Lễ Hiển Dung: Hãy vâng nghe lời Người
Chủ nhật - 30/07/2023 20:11
878
Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Chúa Hiển Dung, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa Cha đã dùng hai chứng nhân Cựu Ước là ông Môsê và ông Êlia để củng cố niềm tin của các Tông Đồ vào mầu nhiệm cứu độ, và báo trước hồng ân lạ lùng Chúa Cha sẽ ban cho chúng ta là: nhận chúng ta làm nghĩa tử. Xin cho chúng ta biết nghe lời Con của Người, để mai sau, chúng ta được chung hưởng gia nghiệp với Con của Người.
Chúa Cha đã nhận chúng ta làm nghĩa tử, và cho chúng ta được đồng thừa kế với Con của Người. Trong bài đọc một, ngôn sứ Đanien cho thấy: Chúa Cha đã ban cho Đức Kitô quyền thống trị, vinh quang và vương vị, quyền thống trị vĩnh cửu, không bao giờ bị mai một, chẳng bao giờ bị suy vong. Chúng ta sẽ được chung hưởng gia nghiệp đó với Đức Kitô với một điều kiện duy nhất là: hãy vâng nghe Lời Người.
Bài Đáp Ca, với Thánh Vịnh 96, vịnh gia cũng cho thấy: gia nghiệp mà chúng ta sẽ được thừa hưởng đó chính là ơn cứu độ, mà chúng ta phải hát mừng và loan báo cho muôn dân biết, chỉ có một mình Chúa là Đấng Cứu Độ Duy Nhất: uy phong rực rỡ, dũng lực huy hoàng, toàn thể địa cầu phải run sợ.
Trong bài đọc hai, thánh Phêrô khẳng quyết rằng: quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Kitô được các Tông Đồ loan báo không phải dựa trên những chuyện hoang đường, nhưng, dựa trên vẻ uy phong lẫm liệt mà chính các ngài đã tận mắt nhìn thấy, và đã tận tai nghe tiếng từ trời phán. Chính vì đã tận mắt nhìn thấy, và đã tận tai lắng nghe, nên thánh Phêrô cực kỳ chắc chắn và ngài muốn chúng ta cũng phải hết lòng tin tưởng vào lời ấy, bởi vì, lời ấy như chiếc đèn tỏ rạng và như sao mai: soi chiếu cho chúng ta biết đường để tiến tới ơn cứu độ, gia nghiệp đời đời của chúng ta.
Trong bài Tin Mừng Lễ Chúa Hiển Dung, năm A này, thánh Mátthêu cho chúng ta thấy: Đức Kitô chính là Đấng Cứu Độ mà Chúa Cha đã hứa ban cho nhân loại, qua Dung Nhan chói lọi như mặt trời và y phục trắng tinh như ánh sáng, mà hai chứng nhân của Cựu Ước là Môsê và Êlia, được sai đến để củng cố niềm tin cho các Tông Đồ về mầu nhiệm cứu độ. Điều mà Chúa Cha muốn các Tông Đồ thực hiện, để trở nên nghĩa tử và đồng thừa kế với Đức Kitô là: hãy vâng nghe Lời Con của Người.
Nhiệm cục mặc khải có khởi nguyên và nguồn cội nơi Chúa Cha, bởi vì, một lời Chúa phán ra làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú (x. Tv 33,6). Mọi lời Thiên Chúa hứa đều trở thành “có” nơi Đức Giêsu Kitô (x. 2 Cr 1,20). Đức Giêsu chính là “Lời Chung Cục” của Thiên Chúa. Người “vừa là Đầu vừa là Cuối” (x. Kh 1,17). Từ khi ban cho chúng ta: Con của Người, tức Ngôi Lời, Lời độc nhất và chung quyết, Chúa Cha đã nói với chúng ta cùng một trật và chỉ trong một lần: tất cả mọi sự trong Lời Duy Nhất ấy, và Người không còn gì để nói nữa. Vì thế, nếu chúng ta muốn tra vấn Thiên Chúa để xin Người ban cho chúng ta: những thị kiến hay mặc khải mới nào đó, thì sự tra vấn đó không những là một chuyện điên rồ, mà còn là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa.
Qua biến cố Biến Hình, Chúa Cha muốn chúng ta: hãy vâng nghe Lời của Con Người, nhưng, Lời đó là Lời nào? Thưa, Lời đó chính là Ngôi Lời Nhập Thể, Lời Hằng Hữu đã trở nên nhỏ bé, đến nỗi, có thể nằm gọn trong một máng cỏ, để con người có thể đụng chạm, sờ mó, và kinh nghiệm được. Với ý chí nhân loại của mình, Đức Giêsu đã hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha. Trong Mầu Nhiệm Vượt Qua, với “ngôn ngữ điên rồ của thập giá” (x. 1 Cr 1,18), Ngôi Lời đã trở nên im tiếng, Người đã nói lời yêu thương cho mức cùng kiệt, không giữ lại bất cứ điều gì, không còn gì để nói, Người đã “cạn lời”, khi đã “trút cạn” tình yêu cho nhân loại đến giọt nước giọt máu cuối cùng trong sự thinh lặng hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha.
Mầu Nhiệm Thập Giá đã cho thấy: Chúa Cha đã nói qua sự thinh lặng của Người. Kinh nghiệm về sự xa cách với Cha, là kinh nghiệm “đêm tối” trong hành trình trần thế của Con Thiên Chúa, đến nỗi, Người phải thốt lên: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15,34; Mt 27,46). Sự thinh lặng trao nộp chính Con Một của mình để cứu độ nhân loại, kết hợp sự thinh lặng tự hiến hoàn toàn không còn lời nào để nói của Ngôi Lời, đã trở thành Lời Hằng Sống, Lời Cứu Độ cho tất cả những ai biết lắng nghe và thông dự vào Lời của Con Thiên Chúa: “Lạy Cha, con xin phó hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). “Lời thinh lặng” của Thiên Chúa nối dài những Lời, mà Người đã nói trước đó. Trong những khoảnh khắc đen tối nhất của cuộc đời chúng ta, Thiên Chúa nói với chúng ta qua “lời thinh lặng” của Người. Ước gì khi suy niệm Lời Chúa, trong bối cảnh của ngày Lễ Chúa Biến Hình hôm nay, chúng ta quyết phải xin cho bằng được ơn mà các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin là: biết lắng nghe Lời của Con Chúa, nhất là, Lời thinh lặng, Lời “không lời” của thập giá, để chúng ta cũng có được kinh nghiệm như Đức Giêsu: trút cạn lời tình yêu, trút cạn cả con người mình, để thánh ý Chúa Cha được thể hiện trong cuộc đời chúng ta.
Từ “Lời” thinh lặng, không lời, vô hình đầu tiên, Thiên Chúa đã sáng tạo ra thế giới hữu hình với muôn loài muôn vật, và từ “Lời” thinh lặng, không lời cuối cùng của Đấng chịu treo trên thập giá và “lời” im tiếng đầy can đảm của Đấng đứng kề bên thập giá, mà một nhân loại mới được sinh ra. Do bởi, tiếng “không” ồn ào, chát chúa, đầy cao ngạo của Ađam và Eva, mà cửa thiên đàng đã đóng lại, thì nay, do bởi tiếng “vâng” lắng dịu, ngoan ngùy, đầy khiêm cung của Đức Giêsu và của Đức Maria, mà cửa thiên đàng lại khai mở cho tất cả những ai biết lắng nghe và thông dự vào tiếng nói lặng thinh, không lời của thập giá, để trở nên nghĩa tử, đồng thừa kế, và đồng hình đồng dạng với Đấng đã yêu thương và thí mạng vì mình.
Mầu Nhiệm Biến Hình là biến cố, mà Đức Giêsu đã chuẩn bị trước cho các môn đệ, để các ông vững tin: khi bước vào Mầu Nhiệm Thập Giá. Ước gì khi mừng Lễ Chúa Biến Hình hôm nay, chúng ta cũng hãy để cho Chúa: dẫn chúng ta đến dưới chân thập giá như Mẹ Maria, để chúng ta cũng nghe được một tiếng nói lặng thinh, một tiếng nói “không lời” của Đấng, đứng kề bên thập giá, một sự thinh lặng đầy can đảm thấu tận trời cao, xuất phát từ con tim ngoan ngùy, tĩnh lặng hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa, để như Mẹ, chúng ta cũng có thể cưu mang, và sinh hạ Lời Hằng Sống, Lời Cứu Độ cho thế giới hôm nay. Ước gì được như thế!
Tác giả: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB