Nhịp cầu Bạn trẻ 05: Cùng nhau (Together)
Chủ nhật - 07/05/2023 05:09
840
BẠN biết gì về Olympic Tokyo 2020? Kỳ Thế vận hội này có điều gì đặc biệt?
Tôi muốn cung cấp cho BẠN một vài thông tin liên quan.
Olympic Tokyo chính thức khai mạc vào ngày 23/7/2021, là kỳ Thế vận hội Mùa hè đặc biệt nhất trong lịch sử thể thao thế giới. Mặc dù bị hoãn đúng một năm do đại dịch Covid-19 hoành hành trên toàn thế giới, nhưng vẫn giữ nguyên tên gọi Olympic Tokyo 2020.
Trong phiên họp lần thứ 138 (vào ngày 20/7/2021), Uỷ ban Olympic quốc tế (IOC) đã nhất trí thông qua đề xuất sửa đổi khẩu hiệu của Thế vận hội để khẩu hiệu này phù hợp với hoàn cảnh hiện tại hơn. Theo đó, khẩu hiệu (slogan) của phong trào Olympic “Nhanh hơn - Cao hơn - Mạnh hơn” (tiếng Anh: Faster - Higher - Stronger) được bổ sung từ “Together” (cùng nhau) để thành: “Nhanh hơn - Cao hơn - Mạnh hơn - Cùng nhau”. Khẩu hiệu ngoài việc động viên các vận động viên thi đấu hết sức mình để lập những kỷ lục mới, còn muốn nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, nhất là trong bối cảnh toàn thế giới đang phải ứng phó với khó khăn lúc đó - đại dịch Covid-19.
Rõ ràng, Uỷ ban Olympic muốn đặc biệt nhấn mạnh vào sự cần thiết của tình đoàn kết, trợ giúp nhau trong những thời điểm khó khăn. Và quả thật, những nỗ lực hợp tác đang mang lại những kết quả nhanh hơn và tốt hơn so với làm việc độc lập.
Cũng nên nhắc lại một sự kiện cảm động diễn ra tại Olympic Rio 2016 ở bộ môn điền kinh[1]. Trên đường chạy ở vòng loại cự ly 5000 mét, nữ vận động viên Nikki Hamblin (New Zealand) vấp ngã khiến đối thủ Abbey D’Agostino (Mỹ) chạy sau va phải và ngã nhào ra đường chạy. D’Agostino là người đứng lên trước, đỡ Hamblin dậy và động viên cô tiếp tục hoàn thành cuộc đua. Sự giúp đỡ đưa Hamblin nhanh chóng quay lại với cuộc đua, song cú vấp ngã khiến D’Agostino dính chấn thương đầu gối và tỏ ra đuối sức. Trước cảnh người bạn vì mình mà bị đau, Hamblin quay lại định giúp đỡ nhưng D’Agostino từ chối và yêu cầu cô bạn mới quen tiếp tục thi đấu để lấy thành tích. Thật bất ngờ, Hamblin đã không đắn đo, hy sinh phần thi chạy của mình để giúp vận động viên người Mỹ cùng bước qua vạch đích.
Kết thúc chặng đua, Hamblin về đích với thành tích 16 phút và 43 giây, trong khi D’Agostino về sau cùng, với thành tích 17 phút và 10 giây, chậm hơn hai phút so với người về nhất là Almaz Ayana của Ethiopia. Sau khi kết thúc phần thi, Abbey D’Agostino phải nhờ sự hỗ trợ từ chiếc xe lăn để rời sân.
Tinh thần thể thao cao thượng và hình ảnh giúp nhau hoàn thành cuộc đua, “cùng nhau” về đích của hai vận động viên điền kinh này đã khiến khán giả cảm phục. Tuy không thể dành chiến thắng nhưng họ đã trở thành “nhà vô địch” trong lòng người hâm mộ. Thậm chí, ban tổ chức Olympic đã tưởng thưởng cho cả hai vận động viên, khi đặc cách cho họ vào chạy chung kết nội dung 5000m. Cặp vận động viên này còn được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) trao tặng huy chương đặc biệt cao quý Pierre de Coubertin, nhờ câu chuyện cảm động mà hai người đã cùng nhau viết trên đường chạy.
Khi thi đấu, bất cứ ai cũng mong muốn mình về nhất nhưng có những điều có lẽ còn quan trọng hơn cả chiến thắng, hơn cả giải thưởng. Bục vinh quang không chỉ dành cho những người thi đấu xuất sắc nhất nhưng còn là nơi tôn vinh những giá trị lớn hơn mà thể thao hướng tới. Đó là sự cống hiến hết mình, lối chơi đẹp và hơn hết, là thắt chặt tình liên đới gắn kết. Một mình chiến thắng thôi thì chưa đủ, tất cả “cùng nhau” chiến thắng thì cuộc thi mới đủ đầy ý nghĩa chân chính. Vòng nguyệt quế không chỉ được đeo cho những người đạt giải cao nhất mà còn được trao cho những ai đã nỗ lực cố gắng vượt qua chính mình, vượt qua sự ích kỷ và tham vọng cá nhân.
Điều này càng có ý nghĩa hơn khi nhìn đến một xã hội mà dường như ai cũng muốn tìm mọi cách để giành chiến thắng, để khẳng định mình. Một khi đặt lợi ích cá nhân lên trên hết, rất nhiều người sẵn sàng dùng mọi phương tiện, thậm chí là dùng những thủ đoạn, âm mưu, mánh khoé để đè đầu cưỡi cổ, để hạ bệ người khác nhằm tôn mình lên. Không thiếu gì cảnh anh em tranh giành nhau từng phân đất. Tình nghĩa bạn bè đôi khi rạn nứt chỉ vì chút tư lợi nhỏ nhoi. Nhiều cơ sở kinh doanh dùng biện pháp “đạp đổ” để tranh giành thị trường. Hàng xóm không thể sống chung vì những sự ghen ghét, đố kị. Thành công của người này lại rất dễ trở thành “cái gai” trong mắt người khác...
Một câu ngạn ngữ châu Phi nói rằng: “Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu bạn muốn đi xa, hãy đi với những người khác”[2]. Là những người trẻ, BẠN được mời gọi cầu nguyện “cùng nhau”, bước đi “cùng nhau”, chung sống “cùng nhau”, làm việc “cùng nhau”, thi đấu “cùng nhau”, mơ ước “cùng nhau”, chia sẻ thao thức “cùng nhau”, dấn thân cống hiến “cùng nhau”... để khao khát hướng đến niềm vui sống tình hiệp thông huynh đệ, để kiến tạo một thế giới hoà bình thịnh vượng và xây dựng một xã hội tốt đẹp, bền vững hơn. Có như thế, chúng ta mới có những kinh nghiệm về niềm vui trong cuộc sống. Vui khi quảng đại hy sinh, tìm kiếm điều tốt đẹp cho những người khác. Vui vì điều tốt đẹp của người khác: “Hãy vui với người vui” (Rm 12,15).
Trong cái nhìn ấy, mời BẠN đọc lại câu chuyện “Rùa và Thỏ” theo một phiên bản mới, mà tôi tạm gọi là “cùng nhau chiến thắng”. Đây vốn là câu chuyện ngụ ngôn rất quen thuộc với chúng ta, nhưng đã được Roberto Goizueta, Giám đốc Điều hành của Coca Cola trong những năm 1980, mở rộng thành một triết lý đáng suy ngẫm:
“Ngày xửa ngày xưa, có một con Rùa và một con Thỏ cãi nhau xem ai nhanh hơn. Chúng quyết định giải quyết việc tranh luận bằng một cuộc thi chạy đua.
Thỏ xuất phát nhanh như tên bắn và chạy thục mạng một hồi, và sau khi thấy rằng đã bỏ khá xa bạn Rùa, Thỏ nghĩ nó nên nghỉ mệt dưới một tán cây bên đường và thư giãn trước khi tiếp tục cuộc đua. Thỏ ngồi dưới bóng cây và nhanh chóng ngủ thiếp đi. Rùa từ từ vượt qua Thỏ và sớm kết thúc đường đua, giành chiến thắng. Thỏ giật mình tỉnh giấc và nhận ra rằng nó đã bị thua.
Thỏ vô cùng thất vọng vì để thua và nó cố suy nghĩ. Nó nhận ra rằng nó đã thua chỉ vì quá tự tin, bất cẩn và thiếu kỷ luật. Nếu nó không xem mọi thứ quá dễ dàng và chắc thắng, thì Rùa không thể nào có thể hạ được nó. Vì thế, nó quyết định thách thức một cuộc đua mới. Rùa đồng ý. Lần này, Thỏ chạy với tất cả sức lực của nó và chạy suốt một mạch về đích. Nó bỏ xa Rùa đến mấy dặm đường.
Rùa đã suy ngẫm kết quả và nhận ra rằng: nó không có cách nào thắng được Thỏ trên đường đua vừa rồi. Nó suy nghĩ thêm một tí nữa và rồi thách Thỏ một cuộc đua khác, nhưng có một chút thay đổi về đường đua. Thỏ đồng ý. Chúng bắt đầu cuộc đua. Như đã tự hứa với lòng mình là phải luôn nhanh, Thỏ bắt đầu chạy và chạy với tốc độ cao nhất cho đến bên bờ sông. Vạch đích đến lại còn đến 2km nữa ở bên kia sông! Thỏ đành ngồi xuống và tự hỏi không biết làm sao đây. Trong lúc đó, Rùa đã đến nơi, lội xuống sông và bơi qua bờ bên kia, tiếp tục chạy và kết thúc đường đua.
Đến đây, Thỏ và Rùa đã trở thành đôi bạn thân thiết và họ cùng nhau suy ngẫm. Cả hai nhận ra rằng cuộc đua sau cùng có lẽ sẽ có kết quả tốt hơn. Vì thế, chúng quyết định tổ chức một cuộc đua cuối cùng, nhưng chúng sẽ cùng chạy chung một đội. Cuộc đua bắt đầu, Thỏ cõng Rùa chạy đến bên bờ sông, Rùa lội xuống sông và cõng Thỏ bơi qua bên kia bờ sông. Lên đến bờ, Thỏ lại cõng Rùa đưa cả hai cùng về đích. Và chúng cùng nhận ra rằng đã về đích sớm hơn rất nhiều so với các lần đua trước”.
Ngoài ra còn rất nhiều bài học cho cuộc sống và nhiều triết lý trong kinh doanh có thể rút ra từ câu chuyện này mà BẠN có thể đọc thêm[3].
Xin được kết thúc với lời thánh Phaolô: “Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết” (1Tx 3,12).
T/B. BẠN có gì thắc mắc, muốn chia sẻ hay cần trao đổi thêm, xin liên hệ với Nhịp cầu Bạn trẻ qua:
+ Email: nhipcaubantre@gmail.com
+ Facebook: Nhịp Cầu Bạn Trẻ
[1] LỘC BÌNH, Hình ảnh cao thượng nhất Olympic: Nữ vận động viên New Zealand dìu đối thủ về đích, theo VTC News (17/8/2016): https://vtc.vn/hinh-anh-cao-thuong-nhat-olympic-nu-van-dong-vien-new-zealand-diu-doi-thu-ve-dich-ar271617.html
[2] PHANXICÔ, Tông huấn Chúa Kitô Đang Sống - Christus Vivit (25/3/2019), số 167.
[3] HỌC VIỆN QUẢN LÝ PACE, Câu chuyện Rùa và Thỏ “tân thời” và bài học trong kinh doanh, theo: https://www.pace.edu.vn/tin-kho-tri-thuc/cau-chuyen-rua-va-tho-tan-thoi-va-bai-hoc-trong-kinh-doan
Tác giả: Nhịp cầu Bạn trẻ