Người trẻ có sẵn lòng vác đỡ Thánh giá Chúa Giêsu?

Thứ năm - 28/03/2024 22:23  1395
vacthapgiaMột trong những cử hành rất cảm động trong Mùa Chay, đặc biệt vào Thứ Sáu Tuần Thánh là đi đàng Thánh giá. Có những giáo xứ còn tổ chức các chặng theo hình thức hoạt cảnh diễn nguyện, gọi mời và khích lệ tâm tình đạo đức nơi cộng đoàn. Đây là một việc đạo đức bình dân được các tín hữu ưa thích để tôn kính Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Rất nhiều người có thể đã được đánh động, hoặc thậm chí đã được biến đổi nhờ thực hành đạo đức này. Đàng Thánh giá đã trở thành một cử hành không thể thiếu ở bất cứ nơi nào trên thế giới có sự hiện diện của Giáo hội Chúa Kitô.

Năm 1997, tại Đại hội Giới trẻ Thế giới Paris, người Pháp đã ghi thêm buổi đi đàng thánh giá vào chương trình của đại hội. Đây là một sáng kiến và cũng là một đóng góp quan trọng. Từ đó, việc đi đàng Thánh giá trở thành một trong những hoạt động nổi bật và đem lại nhiều cảm xúc lắng đọng tại các kỳ đại hội giới trẻ các cấp. Nhiều bạn trẻ đã tìm được ơn hoán cải khi theo chân Chúa Giêsu qua các chặng đàng Thánh giá.

Trong thời gian đặc biệt mà Giáo hội cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng nhau nhìn lại ý nghĩa của chặng đàng Thánh giá, qua việc dừng chân suy ngắm tại nơi thứ Năm: Ông Simon vác đỡ thánh giá Chúa Giêsu. Cách riêng với các bạn trẻ, chặng đàng Thánh giá vẫn luôn là một lời mời gọi vui vẻ bước theo Đức Kitô trên con đường thánh giá, mau mắn vác thập giá mình và sẵn lòng vác đỡ thập giá của tha nhân trong đời sống hằng ngày.
1. Ý nghĩa của chặng đàng thánh giá
Mỗi người có thể có những cảm nghiệm khác nhau và khám phá những ý nghĩa dồi dào phong phú khi tham dự các chặng đàng Thánh giá, khi cùng với dân Chúa bước đi với Chúa Giêsu trên đường khổ nạn. Huấn quyền của Giáo hội nhìn nhận một cách rất tích cực về việc đi đàng thánh giá. Văn kiện Hướng dẫn lòng đạo đức bình dân và phụng vụ: Nguyên tắc và định hướng của Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích[1] đã nêu rõ:

“Trong số các việc đạo đức tôn kính Cuộc Thương Khó của Chúa, ít có việc nào được các tín hữu ưa thích như chặng Đàng Thánh Giá” (số 131).

“Đàng Thánh giá là con đường được Chúa Thánh Thần vạch ra, Đấng vốn là ngọn lửa thần linh đã cháy bỏng trong trái tim Đức Kitô (x. Lc 12,40-50) và thúc đẩy Người bước đến Núi Sọ. Giáo Hội cũng tôn kính đoạn đường này và tưởng nhớ rất sâu sắc các lời nói và biến cố đánh dấu những ngày cuối cùng của vị Hôn Phu và là Chúa của mình.

Nhiều biểu thị đa dạng làm rõ đặc trưng của linh đạo Kitô giáo, đều hàm chứa trong Đàng Thánh Giá: quan niệm cuộc đời như một đoạn đường hay cuộc hành hương phải thực hiện, như một bước chuyển tiếp, thông qua mầu nhiệm thập giá, từ nơi lưu đày trần gian đến quê hương trên trời; lòng ao ước được kết hợp cách sâu đậm với cuộc Thương Khó Đức Kitô; những đòi hỏi của một môn đệ là theo chân Thầy, vác thập giá mình mỗi ngày (x. Lc 9,23). Vì vậy, Đàng Thánh giá là một việc đạo đức đặc biệt thích hợp trong Mùa Chay” (số 133).

“Đàng Thánh Giá là việc đạo đức nhằm tưởng nhớ cuộc Thương Khó Chúa; tuy nhiên, cần làm cho phần kết thúc Đàng Thánh Giá giúp các tín hữu cởi mở tâm hồn đón chờ sự Sống Lại với tất cả niềm tin và hy vọng” (số 134).
“Việc cử hành Đàng Thánh Giá cách khôn ngoan và cân đối bằng cách xen kẽ những bài đọc, sự thinh lặng, các thánh ca, việc di chuyển từ chặng này đến chặng khác và những lúc dừng lại để suy niệm, sẽ giúp cho việc đạo đức này đem lại nhiều hoa trái thiêng liêng” (số 135).

2. Những gợi ý suy niệm tại chặng thứ Năm
 
Sự kiện ông Simon vác đỡ Thánh giá Chúa Giêsu được cả ba sách Tin Mừng Nhất Lãm ghi lại (x. Mt 27,32; Mc 15,21; Lc 23,26). Trong đó, Tin Mừng theo thánh Máccô thuật lại một cách chi tiết nhất về sự xuất hiện và thân thế của nhân vật Simon trong chặng đàng thánh giá: “Lúc ấy, có một người từ miền quê lên, đi ngang qua đó, tên là Simon, gốc Kyrênê. Ông là thân phụ hai ông Alêxanđê và Ruphô. Chúng bắt ông vác thập giá đỡ Đức Giêsu” (Mc 15,21).

Có rất nhiều ý có thể khai triển và cũng có nhiều gợi ý suy niệm ở chặng thứ Năm này. Ở đây xin đưa ra một vài hướng suy niệm thường được các cộng đoàn sử dụng:

- Hành động vác đỡ thánh giá cho Chúa Giêsu của Simon là rất bất ngờ, thậm chí là một sự “gượng ép” ngoài ý muốn nhưng Simon lại được vinh dự cộng tác vào công trình cứu độ: “Khi quân dữ thấy Đức Chúa Giêsu yếu nhọc hầu chết, thì nó bắt ông Simon vác thánh giá đỡ Đức Chúa Giêsu”. Simon xem ra đã xuất hiện rất đúng lúc, vào chính lúc Đức Chúa Giêsu kiệt sức, bước chân Người mỗi lúc một lảo đảo, còn binh lính thì muốn mau xong việc. Đôi khi, Thập giá xuất hiện vào những lúc chúng ta không tìm kiếm, đó chính là lúc Chúa Kitô đang tìm ta.

- Simon, một người qua đường, bị trưng dụng để giúp Chúa vác thập giá. Và rồi ông đã cộng tác với Chúa trong công việc lớn lao, mà ông không hiểu ý nghĩa. Đức Thánh cha Phaolô VI đã chỉ ra ý nghĩa như sau: “Nhưng chúng con biết mọi đau khổ trên đời, dù bất ngờ và phi lý đến đâu, cũng sẽ trở thành phương tiện cứu rỗi, nếu chúng con biết chịu đau khổ với Chúa và vì Chúa”. Điều này đặt nền tảng trên lời mời gọi của chính Chúa Giêsu: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Thái độ đón nhận thập giá sẽ quyết định những hoa trái của lòng tin, sự trông cậy và đức mến.

- Đây là một hành động rất nhỏ, có thể nó là rất tình cờ, nhưng đã đem lại hiệu quả lớn lao. Chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa này trong suy niệm của thánh Josemaria Escriva: “Trong toàn bộ cuộc Thương Khó, sự giúp đỡ này của ông Simon thật nhỏ bé. Thế nhưng đối với Đức Giêsu, chỉ cần một nụ cười, một lời nói, một cử chỉ, một chút yêu thương, cũng đủ để Người đổ đầy ân sủng vào linh hồn kẻ đã quan tâm đến Người. Vài năm sau, những người con của ông Simon, trở thành Kitô hữu, được những anh em cùng niềm tin biết đến và quý trọng. Tất cả được bắt đầu bằng một cuộc gặp gỡ tình cờ với Thập Giá”[2]. Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng từng nói đến những chi tiết nhỏ của tình yêu nhưng lại được cho những kinh nghiệm đầy an ủi của Thiên Chúa[3]. Chúng ta đừng quên rằng Chúa Giêsu từng nhiều lần yêu cầu các môn đệ chú ý đến các chi tiết nhỏ.

- Hằng ngày chúng ta thấy, nhưng chưa chắc đã cảm được nỗi đau thể xác hoặc tinh thần của những người bị bỏ rơi, nghèo đói, bệnh tật, bị khước từ, bị sự dữ đè bẹp. Họ có thể là chính cha mẹ, anh chị em, là con cái, là người vợ, người chồng đang đau đớn chịu đựng tật xấu, sự dửng dưng hoặc cuộc sống buông thả của chúng ta. Nhìn lên Chúa Giêsu đang đau khổ vì ta và tự hỏi, chúng ta phải làm gì để dầu của lòng thương xót xoa dịu họ? Chúng ta được mời gọi nhận ra Chúa nơi những người đau khổ để biết đến với họ bằng cả con tim và để Chúa xót thương họ qua cách cư xử hằng ngày của chúng ta[4].

- Bất cứ khi nào chúng ta tỏ ra lòng nhân ái đến người đang đau khổ, người bị cưỡng bức và người cô thế, và chia sẻ những nỗi khổ đau của họ, là chúng ta có thể giúp mang cùng cây Thánh giá đó của Chúa Giêsu. Bằng cách này chúng ta nhận được ơn cứu độ và giúp góp phần đến sự cứu rỗi cho thế giới[5]. Chúng ta được mời gọi làm việc chung và cũng được mời gọi vác thập giá cho nhau để vơi nhẹ gánh nặng. Sự trưởng thành tâm linh luôn cần đến người khác. Chính Chúa tự trở nên yếu đuối để tỏ ra cần sự trợ giúp của người khác[6].

- Dầu sao thì Simon cũng là một người dân ngoại. Người ta tự hỏi các môn đệ của Chúa Giêsu đâu, những người từng được Chúa Giêsu thi ân giáng phúc và chữa lành đâu hết mà lại chỉ có một người dân ngoại vác đỡ thánh giá Chúa vào lúc khốn khó này. Chẳng lẽ không một ai cảm thông cùng người hay sao? “Thương ôi! Nào con chiên Chúa đâu hết, mà để thánh giá nặng cho kẻ ngoại vác làm vậy”. Thật thảm hại! Khi Chúa còn rao giảng công khai, biết bao người đã tới nghe lời chân lý và lãnh nhận hồng ân. Nhưng lúc gặp Chúa gặp cảnh khốn cùng, mấy ai đã đến giúp đỡ Người? Yêu thương đâu phải chỉ biết có nhận lãnh? Trái lại, yêu thương đòi buộc phải biết cho đi, như ông Simon đã cảm thông và cho Chúa những phút nghỉ ngơi quý giá sau một buổi làm việc mệt nhoài [7].

Tựu trung, các gợi ý suy niệm nơi chặng đàng này mời gọi mỗi người biết đón nhận những hy sinh đau khổ ở đời theo ý Thiên Chúa. Những hy sinh đau khổ ấy nếu biết kết hợp với cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu thì sẽ trở thành phương tiện đem lại ơn cứu độ. Đồng thời, các tín hữu cũng được mời gọi chia sẻ gánh nặng của nhau nhằm làm vơi đi những đau khổ trong cuộc sống, để thánh giá trở nên nhẹ nhàng hơn.

3. Tại sao không phải là một người trẻ?

 
Vậy người trẻ nghĩ gì khi dừng chân tại chặng thứ Năm này? Có một gợi ý suy niệm rất hiện sinh liên quan đến thái độ của người trẻ khi tham gia vào đời sống Giáo hội, xin được trích dẫn ra đây:

Theo các thánh ghi chép Tin Mừng, con người nghĩa hiệp vác đỡ thập giá Chúa Giêsu có tên gọi là Simon, người thành Kyrênê, một nông dân chất phác. Và theo thánh Máccô, ông Simon đã có gia đình và là cha của hai ông Alêxanđê và Ruphô. Như thế, ông không phải là một trai tráng nữa, mà là một người đã cao niên. Thiết nghĩ điều này cũng giúp chúng ta dừng lại để suy nghĩ. Các người trẻ đâu hết mà lại để cho một người đã có tuổi như thế vác đỡ thập giá cho Chúa?

Giới trẻ là sức mạnh, là rường cột, là tương lai và cũng là hiện tại của xã hội, của Giáo hội. Thế nhưng, người ra tay nghĩa hiệp giúp Chúa Giêsu vượt qua chặng đường thánh giá lại không phải là một người trẻ, mà là một gia trưởng chất phác quê mùa. Thế mới hay rằng, sức bật không ở cơ bắp nhưng ở chính trái tim. Đây không phải là một câu chuyện của quá khứ. Nếu chân thành nhìn vào lớp người trẻ ngày nay thì câu chuyện về ông Simon vẫn mang tính thời sự.

So với các hội đoàn khác, giới trẻ vẫn là giới có sức khoẻ nhất, có trình độ nhất, có điều kiện nhất để xây dựng và phát triển giáo xứ, Giáo Hội. Thế nhưng trong thực tế, giới trẻ có vẻ như lại là giới trì trệ nhất; được kỳ vọng nhiều nhất nhưng xem chừng ra sự đóng góp không đáng kể. Rất nhiều người trẻ vẫn cứ thờ ơ trước lời mời gọi dấn thân phục vụ. Giáo xứ và cộng đoàn trong hành trình theo bước Chúa Kitô trên con đường thập giá thay vì được vác đỡ bởi người trẻ, thì lại chỉ thấy xuất hiện những Simon và Veronica.

Không những thế, nhiều khi bước đi của cộng đoàn giáo xứ, đoàn thể, gia đình càng trở nên nặng nề hơn bởi những thập giá do những người trẻ chất lên. Thập giá ấy chính là những thói hư tật xấu như: cờ bạc, rượu chè, hút sách, lập băng đảng trộm cắp, đánh nhau gây rối xóm làng; chạy xe quá tốc độ gây tai nạn cho kẻ khác; bất tín với Chúa, bất trung với bạn bè, bất nghĩa với anh em và bất hiếu với mẹ cha. Có thể nói rằng, lắm lúc người trẻ chúng ta đã tự đánh mất trái tim trẻ trung của mình, và thế vào đó là một quả tim già cỗi, thiếu sức sống, chỉ biết nghĩ đến mình mà quên mất trách nhiệm đối với người khác.

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến và đập tan trong người trẻ chúng con quả tim chai đá, quả tim đã bao lần chết lạnh giữa tiếng khóc của bao người. Xin hãy thế vào trong tâm hồn chúng một trái tim mới, trái tim luôn biết rung cảm trước mọi khổ đau của đồng loại, để chúng con dám yêu người và yêu Chúa, luôn can đảm ghé vai vác lấy trách nhiệm xây dựng Giáo Hội, giáo xứ và gia đình, hầu trở nên ánh sáng và muối men cho trần gian[8].

Trong lời chia sẻ sau mỗi chặng đàng Thánh giá ở Đại hội Giới trẻ Thế giới tổ chức ở Panama năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô từng nói: “Lạy Chúa, chúng con, những bằng hữu của Chúa, cũng vậy. Chúng con cũng chiều theo sự vô cảm và bất động. Quá thường là chúng con cuối cùng cũng chạy theo đám đông, và điều này đã làm tê liệt chúng con. Thật khó để nhìn thấy Chúa trong những anh chị em đau khổ của chúng con. Chúng con đã nhìn đi chỗ khác để không nhìn thấy; chúng con đã ẩn mình trong tiếng ồn để không nghe thấy; chúng con đã che miệng để đừng khóc”[9].

4. Một vài tấm gương vác đỡ “thập giá”
 
Câu hỏi tại sao người vác đỡ thánh giá cho Chúa Giêsu lại là một vị cao niên chứ không phải một người trẻ chắc hẳn vẫn luôn day dứt và chất vấn những người trẻ trong Giáo hội. Tuy nhiên, đâu đó trong cuộc đời này, chúng ta vẫn đọc được rất nhiều những câu chuyện đẹp và cảm động về tấm lòng của những người trẻ. Có thể nêu ra một vài dẫn chứng.

Đó là câu chuyện về một người trẻ quê ở Quảng Nam, tên là Hồ Công Danh. Vào năm lớp 10, cảm thương cho số phận của người hàng xóm tên Tùng, hơn Danh 13 tuổi, nằm liệt giường sau một tai nạn, Danh đã nhận nhiệm vụ chăm sóc. Khi vào đại học ở Quy Nhơn - Bình Định, Danh có một quyết định khiến mọi người phải ngỡ ngàng, đó là đưa người hàng xóm tật nguyền cùng lên phòng trọ với mình để tiện chăm sóc[10]. Người ta gọi đây là câu chuyện cổ tích ngày nay về lòng nhân ái. Gọi là cổ tích vì có thật mà như hư cấu. Và cũng có thể gọi là cổ tích vì tình người chan chứa. Danh không theo đạo Công giáo, nhưng thiết nghĩ Danh đã là người sống chặng đàng Thánh giá (nơi thứ Năm) này một cách trọn vẹn.

Một chi tiết cũng đáng nói là cha mẹ của Danh không hề phản đối những việc làm của cậu con trai nhưng chỉ sợ Danh phải vất vả. Người ta nghĩ đến một nền tảng gia đình giàu tình thương và lòng trắc ẩn trước nỗi khốn khổ của người khác. Nhờ đó anh Tùng, “người hàng xóm may mắn” trở nên tươi tắn, chan chứa hy vọng. Thập giá được vác đỡ cho nhau sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn. Và thập giá đã nở hoa trong cuộc sống hằng ngày.

Hay như những câu chuyện cảm động về những cô cậu học trò tình nguyện cõng bạn đến trường. Đó là chàng trai xứ Thanh có tên Ngô Văn Hiếu, suốt mười năm, không kể ngày mưa hay nắng, đều đặn đưa bạn Nguyễn Tất Minh đến trường trên đôi chân của mình, để rồi cùng nhau bước vào giảng đường đại học[11]. Hay như cậu sinh viên Nguyễn Văn Quang ở trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, chỉ quen Trần Văn Hoàng ở giảng đường mà đã tình nguyện làm đôi chân, ngày ngày cõng bạn vào lớp[12]. Và đó còn là câu chuyện khiến người lớn phải thán phục về cô bé Y Juyên (quê ở Kon Tum), chưa đầy bảy tuổi nhưng đã biết cảm thông với hoàn cảnh thiệt thòi, và cõng người bạn tật nguyền A Đinh đến lớp học[13].

5. Trở nên những người trẻ sẵn sàng vác đỡ thánh giá Chúa Giêsu
 
Rất nhiều lần trong đời, những người trẻ cũng đã ngại ngần vác thập giá cùng với người khác. Phải chăng, chúng ta cũng để mình mất hút trong đám đông chỉ ưa ồn ào phù phiếm? Phải chăng chúng ta cũng chỉ thích chạy theo những việc gì gây được sự ảnh hưởng hoặc nhận được nhìn nhận, tung hô? Phải chăng chúng ta cũng vô tình bước qua những mảnh đời bất hạnh mà không chút day dứt băn khoăn? Phải chăng tiếng kêu của người nghèo không đụng chạm tới trái tim chúng ta đang lạnh giá? Là những người trẻ bước đi theo chân người trẻ Giêsu luôn chạnh lòng thương, chúng ta không được mong đợi làm như thế!

Ngày nay, chúng ta không có diễm phúc vác thánh giá hữu hình của Đức Giêsu. Có lẽ chỉ có ông Simon người Kyrênê mới có vinh dự ấy. Tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn trao cho chúng ta cơ hội vác thánh giá của Ngài qua việc vác đỡ những “cây thập giá đời”, những thập giá mà những người chung quanh ta đang oằn mình vác lấy trong cuộc đời. Chung vai cùng nhau gánh vác, chắc hẳn thập giá sẽ nhẹ nhàng hơn.

Trong Tin Mừng, nhiều lần Chúa Giêsu đồng hoá mình với các tín hữu, nhất là với những người nghèo khổ bất hạnh: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy” (Mt 10,40); “ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy” (Lc 10,16); hay “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các người đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Như thế, vác đỡ thập giá cho tha nhân cũng là vác đỡ thánh giá cho chính Chúa vậy.

Vác đỡ thập giá cho cha mẹ qua việc vâng lời, chia sẻ những gánh nặng của gia đình.
Vác đỡ thập giá cho bạn bè qua việc lắng nghe, đồng cảm để vơi bớt những nỗi lòng.
Vác đỡ thập giá cho người thân qua những cử chỉ ân cần thể hiện sự quan tâm.
Vác đỡ thập giá cho cả “kẻ thù” qua việc tha thứ, chậm xét đoán.
Vác đỡ thập giá cho người nghèo qua việc gặp gỡ, khích lệ và quảng đại giúp đỡ.

Đừng khóc vì đòi thêm cho mình những quyền lợi. Đừng khóc vì những đòi hỏi không được đáp ứng. Nhưng hãy biết khóc khi nhìn thấy tha nhân đang đau khổ. Hãy biết khóc cho những trách nhiệm đã không được thực hiện vuông tròn. Và hãy biết khóc khi những cơ hội làm điều tốt đã vụt qua đi trong đời chỉ vì một sự hờ hững, vô tâm nào đó của chúng ta.

Trong Tông huấn Chúa Kitô Đang Sống, Đức Thánh cha Phanxicô tha thiết mời gọi những người trẻ: “Con cần ý thức điều căn bản này: sống tuổi trẻ, không chỉ đi tìm những thú vui thoáng qua và những thành công hời hợt. Để cho tuổi trẻ đạt được mục đích của nó trong cuộc đời của con, thì đó phải là một thời gian của quảng đại cho đi, chân thành cống hiến, của những hy sinh gian khổ nhưng sinh hoa trái thật phong phú” (số 108).

Cầu chúc mỗi bạn trẻ trở nên những Simon người Kyrênê, sẵn lòng đón lấy và vác thập giá của mình cũng như của tha nhân trong cuộc sống hằng ngày, bằng một thái độ can đảm, dấn thân hơn. Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta qua dụ ngôn người Samari nhân hậu: “Các con hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (x. Lc 10,29-37). Lời thánh Tông đồ Phaolô nhắn nhở: “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô” (Gl 6,2).


[1] x. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT BÍ TÍCH, Hướng dẫn lòng đạo đức bình dân và phụng vụ: Nguyên tắc và định hướng (17/12/2001), số 131-135.
[2] THÁNH JOSEMARIA ESCRIVA, Đường Thánh giá (Via Crucis), Đức ông Barnaba Nguyễn Văn Phương chuyển ngữ, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2015, tr. 32-35.
[3] x. PHANXICÔ, Tông huấn Gaudete et Exsultate (19/3/2018), số 143-145.
[4] x. GIÁO PHẬN XUÂN LỘC, Hướng dẫn chặng Đàng Thánh giá tại các giáo xứ - Chủ đề: Gia đình hãy trở nên dấu chỉ Lòng Thương Xót của Chúa! (Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày 30/3/2018).
[5] Suy niệm 14 chặng đàng Thánh giá do Đức Hồng y Joseph Ratzinger (sau này là Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI) biên soạn, Lm. Gioan Trần Công Nghị dịch, trích theo: http://www.lamhong.org/2013/03/18/suy-niem-14-chang-dang-thanh-gia-do-dhy-joseph-ratzinger-bien-soan/#%20ChangDangThanhGia-8
[6] Đàng Thánh giá với Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II (năm 1993), trích theo: https://www.simonhoadalat.com/giaoducgd/nghithuc/06DangThanhVoiDGHGioanPhaoloII.htm. Bài suy niệm 14 chặng đàng Thánh giá năm 1993 do Mẹ Anna-Maria Canopi soạn. Mẹ là Viện mẫu Đan viện Biển Đức “Mater Ecclesiae” ở Isola San Giulio thuộc Novara miền Bắc nước Ý.
[7] x. Suy niệm 14 chặng đàng Thánh giá của Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, trích từ cuốn: Từng bước một thôi.
[8] NGUYỄN HỮU AN, Chặng Đàng Thánh giá dành cho giới trẻ, theo WGPBMT (12/4/2011): http://gpbanmethuot.com/kien-thuc-ve-phung-vu/chang-dang-thanh-gia-danh-cho-gioi-tre-33026.html
[9] x. Lời nguyện của Đức Thánh Cha trong buổi đi đàng Thánh giá tại Đại hội Giới trẻ Thế giới Panama 2019, JB. Đặng Minh An dịch, theo Vietcatholic News (25/01/2019): http://www.vietcatholicnews.net/News/Html/248605.htm
[10] TRƯỜNG ĐĂNG, Chàng sinh viên nuôi người bại liệt, theo Tuổi trẻ Online (17/10/2012): https://tuoitre.vn/chang-sinh-vien-nuoi-nguoi-bai-liet-516288.htm
[11] MINH HẢI, Đôi bạn xứ Thanh 10 năm cõng nhau đến trường cùng bước vào đại học, theo Báo Thanh Niên (28/8/2020): https://thanhnien.vn/doi-ban-xu-thanh-10-nam-cong-nhau-den-truong-cung-buoc-vao-dai-hoc-185989036.htm
[12] ĐOÀN CƯỜNG - PHAN CHUNG, Ba năm cõng bạn đến trường, theo Tuổi trẻ Online (17/02/20140: https://tuoitre.vn/ba-nam-cong-ban-den-truong-593980.htm
[13] ĐỨC NHẬT, Cô bé lớp 1 cõng bạn đến trường, theo Báo Thanh Niên (15/11/2023): https://thanhnien.vn/co-be-lop-1-cong-ban-den-truong-185231114232824363.htm

Tác giả: Xuân Giang

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập491
  • Máy chủ tìm kiếm49
  • Khách viếng thăm442
  • Hôm nay47,070
  • Tháng hiện tại533,560
  • Tổng lượt truy cập76,241,826
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây