Nhịp cầu Bạn trẻ 15: Những “chi thể” khiếm khuyết

Thứ bảy - 02/12/2023 03:52  494
maxresdefaultTrong Diễn từ cáo biệt trước khi bước vào cuộc Khổ Nạn, Chúa Giêsu nói với những người đi theo Ngài: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Hình ảnh cây nho và cành nho cho thấy sự ở lại thâm sâu và sự hiệp thông thường trực giữa Đức Giêsu và các môn đệ chân thật của Người, đồng thời nêu bật dây liên kết bên trong bằng việc mang hoa trái. Giống như cành nho, vì liên kết với cây nho, được thông dự vào sự sống của cây nho, người tín hữu, nhờ gắn bó với Đức Kitô, được thông dự vào sự sống chân thật, là sự sống của chính Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự thông dự này bó buộc họ phải sống và hành động theo nếp sống mới đã được Đức Giêsu mạc khải cho biết[1]. Mối hiệp thông giữa Đức Giêsu và những người tin đã được thánh Phaolô nối tiếp đề cập qua việc sử dụng hình ảnh “thân thể”: “Anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1Cr 12,27).

Mầu nhiệm Giáo hội là Thân Thể Chúa Kitô đã được Công đồng Vaticanô II tiếp tục khai triển[2] và sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo củng cố[3] nhằm gợi lên sự hiệp nhất sống động trong Chúa Kitô (giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau). Do ơn ban nhưng không của Thiên Chúa mà chúng ta được hội nhập vào Thân Thể Đức Kitô, trở nên những chi thể của Ngài. Vì thế, mỗi chi thể cần hoạt động theo đúng chức năng của mình để toàn thân được lớn lên (x. Ep 4,16). Hơn hết, mọi chi thể phải nên giống Đức Kitô cho đến khi Người được hình thành trong họ (x. Gl 4,19).

Một cách cụ thể, khi bàn về hoạt động tông đồ trong thế giới hôm nay, Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đề nghị: “Là chi thể của Nhiệm thể, chúng ta là óc để suy tư, là mắt để nhìn thực tại trần thế, là tai để nghe tiếng rên rỉ, đòi hỏi, là vai để gánh vác, là tay để cứu vớt, là chân để đi đến với người khổ đau, là quả tim để khắc khoải yêu thương, là miệng để nói những lời bác ái ủi an”[4].

Với tư cách là một người trẻ, Bạn tự xét xem mình có thể là “bộ phận” nào trong Thân Thể Đức Kitô và tình trạng hoạt động của “bộ phận” đó ra sao? Bạn có đang đóng vai trò của những “chi thể” lành mạnh, năng động và hữu ích không? Tôi mạn phép đeo cặp kính hơi “đen” một chút, đi vào những “góc tối” để đưa ra một vài “thương tật”, “khiếm khuyết” thường gặp nơi các “chi thể” giúp chúng ta cùng suy gẫm và phân định.

 
1. Bộ óc lười biếng
 
Thánh Kinh cho chúng ta biết: Chúa ban cho con người địa vị cao trọng, “chẳng thua kém thần linh là mấy”, “đặt muôn loài muôn sự dưới chân” để con người cộng tác vào công trình tạo dựng (x. Tv 8,6-7), thế nhưng nhiều người lại để cho cám dỗ của tính ươn lười thắng thế. Không ít “chi thể” đang để cho tư duy lối mòn thao túng, khi chỉ thích những gì dễ dãi hay đã có sẵn, đi tìm sự an phận, thu mình vào sự an toàn của riêng cá nhân. Những “chi thể” đó không muốn suy nghĩ và cũng không thấy mình cần có những sáng kiến để cống hiến, để đóng góp một điều gì đó cho cuộc sống chung, cho sự thăng tiến nhân loại, cho sứ vụ của Giáo hội, cho việc mở mang Nước Chúa.

2. Đôi mắt bàng quan
 
Với sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại, các “chi thể” được tiếp cận với không gian đa chiều nhưng dường như thế giới của những đôi mắt bị thu hẹp lại ở những tương quan ảo nhằm thoả mãn khao khát tìm kiếm những lời tung hô, vinh danh bản thân. Bàng quan, thờ ơ với cuộc sống thực thì cũng dẫn tới sự hờ hững, lạnh lùng với con người. Thành ra không còn nhìn thấy những nếp nhăn trên khuôn mặt của các đấng bậc sinh thành vì nhọc nhằn lao tác, vì vất vả mưu sinh. Và rồi trên dòng đời tất bật ngược xuôi, cũng không còn trông thấy những người vô gia cư đang rét run ngồi ăn xin bên vệ đường… Đó là chưa kể những đôi mắt đúng ra dành để chiêm ngưỡng những kỳ công Chúa làm thì lại để mình bị thu hút, cuốn vào hình ảnh xấu xa dâm dục.

3. Đôi tai bưng kín

Có những “chi thể” như thể đã quen với việc đeo tai nghe, cố gắng nhồi nhét vào đôi tai cho đầy những ồn ào náo động của thế gian vội vã, những khoái cảm chóng qua nơi xã hội hưởng thụ, những thanh âm nịnh nọt tung hứng, để rồi dễ dàng bưng tai trước những tiếng thở than của người thân yêu bạn hữu hay những tiếng cầu cứu của người nghèo và người yếu thế. Một khi không muốn và không còn khả năng lắng nghe, những “chi thể” ấy tự biến mình thành một ốc đảo, thậm chí là một pháo đài; chỉ còn biết tìm kiếm cho mình một thứ ơn cứu độ hoàn toàn mang tính cá nhân.

4. Đôi vai thoái thác
Ngày nay, khi điều kiện kinh tế đã khá hơn, con người quan tâm nhiều hơn đến thể hình, vóc dáng. Các trung tâm luyện tập cơ bắp, nâng cao thể hình, duy trì vóc dáng (gym) mọc nên như nấm. Tiêu chuẩn lý tưởng không còn là “vai u thịt bắp” mà là thân hình “sáu múi” khoẻ đẹp săn chắc. Lạ thay, khi đầy đủ sức khoẻ thì có những “chi thể” thay vì can đảm xông pha gánh vác việc chung lại ưa né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Thay vì hăng hái dấn thân thì lại tìm cách thoái thác. Thay vì chung vai cộng tác vào công ích lại dùng đủ thứ mánh khoé để khỏi động tay: “mồm miệng đỡ chân tay”. Nguyên nhân thì quá rõ: sợ khó, sợ khổ, sợ liên luỵ, sợ trách nhiệm…

5. Bàn tay ngại ngùng
 
Có những đôi bàn tay giữ thói quen nắm chặt vẫn có ngay từ thuở lọt lòng mẹ, chỉ dễ dàng xoè ra khi nhận rồi vội vàng nắm lại khi phải cho đi (x. Hc 4,31). Dẫu biết rằng Chúa dạy “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35) nhưng có những “chi thể” vẫn thích nói nhiều, làm ít, nhận rộng rãi, cho hẹp hòi, khoan dung cho mình, khắt khe với người[5]. Dẫu vẫn nghe lời nguyện cầu tha thiết của Chúa “xin cho họ nên một” (x. Ga 17,20-26) nhưng có những “chi thể” không thể đón nhận những khác biệt bởi “cái tôi” quá lớn. Não trạng toan tính thiệt hơn cùng với óc bảo thủ ích kỷ, chỉ lo vun vén cho bản thân đã ngăn trở những bàn tay mau mắn đưa ra để làm hoà, để gắn kết, để dựng xây.

7. Đôi chân chần chừ
 
Đúng là “đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”[6]. Có những “đôi chân” không dám mạo hiểm lên đường, không dám liều lĩnh đi ra khỏi vùng an toàn, không khát vọng bước tới nếu những hứa hẹn trước mắt không đủ hấp dẫn. Đó là những “chi thể” muốn có kết quả mà không phải vất vả, thích đi tìm kiếm một thứ thành công ít đòi hy sinh. Hay nói đúng hơn, muốn một ơn cứu độ mà không có thập giá. Trong khi, chúng ta không phải những kẻ lang thang luôn xoay quanh mình, mà là những lữ khách biết chắc một hướng đi và một bến đỗ[7], dù chặng đường phía trước gian nan, khó khăn, hiểm nguy giăng đầy. Đã hẳn, sông sâu biển cả thì nhiều cá nhưng cũng phải chấp nhận đối diện với sóng to gió lớn.

8. Trái tim vô cảm
 
Sống giữa một thế giới có nguy cơ “toàn cầu hoá sự vô cảm”, chủ trương dửng dưng mặc kệ, tìm kiếm sự an thân được nhiều người lựa chọn và trở thành một triết lý sống: không muốn dính dáng, không muốn chung đụng, không muốn hợp tác. Không còn thấy tha nhân là “người thân cận” đang cần được giúp đỡ và cũng không muốn trở nên những “người thân cận” nhân hậu, tốt lành của người khác. Trong khi thế giới không cần những cần những vị thẩm phán cho bằng những người Samari nhân hậu (x. Lc 10,29-37), luôn có cái nhìn kính trọng và động lòng trắc ẩn trước tình cảnh khốn khó của người anh em.

9. Môi miệng chia rẽ
 
Thay vì nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe thì có những môi miệng lại thốt ra những lời độc địa, chua cay gắt gỏng hay la lối thoá mạ (x. Ep 4,29-31). Ưa thích nói hành nói xấu để hạ bệ người khác. Sẵn sàng nguyền rủa, xúc phạm, lăng mạ mà không mấy ngượng ngùng. Buông lời tục tĩu, gây hấn cũng chẳng cảm thấy áy náy, ngại ngần. Mạng xã hội còn vô tình cung cấp một môi trường quá dễ dãi cho những hành vi lăng mạ, ném đá, miệt thị, khích bác, hận thù, chia rẽ… như thế.

Tôi tự hỏi những bộ óc, đôi mắt, đôi tai, đôi vai, bàn tay, đôi chân, trái tim và môi miệng như thế liệu có còn giữ được vai trò sống động trong Thân Thể Đức Kitô? Khi lối hành xử của các “chi thể” quá khác xa “Đầu” như vậy thì làm sao “thân mình” được lớn lên cách tốt đẹp?

Trong bối cảnh xây dựng một Giáo hội theo tinh thần hiệp hành thì mỗi người cần ý thức về ơn ban và sứ mạng của mình. Một Giáo hội hiệp hành cũng là một Giáo hội tham gia và đồng trách nhiệm[8]. Noi gương Chúa Giêsu, Đấng luôn ưu ái những người trẻ, Giáo hội hoàn vũ đang nỗ lực mời gọi người trẻ cộng tác và tham gia vào đời sống cộng đồng Dân Chúa, để ngày càng có thêm nhiều người trẻ quảng đại và can đảm, dấn thân cách sinh động và trưởng thành, góp phần tích cực và bền vững vào việc lành mạnh hoá xã hội hay dấn thân truyền giáo tại những nơi xa xôi[9].

Cuối cùng, mời Bạn đọc lại tâm tình của các vị chủ chăn của Giáo hội Việt Nam khi ngỏ lời với người tín hữu giáo dân trong Thư Mục vụ gửi Cộng đồng Dân Chúa về Giáo hội tham gia: “Anh chị em hãy ý thức về sứ mạng và vai trò của mình trong Giáo hội. Nhờ phẩm giá chung do phép Rửa tội, anh chị em là những người đồng trách nhiệm với tất cả các linh mục và tu sĩ nam nữ, đối với sứ mệnh của Giáo hội[10]. Các ngài cũng lặp lại lời nhấn mạnh của Đức Giáo hoàng Phanxicô: “Nếu không có sự tham gia thực sự của Dân Chúa, nói về hiệp thông có nguy cơ chỉ còn là một ước vọng đạo đức”[11].

T/B. Bạn có gì thắc mắc, muốn chia sẻ hay cần trao đổi thêm, xin liên hệ với Nhịp cầu Bạn trẻ qua:
+ Email: nhipcaubantre@gmail.com
+ Facebook: Nhịp Cầu Bạn Trẻ

 
[1] x. VŨ PHAN LONG, Các bài Tin Mừng Gioan dùng trong phụng vụ, Nxb Đồng Nai, 2021, tr. 366.
[2] x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế Tín lý về Giáo hội - Lumen Gentium (21/11/1964), số 7.
[3] x. Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, số 787-796.
[4] NGUYỄN VĂN THUẬN, Đường hy vọng, số 341.
[5] x. NGUYỄN VĂN THUẬN, Đường hy vọng, số 304.
[6] Câu nói của nhà văn Nguyễn Bá Học (1857-1921).
[7] x. P. ERMES RONCHI, Giáo hội yêu dấu và bất trung của tôi, Lm. Augostino Nguyễn Văn Dụ chuyển ngữ, AD-2023, tr. 54.
[8] x. UỶ BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ, Tính hiệp hành trong đời sống và sứ vụ của Hội Thánh (2018), số 67.
[9] x. HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Thư chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010: “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống”, số 29.
[10] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Thư Mục vụ gửi Cộng đồng Dân Chúa về Giáo hội tham gia, số 3; theo WHĐ (22/9/2023): https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/hoi-dong-giam-muc-viet-nam-thu-muc-vu-gui-cong-dong-dan-chua-ve-giao-hoi-tham-gia-52651
[11] PHANXICÔ, Diễn từ Khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XVI, ngày 09/10/2021.

Tác giả: Nhịp cầu Bạn trẻ

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập396
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm58
  • Khách viếng thăm337
  • Hôm nay46,322
  • Tháng hiện tại278,634
  • Tổng lượt truy cập77,072,882
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây