Nhịp cầu Bạn trẻ 12: Quan niệm “cha mẹ Gacha”
Chủ nhật - 16/07/2023 04:22
1502
Gachapon hay Gashapon vốn là một trò chơi cực kỳ nổi tiếng tại Nhật Bản và nhiều nước châu Á. Người chơi sẽ dùng đồng xu cho vào những chiếc máy bán hàng Gachapon có các quả trứng nhựa Caspule Toy chứa đồ chơi. Chỉ cần xoay nút, họ sẽ nhận được một quả trứng với món đồ chơi ngẫu nhiên bên trong. Hiểu đơn giản thì Gachapon là một trò chơi may rủi, người chơi sẽ không biết mình nhận được thứ gì bên trong quả trứng, dù họ có thích hay không. Từ lâu, người Nhật đã dùng từ “gacha” làm tiếng lóng, hiểu như “xổ số”.
“Oya-gacha”, nghĩa đen là “cha mẹ gacha” (hay có thể hiểu là “xổ số cha mẹ”) là một từ được lan truyền rộng rãi trong giới trẻ Nhật Bản bắt đầu từ tháng 9 năm 2021. “Oya-gacha” chỉ việc trẻ em không được tự chọn cha mẹ sinh ra mình nên từ ngoại hình, môi trường sống, hoàn cảnh gia đình, tình hình tài chính đều hoàn toàn được quyết định bởi vận may[1]. Tính chất may rủi này giống với cơ chế hoạt động của máy bán hàng Gachapon, nơi người chơi bỏ đồng xu vào khe tiền, xoay cần gạt rồi nhận được những quả trứng nhựa chứa những món đồ bất ngờ ở bên trong.
Đối với nhiều người trẻ tại Nhật Bản, họ cho rằng cuộc đời của họ cũng giống trò chơi Gachapon và họ không có quyền lựa chọn. Những người may mắn sẽ được sinh ra với khuôn mặt xinh đẹp, có cha mẹ giàu có, có chỉ số IQ cao hoặc những tài năng thiên phú... Và những người kém may mắn sẽ chẳng có bất cứ ưu điểm nào và vì vậy, việc họ gặp thất bại và khó khăn trong cuộc sống là lẽ đương nhiên. Điều này được tiếp sức bởi mạng xã hội khi mà giới trẻ dễ dàng nhìn thấy cuộc sống của bạn bè, những người xung quanh và bắt đầu có sự so sánh với bản thân để rồi cảm thấy bất công[2].
Quan điểm và thái độ sống này đã khiến ngày càng nhiều thanh niên Nhật sống tiêu cực và không còn muốn cố gắng bởi họ tin rằng dù làm việc chăm chỉ đến đâu thì vẫn không bằng những người may mắn được sinh ra ở vạch đích. Từ sự bất mãn với bản thân và cuộc sống, họ bắt đầu đổ lỗi cho cha mẹ mình. Một thế hệ trẻ thay vì cật lực cố gắng, họ sẽ chọn cách nhàn hạ hơn chính là “trôi theo dòng đời” vì cho rằng số phận đã định cho họ phải như vậy: “Con cái không chọn được người sinh, đầu thai trúng nhà nào thì chịu nhà đó”, nói nôm na là “may rủi cha mẹ cho”. Họ bảo nhau “số phận là thứ phụ thuộc vào cha mẹ”, nên “tương lai giàu hay nghèo cũng đươc quyết định luôn từ lúc vừa lọt lòng, nỗ lực làm gì cho mệt”[3]. Những bạn trẻ tin vào lý thuyết “cha mẹ Gacha” này dù thông minh đến mấy, có năng lực cũng không chịu khó học và cũng không còn phấn đấu cầu tiến.
“Oya-gacha” kể từ khi được lan truyền rộng rãi đã tạo ra nhiều cuộc tranh luận không hồi kết trên truyền hình và mạng xã hội ở Nhật Bản. Các ý kiến ủng hộ thì biểu lộ sự cảm thông đối với người trẻ. Quan niệm “cha mẹ Gacha” phần nào phản ánh những góc tối trong xã hội Nhật Bản. Nhiều người trẻ đang phải gánh chịu những bất bình đẳng về kinh tế (do sự chênh lệch xã hội được tạo ra bởi thế hệ cha mẹ) hoặc mang trong mình những thương tổn tinh thần trong quá trình trưởng thành (do lớn lên trong một gia đình không ấm êm, bị cha mẹ bạo hành hoặc không được đến trường). Số phản đối thì cho rằng cách nói “Oya-gacha” là thiếu tôn trọng, phớt lờ đi công ơn dưỡng dục của cha mẹ hoặc chỉ là cái cớ mà người trẻ vin vào để không tiếp tục cố gắng. Quan niệm “cha mẹ Gacha” khiến người trẻ có xu hướng đổ lỗi cho số phận khi thất bại trong cuộc sống, có nghĩa là không dám nhận trách nhiệm mà sẽ quy về hoàn cảnh. Khá nhiều bình luận chỉ trích, gọi đó là những người trẻ “hư hỏng” hoặc “cố gắng chưa đủ”. Ngoài ra, “Oya-gacha” cũng đặt ra những câu hỏi về đạo đức và giá trị gia đình trong xã hội hiện đại.
Thực ra, quan niệm “cha mẹ Gacha” đang tồn tại nơi một bộ phận giới trẻ Nhật Bản hiện nay không xa lạ gì với người Việt mình. Ông cha ta có câu: “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Đây là một quy luật xuất hiện từ rất lâu và dường như đã ăn sâu vào trong tiềm thức của bao thế hệ dân Việt. “Ca rao” hiện đại thì nói: “Con vua thì lại làm vua, con ông thợ hàn thì đi bắn mái tôn”. Điều này đang phản ánh sự bất bình đẳng trong xã hội (cả về lợi ích, sự hưởng thụ lẫn cơ hội thăng tiến như cách nói của các nhà xã hội học). Rồi thực trạng “cha truyền con nối” vẫn tồn tại trong việc tuyển dụng và bổ nhiệm nhân sự hiện nay khiến nhiều người trẻ cảm thấy chán nản, mất tinh thần phấn đấu vươn lên. Nếu không có một mối quan hệ với những “người trong ngành” thì thật không dễ dàng để kiếm được việc làm như mong muốn. Nếu không may mắn thuộc nhóm 5C (con cháu các cụ cả) hay 4 “ệ” (hậu duệ, đồ đệ, tiền tệ, quan hệ) thì đành phải chấp nhận thiệt thòi...
Phải công nhận nếu một người sở hữu nền tảng gia đình mạnh về tài chính hoặc có “gốc gác” thì đó sẽ là bàn đạp quan trọng cho thành công của họ. Tuy nhiên, “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” của xã hội không thể là cái cớ để cho chúng ta trở nên thờ ơ với mọi thứ, rồi chọn lựa cho mình một cuộc sống chán nản và tẻ nhạt. Sự thụ động chỉ khiến người trẻ trì trệ, không thích ứng kịp nếu có vấn đề xảy ra. Không thể lý luận “may hơn khôn” để tiếp tục biện minh cho sự ươn lười, không dám vượt lên hoàn cảnh khó khăn hiện tại, đồng thời phủ nhận luôn mọi sự cố gắng và nỗ lực kiên trì.
Chắc hẳn hầu hết các BẠN đều biết đến một bài hát nhạc vàng khá nổi tiếng với những ca từ: “Khi tôi sinh ra mang được ngay tiếng con nhà nghèo. Qua bao nhiêu năm không đổi thay lớn lên còn nghèo...” Chúng ta có thể phần nào thông cảm cho những khó khăn cùng cực vào thời điểm ra đời ca khúc đó nhưng xem ra, đã đến lúc không thể cứ mãi ê a điệp khúc: “Tương lai đi xa, tôi mến nghèo, nghèo thương tôi”. Tỷ phú Bill Gates từng nói: “Nếu bạn sinh ra trong nghèo khó, đó không phải là lỗi của bạn. Nhưng nếu bạn chết trong nghèo khó, thì đó là lỗi của bạn”. Xuất thân thấp kém không có nghĩa là tương lai cứ mãi mù mịt. Con đường thăng tiến sẽ vất vả nhọc nhằn hơn nhưng cần đứng vững trên đôi chân của mình chứ không phải của cha mẹ hay bất cứ ai khác. Có như thế mới đáng nhận được sự tôn trọng và thành quả mình nhận được mới thực sự bền vững.
Trước đây, Hội Phụ nữ Thượng Hải (Trung Quốc) đã tổ chức cuộc thi lớn mang tên “Những tấm gương hiếu thảo”. Mọi người đều công nhận người con hiếu thuận nhất là cô nữ sinh đại học 19 tuổi tên Lưu Vĩ. Lưu Vĩ sinh ra trong một gia đình có mẹ mắc bệnh thận từ khi mang thai cô, bố làm giáo viên tiểu học nhưng thị lực rất kém. Ông nội Lưu Vĩ bị liệt, còn bà nội đã mù cả hai mắt. Cuộc sống vất vả khiến Lưu Vĩ kiên cường hơn các bạn cùng tuổi, cô bình tĩnh đối mặt với nghèo khổ và áp lực. Lưu Vĩ mỉm cười trước ống kính: “Khi tốt nghiệp đại học, ai cũng mong có một món quà từ cha mẹ. Hai năm nữa em ra trường cũng sẽ có một phần quà lớn, đó là món nợ 100.000 nhân dân tệ mà cha mẹ để lại. Đây sẽ là động lực để em bắt đầu sự nghiệp”[4].
Nếu sinh ra trong một gia đình giàu có, tất nhiên BẠN sẽ có nhiều cơ hội và lợi thế hơn. Nhưng nếu không sinh ra trong một gia đình giàu có và hạnh phúc, liệu BẠN có nhất định trở thành kẻ thua cuộc?
Nếu BẠN sinh ra trong nghèo khó thì phải lớn lên trong chịu khó. Quy luật tăng trưởng tất yếu đòi hỏi như thế: “Trí khôn đời dạy, đói no do tôi”. Điều quan trọng nhất có lẽ là hiểu rõ vị trí của bản thân mình và có kế hoạch phù hợp với năng lực và hoàn cảnh của mình. Shiela Murray Bethel nói: “Một trong những điều đáng khích lệ nhất mà bạn có thể làm là tự xác định chính mình - biết mình là ai, tin vào cái gì và muốn đi tới đâu”.
BẠN mới là chủ thể của sự thành công trong cuộc đời BẠN chứ không phải cha mẹ các BẠN hay bất cứ ai khác. Đừng đổ thừa cho số phận hay những người chung quanh. Dù có thể xuất phát chậm hơn người khác, nhưng BẠN luôn có cơ hội để tăng tốc và cán đích thành công. Bất cứ ai cũng thế thôi, muốn thành công thì cần nỗ lực hết mình.
Ngay tại thời điểm BẠN ra đời, BẠN đã là con của cha mẹ BẠN rồi. Điều ấy không thể thay đổi. Vì thế, hãy ngừng than thở để học cách yêu thương và hướng đến tương lai. Kể cả BẠN đang có những trải nghiệm tồi tệ với cha mẹ mình, hãy cố gắng trở thành những người cha người mẹ mà BẠN mong muốn. BẠN có quyền chủ động trên cuộc đời của mình.
Còn xét ở một khởi điểm khác, tất cả các bạn trẻ Công giáo khi sinh ra đều có một hồng ân là được làm con cái Thiên Chúa trong lòng Giáo hội. Ở khía cạnh này, BẠN không hề bị thiệt thòi chút nào và BẠN được mời gọi sống trọn vẹn ơn gọi đó. Đức Thánh cha Phanxicô viết trong Sứ điệp mùa Chay 2014: “Người ta nói rằng có một điều sầu muộn duy nhất, đó là sầu muộn vì không được nên thánh (Leon Bloy); chúng ta cũng có thể nói rằng có một sự lầm than đích thực duy nhất, đó là: không sống như con cái Thiên Chúa và như những người em của Chúa Kitô”.
T/B. BẠN có gì thắc mắc, muốn chia sẻ hay cần trao đổi thêm, xin liên hệ với Nhịp cầu Bạn trẻ qua:
+ Email: nhipcaubantre@gmail.com
+ Facebook: Nhịp Cầu Bạn Trẻ
[1] RIN, Oya-gacha: Từ lóng phơi bày bi kịch của người trẻ Nhật Bản, theo Kilala.vn (03/12/2021): https://kilala.vn/xa-hoi/oyagacha-tu-long-phoi-bay-bi-kich-cua-nguoi-tre-nhat-ban.html
[2] SONG KỲ, Giới trẻ Nhật trượt dài với quan niệm “bố mẹ Gacha”, đổ lỗi cho phụ huynh vì tin rằng có cố gắng cũng không bằng người sinh ở vạch đích, theo Trang Thông tin Điện tử Tổng hợp Cafebiz (06/10/2021): https://cafebiz.vn/gioi-tre-nhat-truot-dai-voi-quan-niem-bo-me-gacha-do-loi-cho-phu-huynh-vi-tin-rang-co-co-gang-cung-khong-bang-nguoi-sinh-o-vach-dich-20211006194255513.chn
[3] ROYAL VŨ (Tổng hợp), Gen Z Nhật Bản: Cuộc sống sướng hay khổ là do... cha mẹ, theo Báo điện tử Giáo dục và Thời đại (01/5/2022): https://giaoducthoidai.vn/gen-z-nhat-ban-cuoc-song-suong-hay-kho-la-do-cha-me-post516581.html
[4] CHU NAM CHIẾU - TÔN VÂN HIỂU (Chủ biên), Học cách ứng xử (Kỹ năng không thể thiếu dành cho học sinh thế kỷ XXI), Phương Linh dịch, Nxb Kim Đồng, Hà Nội, 2015, tr. 80.
Tác giả: Nhịp cầu Bạn trẻ