Người trẻ thắc mắc: Tại sao...

Thứ năm - 15/06/2023 22:23  464
Người Trẻ Thắc Mắc:
Tại sao thánh Phao-lô không phải là tác giả thư Híp-ri?

15695080034 913daca82d oChúa Thánh Thần là tác giả chính của thư Híp-ri, cũng như tất cả các sách còn lại trong bộ Thánh Kinh, bởi vì, tất cả những gì được viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính (2Tm 3,16), và chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa (2 Pr 1,21). Do đó, ai là tác giả của thư Híp-ri, điều này không quan trọng, nhưng, nhiều nhà nghiên cứu Thánh Kinh vẫn cứ thắc mắc: Chúa dùng ai để viết thư Híp-ri? Không có câu nào trong bức thư này: giúp chúng ta xác định được tác giả. Vậy, tác giả của thư Híp-ri là ai?

Các nhà chú giải đã căn cứ vào nội dung, văn phong, và các nhân vật được đề cập đến trong thư, để truy tìm tác giả. Có người cho rằng: là của Phao-lô, bởi vì, có nhắc đến Ti-mô-thê cộng sự viên của Phao-lô; thư cũng đề cập đến các chủ đề của Phao-lô như: đền thờ, việc tế lễ, thao trường, chiến đấu (x. 1 Cr 9,24; Pl 3,14; 2 Tm 4,7; Cl 2,18 Gl 5,7); công chính hóa nhờ đức tin (x. Rm 1,17; Gl 3,11). Tuy nhiên, cũng có người cho rằng: không phải của Phao-lô, bởi vì, thư không có phần mở đầu bao gồm: lời chào thăm, tự giới thiệu về ngài là tác giả, và ngài viết thư đó gửi cho ai, cùng với lời chúc “ân sủng và bình an” (x. Rm 1,7; 1 Cr 1,3; 2 Cr 1,2; Gl 1,3; Êph 1,2; Pl 1,2; Cl 1,2; 1 Tx 1,1; 2 Tx 1,2; 1 Tm 1,2; 2 Tm 1,2; Tt 1,4; Plm 1,3.); thể văn thì không giống như văn phong của Phao-lô; và người viết thì thuộc thế hệ thứ hai, chứ không nhận Tin Mừng trực tiếp như Phao-lô.

Giữa hai trường phái: cho là của Phao-lô, và không phải của Phao-lô, thì trường phái “không phải” có vẻ trội vượt hơn. Tuy nhiên, bằng chứng Phao-lô là tác giả của thư Híp-ri cũng khó mà chối bỏ được. Từ đó, nhiều nhà chú giải đưa ra giả thuyết là: thánh Phao-lô phối hợp với một người khác để hoàn thành bức thư này. Căn cứ vào cách hành văn trau chuốt, biện luận chặt chẽ, thông thạo tiếng Hy-lạp, nhất là, gần gũi và cùng theo thánh Phao-lô trong những chuyến đi truyền giáo, các nhà chú giải tạm cho rằng: chính thánh Phao-lô đã cung cấp tài liệu và ý tưởng, để thánh Lu-ca viết theo cách riêng của mình.

Thư Híp-ri, chương 2, câu 3 nói rằng: Ơn cứu độ, đầu tiên đã được Chúa rao giảng, rồi được những kẻ nghe chứng nghiệm nó cho chúng ta”. Chúa rao giảng cho “những kẻ nghe”, là các Tông Đồ; rồi sau đó, các Tông Đồ rao giảng ơn cứu độ đó cho “chúng ta”, “chúng ta” ở đây, chính là tác giả, tức thế hệ thứ hai đón nhận Tin Mừng. Như vậy, tác giả đã không trực tiếp nhận Tin Mừng từ Đức Giê-su. Yếu tố này cho thấy các Tông Đồ không phải là tác giả của thư Híp-ri, và Phao-lô cũng không phải, bởi vì, chính ngài nói: “Tôi là Phao-lô, là Tông Đồ không phải do loài người, nhưng bởi Đức Giê-su Ki-tô và Thiên Chúa là Cha, Đấng đã cho Người từ cõi chết trỗi dậy” (Gl 1,1).

Lu-ca là người rất gần gũi với Phao-lô. Phao-lô thường nhắc đến Lu-ca trong các thư của mình: Cl 4,14: “Anh Lu-ca, thầy thuốc yêu quý, và anh Đê-ma gửi lời chào anh em”; 2 Tm 4,11: “Chỉ còn một mình anh Lu-ca ở với tôi. Anh hãy đem anh Mác-cô đi với anh, vì anh ấy rất hữu ích cho công việc phục vụ của tôi”; Plm 1,24: “cùng với các cộng sự viên của tôi là Mác-cô, A-rít-ta-khô, Đê-ma và Lu-ca.” Thư Híp-ri chương 2, câu 3 nói: “Ơn cứu độ, đầu tiên đã được Chúa rao giảng, rồi được những kẻ nghe chứng nghiệm nó cho chúng ta. Tác giả dùng từ “chúng ta” để chỉ về mình. Lu-ca cũng đã dùng từ “chúng ta” chỉ về chính mình, trong chuyến truyền giáo lần 2 với Phao-lô, được ghi trong sách Công Vụ Tông Đồ chương 16, từ câu 10 đến câu 17. Lu-ca cũng đã dùng từ “chúng ta” chỉ về mình, trong chuyến truyền giáo lần 3 với Phao-lô ở chương 20, từ câu 5 đến câu 15; chương 21, từ câu 1 đến câu 18; chương 27, từ câu 1 đến chương 28, câu 16.

Thư Híp-ri chương 3, câu 1 kêu gọi: “Anh em hãy ngắm nhìn Đức Giê-su là Tông Đồ, là Thượng Tế, là Trung Gian cho chúng ta tuyên xưng đức tin.” Chúng ta nhận thấy tác giả của thư Híp-ri không những gọi Đức Giê-su là Thượng Tế, mà còn gọi Người là Tông Đồ. Tông Đồ, tiếng Hy-lạp nghĩa là: Sứ Giả, người được sai đi, ý nghĩa này rất phù hợp với sứ mạng của Đức Giê-su: Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi (Ga 5,37); Đức Giê-su cũng nói với các Tông Đồ: Bình an cho anh em! Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em (Ga 20,21). Phao-lô chưa bao giờ gọi Đức Giê-su là Tông Đồ như thế, trong các thư của mình.

Tóm lại, văn phong của tác giả thư Híp-ri khác hẳn với văn phong của Phao-lô. Tuy nhiên, chúng ta phải công nhận một phân đoạn ngắn của thư Híp-ri, chương 13, từ câu 17 đến câu 25: là phần kết thúc của bức thư này, lại có cách hành văn giống y hệt cách hành văn của Phao-lô: Anh em hãy vâng lời những người lãnh đạo anh em và hãy phục tùng họ, vì họ chăm sóc linh hồn anh em… Xin gửi lời chào các vị lãnh đạo anh em và mọi người trong dân thánh. Những người từ I-ta-li-a gửi lời chào anh em. Chúc tất cả anh em được đầy tràn ân sủng của Thiên Chúa! Chính vì thế, theo các nhà chú giải, thư Híp-ri là công trình của cả Lu-ca và Phao-lô. Tuy nhiên, như đã nói, đó chỉ là những phỏng đoán của các nhà nghiên cứu Thánh Kinh, còn người mà Chúa dùng: để viết bức thư này, thật sự là ai, thì cho đến nay, chỉ có một mình Chúa biết mà thôi!

Tác giả: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập233
  • Máy chủ tìm kiếm31
  • Khách viếng thăm202
  • Hôm nay45,362
  • Tháng hiện tại150,053
  • Tổng lượt truy cập76,944,301
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây