Đôi điều tản mạn về chuyện ăn mặc

Thứ tư - 13/03/2024 10:38  1723
anmacĂn mặc là nhu cầu căn bản của con người. Điều này không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, cách ăn cách mặc không chỉ phản ánh điều kiện sống của cá nhân và nhu cầu của xã hội mà còn có thể diễn tả phần nào lối suy nghĩ, phong cách sống của mỗi con người, vào từng thời kỳ khác nhau. Chẳng lạ gì khi người Anh nói: “Chúng ta là những gì chúng ta ăn” (We are what we eat). Các cụ nhà ta xếp “học ăn” lên hàng đầu trong tiến trình học làm người: “Học ăn học nói, học gói học mở”. Còn trong cách mặc, người xưa cũng khuyên dạy: “Y phục xứng kỳ đức”, bởi lẽ “ăn cho mình, mặc cho người”[1]. Chuyện ăn chuyện mặc tưởng chừng như rất đơn giản nhưng lại ẩn chứa nhiều điều phong phú để khám phá.

Nếu như ngày trước người ta thường nói “ăn Bắc mặc Nam”, hay “ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật” (eat Chinese food, marry a Japanese wife, live in a Western-style house) để chỉ những đặc trưng trong lối ăn mặc theo vùng miền thì ngày nay, “hệ giá trị” trong ăn mặc đã có rất nhiều thay đổi và biến chuyển theo các hướng khác nhau. Việc đánh giá, lượng định tốt xấu về những xu hướng, trào lưu trong việc ăn uống và lựa chọn phong cách thời trang hẳn sẽ còn nhiều tranh luận. Ở đây chỉ trưng dẫn một số câu đúc kết ngắn gọn về cách ăn mặc để cùng suy nghĩ.

1. Ăn no mặc ấm
“Dân dĩ thực vi tiên” (con người ta coi chuyện ăn xếp hàng đầu). Điều đó phải lẽ thôi vì có “đủ ăn đủ mặc” mới có thể tồn tại, để tính đến những chuyện to tát khác trong đời. Một khi cái bụng còn đói meo, cơ thể còn chưa đủ ấm thì việc đầu tiên buộc phải nghĩ đến chính là làm cách nào cho “no bụng ấm thân” trước đã. Đó cũng là kinh nghiệm nơi sa mạc của dân Israel năm xưa. Họ càm ràm than trách Đức Chúa, kêu trách Môsê dài dài cũng với khẩu hiệu “nô lệ bụng no, hơn tự do bụng đói” (x. Ds 14,1-4)[2].

Thật thế, no ấm là giá trị cơ bản trong lịch sử loài người. Ăn (no) và mặc (ấm) là nhu cầu sinh học, căn bản, tối cần thiết hàng ngày để con người có thể sinh tồn và thích ứng với khí hậu, môi trường sống. Ngược lại với “no ấm” theo nghĩa đen, là “đói rét” (từ Hán Việt gọi là “cơ hàn”), là mối đe doạ tới cuộc sống, tới sự sinh tồn của con người[3]. Về cơ bản, nhân loại chúng ta đã đạt được giá trị no ấm, nhưng không phải tất cả mọi nơi trên hành tinh này đã đi qua cái thời “ăn đói mặc rách”, để đạt tiêu chuẩn “ăn đủ mặc vừa”, “ăn no mặc ấm” cả đâu. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngay lúc này vẫn có hàng triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực do chiến tranh, thiên tai, bệnh tật…; hàng triệu người vẫn đi ngủ với một cái bụng đói và cơ thể không đủ ấm[4].

2. Ăn chắc mặc bền
 
Sau khi vượt qua giá trị cơ bản là “no ấm” về mặt mức sống vật chất, nhu cầu ăn mặc trở thành “ăn chắc mặc bền”, tức là đã có sự lựa chọn, mặc dù còn rất giới hạn. Lúc này trong việc ăn mặc, người ta coi chuộng hơn đến yếu tố chất lượng, nghĩa là chú trọng mặt thực chất của các vật dùng hơn là hình thức bề ngoài của nó. Theo đó, thức ăn hay quần áo không cần quá xa hoa, cao sang hào nhoáng, nhưng cốt yếu để ngon miệng no lâu và mặc ấm mặc bền là đủ. Vì vậy, khi ăn thì cần thứ gì chắc dạ, còn mặc thì cần loại vải bền (lâu rách, lâu hư).

Sự lựa chọn này còn thể hiện một tinh thần tiết kiệm, và sự bình dị trong ăn mặc với ý thức sử dụng thành quả lao động sao cho hợp lý, sao cho giản dị. Có lẽ đã trải qua những giai đoạn khó khăn, thiếu thốn đủ đường, nhất là về miếng cơm manh áo cho nên người đi trước thường khuyên răn con cháu cần biết trân trọng những gì mình đang có: “Giàu thì mua lọng sắm kèn/ Đói thì ăn chắc mặc bền là hơn”. Lời nhắc nhớ này vẫn còn giá trị trong thời đại hôm nay, một thời đại tưởng chừng như dư thừa về cơm ăn áo mặc. Thức ăn rất quý nên đừng lãng phí vì vẫn còn đó xung quanh ta những người đói khổ đang chạy vạy lo ăn từng bữa, hoặc không có quần áo lành lặn để mặc.

3. Ăn ngon mặc đẹp
 
Khi cuộc sống được nâng cao và đầy đủ hơn chút nữa thì nhu cầu về ăn mặc càng được chú trọng hơn, người ta bắt đầu nghĩ đến chuyện “ăn ngon mặc đẹp”. Việc ăn uống không chỉ để tồn tại nhưng còn để thưởng thức những hương vị đậm đà của cuộc sống. Cái mặc cũng không dừng lại ở chỗ ấm thân nhưng khát khao hướng tới cái đẹp, đôi khi nhằm phô bày những kỳ công của Tạo Hoá. Điều này cũng phản ánh ước mơ của con người bao đời là được sống sung túc, đầy đủ, sang trọng, nhàn hạ, không phải lao động vất vả: “ăn trắng mặc trơn”, “ăn sung mặc sướng”.

Nói đến ăn ngon thì không chỉ ngon trong gia vị và cầu kỳ trong cách chế biến mà còn chú ý đến cách trang trí, bày biện món ăn. Người ta “ăn bằng mắt” trước khi “ăn bằng miệng”. Còn mặc đẹp thường đề cập tới cách lựa chọn trang phục theo sở thích, gu cá nhân. Người ta nói “người đẹp vì lụa” nhưng quần áo không phải cứ đắt là đẹp. Thật ra, trang phục phải “vừa” mới được coi là đẹp. Vì thế, muốn mặc đẹp cần phải phù hợp đến những yếu tố cá nhân (lứa tuổi, vóc dáng, nghề nghiệp…), đối tượng giao tiếp và môi trường mà mình sẽ xuất hiện[5]. Nhiều người cho rằng mặc đẹp phải là mặc có văn hoá, thể hiện sự nghiêm túc của cá nhân, tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác. Phần đông thì vẫn công nhận: giản dị là vẻ đẹp tối thượng. Oscar de la Renta cho rằng: “Mặc đẹp không thực sự liên quan đến việc có quần áo đẹp. Đó là một câu hỏi về sự cân bằng và ý thức”[6].

 
4. Ăn sang mặc chất
 
Khi đời sống vật chất đã tiến thêm một bước, điều kiện kinh tế cũng tương đối khấm khá, não trạng hưởng thụ nơi con người càng được thể hiện rõ nét. Vì thế mới sinh ra chuyện “ăn sang mặc chất”, cụ thể là ăn “sang chảnh” và mặc “hàng hiệu”. Ăn sang mặc chất cốt để chứng tỏ mình khác biệt, hoặc để khẳng định mình thuộc về tầng lớp thượng lưu. Cái mà người ta hướng đến lúc này chính là ánh mắt ngưỡng mộ hay những lời xuýt xoa khen ngợi của người khác. Biểu hiện thường thấy là việc ưa thích tổ chức các bữa tiệc thịnh soạn tại những nhà hàng sang trọng; ra đường là phải “quần là áo lượt”, đi giày hiệu, đeo đồng hồ xịn, mang điện thoại sang chảnh. Tuy thế, không thiếu gì những người “giàu” nhưng không “sang” bởi lối ăn mặc kệch cỡm; thay vì muốn thể hiện nét thanh lịch, quý phái thì những trang phục có quá nhiều chi tiết rườm rà, hoặc màu sắc rực rỡ lại khiến họ trở nên đồng bóng và kém sang hẳn.

Một hiện tượng gây sốt gần đây (mặc dù không phải mới) là phong cách sống “Quiet luxury” (xa xỉ thầm lặng), tạm hiểu là thể hiện sự giàu có, sang trọng theo lối kín đáo, tiết chế[7]. Phong cách này hướng tới sự đơn giản nhưng tinh tế, thanh lịch mà không phô trương sự đẳng cấp, xa xỉ một cách lộ liễu. Với giới giàu ngầm (stealth wealth) hay “có thâm niên” giàu (old money/ “trâm anh thế phiệt”) này, mặc dù có thể mặc những bộ quần áo “đắt xắt ra miếng” (với kỹ thuật may đo chuẩn chỉnh, phom dáng sắc sảo và xử lý chất liệu tỉ mỉ) nhưng bề ngoài trông rất tối giản, nhẹ nhõm (thậm chí không logo), và họ cũng ít thể hiện sự giàu có trên mạng. Họ cũng có thể ngồi ăn phở ở quán cóc vỉa hè, hay đứng xếp hàng mua bánh mì bình dân mà không có gì phải xấu hổ. Xu hướng “giàu có không khoe khoang” này không phải là lối sống chỉ dành riêng cho giới “giàu kín, sang ngầm” mà hoàn toàn có thể là sự lựa chọn của nhiều người trong thời đại ngày nay. Câu nói của Yves Saint Laurent rất đáng suy nghĩ: “Chúng ta không bao giờ nên nhầm lẫn sang trọng với sự trưởng giả”.

 
5. Ăn đặc mặc lạ
 
Cùng với “ăn sang mặc chất” thì nhiều người quan niệm “ăn đặc mặc lạ”[8] mới được coi là sành điệu. Có thể hiểu “ăn đặc mặc lạ” là tìm đến những thứ của ăn, của mặc đặc biệt, khác lạ. Mỗi đất nước, dân tộc, vùng miền đều có những món ăn đặc trưng, mà chúng ta gọi là “đặc sản”. Người Việt Nam mình cũng có những món ăn rùng rợn khiến nhiều người nước ngoài phải kinh hãi như: tiết canh, trứng vịt lộn, gỏi cá nhảy… Ngày nay, những món đặc biệt không hẳn chỉ là sơn hào hải vị, chim trời cá biển hay thậm chí cũng không còn là những loại côn trùng, sâu bọ nữa. Người ta tìm đến những món ăn “lạ” có mặt trên thế giới như bạch tuộc sống, rượu ngâm chuột bao tử, óc khỉ sống, súp dơi nấu hoa quả… để thưởng thức. Chợt nghĩ đến lời nhắc nhở nghiêm khắc của thánh Phaolô: “Chúa họ thờ là cái bụng” (Pl 3,19).

Không chỉ sành ăn, nhiều người còn cố gắng ra vẻ sành mặc. Nếu “lạ” mà vẫn đảm bảo tiêu chí “đẹp” thì có lẽ không có gì đáng bàn. Mặc lạ ở đây lại theo phương châm “có một không hai”, “không đụng hàng” nên rốt cuộc thường là cũng “chẳng giống ai”. Xuất phát từ tâm lý muốn được người khác chú ý, người ta cố tạo ra những bộ thời trang phá cách nhằm tạo ấn tượng mạnh nhưng phần lớn lại đi đến chỗ thái quá, phản cảm, với những bộ quần áo diêm dúa, loè loẹt, lố lăng, hở trước hở sau. Từ chỗ “thích khác biệt” lại thành ra “khác người”. Ngoài ra, cũng phải kể đến một hiện tượng tân thời là sự xuất hiện của thứ “giới tính linh hoạt”, cho nên không còn phân biệt đâu là thời trang nam, đâu là thời trang nữ. Với những người này, nam nữ không còn khác biệt quá lớn nên “mặc gì cũng được, miễn là phải lạ”. Rất nhiều người coi thời trang gắn liền với cá tính, như Iris Apfel nói: “Khi bạn không mặc như mọi người khác, bạn không cần phải suy nghĩ giống họ”.

6. Ăn hoang mặc thoáng
 
“Ăn hoang” ở đây muốn nói đến tình trạng lãng phí, tốn kém không cần thiết. Có nhiều người khi đi vào nhà hàng, ăn chẳng được bao nhiêu nhưng vẫn gọi thừa mứa để khoe mẽ điều kiện kinh tế, để đua đòi khẳng định đẳng cấp, hay để cho thiên hạ biết rằng “mình là người có tiền”. Người ta thường gắn “ăn hoang” đi liền với “mặc hại” để chỉ những người ăn hại, không giúp ích được gì. Chẳng vậy mà người xưa hay nhắc nhở: “Miệng ăn núi lở”; “Đàn ông rộng miệng thì sang/ Đàn bà rộng miệng tan hoang cửa nhà”.

Còn “mặc thoáng” thì phản ánh một sự tự do quá đà, thậm chí là đôi chút “hoang dã”. Cùng với lối tư duy thoáng đãng quá mức, nhân danh tự do ăn mặc nên mới sinh ra chuyện “mặc mà như không mặc”. Nhất là với phái đẹp, rõ ràng gọi là áo mà tưởng chừng như “lưới”, hoặc thích mặc theo kiểu “con nhà nghèo”, “thiếu vải”, “hở hang hết cỡ”, “mát mẻ táo bạo”, “ngắn trên lộ dưới”, “xuyên thấu gợi cảm” để người khác được phen “rửa mắt”. Hay như tình trạng “trên đông dưới mặc như không” mà người ta gọi là kiểu “thời trang phang thời tiết”, còn thời tiết đành ngậm ngùi vì “thời tiết không diệt được thời trang”. Có người còn không phân biệt đâu là quần áo mặc khi đi ngủ, đâu là quần áo mặc ra đường. Theo “luật ăn mặc” (mặc dù không nhất thiết bắt buộc) thì bikini để đi tắm biển, pyjama để đi ngủ, bộ đồ lửng để mặc ở nhà, quần short để đi chơi… nhưng nhiều người thích đảo lộn tất cả hoặc cố tình không chịu hiểu[9]. Cá biệt, ai cũng biết đi lễ chùa hay đến các cơ sở tâm linh cần mặc gọn gàng kín đáo thì một số người lại chọn váy ngắn, quần soóc. Nhiều chùa đành đưa ra sáng kiến để khắc phục với dịch vụ cho mượn “áo tràng Phật tử” khi cầu khấn. Nói gì thì nói, truyền thống văn hoá dân tộc ta xưa nay vẫn đề cao cái đẹp kín đáo, tế nhị và thanh nhã.

 
7. Ăn kiêng mặc mốt
 
Khi đã đầy đủ, hay thậm chí dư thừa về cái ăn khiến con người ta mới càng thấm thía lời dạy của tiền nhân: “tham thực cực thân”. Tình trạng thừa chất, béo phì gia tăng cùng với vô vàn thứ bệnh tật xuất hiện đang là vấn nạn thời đại. Hiện nay, rất nhiều người áp dụng chế độ ăn kiêng cho bản thân nhằm mục đích giảm cân, ngăn ngừa bệnh tật và cải thiện vóc dáng. Có những người ăn kiêng với mong muốn sở hữu một vóc dáng (body) chuẩn: nam thì bụng 6 múi; nữ thì eo con kiến, hông quả táo. Người rơi vào tình trạng thừa cân béo phì thì cần ăn kiêng để giảm cân. Nhiều người buộc phải ăn kiêng vì lý do bệnh tật, nhất là những ai mắc bệnh tim mạch, tiểu đường… Đồ ăn kiêng, nhà hàng chay ngày càng có đông người lựa chọn. Nhiều chế độ ăn kiêng đang thịnh hành, chẳng hạn như: chế độ ăn không chứa Gluten, chế độ ăn kiêng Low Carb, chế độ ăn kiêng Địa Trung Hải, chế độ ăn thuần chay… Ngay cả nhiều bạn trẻ cũng chọn chế độ ăn chay trường. Nói chung, ăn kiêng là chọn chế độ dinh dưỡng lành mạnh với nhóm thực phẩm hữu cơ, ăn nhiều rau củ quả, chế biến sạch và nói không với đồ chiên.

“Mốt”, có gốc từ “mode” trong tiếng Pháp, hay “model” trong tiếng Anh. Mốt có thể hiểu là trang phục đương thời, là tập hợp những thói quen và thị hiếu thẩm mỹ phổ biến trong cách ăn mặc, là “cái mới đang được số đông hưởng ứng”, là “thị hiếu thẩm mỹ mới nhấn đang được đa số người ưa chuộng”, là “sự thay đổi thường xuyên các hình thức, các kiểu cách, lối sống, trong đó có trang phục”[10]. Chính sự mới lạ, độc đáo, phá cách đã thúc đẩy quá trình hình thành và tạo nên mốt. Ngoài ra, có những người còn chạy theo mốt vì lý do ganh đua thẩm mỹ hoặc bắt chước thần tượng. Các hình thức thay đổi của mốt thường là những đặc điểm trang trí, hoạ tiết, hoa văn, chất liệu vải. Nói tóm lại, “mặc mốt: tức là chạy theo những phong cách thời trang xu hướng (có thể tồn tại trong một khoảng thời gian khá dài khi chỉ xuất hiện trong chớp nhoáng). Một số mốt thịnh hành có thể kể đến như hoạ tiết caro, mốt vải hoa nhí, mốt quân đội, mốt dún bèo, mốt vải hoa chấm bi… Gần đây, thời trang “cut out” lên ngôi với những đường xẻ sâu, “cut out” ngực, lưng hay eo vô cùng táo bạo.

 
8. Ăn sạch mặc xanh
 
An toàn vệ sinh thực phẩm và an ninh môi trường đang là những vấn đề nhức nhối và nóng bỏng trên phạm vi toàn cầu. Câu chuyện thời sự trong các bữa cơm gia đình và các bữa tiệc liên hoan chiêu đãi hiện là “ăn gì cho bớt độc hại”, và giờ nay thêm “ăn gì cho đỡ tàn hại môi trường”. Điệp khúc “rau nhà trồng”, “lợn nhà nuôi”, “rượu mẹ nấu”… luôn được đưa ra như một sự bảo đảm cho chuyện thực phẩm an toàn mỗi khi tiếp đón khách dùng cơm tại nhà. Nỗi băn khoăn lo lắng là chuyện có thật bởi lẽ ngày nay người ta không còn biết được đâu là “thực phẩm sạch” và đâu là “chất liệu xanh”.

Nhu cầu “ăn sạch mặc xanh” đang hình thành một lối sống mới được nhiều người theo đuổi, được diễn tả qua xu hướng “ăn xanh mặc tối giản”. Chế độ thực vật nhiều hơn động vật, hướng tới lối sống xanh từ bữa ăn hằng ngày đang được nhiều gia đình lựa chọn. Điều này cũng phù hợp với triết lý “ít-nhiều” mà người Nhật đang thực hành: ăn thịt ít, ăn rau nhiều; mặc ít, tắm nhiều… Người ta cũng nói đến “mặc xanh” theo nghĩa sử dụng những chất liệu thân thiện hơn với môi trường. Cụm từ “fast fashion” ít được nhắc đến trong làng thời trang nữa, mà thay vào đó là thời trang mang tính bền vững. Càng ngày càng có nhiều người lựa chọn quần áo hết sức đơn giản, thoải mái, có chất liệu thân thiện với môi trường.

Từ xu hướng “ăn sạch mặc xanh” dẫn con người ta đến lựa chọn thái độ sống “ít muốn, biết đủ” (từ Hán Việt gọi là thiểu dục, tri túc), tức là bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Ít muốn sẽ thấy an vui, biết đủ ta sống cả đời bình yên. Trong Quy Sơn cảnh sách, Tổ Quy Sơn dạy các đồ chúng: “tiến đạo nghiêm thân, tam thường bất túc”, nghĩa là muốn tiến tu đạo nghiệp, trang nghiêm pháp thân thì ba việc thường phải chẳng đủ (hơi thiếu một chút chứ không phải là không cần). Ba việc đó là ăn, mặc, ngủ[11]. Còn trong bài Chữ nhàn, Nguyễn Công Trứ cũng đã viết: “Tri thúc tiện túc, đãi túc, hà thời túc/ Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn?”, nghĩa là: Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ/ Biết nhàn là nhàn, đợi cho nhàn thì bao giờ mới nhàn?

 
09. Ăn gian mặc kệ
 
Người ta hay đố nhau: Đâu là món ăn mà ai cũng thích? Và đáp án đưa ra là “ăn gian”, kèm theo lời biện minh: đã là dân thì phải gian, không thì tại sao lại gọi là “dân gian”. Câu trả lời xem ra không ăn khớp với chuyện ăn (theo nghĩa đen) nhưng cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ. “Ăn gian” tức là cố ý tính sai, làm sai để thu lợi về mình. Không lạ gì trong Tiếng Việt, “ăn gian” có nhiều bà con họ hàng rất gần như “ăn chặn”, “ăn chẹt”, “ăn hiếp”, “ăn hớt”, “ăn mảnh”, “ăn quỵt”… Phải chăng “ăn gian” đã rất quen thuộc trong xã hội này. Dân thường cũng hay gian tham vặt vãnh. Học sinh thì gian lận đủ trò. Con buôn lại càng trăm kiểu lọc lừa trí trá. Cán bộ thì muôn màu ăn đút ăn lót, hối lộ tham nhũng. Có người còn khái quát thực trạng xã hội ngày nay thành một định luật nghe mỉa mai thay: “Không ngại ăn bẩn, chỉ sợ ăn không đều”.

Cùng với “ăn gian” thì “mặc kệ” cũng xuất hiện như một thứ thời thượng. Mặc kệ vô can hay chủ nghĩa “makeno” (mặc kệ nó) phản ánh một sự vô trách nhiệm, vô cảm, vô tâm theo kiểu: “sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi”. Không phải ngẫu nhiên mà một học sinh cấp hai cũng có thể viết lên những dòng đau nhói: “Trong khi các nhà khoa học đang ‘vò đầu bứt tóc’ không biết làm sao để tạo ra một con chip ‘tình cảm’ để khiến ‘những cỗ máy vô tình’ biết yêu, biết ghét, biết thương, biết giận thì dường như con người lại đi ngược lại, càng ngày càng vô tình, thờ ơ với mọi sự xung quanh […] Nhìn thấy cái xấu, cái ác mà không bất bình, không căm tức, không phẫn nộ. Nhìn thấy cái đẹp mà không ngưỡng mộ, không say mê, không thích thú. Thấy cảnh tượng bi thương lại thờ ơ, không động lòng chua xót, không rung động tâm can. Vậy đó còn là con người hay chỉ là cái xác khô của một cỗ máy?”[12] Đức Giáo hoàng Phanxicô thì tỏ ra lo ngại trước tình trạng “toàn cầu hoá sự vô cảm”, “toàn cầu hoá sự dửng dưng”.

10. Ăn “Mình Chúa”, mặc lấy Đức Kitô
 
Chúng ta thường nói rất nhiều đến cái ăn cái mặc cho thể xác nhưng ít khi để ý đến của ăn và cái mặc cho linh hồn. Đối với người Kitô hữu, có lẽ ăn “Mình Chúa” và mặc lấy Đức Kitô chính điều quan trọng nhất cần thực hành và vươn tới.

Ngôn ngữ trong thần học và phụng vụ, nhất là từ sau Công đồng Vaticanô II hay nói tới hai bàn tiệc: bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Lời Chúa và Thánh Thể chính là lương thực thiêng liêng nuôi sống linh hồn con người ta. Vì thế, khi tham dự Thánh lễ, cần chú tâm lắng nghe Lời Chúa và chuẩn bị tâm hồn cho xứng đáng để rước Mình Thánh Chúa. Nói như ngôn sứ Giêrêmia: “Gặp được Lời Chúa con đã nuốt vào, lời Ngài làm cho con hoan hỷ, làm vui thoả lòng con, vì con được mang danh” (Gr 15,16). Và Thánh Thể là của ăn “nhiệm mầu cực linh khôn sánh”. Chính Mình Thánh Chúa Kitô chịu nghiền nát, trở thành một phần máu thịt nuôi sống con người. Vì thế, người ta cũng hay so sánh việc đi dự lễ mà không rước lễ cũng ví như việc đến bữa tiệc mà lại không dùng tiệc. Tất nhiên, để “ăn Mình Chúa” thì cần phải ở trong tình trạng ân sủng.

Mặc lấy Đức Kitô chính là biến đổi để nên giống, nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Có một bài hát sinh hoạt khá đơn sơ nhưng cũng rất sâu sắc: “Mặc áo xanh rồi mặc áo đỏ, mặc áo nọ rồi mặc áo kia. Nhưng em tin rằng em đẹp nhất, nếu em mặc lấy Đức Kitô”. Mặc lấy Đức Kitô là mặc lấy những tâm tình đã có nơi Ngài (x. Pl 2,5). Đó là sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng (x. Mt 11,29); đến để phục vụ chứ không phải để được người ta phục vụ (x. Mc 10,45); chạnh lòng thương (x. Mc 8,1-3; Mc 6,34; Mt 14,14)… và đỉnh cao là dám hy sinh tính mạng cho người mình yêu (x. Ga 15,13). Mặc lấy Đức Kitô để cho tâm hồn ngày một thêm sáng láng, thánh thiện và tinh tuyền.

Tạm kết

Quả thật, nói chuyện ăn mặc nhưng không đơn thuần chỉ là nhu cầu ăn uống hay phong cách thời trang. Hệ “giá trị” trong ăn mặc của mỗi người cũng có thể khác nhau và không ai cấm cản cả. Thế nhưng, thông qua việc ăn mặc của mỗi người sẽ cung cấp cho người ta những thông tin về các tầng lớp trong xã hội, trình độ văn hoá, sở thích, thị hiếu thẩm mỹ… Do đó ăn mặc cũng là một biểu hiện của văn hoá chứ không đơn thuần là chuyện riêng tư và quyền tự do cá nhân của mỗi người. Những quy định của pháp luật trong chuyện ăn mặc cũng không quá gay gắt nhưng mỗi người cần ý thức lựa chọn cách ăn mặc sao cho phù hợp với những chuẩn mực văn hoá và thuần phong mỹ tục. Trong chuyện ăn mặc không thể tuỳ tiện, dễ dãi nhưng cần thể hiện tính lịch sự và lòng tự trọng. Đừng chỉ vì phong cách ăn mặc mà làm xấu đi hình ảnh bản thân trong con mắt mọi người. Mặc dù “tốt nước sơn” cũng cần thiết và ngày càng được chú ý nhưng “tốt gỗ” vẫn là tiêu chuẩn hàng đầu.

Nhất là đối với những người Kitô hữu, cần ghi nhớ những lời nhắc nhở của thánh Phaolô: “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31). Tất nhiên là cần phải tránh xa thói “ăn gian mặc kệ” đang có xu hướng thắng thế trong xã hội. Và quan trọng nhất, sức sống của linh hồn thật sự có được khi luôn khao khát nếm hưởng Lời hằng sống và Bánh trường sinh. Lời Chúa và Mình Máu Chúa chính là “thần lương” dưỡng nuôi linh hồn con người. Và tâm hồn cũng trở nên đẹp nhất khi mặc “trang phục” là chính Đức Kitô. Nơi Đức Kitô, Con Người hoàn hảo, nhân loại sẽ tìm được lý tưởng và lẽ sống cho cuộc đời mình.

 
[1] Ngạn ngữ Ả Rập cũng có câu tương tự: “Ăn mặc không phải làm tốt cho mình mà để tôn trọng kẻ khác”. Hay Benjamin Franklin thì nói: “Hãy ăn để thoả mãn mình, nhưng mặc để thoả mãn người khác” (Eat to please thyself, but dress to please others); trích theo Kidsworld Online (22/7/2021): https://www.kidsworld-online.com/status-an-mac-danh-ngon-hay-ve-gia-tri-y-nghia-cua-trang-phuc/
[2] x. NGUYỄN CÔNG ĐOAN, Hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô (Rm 13,14), theo WHĐ (22/7/2020): https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/hay-mac-lay-chua-ki-to-gie-su-40341
[3] TRỊNH DUY LUÂN, Về giá trị “no ấm” đối với cá nhân và gia đình Việt Nam: sự hoàn thành và hướng tới giá trị thay thế, theo Tạp chí điện tử Lý luận Chính trị: http://lyluanchinhtri.vn (02/3/2023).
[4] BAN THỜI SỰ/TTXVN, Báo động tình trạng nghèo đói cùng cực trên toàn cầu, theo VTV Online (31/12/2022): https://vtv.vn/the-gioi/bao-dong-tinh-trang-ngheo-doi-cung-cuc-tren-toan-cau-20221231063226441.htm
[5] PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ánh (giảng viên trường Đại học Ngoại thương Hà Nội) chia sẻ “10 bí quyết để trở thành người ăn mặc đẹp”: 1) Quan tâm đến ăn mặc là quyền đương nhiên của mọi người nói chung và đặc quyền của phái đẹp nói riêng; 2) Muốn mặc đẹp phải hiểu bản thân mình; 3) Trang phục phải phù hợp với xu hướng thời đại; 4) Trang phục thể hiện sự tôn trọng bản thân; 5) Mặc đẹp phải phù hợp với hoàn cảnh; 6) Dám thử những kiểu mới, những khía cạnh mới trong con người mình; 7) Mặc đẹp không có nghĩa là phải đắt tiền; 8) Chăm chút trước khi mặc, nhưng sau đó phải quên trang phục đi; 9) Chăm sóc trang phục cẩn thận, chọn lựa quần áo trước khi ra đường; 10) Chú ý đến việc giữ gìn dáng người; x. NGUYỄN HOÀNG ÁNH, Học cách mỉm cười: Để trở thành người phụ nữ hạnh phúc, Nxb Lao động - Xã hội, Hà Nội, 2017, tr. 156-164.
[6] Các câu nói bàn về thời trang được trích trong bài viết: DIỆU LINH, 50 câu nói hay về thời trang “kinh điển” nhất mọi thời đại, theo Tạp chí Phái đẹp ELLE (22/4/2018): https://www.elle.vn/the-gioi-thoi-trang/50-cau-noi-hay-ve-thoi-trang-kinh-dien
[7] Xu hướng tìm hiểu về phong cách “Quiet luxury” bắt đầu kể từ khi phần 4 của bộ phim truyền hình Mỹ Succession (Kế nghiệp) lên sóng hồi tháng 3 năm 2023. Bộ phim xoay quanh nhà Roy, môt gia đình giàu có sở hữu một tập đoàn lớn hoạt động trong lĩnh vực truyền thông và giải trí ở Mỹ. Phong cách thời trang của những nhân vật giàu có và quyền lực nhất trong bộ phim này rất giản dị và tiết chế. Các nhân vật đẳng cấp nhất trong Succession luôn mặc các tông màu trung tính, những bộ đồ vừa vặn, được cắt may khéo léo, nhưng tuyệt đối không cầu kỳ, diêm dúa. Người ta nhìn vào những bộ đồ ấy chỉ biết rằng đó là những bộ đồ lịch sự, nhưng không thể nhìn ra ngay đó là đồ của thương hiệu nào.
[8] Chữ “ăn đặc mặc lạ” này là của Đức cố Giám mục Giuse Vũ Duy Thống (1950-2016), nguyên Giám mục giáo phận Phan Thiết; x. VŨ DUY THỐNG, Hạt nắng vô tư, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2007, tr. 92.
[9] x. TRẦM THIÊN THU, Tản mạn chuyện ăn mặc, theo Sống Tin Mừng tình yêu: https://songtinmungtinhyeu.org/index.php?open=contents&display=2&id=2105
[10] x. TRẦN THỦY BÌNH, Giáo trình mỹ thuật trang phục, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2005, tr. 61-62; x. Từ điển Bách khoa Toàn thư Mở Wikipedia, mục từ: Mốt.
[11] x. THÍCH THANH TỪ, Quy Sơn cảnh sách giảng giải, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2010, tr. 15.
[12] Bài văn viết về “bệnh vô cảm” của em Phan Hoàng Yến, học sinh lớp 9A2 trường Trung học Chu Văn An, Hà Nội được chấm 9,5 điểm, từng gây xúc động sâu sắc (vào năm 2012).

Tác giả: Xuân Giang

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập279
  • Máy chủ tìm kiếm33
  • Khách viếng thăm246
  • Hôm nay35,217
  • Tháng hiện tại895,578
  • Tổng lượt truy cập78,899,029
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây