Mỗi năm khi Giáo hội cử hành phụng vụ mùa Chay, đặc biệt trong thời điểm chuẩn bị bước vào Tuần Thánh, BẠN hay quan tâm về luật giữ chay và kiêng thịt trong Giáo hội. Đại loại các thắc mắc xoay quanh các vấn đề như: Những thực phẩm nào được phép ăn? Những ai được “miễn chay”? Chẳng may “phá chay” thì có sao không?
Một số BẠN tỏ ra “chuyên sâu” hơn khi đặt những câu hỏi đầy hoắm hứ, cắc cớ: Mỡ được phép ăn, vậy tóp (mỡ) có được ăn không? Thịt bò thì đương nhiên không được ăn nhưng sữa bò nguyên chất trăm phấn trăm thì thế nào? Trứng gà, trứng vịt được ăn, còn trứng ngỗng, trứng đà điểu thì tính sao? Nước ép trái cây vẫn được dùng thế nước trái cây ngâm (rượu) thì sao? Trứng vịt lộn vẫn được ăn nhưng nếu chỉ thích ăn mỗi phần “con” chứ không ăn phần “lòng đỏ” thì có sao không? Ăn bún ốc thì có được chan nước dùng cốt bò/gà không? Mực khô có được ăn không? (mà “gần mực thì bia”!)... Rất đa dạng và phong phú!
BẠN cũng hay phàn nàn về cơn cám dỗ muôn thuở: Cứ vào ngày ăn chay là cảm thấy nhanh đói thế? Không “bóng môi” mãi chẳng sao nhưng cứ đến ngày kiêng thịt là lại thèm thịt. BẠN đừng lấy làm lạ. Sau khi Chúa Giêsu ăn chay cầu nguyện trong hoang mạc bốn mươi đêm ngày, đúng lúc Chúa cảm thấy đói thì ma quỷ nhanh nhẹn chớp thời cơ, lanh lẹ đến cám dỗ Người, mà trước tiên là về bánh ăn (x. Mt 4,2-3; Lc 4,2-3).
Trước hết, BẠN cần hiểu rõ mục đích của việc giữ chay trong Giáo hội. Luật Thiên Chúa đòi buộc tất các các Kitô hữu phải thực hành sám hối, nhất là việc giữ chay và kiêng thịt. Giữ chay là để sám hối, đồng thời giảm bớt chi tiêu ăn uống để làm việc bác ái. Chúa Giêsu luôn gắn kết việc ăn chay với đời sống cầu nguyện và làm việc bố thí (x. Mt 6,1-18). Vì thế, thực thi tinh thần chay tịnh cách tích cực thì không quá băn khoăn thực phẩm nào được phép hay không được phép, không quá quan tâm đến những trường hợp miễn trừ không phải giữ, càng không tìm những thức ăn để “lách luật”, hoặc quá nhồi nhét bao tử vào các ngày “thứ Ba béo” và “thứ Năm béo”...
BẠN không chỉ được mời gọi kiêng bớt, tiết giảm trong ăn uống mà còn phải giữ chay luân lý, tức là chay tịnh trong lời nói, suy nghĩ, ước muốn... Không thể ăn chay mà lại vẫn vô tư nói bậy, nghĩ bậy, làm bậy. Người xưa cũng dạy: “Ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối”.
Hội Thánh không đặt ra luật nhằm bắt lỗi con cái mình nhưng vì lợi ích của các linh hồn. Hội Thánh cũng mong muốn những người trẻ được miễn khỏi giữ luật ăn chay kiêng thịt vì lý do tuổi tác cũng được giáo dục về ý nghĩa đích thực của việc sám hối[1]. Vì vậy, những BẠN chưa đến tuổi buộc phải giữ chay hoàn toàn có thể ăn chay kiêng thịt.
Dẫu vậy, xin giải thích vắn tắt với BẠN về luật giữ chay được quy định trong Giáo hội như sau:
1. Luật ăn chay
Giáo hội buộc các tín hữu phải ăn chay và kiêng thịt trong ngày Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh[2]. Khắp nơi vẫn phải thực hành nghiêm nhặt việc giữ chay thánh dịp lễ Vượt Qua, nghĩa là vào ngày thứ Sáu tưởng niệm cuộc Khổ Nạn và việc Chúa chịu chết, nếu không trở ngại nên kéo dài qua thứ Bảy Tuần Thánh, để với tâm hồn nâng cao và rộng mở, người tín hữu sẽ hưởng trọn vẹn niềm vui phục sinh[3].
Đối tượng phải giữ luật ăn chay là tất cả mọi người từ tuổi thành niên (18 tuổi trọn) cho đến khi bắt đầu được 60 tuổi[4]. Theo luật này, BẠN chỉ được phép ăn một bữa trọn vẹn trong ngày. Có thể ăn một lượng thức ăn ít hơn vào buổi sáng và buổi tối. Hai bữa ăn nhỏ không được tính bằng một bữa trọn vẹn. Các chất lỏng, kể cả sữa và nước trái cây, không hề phá chay.
2. Luật kiêng thịt
Luật Hội Thánh buộc các tín hữu từ 14 tuổi trọn đến mãn đời phải kiêng thịt vào các ngày thứ Sáu trong năm, nếu không trùng với một trong những ngày lễ trọng[5]. Theo luật này, ta không được ăn thịt, nhưng được ăn trứng, các thức ăn làm với sữa hay các loại nước chấm làm bằng mỡ động vật. Thịt bị cấm là thịt của các loài có vú và thảo cầm. Luật không cấm ăn cá và các đồ hải sản, những loài lưỡng cư và những loài bò sát.
Tuy nhiên, các ngày thứ Sáu, có thể thay việc kiêng thịt bằng một việc đạo đức hay một việc từ thiện bác ái như: đọc hay nghe một đoạn Lời Chúa, làm một việc hãm mình đền tội, giúp đỡ người nghèo, làm một việc công ích...[6]. Như thế, để giữ luật hãm mình ngày thứ Sáu, BẠN có thể kiêng thịt như luật chung Hội Thánh quy định, hay làm một việc đạo đức, từ thiện bác ái như Hội đồng Giám mục Việt Nam đã cho phép.
3. Luật giữ chay Thánh Thể
Luật giữ chay một giờ trước khi rước lễ vẫn còn hiệu lực: “Người nào muốn rước Thánh Thể, thì phải kiêng mọi thức ăn, thức uống, chỉ trừ nước lã và thuốc chữa bệnh, ít là khoảng một giờ trước khi rước lễ. Những người cao niên và bệnh tật, cũng như những người chăm sóc họ, có thể rước Thánh Thể, dù đã ăn uống chút ít trước đó không tới một giờ”[7].
Mục đích chính mà Giáo hội mong muốn, đó là sự chuẩn bị tâm hồn và thể xác trước khi đón nhận Mình Thánh Chúa, cũng như sự tôn trọng và sùng kính đối với Thánh Thể.
BẠN hãy nhớ về những ngày tháng sau khi được rước lễ lần đầu. Nhiều khi bỏ cả bữa tối cùng gia đình để cố gắng làm sao giữ chay trước khi rước lễ. Ngay cả sau khi rước lễ, ai mời gì cũng nhất quyết không ăn cho tới khi đã về nhà uống được một ngụm nước mưa. Những sự sốt sắng đơn sơ ấy đôi khi lại là những tâm tình trọn vẹn nhất mà mình có cho đến bây giờ.
Cầu chúc BẠN tham dự phụng vụ Tuần Thánh thật sốt sắng và kín múc được dồi dào ơn Chúa. Nhớ giữ chay BẠN nhé!
T/B. BẠN có gì thắc mắc, muốn chia sẻ hay cần trao đổi thêm, xin liên hệ với Nhịp cầu Bạn trẻ qua:
+ Email: nhipcaubantre@gmail.com
+ Facebook: Nhịp Cầu Bạn Trẻ
[1] Bộ Giáo luật 1983, điều 1252.
[2] Bộ Giáo luật 1983, điều 1251.
[3] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế về Phụng vụ Thánh (04/12/1963), số 110.
[4] Bộ Giáo luật 1983, điều 1252; x. điều 97 §1.
[5] Bộ Giáo luật 1983, điều 1251.
[6] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Khoá họp tháng 4 năm 1991.
[7] Bộ Giáo luật 1983, điều 919 §1 và §3.