Nhịp cầu Bạn trẻ 09: Chung tay bảo vệ môi trường
Thứ tư - 21/06/2023 04:00
870
BẠN có biết lý do vì sao người Nhật lại luôn nhận được sự tôn trọng và nể phục của cộng đồng quốc tế không? Công dân của “đất nước mặt trời mọc” nổi tiếng bởi sự cần cù, chịu khó trong lao động; tinh thần trách nhiệm và lòng tự trọng; đề cao tính kỷ luật, trật tự và sự bình đẳng; óc cầu tiến và nỗ lực không ngừng hoàn thiện bản thân để tìm ra cái mới; tinh thần đoàn kết trong làm việc tập thể và coi trọng lòng trung thành... Đó là một vài nét nổi bật trong tính cách của người dân Nhật Bản khiến cả thế giới ngưỡng mộ. Ngoài ra, phải kể đến tinh thần giữ gìn vệ sinh chung và ý thức bảo vệ môi trường của người dân “xứ sở hoa anh đào”.
Tại Giải vô địch Bóng đá Thế giới lần thứ 22 (FIFA World Cup 2022) diễn ra ở Qatar, các cổ động viên của đội tuyển bóng đá Nhật Bản đã nhận được “cơn mưa” lời khen vì thói quen luôn làm sạch khu chỗ ngồi của mình trước khi ra về. Ngay sau mỗi trận đấu, họ nán lại trên khu vực khán đài để nhặt hết số rác mà các khán giả khác để lại dưới các hàng ghế, chất đầy vào những chiếc túi nilon màu xanh mà họ mang sẵn theo mình khi đến sân vận động. Không chỉ các cổ động viên, ngay trong phòng thay đồ của các cầu thủ Nhật Bản, mọi thứ cũng được thu dọn gọn gàng, ngăn nắp như chưa từng có người sử dụng.
Đối với người dân xứ Phù Tang, việc thu gom rác ở nơi bản thân vừa có hoạt động là lẽ đương nhiên, theo triết lý “bỏ đi không để lại dấu vết”. Ở Nhật Bản có câu “Tatsu tori ato wo nigosazu”, nghĩa là “Con chim không làm bẩn tổ khi nó rời đi”[1]. Trong văn hoá ứng xử của người Nhật, khi chuẩn bị rời khỏi nơi nào đó thì việc dọn dẹp sạch sẽ và không để lại sự bừa bộn là hiển nhiên, để khi người tiếp theo đến, họ sẽ không cảm thấy khó chịu. Có thể nói, việc cổ động viên Nhật Bản dọn rác trên khán đài thuộc về phẩm chất dân tộc chứ không phải là hành động ngẫu hứng hay những hình ảnh phô diễn. Vì thế, văn hoá ứng xử, thái độ tôn trọng và bảo vệ môi trường của người Nhật mới luôn nhận được sự cảm mến hết lời.
Một lối suy nghĩ và hành xử tưởng chừng đơn giản vậy thôi nhưng thật khó để người Việt mình bắt chước. BẠN có thể bắt gặp rất nhiều hành động xấu xí mà người Việt Nam đang đối xử với môi trường. Có những cô gái xinh đẹp như thiên thần nhưng vô tư đổ cả thùng rác xuống dòng sông. Trong quán phở thì rất nhiều người tiện tay vứt luôn giấy ăn xuống sàn nhà. Nhiều người ăn mặc rất sang trọng bước vào nhà hàng nhưng thản nhiên ném rác xuống hồ nước ngay cạnh nơi mình ngồi. Có tiền ngồi trên ô tô nhưng sẵn sàng hạ cửa kính để ném rác xuống lòng đường, không cần biết có ai đang đi bên cạnh xe mình. Trẻ con xả rác ra khuôn viên nhà thờ nhưng nhiều phụ huynh cũng không hề cảm thấy áy náy. Những biển cảnh báo nhan nhản khắp nơi như: không xả rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi quy định, cấm đổ rác ở đây... càng chứng tỏ ý thức kém của người dân mình mà thôi.
Gần đây là việc xả rác bừa bãi của một bộ phận “phượt thủ” mà các trang mạng đã đưa tin. Hình ảnh những đống rác ngổn ngang (gồm cả áo mưa, túi nilon, vỏ bánh kẹo, vỏ chai, thậm chí là những đồ dùng cá nhân nhạy cảm) mà một số phượt thủ để lại ven đường hay ở nơi họ đặt chân đến nhiều người bức xúc và lo ngại cho môi trường. Nhiều nhóm phượt thủ đã khiến dân mạng phẫn nộ. Đã có những bài viết lên tiếng chỉ trích các phượt thủ thiếu ý thức. Có người còn nặng lời gọi đó là các “phịch thủ” hay “đám phá hoại” chứ không phải “phượt thủ”. Trong khi mọi người hào hứng tham gia “thử thách dọn rác” thì những người mang tiếng “thích hoà điệu với thiên nhiên” này lại rủ nhau xả rác. Theo đó, những địa điểm có cảnh quan đẹp, bắt đầu được nhiều người biết đến thì rác cũng ngập tràn.
Đáng ra “phượt thủ” thường là những con người (đa số là người trẻ) dám dấn thân, giản dị và gần gũi. Thế nhưng, hình ảnh phượt thủ ngày càng trở nên méo mó và bị gắn với những hành động xấu xí, phản cảm. Những lối hành xử không đẹp mắt của một số bạn trẻ như ngang nhiên chặn đường, chạy xe luồn lách, bật nhạc rồi nhảy múa giữa quốc lộ, nằm ngủ ngay góc cua hay dưới rãnh nước bên đường, phi xe máy vào thẳng cánh đồng hoa, vu oan cho người dân khu du lịch “chặt chém” khách, khoả thân chụp hình... và nhất là xả rác bừa bãi khiến nhiều người chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm. Một số phượt thủ đang trở thành “kẻ thù” của thiên nhiên và trở nên “cơn ác mộng” đối với nhiều cộng đồng ở những nơi mà họ tìm đến để trải nghiệm.
Không thiếu gì cách lành mạnh để lưu lại kỷ niệm tuổi trẻ. Và cũng không quá khó để các phượt thủ tạo thiện cảm với người dân địa phương. Không ai cấm BẠN đi phượt nhưng phải là phượt đẹp, phượt văn minh, phượt thủ chung tay bảo vệ môi trường chứ không phải là những phượt thủ thiếu ý thức, phượt thủ phá hoại. BẠN hãy nhớ đến khẩu hiệu của một “phượt thủ chân chính”: “Không lấy gì đi ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân”. Đừng để người ta phải châm biếm: “Không lấy gì đi ngoài những bức ảnh, nhưng để lại thật nhiều sau những dấu chân”.
Hiện tượng phượt thủ xả rác không chỉ xảy ra ở Việt Nam thôi đâu. Càng ngày càng có nhiều người muốn hoà mình vào thiên nhiên với những chuyến đi phượt hay cắm trại tại các sa mạc để tạo cảm giác mới lạ. Tuy nhiên, điều này cũng để lại những hệ luỵ nan giải về rác thải. Các quốc gia sa mạc vốn đã thiệt thòi về tài nguyên nay đang phải đối mặt với sự xâm chiếm của rác. Trào lưu đi tìm kiếm vẻ đẹp của thiên nhiên lại đang phá huỷ môi trường một cách đầy nghịch lý[2]. Khát khao tận hưởng những giá trị của thiên nhiên nhưng lại tàn phá môi trường thông qua rác thải.
Trào lưu du lịch dã ngoại hiện nay đang đem đến những bài toán khó cho giới chức môi trường ở các quốc gia sa mạc. Nếu trước đây những hoạt động dọn dẹp có thể tập trung tại các địa điểm du lịch nổi tiếng, nay khách du lịch tìm đến bất cứ nơi đâu. Dấu chân người, cát có thể xoá nhoà nhưng rác thì không. Quả thực, ở sa mạc cũng có rất nhiều thứ để khám phá và càng ngày càng có nhiều người nhận ra vẻ đẹp ấy. Nhưng một lần nữa, vẻ đẹp ấy sẽ như thế nào lại đang phụ thuộc rất lớn vào ý thức của con người.
Các nghị phụ tham dự Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XV (2018) đã nhìn nhận thực tế: Nơi một số người trẻ muốn sống hoà điệu với thiên nhiên[3]. Thượng Hội đồng cũng xác định đây là một trong những lĩnh vực cần được quan tâm phát triển trong mục vụ giới trẻ: “Thiên nhiên đặc biệt hấp dẫn rất nhiều bạn trẻ thanh thiếu niên. Họ muốn tiếp xúc với thiên nhiên và nhạy cảm với việc bảo vệ môi trường. Đó chính là trường hợp của phong trào hướng đạo và một số nhóm khác đang tổ chức những ngày sống giữa thiên nhiên, cắm trại, đi bộ, thám hiểm, và các chiến dịch cải thiện môi trường”[4].
Thế nhưng, như Đức Thánh cha Phanxicô nhấn mạnh trong thông điệp Laudato Sí (18/6/2015): “Người chị (trái đất) đang kêu gào vì sự huỷ hoại của chúng ta, vì việc sử dụng vô trách nhiệm và bóc lột các tài nguyên” (số 2). “Chúng ta phải nhìn vào sự ô nhiễm do rác thải gây nên, gồm cả các chất cặn bã nguy hiểm có mặt trong nhiều vùng khác nhau. Ngôi nhà trái đất của chúng ta, càng ngày càng trở nên một bãi rác khổng lồ. Trong nhiều vùng trên trái đất, những người già thường nhớ đến những cánh đồng như thuở xưa, nay thì tràn đầy rác rưởi” (số 21). Và ngài cũng khẩn thiết mời gọi tôi và BẠN cùng nhau suy nghĩ một cách nghiêm túc: Chúng ta muốn để lại cho thế hệ tương lai, con cháu của chúng ta, một thế giới như thế nào? “Chúng ta nhận từ tay Thiên Chúa một ngôi vườn, chúng ta không thể để cho con em mình một sa mạc”[5].
Bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của mọi người đang sinh sống trên trái đất này. BẠN không cần phải làm chuyện gì to tát, chỉ cần đừng xả rác bừa bãi là BẠN đã góp phần gìn giữ môi sinh, vì sức khoẻ của chính BẠN và các thế hệ tương lai. Phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng túi nilon và các đồ nhựa dùng một lần hay đổ rác đúng nơi quy định là những việc BẠN hoàn toàn có thể làm để cho hành tinh này trong lành hơn. Một hành động đẹp của BẠN sẽ là nguồn cảm hứng cho những người trẻ khác cùng chung tay bảo vệ môi trường. Và... nếu có đi phượt thì hãy là phượt thủ văn minh, phượt thủ dọn rác BẠN nhé!
T/B. BẠN có gì thắc mắc, muốn chia sẻ hay cần trao đổi thêm, xin liên hệ với Nhịp cầu Bạn trẻ qua:
+ Email: nhipcaubantre@gmail.com
+ Facebook: Nhịp Cầu Bạn Trẻ
[1] MAI AN, Cổ động viên Nhật Bản dọn rác trên khán đài không phải là ngẫu hứng, theo Tạp chí Tri thức trực tuyến Zing News (25/11/2022): https://lifestyle.zingnews.vn/cdv-nhat-ban-don-rac-tren-khan-dai-khong-phai-la-ngau-hung-post1378883.html
[2] ANH PHƯƠNG - NGUYỄN TUẤN, Trào lưu dã ngoại và bãi rác thải ngày càng mở rộng trên sa mạc, theo Báo điện tử VTV News (08/5/2022): https://vtv.vn/the-gioi/trao-luu-da-ngoai-va-bai-rac-thai-ngay-cang-mo-rong-tren-sa-mac-20220508124505554.htm
[3] PHANXICÔ, Tông huấn Chúa Kitô Đang Sống - Christus Vivit (25/3/2019), số 84.
[4] PHANXICÔ, Tông huấn Chúa Kitô Đang Sống - Christus Vivit (25/3/2019), số 228.
[5] x. Sứ điệp video của Đức Thánh cha Phanxicô nhân dịp Bộ Phục vụ và Phát triển Con người toàn diện công bố “Chương trình Hành động Laudato Sí”, theo Hồng Thuỷ - Vatican News (25/5/2021): https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-05/dtc-phanxico-su-diep-video-nen-tang-hanh-dong-laudato-si.htm
Tác giả: Nhịp cầu Bạn trẻ