Nhịp cầu Bạn trẻ 04: Từ ngày có Facebook...

Thứ tư - 26/04/2023 04:42  1672
facebook logoTừ phiên bản đầu tiên xuất hiện ở ký túc xá Harvard vào năm 2004, tới nay Facebook đã trở thành một “quốc gia” có đông “dân cư” nhất trên thế giới. Theo thống kê, tính đến tháng 12 năm 2022, trên toàn cầu có hơn 2,93 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng (chiếm khoảng 36% dân số thế giới). Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có số lượng người dùng Facebook cao nhất thế giới (tính đến tháng 4 năm 2022) với 75,9 triệu người dùng[1]. Và số người, nhất là những bạn trẻ “không thể sống mà thiếu mạng xã hội”, đặc biệt là Facebook, có lẽ cũng tương đối lớn.

Nhìn nhận một cách khách quan, Facebook nói riêng và các mạng xã hội nói chung có nhiều mặt tích cực, ích lợi cho cuộc sống. Các nghị phụ tham dự Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XV (2018) với chủ đề: “Giới trẻ, Đức tin và biện phân ơn gọi” chỉ ra rằng: Mạng xã hội là nơi giới trẻ dành rất nhiều thời gian và gặp gỡ nhau dễ dàng. Những trang mạng đang tạo nên một cơ hội đặc biệt để đối thoại, gặp gỡ và trao đổi với nhau, cũng như để tiếp cận thông tin và tri thức. Hơn nữa, môi trường kỹ thuật số là bối cảnh để tham gia chính trị và xã hội và để thực thi quyền công dân cách tích cực[2]. Tuy nhiên, Facebook cũng đưa đến không ít tác hại tiêu cực nếu không biết cách sử dụng đúng đắn.

Trong cuốn sách có tựa đề Người chơi Facebook khôn ngoan biết rằng..., tác giả đưa ra nhận định: Đời sống ảo đã thành một phần của đời sống thực. Đời sống ảo cũng đầy vấn đề như đời thực. Thành công từ thế giới ảo có thể tốt cho đời thực. Nhưng... sống ảo vẫn không bao giờ là sống thực[3].

Không biết từ ngày có (và dùng) Facebook, cuộc sống của BẠN thay đổi thế nào. Còn tôi, Facebook đã làm thay đổi rất nhiều thứ.

1. Từ ngày có Facebook, tôi gắn bó với màu xanh nhiều hơn. Không phải vì màu xanh là biểu tượng của trung thành hay bình yên gì đâu, nhưng đơn giản vì đó là màu của logo Facebook. Có lẽ Facebook biết được khi mình ra đời thì con người sẽ ít nhìn lên bầu trời hơn nên đã khôn ngoan chọn cho mình màu xanh.

2. Từ ngày có Facebook, câu nói đầu tiên mỗi khi tôi bước vào bất cứ quán ăn hay nhà hàng nào là: “Cho em xin mật khẩu Wifi”, chứ không phải: “Cho em xin cái Menu”.

3. Từ ngày có Facebook, tôi có thêm rất nhiều người “bạn” thuộc mọi lứa tuổi. Tôi có thể “kết bạn” với bố mẹ, ông bà mình. Thật không thể ngờ được... Facebook đã đảo lộn những mối quan hệ và kể cả trật tự các thế hệ trong gia đình.

4. Từ ngày có Facebook, quà sinh nhật nhiều hơn nhưng toàn là ảnh với chữ. Tôi nhận được nhiều bánh “ảo” nhưng không ăn được; hoa “ảo” rất đẹp nhưng không có hương; và vô vàn thiệp chúc mừng có lẽ đã được gửi hàng loạt chỉ sau một thao tác nhấn.

5. Từ ngày có Facebook, tôi biết rất nhiều thông tin đa dạng: từ việc tìm hiểu ở những vùng đất nào trên thế giới người ta ăn trứng vịt lộn và tiết canh, cho đến các sinh hoạt tôn giáo và chính trị. Mọi biến chuyển ở bất cứ nơi nào trên trái đất, tôi đều có thể cập nhật, nhưng lại thờ ơ, không quan tâm cho đủ và biết rất ít về cuộc sống của những người thân trong gia đình, cộng đoàn, làng xóm.

6. Từ ngày có Facebook, tôi thường đi ngủ vào lúc rạng sáng thay vì buổi tối hay cùng lắm là nửa đêm như hồi chưa có mạng xã hội.

7. Từ ngày có Facebook, khi vô tình bắt gặp một ai đó mà mình thân quen, tôi sẽ tháo tai nghe thay vì phải bỏ mũ xuống như trước kia.

8. Từ ngày có Facebook, khi di chuyển bằng các phương tiện công cộng, tôi sẽ nghĩ đến việc dành cho mình một thế giới riêng với mạng xã hội chứ không tìm cách chuyện trò, kết nối với những người ngồi xung quanh như đã từng làm ngày trước.

9. Từ ngày có Facebook, nhiệm vụ chính của đôi tay tôi là lướt, quệt và chấm; chứ không phải là cầm, nắm, đỡ...

10. Từ ngày có Facebook, tôi lướt qua bao nhiêu quảng cáo bán hàng mỗi ngày nhưng không tỏ ra quá bực bội như khi phải xem những đoạn quảng cáo xen vào giữa một bộ phim hay đang trình chiếu trên tivi.

11. Từ ngày có Facebook, tôi thấy mình trở nên ghen tỵ với người khác nhiều hơn. Cứ nhìn vào những gì người khác “phô bày” trên mạng, hình như ai cũng xinh đẹp hơn tôi, tài giỏi hơn tôi và nổi tiếng hơn tôi?

12. Từ ngày có Facebook, tôi tích cực gia nhập vào giới “điều tra viên” lúc nào không hay, rồi vô tình trở thành những “dân phòng trên mạng”, tự cho mình có quyền lên tiếng, chỉ trích, nhục mạ và lên án người khác[4]. Danh dự của tôi cũng như của nhiều người đang bị đe doạ qua những cuộc xét xử sơ sài trực tuyến trên mạng[5].

13. Từ ngày có Facebook, tôi nhận ra rằng tin tức và truyện (story) nhiều khi không phải để đọc mà là để lướt. Tôi không còn nói chuyện bằng miệng mà chủ yếu bằng ngón tay. Tôi không nghe bằng tai mà nghe bằng mắt.

14. Từ ngày có Facebook, chỉ số thành công và hài lòng về bản thân được tính bằng lượt thích (like), chia sẻ (share) và bình luận tán thành (comment) từ những gì tôi đăng. Cảm xúc vui buồn của tôi lệ thuộc vào những sự đánh giá “ảo” như thế. Hoá ra nhu cầu nổi tiếng, nhu cầu khẳng định mình trong tôi là quá lớn. Tôi sợ thế gian lãng quên tôi.

15. Từ ngày có Facebook, việc đầu tiên mà tôi nghĩ tới khi giật mình thức giấc là cập nhật Facebook. Trang đầu tiên tôi truy cập mỗi khi bật máy lên cũng là Facebook, rồi mới đến mail công việc và những tìm kiếm khác. Tôi “thỉnh thoảng” cập nhật Facebook “liên tục” như một thói quen mà chẳng biết để làm gì. Ngay cả khi đi vệ sinh, tôi vẫn cố mở máy lướt xem “thế giới” hiện đang thế nào.

16. Từ ngày có Facebook, tôi trở nên lấn cấn, băn khoăn mỗi khi phải đưa ra quyết định, chọn lựa cho mình. Thật khó để biết đâu là thông tin thật hay giả, sản phẩm thật hay nhái... khi mà thông tin rác tràn lan. Ngay cả người đang nhắn tin với mình, tôi cũng chẳng biết độ tin cậy ra sao. Kẻ lừa đảo và người chân thật cùng xuất hiện ở phía sau màn hình.

17. Từ ngày có Facebook, tôi mới thấy mình có (và từng có) nhiều liên hệ bạn bè như thế. Số lượng bạn chỉ thoả mãn nhu cầu xã hội của tôi thôi.

18. Từ ngày có Facebook, tôi nhận ra những thầy cô có đông học trò theo dõi nhất không còn là những giáo viên giỏi, tâm huyết, truyền cảm hứng nhưng lại là những thầy cô tự xưng. Những bài giảng thu hút nhất có khi lại xuất phát từ miệng của những “thánh chửi”, “giang hồ mạng”...

19. Từ ngày có Facebook, nhờ “hiệu ứng lan toả”, những video clip quay lại những hành động điên rồ, lố bịch lắm khi lại được phát tán nhanh rộng hơn rất nhiều so với những gương tốt việc tốt, giàu ý nghĩa nhân văn.

20. Từ ngày có Facebook, việc đầu tiên tôi nghĩ tới khi ngồi vào bàn tiệc hay đặt chân đến một địa điểm mới, đó là chụp hình. Tôi cứ nghĩ mình phải cho cả thiên hạ biết “mình đang ăn” và “mình đang ở đó” mới là điều quan trọng. Tôi quên mất rằng mình đến đó là để thưởng thức món ăn và thưởng ngoạn thiên nhiên.

Và... còn rất nhiều điều khác từ ngày có Facebook. Không biết tôi đã “nghiện Facebook” hay chưa nhưng cuộc sống của tôi đúng là đã có quá nhiều thay đổi, xáo trộn. Facebook là mạng xã hội, thế giới ảo nhưng hậu quả thật.

Tôi chợt giật mình khi nghĩ đến những lời cảnh báo của thánh Phaolô: “Sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường” (2Tm 4,3-4). Phải chăng từ ngày có Facebook, tôi cũng đang chạy theo dục vọng để hướng mình về toàn những chuyện hoang đường?

Còn BẠN... Từ ngày sử dụng Facebook, cuộc sống của BẠN có trở nên phong phú và sâu sắc hơn không?

Tôi không dám đưa ra một lời khuyên. Ở đây, tôi muốn cùng BẠN đọc lại những lời nhắn nhủ của vị cha chung Giáo hội để chúng ta suy nghĩ và có những phân định cho bản thân mình: “Internet cho chúng ta nhiều cơ hội gặp gỡ và liên đới với nhau hơn. Đây là điều thực sự tốt lành, là quà tặng của Thiên Chúa. Nhưng cần làm thế nào để luôn bảo đảm rằng các phương tiện truyền thông hiện nay hướng chúng ta đến cuộc gặp gỡ quảng đại, chân thành tìm kiếm sự thật toàn vẹn, phục vụ người nghèo, gần gũi với họ và dấn thân xây dựng công ích [...] Chúng ta không thể chấp nhận một thế giới kỹ thuật số được hoạch định để khai thác các nhược điểm của chúng ta và phơi bày những điều tồi tệ nhất nơi con người”[6].

Là những con người của thế giới hiện đại, chúng ta phải làm thế nào để công nghệ phục vụ chúng ta chứ đừng để công nghệ chi phối cuộc sống chúng ta. Thời gian của đời người chỉ có hạn, không nên tiêu phí vào những điều vô bổ, thậm chí là có hại[7]. Hãy là người dùng Facebook một cách thông thái, tự chủ, chừng mực và văn minh.


[1] Theo Từ điển Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia và https://tongluc.com/so-lieu-thong-ke-cua-facebook-nam-2022-nhung-con-so-an-tuong/, truy cập ngày 26/4/2023.
[2] PHANXICÔ, Tông huấn Chúa Kitô Đang Sống - Christus Vivit (25/3/2019), số 87.
[3] XUÂN NGUYỄN (tuyển chọn), Người chơi Facebook khôn ngoan biết rằng..., Kim Diệu - Ý Như dịch, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2016.
[4] x. ĐẶNG HOÀNG GIANG, Thiện, ác và Smartphone, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2017.
[5] PHANXICÔ, Tông huấn Chúa Kitô Đang Sống - Christus Vivit (25/3/2019), số 89.
[6] PHANXICÔ, Thông điệp về Tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội - Fratelli Tutti (03/10/2020), số 205.
[7] x. NGUYỄN XUÂN QUANG, Khuôn mặt xã hội của Facebook, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2021, tr. 4-5.

Tác giả: Nhịp cầu Bạn trẻ

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập100
  • Máy chủ tìm kiếm64
  • Khách viếng thăm36
  • Hôm nay27,193
  • Tháng hiện tại741,736
  • Tổng lượt truy cập76,450,002
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây