Nhịp cầu Bạn trẻ 19: Giá trị của sự tử tế (1)
Thứ hai - 26/02/2024 09:22
694
Trên mạng xã hội từng chia sẻ một câu chuyện rất bình dị nhưng đầy cảm động, có tựa đề: “Cuộc sống ai biết trước ngày mai sẽ ra sao!” Nội dung câu chuyện như sau:
Một nữ công nhân làm việc tại nhà máy chế biến đông lạnh. Ngày hôm ấy, sau khi hoàn thành công việc như thường lệ, cô đi vào kho đông lạnh để kiểm tra trước khi ra về. Đột nhiên cửa phòng bị đóng và khoá lại. Cô bị nhốt ở bên trong mà không một ai biết. Cô vừa hét khản cổ họng vừa đập cửa với hy vọng có người nghe được tiếng mình mà đến cứu nhưng vẫn không có ai nghe thấy. Lúc này, tất cả công nhân đã tan ca, toàn bộ nhà máy đều yên tĩnh.
Sau 6 giờ chiều hôm ấy, nữ công nhân lạnh cóng người, tuyệt vọng và đau khổ… Đúng lúc cô tưởng như không chịu được nữa thì bất ngờ được người bảo vệ đến mở cửa cứu ra ngoài.
Vài ngày sau khi khoẻ và trở lại làm việc, cô gái hỏi người bảo vệ tại sao lại biết mình ở trong đó để đến mở cửa, mặc dù đây không phải khu vực mà ông ấy quản lý.
Người bảo vệ trả lời: “Tôi làm việc ở nhà máy này đã 35 năm rồi. Mỗi ngày đều có mấy trăm công nhân ra ra vào vào. Nhưng cô là người duy nhất mà ngày nào sáng sớm đi làm cũng chào hỏi tôi và buổi tối tan làm lại chào tạm biệt tôi, trong khi có rất nhiều người xem như không nhìn thấy tôi vậy! Hôm nay, tôi biết rõ ràng cô có đi làm, bởi vì sáng sớm cô còn nói ‘Cháu chào bác’. Nhưng sau khi tan làm buổi chiều, tôi lại không nghe thấy tiếng cô chào: ‘Tạm biệt bác, hẹn ngày mai gặp lại’. Thế là tôi quyết định đi vào trong nhà xưởng tìm xem xem thế nào. Tôi đi đến những chỗ góc hẻo lánh tìm cô và cuối cùng lại nghe thấy tiếng khóc và tìm thấy cô ở trong kho đông lạnh…”
Ở cuối câu chuyện, người chia sẻ còn đưa ra bình luận: Hãy luôn khiêm tốn, nhã nhặn, yêu thương và tôn trọng những người xung quanh mình, bởi vì bạn không biết được điều gì sẽ xuất hiện vào ngày mai với mình đâu. Một hành động nhỏ nhưng đôi lúc nó cứu chính tính mạng của các bạn.
Tôi lại nhớ đến một mẩu chuyện rất ngắn khác nhưng cũng đã truyền cảm hứng cho nhiều người: Một người đi tìm việc làm, trên hành lang đến phòng phỏng vấn, thuận tay nhặt mấy tờ giấy rác dưới đất và bỏ vào thùng. Vị phụ trách phỏng vấn vô tình nhìn thấy, bèn quyết định nhận người ấy vào làm việc.
Hoá ra để được tưởng thưởng thật là đơn giản, chỉ cần tập rèn luyện những thói quen tốt. Nhiều hành động có vẻ nhỏ nhặt nhưng nó lại phản ánh giá trị tốt của một con người và đem lại sự nể trọng của những người xung quanh.
Bạn có cho rằng tình huống của nữ công nhân và người đi phỏng vấn xin việc kia chỉ là một sự may mắn ngẫu nhiên? Hay đó là kết quả của một lối sống tốt thường trực, đã được tưởng thưởng vào đúng thời đúng buổi? Nhưng chắc chắn cả hai người đã thường xuyên có những hành động đẹp. Đó không phải là những hành vi “làm màu” để được chú ý, để được đề cao.
Chúng ta gọi nữ công nhân và người đi phỏng vấn xin việc là những “người tử tế”. Vậy người tử tế là người thế nào?
Về mặt chiết tự, “tử tế” là một từ được tạo thành bằng phương thức ghép, trong đó hai yếu tố “tử” và “tế” bình đẳng với nhau về mặt ngữ nghĩa, và đều là những yếu tố gốc Hán. Tử (bộ nhân) có nhiều nghĩa, trong đó có nét nghĩa “kỹ lưỡng, cẩn thận”. Tế (bộ mịch) có nghĩa là “nhỏ, mịn, kỹ càng, tỉ mỉ” (như trong tế bào, tinh tế, tế vi). Trong tiếng Hán, tử tế mang nghĩa tinh mật kỹ càng[1], tức là cẩn thận, kỹ lưỡng trong từng việc nhỏ nhất.
Vào tiếng Việt, nghĩa của tử tế thay đổi khá nhiều. Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học đưa ra hai nét nghĩa của tính từ “tử tế”. Theo đó, nghĩa thứ nhất là có được tương đối đầy đủ những gì thường đòi hỏi phải có để được coi trọng, không phải sơ sài, lôi thôi hoặc thiếu đứng đắn. Ví dụ: đi ra đường phải ăn mặc tử tế; lấy nhau có cưới xin tử tế; con nhà tử tế. Nghĩa thứ hai là tỏ ra có lòng tốt trong đối xử với nhau. Thí dụ: ăn ở tử tế với nhau; được đối xử tử tế[2].
Tựu trung lại, tử tế thường được hiểu là tỏ ra có lòng tốt, thể hiện một lối sống đẹp từ những việc nhỏ nhặt, giản đơn, đời thường, gần gũi, bình dị nhất với môi trường, với những người bên mình và với cả chính mình. Sống tử tế là luôn sống với suy nghĩ đẹp, lời nói đẹp, hành động đẹp. Người sống tử tế thì luôn nhận được cái nhìn tôn trọng từ những người khác.
Có rất nhiều người đã viết về sự tử tế nhưng tôi muốn mời Bạn đọc một cuốn sách rất thú vị và hấp dẫn của Bernadette Russell. Cuốn sách này đặc biệt ở chỗ, nó đã được viết bằng chính trải nghiệm các tác giả. Đứng trước những nỗi băn khoăn giữa một thế giới có quá nhiều bất an (chiến tranh, xung đột, nạn đói…), tác giả người Anh này đã thực hiện một dự án mang tên “366 ngày sống tử tế”. Cô quyết định mỗi ngày sẽ làm một việc tốt với một người lạ và duy trì điều đó trong một năm, để xem sự tử tế có thể thay đổi thế giới hay không. Kết quả, Russell đã trải qua một năm đầy cảm hứng, tràn ngập niềm vui, một năm đáng sống nhất đời cô. “Tử tế đáng giá bao nhiêu?”[3] là cuốn sách tổng hợp những bài học giá trị của cô trong suốt hành trình này.
Tác giả đặt tên cho lối sống tử tế này là một cuộc cách mạng thầm lặng. Cuộc cách mạng này diễn ra mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta nhưng lại vô cùng yên ả, không chút ồn ào, mà lại đem đến cho ta những niềm vui nho nhỏ trong đời[4]. Như Russell diễn tả: “Nếu bạn sống tử tế mỗi ngày, việc tử tế sẽ trở thành một hành vi tự động như hít thở vậy. Từ đó, cuộc sống của bạn sẽ hoàn toàn thay đổi và bạn sẽ kết nối mọi thứ ở mức độ sâu sắc hơn. Sống tử tế là một cuộc cách mạng thầm lặng thay đổi cuộc sống của mỗi người và âm thầm làm cho thế giới thay đổi”.
Trong “Tử tế đáng giá bao nhiêu?”, Bernadette Russell nói về lòng tử tế dưới nhiều góc độ: từ tử tế với bản thân, với những người ta yêu thương đến người lạ, từ tử tế với môi trường đến tử tế trên mạng xã hội, tử tế trong công việc… Trong mỗi khía cạnh, cô giới thiệu những quan niệm giản đơn về lòng tử tế nhưng có lẽ bạn chưa hề nghĩ tới.
Bên cạnh đó, cuốn sách chứa đựng nhiều danh sách những hành động tử tế mà bạn có thể áp dụng ngay lập tức, như nhường chỗ cho người trên xe buýt, sắp xếp những buổi gặp mặt với những người bạn, mỉm cười vui vẻ với những người xung quanh, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần, tiết kiệm năng lượng hay chỉ là trồng một chậu hoa trong ban công để người trong khu phố có thể ngắm hoa mỗi ngày và có thêm niềm vui…
Với “Tử tế đáng giá bao nhiêu?”, Russell chân thành mời Bạn bước vào hành động sống tử tế: “Mọi hành động tử tế dù là nhỏ nhất đều có ý nghĩa”. Cuốn sách sẽ là khởi đầu cho một thái độ sống hoàn toàn với cuộc đời, để bạn làm việc tốt trong vui vẻ, tự nguyện và để sự tử tế tạo nên những thay đổi cho cuộc sống riêng của bạn. Hãy biến việc sống tử tế thành một thói quen hằng ngày, và Bạn sẽ thấy được sự thay đổi kỳ diệu.
Với bạn trẻ Công giáo, có lẽ chúng ta sẽ bắt đầu việc sống tử tế bằng cách thực hành lời dạy của chính Chúa Giêsu trong Tin Mừng, được gọi là khuôn vàng thước ngọc: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12; x. Lc 6,31).
Bạn có gì thắc mắc, muốn chia sẻ hay cần trao đổi thêm, xin liên hệ với Nhịp cầu Bạn trẻ qua:
+ Email: nhipcaubantre@gmail.com
+ Facebook: Nhịp Cầu Bạn Trẻ
[1] x. ĐÀO DUY ANH, Hán Việt từ điển giản yếu, Hãn Mạn Tử hiệu đính, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2013, tr. 632.
[2] VIỆN NGÔN NGỮ, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2016, tr. 1361.
[3] BERNADETTE RUSSELL, Tử tế đáng giá bao nhiêu?, Thanh Thảo dịch, Nxb Tổng hợp TP. HCM, 2019.
[4] Nguồn tin: https://ybox.vn/vien-sach-bookademy/tom-tat-and-review-sach-tu-te-dang-gia-bao-nhieu-khi-song-tu-te-se-dem-lai-cho-ta-nhieu-hanh-phuc-hon-64732be985c4694872cd39f
Tác giả: Nhịp cầu Bạn trẻ