Cuộc đời vốn dĩ chứa đầy những nghịch lý. Thật hữu lý khi có người cho rằng cuộc đời được đan kết bởi những nghịch lý, những nghịch lý mà con người chẳng thể hiểu, ngoại trừ việc đầu hàng và “tặc lưỡi” chấp nhận nó như một phần của cuộc sống. Cuộc đời là thế và vẫn sẽ như thế vì nó và “con người là một huyền nhiệm”[1]. Mỗi giai đoạn của đời người đều chất chứa nghịch lý, nhưng có lẽ cái tuổi trưởng thành, cái tuổi đầy mộng mơ và đáng sống nhất, lại là cái tuổi chứa nhiều nghịch lý nhất.
Thật vậy, người trẻ cũng có nghịch lý và phải chấp nhận những nghịch lý của chính mình. Những người đang tràn đầy năng lượng, rất nhạy bén và dồi dào sức sáng tạo, những người đang muốn làm tất cả để thể hiện bản thân và tìm chỗ đứng giữa một thế giới đầy nhiễu nhương. Dù nhiều năng lượng, những cái tuổi này lại là cái tuổi đang thay đổi và hoàn thiện chính mình về tâm sinh lý và nhiều mặt khác, nên tuổi này thật mỏng manh, và vì bốc đồng đến thiếu suy nghĩ mà dễ sai lầm. Không ai phủ nhận tương lai thuộc về những người trẻ, nên việc họ sớm trưởng thành là điều kiện cần thiết góp phần kiến tạo tương lai, bảo vệ thế giới và Giáo hội. Vì thế, thật vui mừng, tự hào khi có rất nhiều bạn trẻ một phần tận dụng sức sáng tạo của bản thân, một phần biết “đứng trên vai những người khổng lồ” để vươn lên, sớm thành công, dùng tài trí của mình đóng góp cho sự phát triển nhân loại với những thành tựu đáng kinh ngạc. Thế nhưng chúng ta cũng không thể không đau lòng trước sự sa ngã, thoái hóa nơi một bộ phận người trẻ, trong đó cũng có những bạn trẻ Công giáo, những người thực sự mất phương hướng và buông mình cho dòng đời, đầu hàng trước số phận, nhất là hủy hoại đời mình trong những vòng xoáy tội ác và tệ nạn xã hội.[2] Chính Đức cố Giáo hoàng Biển Đức XVI đã diễn tả nguyên nhân dẫn tới thực trạng đáng buồn này “hẳn chúng ta đang sống trong một không gian lịch sử, trong đó, cơn cám dỗ gạt bỏ Thiên Chúa đã trở nên rất mạnh. Văn minh kĩ thuật và mức sống phồn thịnh đưa con người tới khẳng định là mọi chuyện đều có thể tự tay làm được… Như vậy, vấn đề Thiên Chúa chẳng cần đặt ra nữa…”[3] Cơn cám dỗ ấy vẫn thường hằng và làm lung lạc đức tin không ít tâm hồn, mà trong đó không ít người trẻ, những người thường thích những cái mới, nhưng lại là đối tượng và con mồi ưa thích nhất của cơn cám dỗ này.
Để đáp ứng phần nào những nhu cầu và những thao thức của người trẻ, Giáo hội đã có sáng kiến tổ chức những Đại hội giới trẻ ở các tầm mức từ thế giới cho tới các địa phương. Nhờ đó, mỗi kì Đại hội Giới trẻ cũng là dịp trước là để các bạn trẻ có cơ hội để gặp gỡ nhau, gặp gỡ Giáo hội và nhất là gặp được Thầy Giê-su để lắng nghe, để chia sẻ, để thao thức, để Ngài dạy dỗ, biến đổi và sai đi. Sau cũng là dịp để chính Giáo hội, qua các vị chủ chăn và những người có trách nhiệm lắng nghe được tiếng Chúa qua chính những thao thức của người trẻ, xen lẫn những vui mừng, những niềm tự hào là cả những lo âu. Để rồi từ đó tiếp tục hy vọng, khiêm tốn để Chúa Thánh Thần hoạt động và thánh hóa tâm hồn người trẻ. Nhờ đó, người trẻ có nhiều hơn cơ hội để đối thoại và được lắng nghe tiếng Chúa, để những khát vọng của họ được chính ánh sáng của Tin Mừng làm cho nên tròn đầy, giúp họ nên những chứng nhân đích thực và can trường của Chúa giữa lòng thế giới. Để rồi, những kì đại hội không chỉ dừng lại ở mặt hình thức, nhưng mỗi ngày một đi vào chiều sâu và có những tác động tích cực biến đổi tâm hồn và đời sống của con người trong thế giới hôm nay.
1. Giới trẻ trong thế giới hôm nay
Đã là con người thì ai cũng có một khát vọng được sống và trẻ mãi. Chính vì khát vọng khôn nguôi ấy, mà con người không ngừng suy tư, không ngừng tìm kiếm, không ngừng sáng tạo để giúp cho mình có thể được sống và được trẻ mãi không chỉ trong thân xác, nhưng cả nơi tâm hồn. Trong bất cứ một hình thức xã hội nào, dù là dân chủ hay độc tài, dù là văn minh hay mọi rợ, vẫn luôn có đầy đủ các thành phần, từ thiếu nhi, thiếu niên, thanh niên, trung niên cho tới cao niên. Trong đó, mỗi giai tầng giữ những vai trò và vị trí khác nhau, có thể cách đặc thù hoặc phối hợp hài hòa trong các công việc hay chức năng để duy trì trật tự xã hội, phát triển thế giới, hầu duy trì sự hiện hữu và tồn vong của nhân loại.
Tuy nhiên, trong những giai tầng ấy, không ai có thể phủ nhận vai trò và tầm quan trọng nòng cốt của Giới trẻ, lực lượng thường đông nhất và làm nên sức sống, sự tươi trẻ, năng động của một quốc gia hay một tổ chức. Một xã hội, một quốc gia, một thể chế hay một tổ chức không thể tồn tại và phát triển nếu không có lực lượng nòng cốt mang tên giới trẻ. Nói như thế không phải để coi nhẹ vai trò của những thành phần khác, bởi mỗi thành phần đều có một chức năng cụ thể, có thành phần đã trả qua và đang truyền lại kinh nghiệm chất sống cho tuổi thanh xuân qua những gì mình đã thu lượm và trải nghiệm trong cuộc đời; cũng như có những tầng lớp đang hướng tới cái tuổi dồi dào sức sống nhất, năng động nhất nhưng cũng nhiều thách đố nhất, để có thể khẳng định mình và đóng góp cho sự phát triển của dân tộc hay của một tổ chức dù là chính trị, kinh tế hay tôn giáo. Dù sự đóng góp của mọi thành phần trong xã hội đều quan trọng và khó có một tiêu chí để so sánh hơn thiệt, vì tất cả đều cùng nhau góp sức làm nên một cộng đồng nhân loại mỗi ngày một nhân bản hơn. Nhưng giới trẻ là thành phần đóng góp đặc biệt nhất, đa dạng phong phú nhất trong tất cả mọi lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, xã hội, tôn giáo hay khoa học kĩ thuật. Đó cũng là điều dễ hiểu, mà lịch sử là minh chứng sống động nhất.
Thế giới ngày càng phát triển và đạt tới những tầm cao mới, nhất là trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Điều đó khiến nhiều người, nhất là những người đã qua rồi cái tuổi thanh xuân không khỏi choáng ngợp và “chính dòng lịch sử đang biến chuyển quá nhanh đến nỗi từng cá nhân riêng rẽ khó lòng theo kịp đà phát triển”[4]. Trong bối cảnh của thế giới không ngừng biến chuyển cách sâu rộng, vai trò của người trẻ, với đầy đủ sức sống và sự sáng tạo, lại càng trở nên quan trọng và mang tính quyết định trong thế giới hôm nay, để góp phần đưa nhân lọai vươn lên những đỉnh cao đáng kinh ngạc. Một xã hội, một quốc gia hay một tổ chức không có người trẻ nhiệt huyết hay không quan tâm đến người trẻ sẽ là một thực thể ứ đọng và chết dần bởi sự thụ động và già nua của mình. Tuy nhiên, trong một bối cảnh mới mà “tâm trí con người như đang nới rộng phạm vi chế ngự trên cả thời gian… những khoa học đang tiến bộ như sinh vật học, tâm lý học, xã hội, không những giúp con người hiểu biết chính mình, mà còn giúp con người biết lợi dụng những phương pháp kĩ thuật để trực tiếp ảnh hưởng tới đời sống các xã hội…”[5]
Nếu thiếu nhi là tương lai của xã hội thì giới trẻ không chỉ là tương lai, nhưng chính là hiện tại của xã hội, bởi họ đang sống trong những ngày tháng đẹp nhất của cuộc đời mình mà nếu được đầu tư cũng như phát triển đúng cách, những đóng góp của họ sẽ vô cùng to lớn cho sự phát triển của nhân loại, cũng như là bước đệm cho thế hệ mầm non tương lai. Theo đó “vận mạng cộng đoàn nhân loại trở nên một và không còn phân ra nhiều thứ lịch sử tách biệt nhau nữa. Như vậy từ một quan niệm tĩnh về vũ trụ, nhân loại đã bước sang một quan niệm động và tiến hóa hơn, do đó phát sinh những vấn đề hết sức phức tạp và mới mẻ đòi hỏi phải có những phân tích tổng hợp mới.”[6] Những vấn đề mới mẻ và phức tạp ấy đang đặt ra cho nhân loại, nhất là những người trẻ, để cùng nhau chung sức để giải quyết và đưa nhân loại và thế giới mỗi ngày một phát triển cách nhân bản hơn, hầu có thể giúp cuộc sống và tương lai của nhân loại và vũ trụ được đảm bảo.
2. Giới trẻ trong Kinh Thánh
Ngay những trang đầu kinh thánh đã làm nổi bật mối tình tuyệt vời của hai bạn trẻ đầu tiên của nhân loại, Adam – Evà, khi nên một với nhau (St 1-2), để từ đó, mối dây hôn nhân tình yêu được thiết lập và nhân loại sinh sôi nảy nở khắp mặt đất. Một tình yêu được Thiên Chúa chúc phúc, và lẽ ra con người sẽ được sống mãi trong mối dây hiệp thông thân tình với Thiên Chúa, trong sự hòa hợp với nhau và mọi loại thụ tạo, nếu con người không sa ngã và phạm tội…
Một người trẻ mang tên Aben (St 4, 1-11) đã làm vui lòng Thiên Chúa khi dâng lễ vật với tất cả những gì tốt nhất cho Thiên Chúa và được Thiên Chúa nhận lời và chúc phúc. Những trang Kinh thánh đầy những câu chuyện tuyệt vời và kịch tính về những người trẻ, những người với lòng sốt mến lạ lùng, một lòng dũng cảm đáng khâm phục để làm chứng cho đức tin của mình vào Thiên Chúa. Một trong những mẫu gương đó có lẽ không thể không nhắc đến mẫu gương của 7 người trẻ, con của một bà mẹ can trường trong sách Macabe (2Mcb 7, 1-19), những người trẻ đã dám từ bỏ mọi khát vọng và chính mạng sống mình để làm chứng và trung thành với Thiên Chúa; và rồi, Kinh Thánh Cựu Ước được dệt lên bởi bao câu chuyện của biết bao người trẻ đầy kiên cường và sáng ngời đức tin như thế…
Trong Tin Mừng, có lẽ sẽ không có sự có mặt của bạn trẻ mang tên Giê-su nếu không có lời “xin vâng” của người thiếu nữ Maria, cô thiếu nữ dù đã đính hôn với chàng trai Giuse, nhưng cả hai sau khi được Thiên Chúa ngỏ lời, đã từ bỏ ý riêng để đón nhận thánh ý Chúa. Đôi bạn trẻ đã để Chúa sử dụng như khí cụ thực hiện chương trình cứu độ của Ngài nơi gia đình thánh Nazareth, nơi mà Đức Maria đã thụ thai Ngôi Hai Thiên Chúa, không phải do xác thịt, nhưng do quyền năng của Chúa Thánh Thần, mà Giuse sẵn sàng âm thầm trong vai trò là cha nuôi của Đấng Cứu Thế(Lc 1-2). Cũng thế, Chúa Giê-su đã khởi đầu sứ vụ của mình ở tuổi 30, tuổi của một chàng thanh niên đương sung sức nhất, với đầy năng lượng, đầy sức sống và tràn đầy Thần khí. Ngài dong duổi cùng các môn đệ trên hành trình loan báo Tin Mừng của Ngài đến khắp nơi, tiếp xúc, giảng dạy, chữa lành và cho người chết sống lại mà có lẽ nhiều người trong số đó cũng không thiếu những tâm hồn trẻ hằng khao khát và được thỏa lòng khi được đụng chạm và gặp Đấng Cứu Thế mà họ hằng mong đợi. Cùng đồng hành với ngài là các Tông đồ và các môn đệ, hầu hết có lẽ cũng là những người trẻ đã được “giác ngộ” khi gặp và được Chúa Giê-su biến đổi cách lạ lùng, để rồi sau khi Ngài về trời, họ tiếp tục tiếp bước Ngài trên hành trình truyền giáo và mang ơn cứu độ đến tận cùng trái đất. Trong Tin Mừng cũng sáng lên những người bạn của Ngài, cũng là những người trẻ, những cộng tác viên đắc lực của Ngài để giúp Ngài chu toàn sứ mạng mà Chúa cha đã giao phó để cứu độ con người: một Lazaro, một Maria, một Mác ta (Lc 10, 38-42) một Maria Madalena say mê Đức Ki-tô, người đã trở thành sứ giả đầu tiên của sự Phục sinh (Lc 8, 1-3), một Simong đã ghé đôi vai để vác hộ Thánh giá Chúa (Mc 15, 20-25) và nhiều người khác nữa. Nhìn chung, nơi những trang Tin Mừng, không khó để bắt gặp những con người trẻ, mà nơi họ ta nhận ra những khát vọng, những thao thức và những nỗi ưu tư của con người. Đó cũng chính là hình ảnh người trẻ mọi nơi và mọi thời trong cộng đoàn nhân loại và trong Giáo hội.
Bên cạnh đó, Kinh Thánh cũng cho thấy những người trẻ đã không trung thành với giới luật và Thiên Chúa như Cain, Áp-sa-lom, hay Giu-đa Ít-ca-ri-ốt… Tuy vậy, có lẽ hình ảnh người thanh niên có nhiều của cải[7] là một hình ảnh đặc trưng nhất cho người trẻ trong thế giới hôm nay, mà trong đó thấp thoáng hình ảnh của bạn và tôi. Một tâm hồn trẻ với nhiều khát vọng được sống công chính, ước mong được hưởng gia nghiệp nước trời. Nhưng cũng nơi tâm hồn đó là sự dính bén, là những tham vọng và những toan tính, những tiếc nuối, những đam mê rất người cần được thanh tẩy và biến đổi mỗi ngày. Hình ảnh người thanh niên có lẽ cũng là hình ảnh của bao tâm hồn trẻ tỏn thế gưới ngày hôm nay, bên cạnh những khát vọng, bên cạnh sức sống mãnh liệt, bên cạnh sự mạnh mẽ… vẫn còn đó bao lo âu của thời đại, lo âu của tưởi trẻ với những vẫn đề thật khó có câu trả lời. Tuy nhiên, bên cạnh những tâm hồn đã thất vọng và bỏ đi, bởi không dám can đảm bước ra khỏi chính mình và khỏi mọi sự dính bén. Thì trong thế giới và Giáo hội luôn có và sẽ còn mãi có nhiều tâm hồn trẻ sẵn sàng buông bỏ tất cả, lên dường và bước theo Chúa trên mọi nẻo đường trong mọi bậc sống và lý tưởng mà họ lựa chọn để rồi nhờ sức trẻ và lòng say mê có thể trong đời sống cũng như trong sứ vụ loan truyền Nước Chúa...
3. Giới trẻ trong Giáo hội
Tuổi trẻ luôn là tuổi “của những khát khao, tuổi trẻ của những đam mê”[8], là tuổi mạnh mẽ nhất, nhưng cũng là cái tuổi mong manh nhất. Đó cái tuổi của sự năng động, sáng tạo nhất, nhưng cũng dễ thay đổi và dễ khủng hoảng, nhất là trong một thế giới mà những trào lưu, những học thuyết có thể làm lung lạc đức tin và dập tắt niềm hy vọng, cùng bao nỗi trăn trở, thao thức của giới trẻ. Những điều đó khiến nhiều người trẻ, ở cái tuổi mà ăn chưa đủ no, nghĩ chưa đủ sâu thật khó để có thể đứng vững, nếu không có một nền tảng đức tin vững chắc, một môi trường giáo dục lành mạnh cùng những con người thiện chí đỡ nâng. Nhận thức được điều đó, Giáo hội luôn bên cạnh người trẻ, như chính Chúa Giê-su luôn ở bên Giáo hội. Chúa Giê-su, qua Giáo hội, vẫn miệt mài, kiên nhẫn ghé tai và ngỏ lời với từng người trẻ “đừng sợ” vì “Ta ở với con”. Hơn lúc nào hết, người trẻ phải bám lấy Chúa và Giáo hội, không để nỗi sợ nhấn chìm đức tin, hoài bão và tương lai của mình, nhất là lãng quên sứ mạng của mình là nên muối men và ánh sáng chiếu tỏa để đẩy lui đi bóng đêm của nền văn hóa sự chết đang ngày càng thấm nhiễm và ăn mòn lương tâm nhân loại. Dù ở đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào, người trẻ vẫn luôn là trung tâm và là mối bận tâm hàng đầu của Chúa và Giáo hội.
a. Người trẻ dưới ánh sáng của Thánh Công đồng Vaticano II
Giáo hội, nơi Đức Ki-tô đang sống và luôn tươi trẻ, cũng không nằm ngoài sự quan tâm đến giới trẻ và luôn dành một vị trí quan trọng cho họ, nhất là trong các giáo huấn cũng như trong việc mục vụ của mình. Cũng vậy, trong dòng lịch sử Giáo hội, bao tâm hồn trẻ đầy nhiệt huyết vẫn luôn cộng tác và góp sức mình trong khả năng để xây dựng và bảo về đức tin tinh tuyền của Giáo hội. Cách đặc biệt, Giáo hội, dưới ánh sáng của Lời Chúa, qua thánh Công đồng Vaticano II, đã mở ra với thế giới để đón luồng khí mới và tươi trẻ của Chúa Thánh Thần. Từ một thực thể khép kín, đôi khi tự huyễn hoặc chính mình, Giáo hội đã mở toang cánh cửa để đi ra với thế giới và trở thành một thành phần của thế giới. Giáo hội nên dấu chỉ hữu hình cho sự hiện diện của Thiên Chúa sống động, một Thiên Chúa liều lĩnh ban chính Con Một, để giải thoát toàn thể nhân loại khỏi ách nô lệ của tội lỗi.
Từ đó, Giáo hội luôn là một ngọn đèn, không phải đặt dưới đế nhưng đặt trên thùng, để soi sáng cho thế giới và đem ánh sáng của niềm vui, của sự tươi trẻ, sự bình an và của tình yêu để mỗi ngày một thấm nhiếm thế giới, nhất là trong một thế giới, nơi mà tự do con người đã bị ô nhiễm và đang gây ra biết bao vấn đề nan giải cho nhân loại và thế giới hôm nay. Theo đó, Giáo hội tiếp tục miệt mài làm nhiệm vụ xoa dịu những vết thương và hàn gắn những tương quan đã bị rạn nứt bởi tội lỗi, mà nhân loại đã và đang gây ra cho nhau, cũng như cưu mang nơi mình mọi chi thể thuộc mọi thành phần, mà mỗi thành phần, mỗi giới đều có chức năng và đóng góp riêng và đặc thù cho công cuộc loan báo Tin Mừng và lan tỏa hình ảnh và chân lý của Đức Ki-tô đến tận cùng trái đất. Nhưng trong đó, Giáo hội luôn dành ưu tư cách đặc biệt cho giới trẻ, bởi giới trẻ là lực lượng nòng cốt và đóng một vai trò quan trọng để thực thi sứ mạng của mình, nhất là trong thế giới hôm nay, một thế giới không ngừng biến chuyển và chính những người trẻ những người có nơi mình nhiều cơ hội nhất để đóng góp để xây dựng và làm thăng tiến Giáo hội.
Ý thức vai trò quan trọng của giới trẻ trong sứ mạng trần thế của mình, Thánh công đồng khẳng định:“Giới trẻ là niềm hy vọng của Giáo Hội.”[9] Cũng theo thánh Công đồng, “trong xã hội ngày nay, giới trẻ làm thành một sức mạnh rất quan trọng… Hơn nữa vai trò xã hội cũng như chính trị của họ mỗi ngày một thêm quan trọng…”[10] Theo đó, “trọng trách của họ trong xã hội gia tăng, đòi hỏi họ gia tăng hoạt động tông đồ. Vả lại, chính bản tính tự nhiên của họ vốn hướng về hoạt động đó. Nhờ trưởng thành trong ý thức về nhân vị và được thúc đẩy do sức sống hăng say và tính ham mê hoạt động, họ nhận lãnh trách nhiệm của mình và ước muốn góp phần vào đời sống xã hội và văn hóa. Nếu lòng nhiệt thành này được thấm nhuần tinh thần Chúa Ki-tô và được thúc đẩy do sự tuân phục và yêu mến các vị chủ chăn của Giáo hội thì có thể hy vọng nơi họ những thành quả phong phú. Người trẻ phải trẻ nên những tông đồ đầu tiên và trức tiếp của giới trẻ trong khi chính họ hoạt động tông đồ giữa người trẻ và nhờ người trẻ tùy theo môi trường xã hội họ đang sống.”[11] Từ đó, Giáo hội luôn kêu mời người trẻ nên thánh qua việc nên chứng ta trong chính bậc sống, trong tài năng và trong môi trường mà họ sinh sống và làm việc hằng ngày…
Cách cụ thể, chúng ta thấy lịch sử và đức tin của Giáo hội được dệt lên và nuôi dưỡng bởi rất nhiều vị thánh, mà trong đó không ít vị cũng là những người trẻ. Họ là những người trẻ mang nơi mình thao thức và sức sống như bao bạn trẻ khác, thậm chí cũng mang nơi mình những thương tích do những tội lỗi và đam mê… nhưng vượt lên tất cả, họ đã sẵn sàng, can đảm sống và làm chứng cho Chúa đến hơi thở cuối cùng bằng chính đời sống đức tin, đời sống thánh thiện, lời rao giảng hay dấn thân truyền giáo hay thậm chí bằng chính máu đào tử đạo để minh chứng cho niềm tin và Nước Trời. Những vị thánh như Đaminh Savior, Phanxico Assisi, Tê-rê-sa Hài đồng… hay gần đây nhất là Carlo Acutis, những gương mặt điển hình cho những vị thánh trẻ trong Giáo hội. Không những thế, gần chúng ta hơn là những tấm gương anh hùng tử đạo Việt Nam, điển hình là chủng sinh Tôma Thiện. Những vị thánh trẻ cho thấy sức sống mãnh liệt của Giáo hội trong bất cứ hoàn cảnh nào đều có thể trổ sinh hoa trái và đó cũng là mẫu gương và động lực cho người trẻ hôm nay…
Tuy vậy, Thánh Công đồng cũng nhìn nhận những hạn chế và những thách đố ở người trẻ, những con người tưởng như trưởng thành, nhưng lại mong manh, dễ bị lung lay và dễ nổi loạn, nhất là dưới áp lực và ảnh hưởng của những trào lưu cùng vòng xoáy của thời đại kim tiền, cũng như những thay đổi và sức hấp dẫn của tư tưởng thế giới hiện đại. Do đó, nếu không có sự giáo dục và chuẩn bị kĩ càng về mọi mặt, nhất là đức tin, người trẻ dễ bị những cơn sóng đáng sợ ấy nhấn chìm... Chính thánh Công đồng nhìn nhận: “sự thay đổi não trạng và cơ cấu thường làm cho con người đặt lại vấn đề những giá trị được tiếp nhận, nhất là nơi những người trẻ là lứa tuổi đôi khi thiếu nhẫn nại; hơn nữa, sự lo âu khiến họ nổi loạn và vì muốn sớm được dự phần vào đời sống xã hội hơn. Do đó, nhiều khi cha mẹ và các nhà giáo dục càng ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc chu toàn bổn phận.”[12] Hơn nữa “các định chế, luật pháp, những lối suy tư và cảm nghĩ của ngưới xưa truyền lại, hình như không phải lúc nào cũng phù hợp với tình thế hiệ tại, do đó, có sự xáo trộn trầm trọng trong phương thức và trong cả các tiêu chuẩn hành động…”[13].
Từ đó, Giáo hội thể hiện nỗ ưu tư và mong muốn “người lớn cần quan tâm để tạo cuộc đối thoại thân hữu với giới trẻ, vì cuộc đối thoại cho phép cả hai giới vượt qua sự ngăn cách về tuổi tác, hiểu biết lẫn nhau và thông cho nhau sự phong phú riêng của mỗi giới. Người lớn hãy thúc đẩy giới trẻ làm tông đồ, trước hết bằng gương sáng và tùy dịp bằng ý kiến không ngoan và giúp đỡ thiết thực. Còn giới trẻ cũng phải nuôi dưỡng lòng trọng kính và tín nhiệm với người lớn, dầu theo tính tự nhiên họ ham thích những gì mới lạ, tuy nhiên họ cũng phải tôn trọng những truyền thống đáng quý trọng”[14] Điều này cũng được chính Đức Thánh cha Phan-xi-cô cảnh tỉnh: “Việc bỏ rơi người già khiến người trẻ bị tước đi tầm nhìn, và sự bần cùng của người trẻ khiến người già bị đoạt mất giấc mơ; một xã hội trở nên khô héo, cằn cỗi và không thể sinh sôi”[15] Theo đó, ngài kêu gọi: “Dưới ánh sáng Tin Mừng và Học thuyết xã hội Công giáo – nguyên tắc liên đới, nguyên tắc bổ trợ nguyên tắc nhân vị (nhất là với người nghèo) và nguyên tắc công ích – không thể phủ nhận rằng cần phải nỗ lực vượt qua hố sâu ngăn cách thế hệ này để hai bên có thể chạm đến nhau…”[16].
Bên cạnh đó, rất nhiều lần trong các bản văn, thánh Công đồng đã đề cập đến giới trẻ với cả những hy vọng và lo âu. Từ đó Giáo hội thể hiện nỗi ưu tư, sự bận tâm của mình trong việc giáo dục giới trẻ để hướng dẫn, cũng như kêu mới họ trở nên những chứng nhân đích thực của Tin Mừng. Theo đó, thánh Công đồng đã thể hiện ưu tư đến giới trẻ và quyền được giáo dục, quyền được hưởng một nên giáo dục Ki-tô giáo[17], việc giáo dục giới tính hay về tinh thần trách nhiệm trong đời sống xã hội[18], về đời sống kĩ thuật, biết phán đoán các giá trị luân lý và giáo dục về sinh lý[19], nhất là lưu tâm đến người trẻ trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội[20]… Tất cả những điều đó cho thấy, Giáo hội luôn muốn đào tạo người trẻ trở thành một người trưởng thành toàn diện về mọi mặt, hầu có thể đáp ứng những yêu cầu cụ thể trong việc loan báo Tin Mừng, cũng như đứng vững trước những làn sóng của văn hóa sự chết hay nền văn hóa hưởng thụ và vứt bỏ, cũng như trào lưu tự do cá nhân cực đoan hay chủ thuyết tương đối và nhiều trào lưu khác đang hoành hành và làm sụp đổ không ít người trẻ trong thế giới hôm nay…
b. Giới trẻ trong trái tim những vị chủ chăn
Những vị chủ chăn trong Giáo hội, nhất là các Đức Giáo hoàng, luôn dành sự quan tâm và tình yêu đặc biệt của mình cho giới trẻ, bởi chính các ngài cũng đã từng là người trẻ và đã từng cống hiến tất cả tuổi thanh xuân với mọi hoài bão, mọi khả năng cho Chúa và Giáo hội. Nên các ngài cũng mong muốn các thế hệ trẻ sẽ tiếp bước các ngài để đóng góp cho Giáo hội và cho thế giới. Cũng chính vì là những người đã đi qua cái tuổi đầy phong phú những cùng đầy phức tạp này, nên các vị chủ chăn cũng luôn thể hiện nỗi đồng cảm, sẻ chia và tình yêu, sự bao dung với người trẻ, để nhờ đó, những người trẻ từng bước nhận ra và nhiệt thành thực thi sứ mạng của mình trong thế giới và trong lòng Giáo hội…
Dù mọi vị chủ chăn đều dành mối ưu tư cho giới trẻ, nhưng có lẽ trong lịch sử Giáo Hội, chưa có vị Giáo hoàng nào lại gần gũi với giới trẻ như Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phao-lô II, người được coi là “Giáo hoàng của người trẻ”. Chính ngài đã nói: “Cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ luôn là giây phút cao điểm trong các chuyến viếng thăm mục vụ của Cha… Cha ao ước được nắm tay mỗi người và từng người trong chúng con, được trực tiếp nói với mỗi người những lời thân tình bạn hữu. Tuy không thể làm được điều đó, nhưng không gì ngăn cản Cha thể hiện tình hiệp thông sâu xa của Cha với chúng con trong tinh thần và bằng trái tim”.[21]
Không những thế, những năm cuối đời, ngài đã nhiều lần làm cho công chúng thán phục, vì một cụ già 80 tuổi, dù rất mệt mỏi mỗi khi di chuyển, nhưng lại như được “thoát xác” khi gặp giới trẻ. Từ nơi cụ già này toát lên lực hấp dẫn lạ lùng, đến nỗi khi ngài đến đâu, thì phần lớn những người tập trung chào đón ngài là giới trẻ. Cũng chưa bao giờ người ta thấy một vị Giáo hoàng “ngẫu hứng” đứng lên vẫy tay với những cử điệu uyển chuyển theo điệu bài hát trước hàng triệu bạn trẻ. Mỗi lần gặp gỡ với các bạn trẻ là ngài có thêm nghị lực. Là một vị Thủ lãnh Giáo Hội trên ngai tòa Phêrô, ngài đã ngỏ lời với giới trẻ bằng những ngôn ngữ thân tình gần gũi. Ngài gọi họ là “các bạn”, như những người tri âm tri kỷ. Trong những bài giảng thuyết, đôi khi ngài dừng lại giây lát, chờ cho mọi người tập trung chú ý và nói; “Hỡi các bạn trẻ, Cha yêu chúng con!” Ngài còn nói với các bạn trẻ: “Chúng ta đừng sợ hãi, vì Đức Kitô có thể thay đổi lòng con người. Người sẽ thực hiện những “mẻ lưới lạ” vào chính lúc chúng ta không ngờ tới. Là vị Giáo hoàng của giới trẻ, Đức Gioan Phaolô II luôn quan tâm đến họ.[22]
Trong khi đó, Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, người luôn toát lên vẻ nghiêm nghị đậm chất Đức, được coi là Giáo hoàng “thiết giáp”[23], nhưng khi tiếp xúc với giới trẻ, nét mặt của ngài như dịu lại và toát lên nơi ngài hình ảnh người cha đầy hiền từ và thấm đẫm tình cha con với người trẻ. Chính ngài có một sức hút rất riêng và đặc biết với giới trẻ. Cụ thể, ở Đại hội giới trẻ thế giới tại Đức năm 2005, với hơn 1,1 triệu người tham dự, tờ báo cánh tả ở ý đã môt tả “áo giáp của vị canh giữ đức tin đã vỡ ra ngay trước những cặp mắt ngờ vực nhất của đồng hương ngài, để trở thành một mục tử vẫn thường mô tả “Giáo hội là chốn dịu dàng của Chúa”[24]. Chính ngài đã nhắn nhủ các bạn trẻ trong Sứ điệp ngày giới trẻ thế giới 2013: “Tiếp nối sứ mạng Phúc Âm Hoá này, Giáo hội trông chờ nơi các con. Các bạn trẻ thân mến, các con sẽ là những nhà truyền giáo tiên phong trong thời đại của các con.” “Các bạn trẻ nam và nữ thân mến, chính các con là những người mà Công đồng muốn nhắn nhủ những thông điệp cuối cùng của mình. Vì chính các con là những người đã lãnh nhận ngọn đuốc từ tay những người đi trước, là những người sống trong một thế giới có những sự biến chuyển lớn lao chưa từng có trong lịch sử. Chính các con, khi đón nhận các mẫu gương sống động cũng như những lời khuyên nhủ của cha mẹ và thầy cô, các con sẽ là những người khuôn đúc nên xã hội mai sau. Một xã hội mà các con có thể được cứu hay bị diệt vong trong đó. Thông điệp kết thúc với những từ ngữ: “Với lòng nhiệt thành, các con hãy xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”[25].
Và ở thời đại của chúng ta, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người luôn có nơi mình nụ cười trìu mến, cũng là vị giáo hoàng rất trẻ dù thân xác ngài ngày càng bị thời gian làm cho tàn phai. Có thể nói Ngài là một vị Giáo hoàng có khả năng tạo trend và tạo những cụm từ lóng trong các tác phẩm, cũng như trong các bài phát biểu của ngài. Sự quan tâm của ngài với giới trẻ cũng luôn đặc biệt và đầy thân tình. Có thể nói, không một tác phẩm cào của ngài mà không đề cập đến giới trẻ. Cùng với đó, trong các bài nói chuyện hay phỏng vấn, ngài cũng dành cho người trẻ một vị trí rất đặc biệt. Chẳng hạn ngài khích lệ các bạn trẻ hãy biến những giấc mơ thành tương lai của các bạn và Ngài mời gọi các bạn hãy tự hỏi bản thân những giấc mơ của các bạn xuất phát từ đâu. Qui mô của những giấc mơ ấy cần phải là “những giấc mơ cao cả” được mô tả trong Kinh Thánh. “Những giấc mơ cao cả bao gồm, có liên quan, và hướng ngoại, chia sẻ, và tạo ra đời sống mới”. Trong khi đối diện với những người trưởng thành mà lại sợ những giấc mơ của giới trẻ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô khích lệ các bạn đừng để cho bản thân các bạn bị “tước mất những giấc mơ của các con” nhưng hãy tìm những người thầy “giúp các con hiểu được chúng và dần dần cụ thể hóa những giấc mơ này”[26].
Cũng vậy, Ngày 3. 10. 2018, huấn dụ mở đầu cho Thượng HĐGM về người trẻ, Đức giáo hoàng nói : người trẻ phải nói thẳng, lắng nghe và phân định, vượt thắng thành kiến, tuyệt đối tránh xu hướng giáo sỹ trị, tự mãn, tự phụ và làm tươi nở hy vọng. Trong tựa đề tác phẩm ‘’Thánh Gioan Bosco, một ‘’Tác Nhân’’ của Tin Mừng’’, do nhiều tu sỹ Salésiens viết, Đức Giáo hoàng ghi: Người trẻ phải đem Tin Mừng Chúa Phục Sinh và trở thành nhân chứng cho Tin Mừng. Nói rõ: Hãy đưa người trẻ đến với Tin Mừng. Một Tin Mừng đơn thuần thanh khiết dù phải đối đầu với văn hóa phức tạp tại mỗi quốc gia[27].
Và gần đây nhất, trong Đại hội giới trẻ thế giới tại Lisbon, Đức thánh cha đã ngỏ lời với các bạn trẻ: “Thiên Chúa yêu thương chúng ta, Thiên Chúa yêu thương chúng ta như chính con người chúng ta, không phải như chúng ta muốn trở thành hay như xã hội muốn chúng ta trở thành. Người yêu chúng ta với những khiếm khuyết chúng ta mắc phải, với những hạn chế chúng ta có và với mong muốn chúng ta phải tiến lên trong cuộc sống. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta như thế: các con hãy tin tưởng bởi vì Thiên Chúa là một người cha, và Người là một người cha yêu thương chúng ta, một người cha yêu thương chúng ta. Điều này không dễ dàng lắm, và vì thế, chúng ta có sự giúp đỡ rất lớn của Mẹ của Chúa: Mẹ cũng là Mẹ của chúng ta. Mẹ là Mẹ của chúng ta. Cha muốn nói với các bạn - đừng sợ, hãy can đảm, hãy tiến bước vì biết rằng chúng ta được tình yêu của Thiên Chúa che chở…”[28].
Thật vậy, không chỉ ở tầm mức hoàn vũ, nơi các Giáo hoàng, nhưng ở mọi tầm mức nơi các châu lục, các quốc gia, các giáo tỉnh, các giáo phận cho tới các giáo xứ, những chủ chăn và hữu trách từ các hồng y, giám mục, Linh mục, phó tế cho tới các tu sĩ nam nữ và mọi thành phần khác trong Giáo hội cũng luôn dành chỗ đứng đặc biệt trong trái tim cũng như trong sứ vụ của mình cho người trẻ…
Điều đó được thể hiện cụ thể nơi các phong trào, các tổ chức, mà giới trẻ là nòng cốt, như thành lập và cổ vũ các đoàn giới trẻ các cấp, giáo lý viên, sinh viên, huynh trưởng, các tổ chức thiện nguyện… Những tổ chức hay phong trào này là nơi người trẻ luôn là lực lượng tiên phong và đóng góp cách đắc lực phần mình vào công cuộc loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Chúa trong thế giới. Trong những hoạt động thiết thực dành cho giới trẻ, có lẽ một trong những sáng kiến thể hiện sự quan tâm thiết thực nhất của Giáo hội, đó là tổ chức Đại hội giới trẻ thế giới. Nhờ đó, khởi đi từ sáng kiến của Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phao-lô II năm 1984, Đại hội giới trẻ thế giới được tổ chức cách thường xuyên nhằm quy tụ người trẻ từ khắp nơi trên thế giới về bên vị cha chung của Giáo hội, cũng như bên nhau và nhất là bên Đức Ki-tô, để cùng lắng nghe, cùng nhau phân định và tìm ra những con đường mà Chúa muốn các bạn trẻ bước đi dưới ánh sáng tin Mừng và giữa thế giới. Cũng từ lần đầu tiên ấy, các Giáo tỉnh hay giáo phận trên khắp thế giới cũng cùng nhau tổ chức các kì đại hội giới trẻ để thể hiện tinh thần hiệp hành với Giáo hội hoàn vũ. Giáo hội Việt Nam, cách riêng Giáo tỉnh Miền Bắc cũng góp phần nhỏ của mình vào công cuộc đồng hành với người trẻ khi tổ chức Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh thường niên, từ năm 2002. Nhờ các đại hội đó mà người trẻ có cơ hôi để gặp gỡ nhau và gặp gỡ Chúa, để hun đúc và làm mới lại đức tin, cũng như ôn lại lịch sử của Giáo hội, hay Giáo phận mình, nhất là hun đúc lý tưởng và định hướng tương lai. Đây cũng là một sân chơi để rồi “học mà chơi chơi mà học”, nhất là gặp gỡ, hiệp hành với Giáo hội và với Chúa, nơi các vị chủ chăn và mọi thành phần luôn lắng nghe và phân định tiếng Chúa muốn nói với từng người trẻ…
4. Đại hội Giới trẻ và những âm vang
Những dư âm tốt đẹp của Đại hội Giới trẻ thế giới tại Lisbon, Bồ Đào Nha, vẫn còn vang vọng và tác động sâu sắc nơi nhiều tâm hồn, không chỉ những người trẻ, những người có tôn giáo, nhất là Công giáo, nhưng cả nơi những tâm hồn khao khát sức sống và sự tươi trẻ trong cuộc sống về sự hiện hữu của mình. Những hình ảnh đẹp, những bài học hay và bao giá trị tin thần thiêng liêng cao quý còn đọng lại và vẫn đang tiếp tục nảy mầm nơi bao tâm hồn đã đến, đã gặp, cũng như cảm nhận được sự sống động, tình yêu và sự biến đổi kì diệu của “bạn trẻ Giê-su Ki-tô” dù trực tiếp hay chỉ qua phương tiện truyền thông.
Hòa chung nhịp đập với Giáo hội hoàn vũ, trên mảnh đất hình chữ S thân thương, Giáo hội Việt Nam, cách riêng Giáo tỉnh Miền Bắc, luôn muốn đóng góp chút sức mọn trong công cuộc loan báo Tin Mừng, cũng như thắp lên những ngọn lửa tông đồ nơi các bạn trẻ, là tương lai của Giáo hội nói chung và của Việt Nam nói riêng. Đến hẹn lại lên, Đại hội giới trẻ Giáo tỉnh Miền Bắc lần thứ 19 năm nay, với chủ đề “Đất chúng ta trổ sinh hóa trái (TV 85,13)” cũng vừa khép lại nơi mảnh đất Kinh Bắc, nơi những điệu hát quan họ đã trở thành di sản văn hóa, một món ăn tinh thần vẫn vang vọng và nuôi sống bao tâm hồn Việt. Nhờ đó, khi đến với miền đất này, được hòa mình vào những làn ca quan họ, nơi những con người Kinh Bắc trọng tình, câu hò “người ơi người ở đừng về”[29] như vang lên lời mời gọi của chính bạn trẻ Giê-su, Đấng là chủ của Đại hội, “Hãy đến với tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng khiêm nhường và hiền hậu trong lòng”[30] và “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”[31], ở lại để học, để chơi, để sống thân tình với Ngài và để Ngài sai đi làm sứ giả rao truyền Tin Mừng bình an cho con người. Với những ấn tượng, những cảm nhận sống động riêng tư và những gói hành trang thánh trên mỗi đôi tay và trong từng trái tim của từng bạn trẻ cũng như mọi người, nhất là nhờ sức sống mãnh liệt luôn tươi trẻ của Đức Ki-tô, những mảnh đất tâm hồn chắc chắn luôn được tưới gội, được thanh tẩy, biến đổi và nở hoa. Niềm hy vọng cũng được gieo vào nơi bao tâm hồn trẻ, để sau khi đã được gặp, được chơi, được học bên bạn trẻ Giê-su, những mảnh đất ấy sẽ tiếp tục nở hoa, khoe sắc và lan tỏa đức tin nơi các bạn trẻ chính những nơi mà các bạn đã, đang và sẽ gặp gỡ bao người trong thế giới hôm nay.
Sau mỗi kì đại hội, chắc chắn còn đó những âm vang nơi những câu chuyện, những dấu ấn, nhất là những bài học, những thao thức, những di sản thiêng liêng giá trị có sức biến đổi và đi vào lòng người, để từ lòng người thấm dần vào cuộc sống và làm trổ sinh nhiều hoa trái. Không ai có thể phủ nhận, hay lãng quên những nỗi vất vả của bao người, từ các vị chủ chăn đến mọi thành phần dân Chúa, nhất là đơn vi chủ nhà, đã phải lo lắng, chuẩn bị, sắp xếp để kì đại hội được diễn ra trong bầu khí vui tươi, bình an, thánh thiêng và đầy tràn tình Chúa, tình người thấm đượm tính nhân bản Ki-tô giáo. Thế nhưng, nếu những lao nhọc vất vả của bao người chỉ để đổi lại những đống rác thật lớn, những cái bụng thật no, thân thật ấm mà tâm hồn lại rỗng tuếch, hay tệ hơn là những xung đột, chia rẽ, phàn nàn, thậm chí ngã lòng, thì chắc chắn Giáo hội nói chung và Giáo tỉnh nói riêng đã không tiếp tục tổ chức những kì đại hội với quy mô ngày một lớn và công phu như thế, để rồi hàng vạn cho tới hàng triệu người từ mọi nơi trên thế giới, hay trong các giáo phận của Giáo tỉnh vẫn tề tựu, quây quần bên người bạn trung thành và mãi tươi trẻ mang tên Giê-su, để được lắng nghe, để được chia sẻ và để được biến đổi nên khí cụ của Ngài. Dù như thế nào, Giáo hội, như người mẹ, vẫn tiếp tục sống, cảm thông, chia sẻ sự và hòa nhịp để thấu hiểu nỗi lo âu của người trẻ, những tâm hồn vô cùng nhạy bén, chất chứa đầy khát vọng, nhưng cũng vô cùng mong manh và dễ tổn thương, nhất là trong thế giới đầy biến động mà những giá trị Tin mừng và văn hóa sự sống ngày càng khó trở nên nguồn sống cho họ.
Tuy nhiên, chắc chắn những di sản, những giá trị, và những hoa trái cụ thể đã và sẽ trổ sinh sau mỗi kì đại hội luôn cao hơn và không bao giờ làm cho những công khó, những giọt mồ hôi, nước mắt của mọi người nên vô ích. Bởi với niềm xác tín vào một Đức Ki-tô đang sống, Giáo hội luôn tin Thiên Chúa luôn có cách làm cho những tâm hồn trẻ được nuôi dưỡng, được chữa lành, được biến đổi, và nhất là làm đầy, làm thỏa mãn những khát vọng khôn nguôi mà thế giới và con người không thể lấp đầy… Dù thế giới đổi thay nhưng chắc chắn giới trẻ luôn là trái tim giữa lòng thế giới, và của Giáo hội, để rồi Thiên chúa qua Giáo hội tiếp tục thao thức cũng như gieo hy vọng nơi những tâm hồn trẻ, cũng như dành cho họ một chỗ đứng quan trọng nhất trong trái tim của mình…
4.1. Đại hội giới trẻ - Một dấu chỉ
Thiên Chúa vẫn tiếp tục thực hiện các dấu chỉ của thời đại trên con người và trong thế giới, nhất là trên Giáo hội và nơi các người trẻ, những người là dấu chỉ hữu hình và hiện tại nhất của Nước Trời. Đại hội giới trẻ có lẽ là một trong những cách để Thiên Chúa tiếp tục thực hiện dấu chỉ ấy. Qua đó con người, nhất là người trẻ, nhận ra một Thiên Chúa sống động giữa lòng Giáo hội và trên thế giới, một Thiên Chúa mà chỉ có Ngài có thể làm thỏa mãn mọi khát vọng của con người.
a. Dấu chỉ của phép lạ
Những phép lạ vẫn xảy ra hằng ngày với những người có lòng tin. Dưới lăng kính đức tin, Đại hội giới trẻ cũng chính là một phép lạ tuyệt vời mà Thiên Chúa, qua Giáo hội đang thực hiện trên các bạn trẻ, trước sự chứng kiến của bao người dù có lòng tin hay không. Những phép lạ mà chỉ Thiên Chúa mới có thể thực hiện. Thật vậy, nhìn vào các kì đại hội, ai nếu không phải chính Thiên Chúa mới có thế quy tụ các bạn trẻ quanh Đức Ki-tô. Chẳng một chủ thuyết hay một hệ tư tưởng nào, dù hay và hấp dẫn đến mấy, có thể quy tụ nhiều bạn trẻ như thế đên với Chúa và trong Chúa, nhất là những đại hội luôn được tổ chức trong sự hòa bình, trật tự và nhất là tràn đầy tình yêu. Những kì đại hội với tổ chức công phu từ số lượng chơ tới chất lượng, từ hình thứ cho tới chiều sâu xoay quanh một bạn trẻ mang tên Giê-su đã khiến nhiều người chỉ còn biết thốt lên “amazing” - thật là một phép lạ giữa thế giới hôm nay…
b. Dấu chỉ sự hiệp hành
Nếu hiệp hành (Synod) là cùng đi trên một con đường, thì có lẽ Đại hội giới trẻ là một trong những dấu chỉ rõ nhất về việc hiệp hành của Giáo hội, cách riêng của người trẻ. Nơi đó, hàng vạn bạn trẻ đã đi cùng nhau trên một con đường mang tên Giê-su, để cùng chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, những sợ hãi, những thách đố và cả những ước mơ của mình cho Chúa và cho nhau. Cũng chính nơi đây, từng bạn trẻ đều thi hành cách tích cực ba chiều kích của hiệp hành: họ cùng nhau tham gia cách tích cực vào mọi hoạt động của đại hội, từ các giờ chơi, các bào hát, cử điệu, sinh hoạt, các cuộc nói chuyện, chia sẻ, gặp gỡ cho tới đỉnh cao là Thánh lễ, nơi tất cả được tham dự vào bàn tiệc thánh; các bạn trẻ cùng nhau hiệp thông vơi với nhau trong từng nhịp thở, trong từng bài ca, trong giờ chầu thánh thể linh thiêng, nơi Bí tích Giao hòa, và nhất là trong Thánh lễ, nơi họ được hiệp thông trọn vẹn với Đức Ki-tô trong Bí Tích Thánh Thể; cũng nơi đây họ thể hiện sự hiệp hành khi thực hiện sứ vụ của mình là cùng lắng nghe, cùng chia sẻ đức tin và làm chứng về đức tin của mình... Làm sao có thể có một kì đại hội thành công nếu không có sự hiệp hành của mọi thành phần, từ các vị chủ chăn, ban tổ chức cho tới chính những nhân vật chính là các bạn trẻ, khi họ cùng chung tay trong từng nhiệm vụ và vai trò riêng của mình để làm nên một ngày hội, nơi hình ảnh Chúa Ki-tô và Giáo hội được sáng rõ và tỏa sáng. Nhờ đó, kì Đại hội nổi lên trước mắt con người ngày nay một hình ảnh Giáo hội hiệp hành trong tình yêu và sự hiệp nhất một cách cụ thể và sống động nơi mọi thành phần trong Giáo hội. Nhờ đó, đất đã nở hoa, mảnh đất tâm hồn đã và sẽ nở hoa và sinh nhiều hoa trái trước trong và nhất là sau đại hội…
c. Dấu chỉ tình yêu
Đại hội giới trẻ, nơi sự hiệp hành được cụ thể hóa, cũng là nơi các bạn trẻ thể hiện tình yêu của mình dành cho Đức Ki-tô và Giáo hội. Nếu không có tình yêu, thì có lẽ việc phải hy sinh thời gian, sức khỏe và cả những dự án riêng tư, để đến và hiệp hành với nhau trong đại hội có lẽ là điều không tưởng, nhất là với các bạn trẻ, những người đang ở độ tuổi chỉ muốn làm những điều mình thích và không muốn phụ thuộc vào bất cứ ai về cả không gian hay thời gian. Nhưng chính Tình yêu Đức Ki tô đã thúc bach, biến đổi và lôi kéo người trẻ đến với Ngài. Nhờ tình yêu ấy, tất cả các kì đại hội đã cho thấy động lực chính để mọi người quy tụ nơi đây là vì tình yêu Đức Ki-tô và với Giáo hội, cũng như để thể hiện nỗi thao thức và tình yêu của các bạn trẻ với những nỗi thao thức và tình yêu với những con người cụ thể, mà Giáo hội đang muốn hướng các bạn trẻ tới để phục vụ và cho đi, nhất là trong một thế giới kĩ nghệ và đang “ảo hóa” giới trẻ, khiến giới trẻ quên mất những thực tại hữu hình và có thể đụng chạm cách sống động nhất xung quanh mình…
4.2. Đại hội giới trẻ - Những cơ hội
Cuộc đời được dệt lên bởi những cơ hội và chính cuộc đời là một cơ hội để sống, để yêu và được yêu, để cho đi, để tha thứ, để bao dung… và nhất là để… làm và là người. Có những cơ hội chỉ đến một lần, nhưng cũng có những cơ hội đến rồi đi, nhưng rồi lại đến, mà nếu chúng ta không biết tận dụng, những cơ hội sẽ trôi qua mãi mãi trong tiếc nuối. Những cơ hội luôn đến với chúng ta mỗi ngày nơi chính mình, nơi người khác, trong vũ trụ thiên nhiên, nhất là nơi Thiên Chúa, Đấng làm chủ và luôn trao ban cơ hội vì Tình Yêu. Vì thế, nếu cuộc đời không còn những cơ hội và con người không còn tạo ra những cơ hội, chắc chắn mọi sự sẽ biến tan.[32] Trong chiều hướng đó, Đại hội giới trẻ mở ra vô số cơ hội cho người trẻ để được lớn lên và trổ sinh hoa trái dưới ánh sáng Tin Mừng.
a. Cơ hội cho những mục tử và người hữu trách
Sứ mạng của các mục tử và những người hữu trách trong việc đào tạo và hướng dân giới trẻ vẫn luôn là một trong những sứ mạng hàng đầu của Giáo hội, nhưng cũng là một sứ mạng mang nơi đó đầy thách thức và khó khăn về nhiều phương diện. Dẫu vậy, chính nơi các Đại hội giới trẻ, những cơ hội được mở ra cho cuộc đối thoại thân tình giữa mọi thành phần, nhất là giữa các chủ chăn và người trẻ. Nhờ đó, những chủ chăn và người có trách nhiệm có thể làm mới lại chính mình khi cách nào đó sống lại cái tuổi mà mình đã trải qua, để một lần nữa học cách sống như người trẻ, ăn như người trẻ, nghe như người trẻ, nói như và với người trẻ bằng ngôn ngữ củ người trẻ, cũng như lắng nghe những thao thức của người trẻ. Để nhờ đó, Giáo hội biết người trẻ đang cần gì, đang sợ gì và đang khao khát điều gì để có thể đáp ứng và giải quyết theo tinh thần của Chúa và Giáo hội. Đây cũng là cơ hội để Giáo là biết khiêm tốn nhìn nhận những dấu chỉ của thời đại, để dám cúi xuống và đi cùng người trẻ, lắng nghe họ và đồng cảm với họ. Từ đó, luôn xây cho họ những bể bơi, thay vì xây những đầm lầy[33], xây những cây cầu thay vì dựng những bức tường, vì chỉ người trẻ mới có thể viết tiếp và hoàn tất những ước mơ chưa tròn của các thế hệ đã qua…
b. Cơ hội gặp gỡ
Con người là một sinh vật gặp gỡ và luôn có nhu cầu gặp gỡ: Gặp gỡ Chúa, gặp gỡ Giáo hội và gặp gỡ nhau. Đại hội giới trẻ chắc chắn là một dịp mở ra cho con người nhất là người trẻ những cơ hội, những cơ hội mà chỉ Thiên Chúa mới có thể mang lại và lấp đầy trái tim thao thức của người trẻ. Nơi đây các bạn trẻ được gặp gỡ Thiên Chúa, nhất là gặp gỡ bạn trẻ Giê-su, Đấng mà các bạn đã yêu, tôn thờ và muốn bước theo. Cũng nơi đó, họ gặp Giáo hội, nơi họ thuộc về, để có thể lắng nghe, đụng chạm vào Thân Mình của Đức Ki-tô. Nhờ đó, người trẻ thấu hiểu tình yêu và nỗi thao thức, niềm tin và hy vọng mà Giáo hội dành cho mình, để hun đúc tình yêu của họ với Giáo hội nơi Đức Ki-tô, những thực tại mà đôi khi hay nhiều lúc các bạn đã lãng quên. Cũng nơi đó, các bạn trẻ được gặp gỡ nhau, nững con người sống động và cụ thể, cùng đức tin, cùng phép rưa, và cùng một niềm tin vào Đức Ki-tô và Giáo hội… Và cũng nơi đây, họ gặp gỡ chính mình để nhìn nhận mình, bởi nhiều khi sự xô bồ khiến họ mất ý thức về sự hiện hữu của chính mình. Nhờ đó, người trẻ có cơ hội để làm mới lại niềm tin, mới lại các mối tương quan mà cách nọ hay cách kia đã bị rạn nứt, nhưng nay được chữa lành và sinh hoa trái…
c. Cơ hội hun đúc đức tin
Cuộc sống nhất là phong trào thế tục, đôi khi làm đức tin của các bạn trẻ bị lung lay chao đảo, mất định hướng, nhất là khi không có một nền tảng vững chắc. Nơi đây, qua đại hội, nhờ gặp gỡ, chia sẻ, nhờ lắng nghe, và được lắng nghe, đức tin của họ phần nào được hun đúc và củng cố theo đúng tinh thần của Tin Mừng và giáo huấn của Giáo hội, nhờ đó,đức tin của người trẻ được củng cố, để có những hành trang và sức mạnh cần thiết và đủ sức chống lại những trào lưu của thế giới cùng vòng xoáy của cuộc đời, nhất là trong một thời đại mà Đức cố Giáo hoàng Biển Đức gọi là khủng hoảng đức tin, thơi đại mà tin như là một lựa chọn khó khăn trong thế giới hôm nay[34]
d. Cơ hội để lắng đọng và lắng nghe
Cuộc sống vội vã và quá nhiều những tạp âm của cuộc đời, nhất là trong thời đại kĩ nghệ, khiến người trẻ bị phân tán và mất định hướng hay bị lệch tâm. Đại hội giới trẻ, nhất là Thánh Lễ là cơ hội thuận tiện và quý giá để lắng đọng tâm hồn, thoát ra khỏi những ồn ào của thế giới và con người. Nhờ đó, chính nơi đây, người trẻ có cơ hội để lắng nghe được tiếng Chúa, âm thanh dịu dàng và trong trẻo có sức biến đổi, mà đôi khi hay nhiều lúc các bạn lãng quên và rơi vào trạng tháng mông lung, lạc lõng giữa đời. Đây cũng là nơi để bạn được lắng nghe và gặp gỡ thân tình chính Chúa qua các buổi chia sẻ, các giờ chầu, các giờ cầu nguyện riêng tư trước Chúa Giê-su Thánh Thể, và nhất là nơi Thánh Lễ, để phân định và tìm ra ý Chúa nơi cuộc đời mình và sẵn sàng dấn bược. Cũng chính nơi đây, các bạn trẻ cũng có cơ hội được lắng nghe khi chia sẻ những thao thức nơi các buổi hội thảo hay cuộc gặp gỡ các chủ chăn, hay chính các bạn lắng nghe và được lắng nghe nhau. Nhờ đó, thế giới nơi các bạn trẻ được mở ra để can đảm đi vào thế giới như những sứ giả mang tình yêu và hòa bình thấm đẫm giá trị Tin Mừng vào chính bậc sống và môi trường mà mỗi người trẻ đã, đang và sẽ trở nên…
e. Cơ hội ra khỏi vùng an toàn
Khi thế giới và con người ngày càng đạt tới những đỉnh cao của sự phát triển, thế giới con người tưởng như sẽ trở nên an toàn và bình an hơn. Thế nhưng thực trạng thế giới và con người ngày nay thật đàng buồn khi vẫn còn đầy dẫy nhưng bất an, nhất là khi con người tiếp tục gieo rắc nỗi sợ hãi, đau khổ và chết chóc cho nhau: chiến tranh, hận thù, bạo lực, xung đột, chia rẽ… Tất cả những điều đó tác động trực tiếp đến con người, nhất là những người trẻ, khi tương lai của họ vẫn còn phía trước. Những bất an đó khiến người trẻ đôi khi xây dựng cho mình những pháo đài để rồi đóng kín bản thân và con người mình trong những vỏ sò của các vùng an toàn, để rồi nơi đó họ trở nên ích kỉ và không biết đến thế giới và người khác, nhất là trên thế giới ảo nơi mạng xã hội. Dẫu biết không ai không sợ cái gì và cũng chẳng ai cái gì cũng sợ[35], nhưng nhiều bạn trẻ không sợ những điều đáng sợ, nhưng lại sợ những thứ chẳng đáng sợ và không nên sợ, để rồi họ co cụm và không dám bước ra khỏi chính mình và đi vào thế giới. Đại hội Giới trẻ cũng như các phong trào của Giáo hội luôn là lời của chính Chú kêu mời các bạn “đừng sợ” vì “sự sợ hãi tước đi trong chúng ta ước muốn và khả năng gặp gỡ người khác”[36]. Trái lại, hãy bước ra khỏi thế giới co cụm và ảo của mình, để đi vào thế giới thật, xây dựng những tương quan thật và làm cho Lời Chúa được thấm nhiễm và nảy sinh giữa con người vè thế giới hôm nay bằng chính những phương tiện và thành tựu của con người, mà trong đó có sựu đóng góp tài năng của chính các bạn… Đây cũng là dịp để các bạn trẻ có cơ hội tập sống chậm lại, và can đảm để buông bỏ những gì là dính líu và không cần thiết cho sứ vụ và đức tin của mình…
f. Trực tiếp chứ không trực tuyến
Sự phát triển công nghệ dường như cách nào đó ảnh hưởng và đe dọa đến sự tiếp xúc trực tiếp của con người với con người, nhất là giới trẻ, những người thích ứng rất nhanh, nhưng đôi khi quá vội vã với công nghệ và thế giớ ảo. Để rồi, với chiếc smartphone, đôi khi họ quên tất cả những thực tại xung quanh mình, kể cả cha mẹ hay những người thân yêu nhất, nhất là bị não trạng và làn sóng vô cảm dửng dưng nhấn chìm trong thế giới ảo. Đại hội giới trẻ, nơi các bạn được gặp gỡ cách trực tiếp chứ không còn là trực tuyến với con người. Nhờ đó, các bạn có cơ hội bước ra khỏi thế giới ảo và rời bỏ chiếc smartphone cũng như gác lại bao dự định hay những đam mê để được gặp gỡ Chúa, gặp gỡ nhau. Từ đó, họ cảm nhận được tình yêu thật mà các bậc cha mẹ và những người hữu trách dành cho họ và muốn họ cũng trao ban tình yêu thật ấy cách trực tiếp trong cuộc sống chứ không phải trên mạng hay trực tuyến, những nươi dễ dàng đánh lừa và làm mất đi sự nhạy bén và cảm xúc thật của con người…
Và còn nhiều hơn nữa những cơ hội mà chính Đức Ki-tô qua Giáo hội vẫn mở ra, đặc biệt nơi các Đại hội giới trẻ, để kêu mời các bạn trẻ, hãy tận dụng để nên muối men và ánh sáng của Chúa trong thế giới hôm nay…
4.3. Đại hội giới trẻ - Những điều dễ lầm tưởng
Mỗi kì đại hội khép lại chắc chắn sẽ còn lại rất nhiều dấu ấn và mở ra rất nhiều cơ hội. Nhưng đây cũng là dịp mà nhiều người dễ có một cái nhìn toàn cảnh hơn, sâu sắc hơn về những giá trị mà những kì đại hội mang lại cho thế giới và nhất là cho người trẻ. Nhờ đó, mỗi người không chỉ dừng lại ở bề ngoài hay hình thức để rồi có những đánh giá và nhận định vội vã cũng như rơi vào tình trạng tự kiêu và ảo tưởng… để chính Chúa qua Giáo hội tiếp tục ngỏ lời với người trẻ, cũng như kêu mời tha thiết các bạn trẻ biết dùng sức mạnh của mình nơi những nén bạc Chúa trao cũng như hun đúc tình yêu và niềm tin của mình để có thể nên những chứng nhân sống động của Chúa trong thế giới hôm nay, để rồi dù thế giới và con người như thế nào, tương lai vẫn là của người trẻ và ánh sáng Tin Mừng sẽ vẫn tiếp tục chiếu giãi trên thế giới và trong tâm hồn con người…
a. Đại lễ chứ không chỉ đại hội
Trọng tâm và đỉnh cao của các kì đại hôi hay bất kì một đại lễ nào trong Giáo hội không bao giờ nằm ở những hoạt động hào nhoáng bên ngoài như sinh hoạt, cử điệu, hội thảo hay văn nghệ…, nhưng là Thánh lễ. Chính nơi Thánh lễ, con người được gặp gỡ trực tiếp và thân tình nhất với Chúa Giê-su nơi bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể. Vì thế, nếu Đại hội giới trẻ không bao giờ nhắm đến những hoạt động bề ngoài và biến thành nó một ngày hội thuần túy, bởi như thế sẽ là một thất bại, một thảm họa cho chính Giáo hội và cho người trẻ. Do đó, những tham dự viên, nhất là giới trẻ nên tránh tư tưởng coi đây chỉ là một cuộc dạo chơi vô bổ để rồi sau khi xong xuôi tất cả lại về và đâu vào đấy. Điều này đã được các vị mục tử và ban tổ chức rất đề cao khi kêu gọi các bạn trẻ hãy hy sinh, chấp nhận buông bỏ những thú vui và những ồn ào của cuộc sống để đi vào nội tâm và trong thinh lặng để có thể gặp gỡ Chúa trong Bí tích Thánh Thể, nơi họ được kín múc nguồn sức sống giúp các bạn no thỏa và nên tràn đầy.
b. Tự hào chứ đừng tự tôn
Những con số ấn tượng của Đại hội giới trẻ chắc chắn sẽ khiên rất nhiều người phải kinh ngạc và thán phục Giáo hội từsố lượng người tham dự, quy mô, phong cách tổ chức cho tới chất lượng của đại hội. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở những con số mang tính chất thống kê để rồi ru ngủ mình trong sự tự tôn thì mọi thành quản sẽ trở nên vô ích. Trái lại, chúng ta được quyền tự hào về Chúa và về Giáo hội, nhưng cần dẹp bỏ thái độ tự kiêu hay tự huyễn hoặc mình. Để rồi, từ những con số những ấn tượng bên ngoài ấy, mỗi bạn trẻ hướng tới xa hơn khi nhìn lại mình đã thu lượm được những gì sau mỗi kì đại hội, Nhờ đó, cùng với sự soi sáng của Chúa Thánh Thần và giáo huấn của Hội Thánh, mỗi bạn trẻ và mỗi người biết đi vào chiều sâu để khám phá ra chính mình và thấy được điều Thiên Chúa muốn nơi cuộc đời mình. Từ đó, can đảm đưa ra quyết định và lựa chọn cho phong cách và cho lý tưởng của đời mình, nhất là trong đời sống Giáo hội cũng như xã hội. Sẽ thật tuyệt vời nếu sau mỗi kì đại hội, nhiều tâm hồn được tưới gội bằng ánh sáng Lời chúa và được biến đổi, cũng như quyết định theo Chúa trên con đường dâng hiến hay nên duyên trong một chuyện tình đẹp và một cái kết có hậu trong bậc sống hôn nhân hạnh phúc, bền vững…
c. Biến đổi thay vì biến chất
Biến đổi dưới ánh sáng Lời Chúa và Thánh Thể, cũng là ước mong tha thiết của Giáo hội mỗi khi tổ chức đại hội giới trẻ, để nhờ đó các bạn trẻ được đánh động, được thấy Chúa và để Chúa biến đổi. Vòng xoáy cuộc đời đôi khi làm cho muối đức tin của người trẻ nhạt đi, thì nhờ những cơ hội gặp Chúa mỗi ngày và nhất là qua đại hội, người trẻ thay vì để cuộc đời và thế gian làm cho biến chất, sẽ để chính Chúa Thánh Thần biến đổi để nên giống Chúa hơn, biến đổi để nên chứng nhân của Chúa trong cuộc đời và giữa muôn người, nhất là nên ngọn đuốc sáng cho những người mà các bạn được gặp gỡ và tiếp xúc hằng ngày. Cuộc đời này, thế giới này luôn đầy dẫy những thứ virus độc hại muốn làm các bạn trẻ biến chất hòng kéo các bạn lìa xã Chúa và Giáo hội. Vì thế đây là cơ hội để các bạn sắm cho mình tám áo giáp chất lượng của Lời Chúa qua sự hướng dẫn của Giáo hội, hầu có thể chống trả lại mọi địch thù và loại bỏ mọi virus đáng sợ đang bủa vây tứ phía…
e. Chất lượng hơn số lượng
Con người thường thích chạy theo số lượng mà quên mất điều thực sự quan trọng và cần thiết hơn là chất lương, điều đó nhiều khi gây ra những hậu quả tai hại. Trái lại, khi đến với đại hội Giới trẻ , chính Giáo hội và mọi người những ước mong chất lượng đức tin và chất sống cũng như nền nhân bản ki-tô giáo nơi người trẻ được tăng trưởng và mỗi ngày một hoàn thiện hơn, nhất là nhờ Lời Chúa và các Bí tích. Nhờ đó, sau đại hội, những con người chất lượng ấy sẽ đi vào thế giới và nên chứng nhân của Chúa giữa đời nơi bậc sống và lý tưởng mà các bạn đã chợn và muốn bước theo…
4.4. Đại hội giới trẻ - Lời mời gọi
Những lời mời gọi tha thiết mà Chúa, qua Giáo hội vẫn vang lên mỗi ngày nơi cuộc sống và tâm hồn người trẻ. Những lời mời gọi vẫn vang vọng và thể hiện nỗi thao thức của Cháu dành cho người trẻ trong thế giới hôm nay.
a. Sống chủ động thay vì thụ động
Nhịp sống của thời đại kĩ nghệ và kim tiền đôi khi nhấn chìm và cuốn người trẻ vào trong não trạng hưởng thụ, để rồi tiếp nhận mọi thông tin, mọi kiến thức, mọi hoạt động và cả đức tin một cách rất thụ động. Điều đó làm mất tính năng động và tích cực mà lẽ ra người trẻ phải luôn có và được phát huy. Vì thế, ước mong sau những kì đại hội, thật nhiều người trẻ được biến đổi và trở nên tích cực hơn, nhất là nhờ ơn Chúa, họ sẽ được gắn kết với Chúa và Giáo hội để rồi đi vào đời với một thái độ sống tích cự hầu sinh ích cho nhiều người trong thế giới hôm nay, một thế giới tưởng chừng năng động những dường như vẫn còn đó quá nhiếu ứ đọng và trì trệ…
b. Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến
Tâm hồn người trẻ luôn rất nhạy bén với những thay đổi và có khả năng thích ứng raants nhanh với thế giới, nhất là thế giới của cộng nghệ. Tuy nhiên, sự xô bồ vội vã xen lẫn nhịp sống vồn vã của con người trong thời đại công nghiêp và kĩ thuật hóa nhiều khi tác động và làm xáo trộn tâm hồn con người nói chúng và người trẻ nói riêng, khiến họ nhiều khi loay hoay và mất định hướng. Những khi như thế, các bạn trẻ hãy chạy đến với Chúa như cách các bạn đã chạy đến với bạn trẻ Giê-su nơi các Thánh Lễ, các giờ cầu nguyện hay trong các kì đại hội giới trẻ. Nhờ đó, tâm hồn các bạn sẽ được tĩnh tại, an vui và bình an măc cho dòng đời đầy biến động, bởi chỉ khi tâm hồn thanh thản và bình an, cuộc sống và sự hiện hữu của các bạn mới có thể nên tròn đầy và đáng sống. Hãy nhớ “tâm tĩnh, miệng cười”…
c. Đừng đứng trên ban công, đừng lướt trên iphone
Những lời mời gọi đầy thiết tha và thiết thực nhất cho người trẻ, khi mà thế giới ảo đam xâm thực thế giới thật và cách nào đó tác động không nhỏ đến lối sống và nếp nghĩ của nhiều người, nhất là giới trẻ. Những thông tin, sụ kiện đáng buồn vẫn xảy ra hằng ngày bên cạnh những điều tích cực mà công nghệ mang lại, khiến không ít bậc cha mẹ và người hữu trách lo ngại và sợ hãi trước làn sóng ảo hóa thế giới và các mối tương quan. Vì thế, bên cạnh việc không phủ nhận những thành quả của trí tuệ con người, của mạng xã hội, nhưng cũng cần đòi hỏi sự khôn ngoan của người sử dụng, để tránh não trạng dửng dưng vô cảm với những thực tại đáng quan tâm, bởi nhiều khi con người lại quan tâm đến những điều chẳng đáng quan tâm nhưng lại chẳng quan tâm đến những thực tại phải quan tâm và bên cạnh chúng ta.
Tuy nhiên, cuộc đời này cần phải có những ban công, những chiếc iphone để chúng ta đứng trên đó và lướt trên đó để nhìn cuộc đời, để nhìn mọi người và biết thế giới và con người đang khao khát điều gì. Để từ đó, chúng ta không chỉ dừng lại trên đó để mà ảo tưởng hay sống ảo. Trái lại, chúng ta phải bước xuống đến với con người, đến với cuộc đời, nhất là biết mặc lấy sự yếu đuối để có thể cảm thông với những người mê muội lầm lạc và làm cho tất cả những ai tiếp cận với chúng ta, đều cảm thấy họ đang được Thiên Chúa quan tâm, yêu mến và thứ tha[37].. Đó có lẽ là điều mà Chúa đã đang và vẫn luôn mời gọi người môn đệ của Ngài tiếp tục sứ vụ rao giảng và làm chứng nhân cho Chúa giữa cuộc đời và cho con người ngày hôm nay…
Chính ngài cũng đã cảnh báo mỗi người: “Chúa không lắng nghe người chỉ ngồi trên ghế sofa. Con hiểu không?... Con không thể nghe được tiếng Chúa bằng một cuộc sống thoải mái. Việc ngồi yên một chỗ tạo ra sự ngăn trở với Lời Chúa vốn có tính năng động. Điều này rất quan trọng.”[38] Cuối cùng, luôn nhớ lời nhắn nhủ của Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô đến các bạn trẻ: “Đừng nghỉ hưu non”[39]
d. Tự hào vì là con Chúa và Chúa luôn tự hào vì các bạn
Cuối cùng, một lời mòi gọi chân thành nhât đến giới trẻ, những người đôi khi mang trong mình mặc cảm khi là người Công giáo, cảm thấy thiệt thòi khi mình chỉ là thiểu số. Nhất là khi các bạn trẻ Công giáo, những người phải can đảm thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, cũng như làm chứng cho những giá trị Tin Mừng. Những giá trị cao quý và vô giá mà sự tự do đã bị ô nhiễm, cùng quyền lực đã bị con người làm cho ô nhiễm[40], đang muốn đạp đổ, cào bằng và khuyến khích con người, nhất là người trẻ sống buông thả bất chấp mọi giá trị đạo đức luân lý… Để rồi nhiều bạn trẻ đã sụp đổ và chôn vùi cuộc đời và tương lai mình trong đống hổ lốn của sự chia rẽ, rạn nứt, tội lỗi, đau khổ và cái chết… Trái lại, giới trẻ Công giáo luôn phải là ngọn hải đăng và chấp nhận sống ngược dòng để gìn giữ và làm chứng cho những giá trị Tin Mừng, những giá trị suy nhất mạng lại hạnh phúc và sự sống đích thực. Để được như thế, thiết tưởng các bạn phải tự hào vì là con Chúa và hãy đặt Chúa là trọng tâm, làm thần tượng duy nhất của đời mình, bởi Chúa luôn tự hào vì các bạn dù các bạn trẻ ra sao, dù chúng ta thế nào…
5. Tạm kết
Trái đất vẫn tiếp tục vòng quay của nó và thời gian tiếp tục làm nhiệm vụ của nó. Dù vậy, Thiên Chúa qua Giáo hội vẫn luôn dành một chỗ đặc biệt cho giới trẻ, vì tương lai Giáo hội thuộc về họ. Dù thời gian thay đổi và trời đất đang qua đi những Lời Chúa vẫn luôn vững bền và có sức biến đổi kì diệu và nếu Chúa muốn, mọi sự đều có thể. Vì thế, để tạm kết, người viết xin mượn vài lời tuyệt vời của chính thánh Công đồng vaticano II, trong sứ điệp của mình gửi cho Giới trẻ, do Đức Hồng y G. Agagianian tuyên đọc: “Sau hết, công đồng muốn gửi cho các bạn thanh niên và thiếu nữ toàn thế giới bức sứ điệp sau cùng vì chính các bạn sắp được nhận lấy ngọn đuốc từ tay phụ huynh và sẽ sống trong thế giới váo lúc diễn ra những biến đổi vĩ đại nhất của lịch sử. Chính các bạn, trong khi thừa hưởng phần tốt nhất của gương sáng và giáo huấn nơi cha mẹ cũng như thầy dạy, các bạn đang tiến tới việc kiến tạo xã hội ngày mai: các banjsex tự cứu được mình hay sẽ bị tiêu diệt cùng với xã hội ấy. […] Giáo hội nhìn đến các bạn với lòng đầy tín cẩn và yêu thương. Vốn mang một dĩ vãng lâu dài và hằng sống động trong mình, đồng thời luôn luôn đi tới sự hoàn thiện nhân loại qua thời gian cũng như vừa tiến tới những chân trời sau cùng của lịch sử và sự sống, Giáo hội là sự trẻ trung đích thực của thế giới. Giáo hội mang vốn liếng làm nên sức mạnh và vẻ đẹp của tuổi trẻ: đó là khả năng biết hoan hỉ trước những gì mới bắt đầu, biết cho đi mà không mong trả lại, biết tự đổi mới và ra đi tìm những chinh phục mới. Xin hãy Giáo hội và các bạn sẽ khám phá ra khuôn mặt của Chúa Ki-tô, vị anh hùng chân chính, khiêm tốn và khôn ngon, vị ngôn sứ của chân lý và tình yêu, là bạn đường và bạn thân của người trẻ. Nhân danh chính Chúa Ki-tô, chúng tôi chào thăm khuên nhủ và chúc lành cho các bạn.”[41.
[2]Cf. https://giaoxuxambo.org/nghich-ly-tuoi-truong-thanh/(nguồn gpbuichu.org)
[3] Cf. Biển Đức XVI, Thiên Chúa và Trần thế, NXb Tôn Giáo, tr. 24
[4] Thánh Công đồng Vaticano II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới hôm nay, số 5
[8] Cf. https://nhac.vn/bai-hat/biet-yeu-thuy-chi-sorW3q
[9] Thánh Công đồng Vaticano II, Tuyên ngôn về Giáo dục, số 2
[10] Cf. Thánh Công đồng Vaticano II, Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân, số 12
[12] Cf. Thánh Công đồng Vaticano II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới hôm nay, số 7
[14] Cf. Thánh Công đồng Vaticano II, Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân, số 12
[15] Cf. Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô, Hãy cùng ước mơ, Nxb Thế giới, tr. 81
[17] Cf. Thánh Công đồng Vaticano II, Tuyên ngôn về Giáo dục Ki-tô giáo, số 1-2
[18] Cf. Thánh Công đồng Vaticano II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới hôm nay, số 31
[19] Cf. Thánh Công đồng Vaticano II, Tuyên ngôn về Giáo dục Ki-tô giáo, số 1-2
[20] Cf. Thánh Công đồng Vaticano II, Sắc lệnh về các phương tiện truyền thông xã hội, số 10 và số 16
[21] Cf. http://gpbanmethuot.com/kien-thuc-ve-giao-ly/duc-gioan-phaolo-ii-vi-giao-hoang-cua-gioi-tre-32320.html
[23] https://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%C3%A1o_ho%C3%A0ng_Bi%E1%BB%83n_%C4%90%E1%BB%A9c_XVI
[24] Cf. Biển Đức XVI, Ánh sáng muôn dân, Phạm Hồng Lam chuyển ngữ, NXB Tôn Giáo, tr. 151
[25] Cf. https://www.tonggiaophanhanoi.org/tim-hieu-su-diep-ngay-gioi-tre-the-gioi-2013-cua-dtc-be-ne-dic-to-xvi/
[26] Cf. http://giaoxuvnparis.org/chi-tiet/duc-giao-hoang-phanxico-voi-gioi-tre-thi-chuong.html.
[28] https://tgpsaigon.net/bai-viet/duc-thanh-cha-chao-don-cac-ban-tre-den-voi-dai-hoi-gioi-tre-the-gioi-lisbon-69515
[29] Cf. https://zingmp3.vn/album/Nguoi-Oi-Nguoi-O-Dung-Ve-Single-Duc-Phuc-Suboi/6UB7IAEU.html
[32] https://gpbuichu.org/news/bai-chia-se/nhung-co-hoi-trong-cuoc-doi-14439.htmlđầm lầy
[33] https://giaoxuxambo.org/nghich-ly-tuoi-truong-thanh/
[34] Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, Dẫn nhập đức tin Ki-tô giáo, Nxb. Tôn Giáo, tr. 71
[35] Cf. https://gpbuichu.org/news/Suy-tu/con-nguoi-va-virus-so-hai-14471.html
[36] Cf. Denis Kulandaisamy, ÓM và Yesu Karrunanidhi, Đức Maria, hình ảnh của Giáo hội hiệp hành, Nxb Tôn Giáo, Tr. 61
[37] https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/kinh-nam-thanh-long-thuong-xot-19068
[38] X. Đức thánh cha Phan-xi-cô, Sống tốt, Nxb Đồng Nai, tr. 132
[39] Cf. Đức thánh cha Phan-xi-cô, Tông huấn Chúa Ki-tô đang sống, số 143
[40] https://gpbuichu.org/news/Suy-tu/su-o-nhiem-quyen-luc-12663.html
[41] Công đồng Vaticano II, Sứ điệp của Công đồng gửi đến tất cả mọi người, số 30