Nhịp cầu Bạn trẻ 10: Vì sao ngại dấn thân?

Thứ ba - 27/06/2023 21:49  1525
10 danthanThượng Hội đồng Giám mục Thế giới về Giới trẻ (2018) nhìn nhận rằng: “Dấn thân xã hội là một nét đặc thù của giới trẻ hôm nay, dù với những cách thức khác so với các thế hệ trước đây. Tuy có một số sống dửng dưng, nhưng vẫn có nhiều người trẻ sẵn sàng đáp lại lời kêu gọi hoạt động thiện nguyện, trở nên công dân tích cực và sống tình liên đới trong xã hội”[1]. Sẽ thật đẹp khi nhắc đến người trẻ là người ta nghĩ ngay tới những hình ảnh hăng hái, xông pha trong mọi công việc, nhất là các việc bác ái và phục vụ. Các tổ chức Đoàn vẫn kêu gọi: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.

Tuy nhiên, như các nghị phụ Thượng Hội đồng đã chỉ ra, vẫn đang tồn tại một số người trẻ sống dửng dưng, thiếu tinh thần trách nhiệm và thiếu lòng nhiệt thành dấn thân xã hội. Tôi muốn cùng BẠN thử đưa ra một vài nguyên nhân dẫn đến tình trạng “ngại dấn thân” nơi một bộ phận giới trẻ, cách riêng là người trẻ tại Á Đông hiện nay. Có thể bàn đến hiện tượng “lười biếng xã hội”, hội chứng “vừa đủ” và trào lưu “nằm thẳng”.

1. Lười biếng xã hội
 
Theo tâm lý học xã hội, một trong những ảnh hưởng của nhóm đến hành vi của chúng ta là hiện tượng “lười biếng xã hội” (social loafing). Lười biếng xã hội được coi là một hệ quả từ sự hiện diện của những người khác. Đôi khi sự hiện diện của những người khác có thể không làm sản sinh ra năng lượng hay giúp hoàn thành công việc. Tất cả chúng ta đều đã từng gặp những người chỉ muốn “sống nhờ” hay làm càng ít càng tốt. Khi có mặt của nhiều người, cá nhân thành người ít bị nhận thấy hơn và vì thế, ít lo lắng về việc bị đánh giá. Mặc dù họ có năng lực và làm việc độc lập rất tốt nhưng họ lại dễ dàng trở nên “nhạt nhoà” trong tập thể.

Việc một cá nhân cảm thấy đóng góp của mình quan trọng như thế nào với kết quả tập thể và việc anh ta coi trọng mục tiêu ra sao sẽ có ảnh hưởng tới hiệu suất làm việc. Nói đến lười biếng xã hội là nói đến việc người ta “thong thả” hơn, ít nỗ lực hơn trong hoạt động chung, khi cá nhân không phải chịu trách nhiệm về công việc của mình và cũng không có ai xác định được công việc ra sao, cụ thể thế nào[2]. Nói cách khác, đó là hiệu ứng ỷ lại, không bỏ công sức nhiều trong công việc tập thể.

Lười biếng xã hội là xu hướng của con người - trong sự có mặt, tham gia của những người khác - làm việc kém hiệu quả đi khi thực hiện các nhiệm vụ đơn giản bởi vì sự đóng góp cá nhân mang tính vô danh. Nhiều người trẻ ngày nay cũng đang rơi vào xu hướng này khi mà sự tưởng thưởng vô danh không đủ sức thu hút họ làm việc và cống hiến. Phải chăng một số người trẻ chỉ thích thú với việc đi tìm sự nổi tiếng, vinh quang của cá nhân chứ không mấy hứng thú với những hoạt động chung, những hoạt động vì cộng đồng?

2. Hội chứng vừa đủ
 
“Hội chứng vừa đủ” được ông Kim Woo Choong, nhà sáng lập - cựu chủ tịch Tập đoàn Daewoo Hàn Quốc đề cập trong một cuốn sách rất thú vị có tựa đề: Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc để làm. Theo ông, “hội chứng vừa đủ” chính là thái độ làm việc và vui chơi vừa phải: “làm thế là đủ rồi”. Có thể diễn tả hội chứng này bằng các cụm từ trong tiếng Việt như: làng nhàng, bình bình, nhàn nhạt, tàm tạm, vừa vừa... Đương nhiên, khi tất cả đều chủ trương “vừa đủ” thì cái mới, cái đỉnh cao hiếm khi xuất hiện.

Ông Kim cũng cho biết, kể từ khi thành lập công ty, ông không bao giờ cho phép nhân viên của mình có tư tưởng “hội chứng vừa đủ”. Bởi “hội chứng vừa đủ” không phải là thái độ đúng đắn để phát triển cá nhân, cũng như phát triển xã hội. Những người luôn cố gắng hết mình trong cuộc sống không bao giờ lãng phí thời gian. Và chúng ta không thể tìm thấy trong hành động của họ “hội chứng vừa đủ”.

Nhà sáng lập Daewoo còn đưa ra lời khuyên thế hệ trẻ cần vượt qua “hội chứng vừa đủ”, đã làm việc gì thì phải làm đến nơi đến chốn hơn là làm vừa đủ. Phải như thế mới thành công được: “Tôi mong rằng các bạn trẻ của chúng ta sẽ miệt mài say mê với những công việc có tính sáng tạo, có cá tính riêng thay vì bị nhiễm thói quen chỉ học ‘vừa đủ’ và thoả mãn cầm chừng... Tôi mong rằng mỗi bạn trẻ hãy chọn lấy cho mình một công việc phù hợp với năng lực và sở trường của bản thân và cố gắng hết mình với công việc đó. Nếu chỉ suy nghĩ vừa đủ và sống vừa đủ thì rất dễ làm hỏng việc”[3].

3. Trào lưu nằm thẳng
 
“Tang ping” hay triết lý “nằm thẳng” (tiếng Anh: lying flat) xuất phát từ một bài viết trên mạng xã hội Baidu Tieba hồi giữa tháng 4 năm 2021. Người viết bài thuộc thế hệ 9X đề cập đến thuật ngữ này và chủ trương “nằm yên, mặc kệ tất cả”[4]. Theo South China Morning Post, trào lưu “nằm thẳng” có nghĩa chỉ lao động ở mức tối thiểu, làm việc đủ để tồn tại. Thay vì lao động cật lực, mua nhà, mua xe, kết hôn lập gia đình, những người sống theo triết lý “nằm thẳng” từ bỏ những mục tiêu ấy. Họ ví mình như Diogenes - triết gia thời Hy Lạp cổ đại, thích ăn no, uống say rồi ngủ luôn trong thùng rượu giữa ban ngày. “Tangping” đã nhanh chóng kết nối với nhiều thanh niên và tầng lớp lao động Trung Quốc, tạo nên một trào lưu lớn, bất kể lối sống này cũng là chủ đề gây tranh cãi. Công việc không phải tất cả, tiền không đi đôi với hạnh phúc và việc khó quá thì buông... trở thành “triết lý sống” của một bộ phận giới trẻ Trung Hoa.

“Nằm xuống và mặc kệ đời nghiêng ngả” đang được không ít người trẻ ủng hộ và theo đuổi. Trào lưu này cũng có điểm tích cực khi nhiều người trẻ đang tìm kiếm một cuộc sống “chậm rãi, tối giản nhưng đầy ý nghĩa” thay vì phải cố gắng hết mình cho những nhu cầu về vật chất. Thế hệ trẻ cảm nhận được sự mệt mỏi từ những áp lực trong công việc hay học hành, họ nhận ra rằng sự thoả mãn về cuộc sống vật chất không còn là thứ có ý nghĩa duy nhất trong đời sống con người. Họ cảm thấy rất nhiều thứ không đáng với sự quan tâm và năng lượng của họ. Tuy nhiên, trào lưu này dễ dẫn đến một thái độ lười biếng, ù lì: “nằm thẳng” thay vì vươn lên phấn đấu, đón nhận sự thiếu thốn thay vì khát khao các mục tiêu tiến thân. Xa hơn là thái độ khép kín, dửng dưng, vô cảm, thậm chí là “không muốn làm gì hết” và xem mọi biến chuyển trên thế giới này chẳng ảnh hưởng gì đến mình.

Xu hướng “nằm ườn và buông xuôi mọi thứ” không chỉ tồn tại ở Trung Quốc. Tại các nước Á Đông, người trẻ cũng đang dần cảm thấy mệt mỏi về chuyện phải cố gắng làm việc chăm chỉ, trong khi thứ thu lại được thì ít ỏi. Ở Nhật Bản, lớp người trẻ chán nản, muốn mặc kệ sự đời được biết tới dưới tên gọi “Satori sedai” (mang nghĩa đen là thế hệ từ chức/thế hệ buông bỏ), xuất hiện lần đầu năm 2010, ám chỉ thái độ bi quan với tình hình xã hội đến mức từ bỏ mọi sự cố gắng và ham muốn vật chất của bản thân, chẳng muốn làm việc và thiếu đi khát khao cống hiến. Ở Hàn Quốc, nổi lên “thế hệ Sampo”, chỉ những người từ bỏ việc yêu đương hẹn hò, kết hôn và sinh con. Dần dần, “thế hệ Sampo” còn bao gồm cả những người không quan tâm đến việc làm, sở hữu nhà, mối quan hệ cá nhân và thậm chí cả hy vọng[5]. Bên cạnh “tang ping”, một trào lưu khác là “sang wenhua” (văn hoá chán nản) cũng thấy xuất hiện trên không gian mạng Trung Quốc như biểu tượng của một sự buông xuôi mang tính thời đại[6]. Trên Facebook hiện có trang “Hội người lười Việt Nam” và thu hút nhiều lượt thích.

Mặc dù không phải là tất cả, nhưng chắc chắn hiện tượng “lười biếng xã hội”, hội chứng “vừa đủ” và trào lưu “nằm thẳng” đang có những ảnh hưởng đến một bộ phận người trẻ, khiến họ ngại dấn thân xã hội, không muốn phấn đấu vươn lên, chỉ tìm kiếm cho mình những gì nhẹ nhàng, thoải mái và chủ trương một lối sống an phận, dễ dãi. Làm như thế là họ đang bỏ qua những cơ hội quý giá để phát triển bản thân. Làm như thế là họ đang lãng phí tuổi trẻ... Những ước mơ đẹp của tuổi trẻ sẽ chẳng bao giờ trở thành sự thật nếu bạn lười biếng, ngại dấn thân. Tinh thần trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng sẽ dẫn dắt BẠN dấn thân. Phải dấn thân thì mới có thể làm nên những điều tốt đẹp và ý nghĩa trong cuộc đời mình. Đừng ngại khó, ngại khổ, ngại trải nghiệm. Đừng chần chừ, ngần ngại, buông xuôi. Thời gian vốn công bằng nhưng thời gian chỉ trở nên ý nghĩa với những ai biết tận dụng nó để cống hiến, để vươn lên, để hoàn thiện.

Trong Tông huấn Chúa Kitô Đang Sống, Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng tha thiết mời gọi các bạn trẻ: “Các con hãy mạo hiểm, dù có thất bại. Đừng tiếp tục sống với tâm hồn tê dại và đừng nhìn thế giới như những khách du lịch. Hãy lên tiếng! Hãy xua tan những nỗi sợ khiến các con tê liệt, để không trở thành những người trẻ như xác ướp. Hãy sống! Hãy dấn thân cho những gì tốt nhất trong cuộc sống! Hãy mở các cánh cửa lồng ra và bay đi! Làm ơn, đừng về hưu non các con nhé!” (số 143).

Mời BẠN nhập đoàn với những người trẻ xuống đường, những người trẻ muốn trở thành tác nhân của sự thay đổi.

Mời BẠN nhập cuộc một cách dứt khoát và mạnh mẽ để trở nên những người hết mình kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn.

Mời BẠN nhập thế theo mẫu gương của người trẻ Giêsu để góp phần kiện toàn các thực tại trần thế theo những giá trị của Tin Mừng.

Mong BẠN đừng nhập nhằng tranh tối tranh sáng để tìm kiếm sự an nhàn, dễ dãi. Người trẻ không được đứng trong bóng tối, không được mất hút trong đám đông, không được để tan biến đời mình trong men say hưởng thụ.

Mong BẠN đừng nhập nhèm kéo lê cuộc đời. Điểm xuất phát của BẠN có thể chậm hơn người khác, nhưng làm ơn, đừng càm ràm kêu ca. BẠN có đầy đủ cơ hội để tăng tốc và về đích thành công.

Mong BẠN đừng nhập nhoè bản thân. BẠN vốn sinh ra là một bản chính, đừng sống như một bản sao. Bạn có cuộc đời và ơn gọi riêng của mình. Chúa muốn BẠN nên thánh qua việc sống tròn đầy ơn gọi và cuộc đời đó.

T/B. BẠN có gì thắc mắc, muốn chia sẻ hay cần trao đổi thêm, xin liên hệ với Nhịp cầu Bạn trẻ qua:
+ Email: nhipcaubantre@gmail.com
+ Facebook: Nhịp Cầu Bạn Trẻ


[1] PHANXICÔ, Tông huấn Chúa Kitô Đang Sống - Christus Vivit (25/3/2019), số 170.
[2] x. KNUD S. LARSEN - LÊ VĂN HẢO, Tâm lý học xã hội trong cuộc sống hiện đại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2021, tr. 290-294.
[3] x. KIM WOO CHOONG, Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm, Trần Thị Bích Phượng dịch, Nxb Lao động, Hà Nội, 2016.
[4] Tang ping (躺平 - Thảng bình: ‘thảng’ là ‘nằm’, ‘bình’ là ‘bằng, phẳng’); x. VY TRANG, Trào lưu “nằm yên, mặc kệ” ở Trung Quốc, theo Báo điện tử Vnexpress (31/5/2021): https://vnexpress.net/trao-luu-nam-yen-mac-ke-o-trung-quoc-4286583.html
[5] x. NGỌC MAI, “Nằm thẳng” thách thức giấc mộng Trung Hoa, theo Báo Thanh niên (28/11/2021): https://thanhnien.vn/nam-thang-thach-thuc-giac-mong-trung-hoa-1851395390.htm
[6] XUÂN TÙNG, Chuyện “cầu bại” thời hiện đại của giới trẻ Trung Quốc, theo Tuổi trẻ Cuối tuần (17/7/2021): https://cuoituan.tuoitre.vn/chuyen-cau-bai-thoi-hien-dai-cua-gioi-tre-trung-quoc-1590668.ht.

Tác giả: Nhịp cầu Bạn trẻ

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập146
  • Máy chủ tìm kiếm55
  • Khách viếng thăm91
  • Hôm nay30,823
  • Tháng hiện tại618,778
  • Tổng lượt truy cập77,413,026
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây