CN XV TNA: Anh em thật có phúc!

Thứ sáu - 14/07/2023 21:23  906
Chúa Nhật XV Thường niên A
Is 55,10-11; Rm 8,18-23; Mt 13,1-23

stock vector the parable of the sower illustration 2024817140Dụ ngôn là một câu chuyện trong đời thường hoặc một câu chuyện hư cấu được tác giả dùng để gửi gắm một sứ điệp. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn như “văn dĩ tải đạo” để lôi kéo sự chú ý và cả sự suy nghĩ của người nghe, nhưng cũng nói lên góc cạnh “mầu nhiệm” của việc hiểu hay không đối với Lời Chúa. Phải chăng đây là câu trả lời cho vấn đề: Tại sao có người đón nhận, có người chối từ. Rất có thể lời giảng bằng dụ ngôn mới chỉ như lời mời gọi, gợi ý ban đầu, muốn thấu đáo, muốn hiểu phải tiến thêm một bước “là môn đệ” của Ngài.

Giữa bầu khí dân chúng tụ họp bên Đức Giêsu rất đông để nghe Người giảng, nhưng nhiều người không tin nhận Tin Mừng của Ngài bởi vì “lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt”, “họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe, không hiểu”. Thực sự họ cũng nghe nhưng họ không để tâm, không tin vào lời của Đức Giêsu. Đức Giêsu đã trích dẫn lời tiên tri Isaia đoạn 6 câu 9-10 để nói lên sự cứng tin của dân Israel xưa, cũng như một nhóm người trong thời đại của Ngài. Vấn đề ở đây, không phải là Chúa cố tình làm cho người ta không hiểu mà chính họ đã đóng kín lòng mình trước Lời Chúa. Giữa giây phút như thể người đời quay lưng, cứng lòng không chịu tin, không chịu mở lòng mình để đón nhận Lời Chúa thì Đức Giêsu lại chúc phúc cho các môn đệ, cho những ai mở lòng đón nhận mặc khải và tin vào Lời Chúa.

Đường lối mặc khải của Thiên Chúa thật lạ lùng: Ngài mặc khải cho những người bé mọn, cho những ai nghe Lời Ngài và thực hành những điều Ngài dạy. Theo Kinh Thánh, người bé mọn là những người nghèo (anawin) của Đức Chúa. Họ là những người tự nguyện không bám víu vào vật chất và khả năng riêng của mình, để cho đời mình hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa. Họ là những người thật có phúc vì họ: “được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời” (Mt 13,11). Chính Đức Giêsu đã ca ngợi: “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe” (Mt 13,16). “Thấy” và “nghe” ở đây là hai động từ không những diễn tả cái “thấy” và “nghe” vật lý, mà còn diễn tả cái “thấy” và “nghe” tâm hồn. “Thấy” còn là việc nhìn ra, nhận ra Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, “nghe” là tiếp nhận và thực hành lời giảng dạy của Đức Giêsu. Những ai “thấy” và “nghe” Lời Chúa dạy, thì người ấy thật có phúc. Tuy nhiên, nhiều người Do Thái thời Chúa Giêsu “nghe” nhưng cố ý không “thấy” hoặc “thấy” nhưng lại cố tình không “nghe”. Vì họ tự đóng kín lòng mình trước Lời Chúa nên Đức Giêsu dùng dụ ngôn giảng dạy để cho những ai thật sự muốn đến cùng Chân Lý sẽ được diễm phúc biết các mầu nhiệm lớn lao. Còn những ai cứng lòng, cố tình bịt tai nhắm mắt trước Lời Chúa, họ sẽ chẳng bao giờ được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời.

Hôm nay, chúng ta là những người có phúc hơn những anh chị em khác vì chúng ta được trực tiếp “nghe” Lời Chúa, trực tiếp “thấy” những cử hành Phụng vụ tưởng niệm Hy Tế vì nhân loại của Con Chúa. Hơn nữa, chúng ta còn được “ăn” Thần lương cực Thánh là của nuôi linh hồn chúng ta. Biết bao người công chính đã ra đi trước chúng ta, biết bao người sống cùng thời chúng ta muốn “thấy”, muốn “nghe”, muốn được “dự tiệc Thần Linh” như chúng ta mà không được. Vì thế, mỗi người chúng ta hãy luôn tạ ơn Chúa, lắng nghe Lời Ngài và tìm ra thánh ý Chúa trong cuộc sống thường ngày. Như mưa làm cho đất phì nhiêu, cho cây cối đâm chồi nẩy lộc, Lời Chúa có sức biến đổi, giúp chu toàn sứ mạng Chúa giao phó và đem lại sự sống đời đời (x.Is 55,11).

Tuy nhiên, Lời Chúa được gieo vào lòng mỗi người có trổ sinh hoa trái hay không tuỳ thuộc vào thái độ đón nhận của mỗi người chúng ta. Có khi chúng ta không hiểu và không quan tâm đến Lời Chúa. Điều này không khác gì chúng ta để hạt giống rơi trên vệ đường. Có khi chúng ta lại đón nhận Lời Chúa cách hời hợt, theo thói quen, thấy họ làm tôi cũng làm cho xong, thực hành theo kiểu qua lần chiếu lệ. Điều này không khác gì để hạt giống rơi trên đá sỏi. Đôi khi lòng chúng ta lại chứa đầy gai góc: lòng hận thù, ganh ghét, đố kỵ, chia rẽ, tham, sân, si… giống như hạt giống rơi vào bụi gai, thì chắc chắn Lời Chúa không thể sinh hoa kết trái. Điều kiện tiên quyết mà sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta là: lắng nghe, đón nhận và đem ra thực hành thì Lời Chúa để lời ấy sinh hoa kết trái. Khi thực hiện như vậy, “có ngày chúng ta cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8, 21).

Lạy Chúa Giêsu là nguồn mạch Ánh Sáng, là Nguyên lý tối cao cho muôn vật được tạo thành. Xin Chúa tuôn đổ ánh sáng thần linh xuống tâm trí u tối của chúng con. Xin xua đuổi khỏi chúng con bóng tối tội lỗi và mê muội. Xin cho chúng con óc minh mẫn để hiểu sâu, đôi mắt sáng để thấy, đôi tai nhạy bén để nghe, trí nhớ tốt để khắc ghi lâu bền những Lời Chúa dạy và đem ra thực hành để Lời Chúa được sinh hoa kết trái hầu sau này được diễm phúc có mặt trên Thiên Quốc vĩnh cửu. Amen.

Tác giả: Lm. Jos. Duy Trần

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập898
  • Máy chủ tìm kiếm36
  • Khách viếng thăm862
  • Hôm nay112,435
  • Tháng hiện tại231,922
  • Tổng lượt truy cập71,598,268
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây