lầm với lúa còn non. Để khỏi làm hư toàn bộ, thì chi bằng chờ cho đến mùa thu hoạch rồi hãy hay.
Qua dụ ngôn cỏ lùng này, Đức Giêsu nói lên tấm lòng kiên nhẫn đầy nhân ái của Thiên Chúa đối với loài người: về phương diện thực vật, cỏ lùng không thể biến thành lúa tốt, nhưng về bình diện thiêng liêng, kẻ xấu có thể trở thành người tốt, nếu họ được người khác nêu gương sáng, tác động, để họ biết vận dụng những ơn lành Thiên Chúa vẫn ban cho họ. Sứ vụ công khai của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy điều đó. “Giáo Hội tự bản chất là thánh thiện nhưng lại gồm những con người tội lỗi. Chúng ta có một Giáo Hội gồm nhiều vị thánh nhưng cũng một số tội nhân. Những tội nhân vẫn có thể trở thành thánh trong giây phút, còn các vị thánh thì có thể trở thành thánh thiện hơn. Các tội nhân cần sự tha thứ của chúng ta, còn các thánh thì khơi dậy sự cảm phục và quyết tâm cải hóa của chúng ta” (“Một Ngày Một Tin Vui”).
Tại miền Paléttin, hạt cải là hạt giống nhỏ bé nhất trong các loại hạt giống. Ấy vậy, từ hạt giống nhỏ bé này, Chúa Giêsu miêu tả sự phát triển kỳ diệu: hạt cải nẩy mầm thành một cây con để rồi vươn mình thành một cây lớn xum xê cành lá đến nỗi chim trời đến làm tổ trên cành. Nước Trời rồi cũng sẽ lớn mạnh như vậy.
Dụ ngôn này được rút ra từ kinh nghiệm thường ngày: như nấm men làm dậy lên ba đấu bột như thế nào, thì Giáo Hội làm biến đổi mọi dân nước như vậy. Dụ ngôn “men trong bột” khá giống với dụ ngôn “hạt cải”, cả hai đều nói về sụ phát triển phi thường của Nước Trời; tuy nhiên, dụ ngôn “men trong bột” nêu bật sự biến đổi thế giới từ bên trong về chất lượng, còn dụ ngôn “hạt cải” nhấn mạnh sự tăng trưởng bên ngoài về số lượng.
Men cũng là biểu tượng mỗi người Kitô hữu. Sống giữa lòng thế giới và được nuôi dưỡng phẩm chất Kitô của mình, người Kitô hữu thu phục con người bằng đời sống gương mẫu của mình: “Ơn gọi của chúng ta là con cái Thiên Chúa giữa lòng thế giới, đòi hỏi chúng ta không chỉ tìm kiếm sự thánh thiện cho riêng mình, nhưng cũng phải lan tỏa hương thơm trên mọi lối sống trần thế, biến chúng thành những con đường dẫn đưa mọi người đến Đức Kitô. Khi chúng ta dự phần vào mọi sinh hoạt trần thế với tư cách người công dân bình thường, chúng ta phải trở nên men làm dậy ba đấu bột” (Bl. J. Exriva, Christ is passing by, 123).
Tại sao thánh Mátthêu cắt ngang “Diễn Từ về Dụ Ngôn” để đưa vào đây lời giải thích của Chúa Giêsu về việc Ngài dùng dụ ngôn mà nói với đám đông? Chúng ta không hiểu rõ lý do bao nhiêu. Rất có thể tác giả đưa đoạn văn này vào đây để ngưng một chút trong bài diễn từ dài về các dụ ngôn và để đào sâu những nguyên do thần học đã đưa Đức Giêsu đến chỗ chuộng ngôn ngữ dụ ngôn hơn là ngôn ngữ thông thường.
Theo cách dàn dựng của tác giả, dụ ngôn “men trong bột” là dụ ngôn cuối cùng Đức Giê-su rao giảng cho dân chúng khi Ngài ngồi trên thuyền cách xa bờ một chút, rồi sau đó Ngài về nhà và tiếp tục “Diễn Từ về Dụ Ngôn” cho các môn đệ (13, 36). Cũng như ở 13, 14-15, ở đây lại xuất hiện mối bận tâm biện giáo của thánh Mátthêu, đó là xác nhận việc Chúa Giêsu dùng dụ ngôn bằng một chứng từ Kinh Thánh. Lần này, thánh Mátthêu trích dẫn Tv 78 trong đó mầu nhiệm tạo dựng được kể dưới dạng các câu bí hiểm. thánh Mátthêu coi mọi bản văn Kinh Thánh Cựu Ước có một giá trị ngôn sứ. Rõ ràng Kinh Thánh đã tiên báo và được gặp thấy thành tựu ở nơi việc Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với dân chúng.
Lời cầu nguyện với một lời ngợi khen Đức Chúa về lòng nhân ái của Ngài:
“Làm như thế Chúa đã dạy dân rằng:
người công chính phải có lòng nhân ái”.
Từ ngữ “lòng nhân ái” là một đức tính rất thịnh hành. Đức tính này xuất phát từ ngôn ngữ Hy lạp kinh điển, vào thế kỷ thứ năm trước Công Nguyên. Vào thời kỳ Hy lạp hóa, đức tính này đã có một tầm ảnh hưởng lớn lao. Tác giả sách Khôn Ngoan áp dụng đức tính cho Thiên Chúa (rất nhiều lần) và làm cho đức tính này thành một mẫu gương có tầm mức quan trọng: ai muốn là người công chính phải có lòng nhân ái, không chỉ đối với đồng bào mình, như Luật đã truyền lệnh, nhưng đối với hết mọi người. Lòng nhân ái đối với mọi người này chuẩn bị cho đoạn Tin Mừng hôm nay.
Ước muốn của Thiên Chúa là được thấy tội nhân hoán cải cũng là nét đặc trưng của Thiên Chúa trong Kinh Thánh. Đó là lý do cốt yếu tại sao Thiên Chúa nhẫn nại với tội nhân. Nếu Thiên Chúa trì hoãn trừng phạt, chính vì Ngài cho kẻ tội lỗi một kỳ hạn để mà ăn năn sám hối, đó là lòng nhân ái của Ngài. Tấm lòng nhân ái này rất gần với dụ ngôn cỏ lùng, đừng nhổ ngay, nhưng cứ để cỏ lùng mọc lên cùng với lúa tốt.