Nhịp cầu Bạn trẻ 06: Chuẩn bị cho hành trình dài

Thứ năm - 18/05/2023 00:21  3842
anhlecuoiNgười Nga có câu: “Trước khi ra trận, hãy cầu nguyện một lần; trước khi xuống tàu, hãy cầu nguyện hai lần; trước khi kết hôn, hãy cầu nguyện ba lần”.

Lời khuyên này chưa bao giờ trở nên lỗi thời bởi lẽ kết hôn hay “chuyện dựng vợ gả chồng” là công việc hệ trọng trong đời người. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là: mặc dù hôn nhân rất quan trọng nhưng lại thường bị quyết định rất vội vàng. Nếu để ý một chút, BẠN sẽ thấy ngay. Khi chuẩn bị lập gia đình, rất nhiều bạn trẻ đòi tham gia các khoá học giáo lý hôn nhân cấp tốc, muốn rút ngắn thời gian trình diện (và có khi cả thời gian dự tòng) bao nhiêu có thể, và xin được miễn rao tối đa. Nhiều bậc phụ huynh cũng ủng hộ nhiệt tình khi tìm mọi cách để con cái mình có được những sự châm chước như thế. Thành ra, việc học giáo lý hôn nhân cứ như thể trở thành một thủ tục, một cản trở, thậm chí là một gánh nặng cho đương sự và gia đình. Xin thưa ngay, học giáo lý hôn nhân và gia đình cũng chỉ là một sự chuẩn bị ngắn cho một hành trình dài, hành trình đời sống gia đình chắc hẳn sẽ lắm thăng trầm đang chờ đợi BẠN phía trước.

Trong Thư chung năm 2016, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nhấn mạnh: “Kết hôn là một quyết định rất quan trọng, vì thế cần phải được chuẩn bị chu đáo hết sức có thể. Trong thực tế ngày nay, một số người trẻ chỉ biết quan tâm đến việc tổ chức lễ cưới thật lớn, mà không hiểu biết đầy đủ về trách nhiệm trong đời sống hôn nhân. Một số khác, vì vất vả với cuộc mưu sinh, ít có thời giờ để chuẩn bị kỹ lưỡng cho đời sống hôn nhân họ sắp bước vào”[1]. Trong khi kinh nghiệm cho thấy được rằng, các bạn trẻ được chuẩn bị chu đáo cho đời sống gia đình, cách chung sẽ thành công hơn các bạn khác.

Thực trạng thiếu chuẩn bị hoặc chuẩn bị không chu đáo cho đời sống hôn nhân gia đình còn do ảnh hưởng của thứ “văn hoá tạm bợ” hay “lối sống tốc độ”[2]. Người ta đòi có mọi thứ ngay lập tức. Các bạn trẻ cũng như các bậc làm cha mẹ chỉ tìm những cách thế cốt được việc nhanh nhất, như thể để “cưới cho xong”. BẠN cần thay đổi quan niệm này. Ông bà ta vẫn dạy: Dục tốc bất đạt. Hơn nữa, BẠN không nên xem việc cưới nhau xong là chấm dứt cuộc hành trình, nhưng cần xem hôn nhân như một ơn gọi đưa BẠN tiến về phía trước, với một quyết định chắc chắn và thực tế cùng nhau vượt qua mọi thử thách và khó khăn.

BẠN thấy đấy, sau khi kết thúc khoá học giáo lý hôn nhân gia đình, BẠN sẽ được cấp chứng chỉ. Các vị mục tử trong Hội Thánh có thể cấp cho bạn bằng khá, bằng giỏi nhưng đời sống hôn nhân gia đình có chất lượng, có hạnh phúc hay không lại tuỳ thuộc rất nhiều vào mức độ BẠN sống những gì đã được học hỏi, phụ thuộc vào những gì BẠN đã chuẩn bị để sẵn sàng bước vào đời sống gia đình. Không ai làm việc này thay cho các BẠN cả.
Theo giáo huấn của Giáo hội, việc chuẩn bị hôn nhân phải được xem xét và thực hiện theo một tiến trình tuần tự và liên tục, bao gồm ba giai đoạn: chuẩn bị xa, chuẩn bị gần và chuẩn bị liền trước Bí tích[3]. Tất nhiên, việc chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân gia đình là trách nhiệm của mọi thành phần trong Giáo hội, cách đặc biệt là của các vị chủ chăn, những người hữu trách, các gia đình Kitô hữu và các cộng đoàn nhưng đồng thời, cũng là bổn phận của chính BẠN. Vậy BẠN phải tự chuẩn bị những gì?

1. Chuẩn bị xa
 
Việc chuẩn bị xa này đã được bắt đầu ngay từ thời thơ ấu. BẠN đã được ghi khắc lòng quý chuộng đối với mọi giá trị nhân bản đích thực, những tương quan liên vị cũng như các tương quan xã hội. Đặc biệt, sống trong khung cảnh và bầu khí đức tin nơi gia đình và cộng đoàn giáo xứ, BẠN đã được tham gia vào đời sống cầu nguyện cùng với các sinh hoạt tôn giáo, được học hỏi giáo lý... Qua đó, BẠN hiểu được rằng hôn nhân là một ơn gọi và là một sứ mạng đích thực, nhưng vẫn không loại trừ khả năng tận hiến cho Thiên Chúa trong ơn gọi linh mục và tu sĩ.

Nhiệm vụ của BẠN trong việc chuẩn bị xa là nỗ lực thăng tiến đời sống thiêng liêng và trau dồi kiến thức giáo lý qua việc tích cực tham dự phụng vụ thánh của Giáo hội, siêng năng cầu nguyện, đóng góp vào các công việc tông đồ trong giáo xứ... Việc tham dự các giờ kinh chung trong gia đình là rất cần thiết để củng cố sự hiệp thông trong gia đình cũng như nuôi dưỡng tâm hồn đạo đức.

Ngay cả khi bạn đang sống trong những gia đình gặp khó khăn, trục trặc, thậm chí là các gia đình có hôn nhân đổ vỡ thì đó cũng là cơ hội để BẠN thêm ý thức về tầm quan trọng của việc sống giao ước hôn nhân theo đúng ý muốn của Thiên Chúa và Giáo hội.

2. Chuẩn bị gần
 
Một trong những việc chuẩn bị gần thiết thực là tham dự những lớp giáo lý hôn nhân và gia đình. Các khoá hôn nhân sẽ giúp cho BẠN thấy đích điểm không chỉ là ngày cưới mà là cả đời sống gia đình lâu dài sau này. BẠN cần học biết những kiến thức căn bản về giáo lý hôn nhân Công giáo, bổn phận làm vợ làm chồng, làm cha mẹ có trách nhiệm... Làm ơn, khi kết thúc khoá học, đừng bao giờ quên hai mục đích của hôn nhân (trọn đời yêu thương và bổ túc cho nhau; sinh sản và giáo dục con cái), cũng như hai đặc tính của hôn nhân Công giáo (đơn nhất và bất khả phân lý)[4]. Không phải chỉ bởi đó là điều mà bạn phải giữ và sống cả đời nhưng ít ra, những nội dung này không bao giờ thiếu trong các bài kiểm tra đánh giá vào cuối bất cứ khoá học hôn nhân nào đâu đấy.

Việc chuẩn bị gần này cũng thường gắn với thời kỳ đính hôn. BẠN được mời gọi tiết dục để giữ đức khiết tịnh trong thời gian thử thách này. BẠN học biết cách tôn trọng lẫn nhau, tập chung thuỷ và hy vọng được đón nhận nhau như quà tặng của Thiên Chúa. BẠN sẽ dành những hành động biểu lộ tình yêu vợ chồng cho sau những ngày thành hôn. BẠN phải giúp nhau sống khiết tịnh[5], đành rằng việc này tương đối khó khăn và đòi hỏi nhiều hy sinh, nhất là trong một xã hội đề cao tự do tính dục như hiện nay.

Thời kỳ đính hôn là thời gian quý báu để BẠN có thêm cơ hội thích hợp để tìm hiểu nhau và gia đình của nhau, chứng tỏ cho nhau về tình yêu của mình. “Vấn đề là trong cái rực rỡ của tình yêu thuở ban đầu, người ta hay tìm cách che giấu hoặc tương đối hoá rất nhiều chuyện, tránh né không để xảy ra những bất đồng, và như thế chỉ là cố xua đẩy ra phía trước những khó khăn thôi”. Ai cũng biết, tình yêu đang lúc mặn nồng thì nhiều thứ trở nên không đáng là gì hoặc được đơn giản hoá nhưng BẠN phải học cách để bày tỏ những gì mỗi người mong đợi nơi cuộc hôn nhân sắp tới, hiểu thế nào về tình yêu và sự cam kết, mong muốn gì ở nhau, muốn cùng nhau xây dựng một lối sống chung như thế nào. Đừng tránh né, đừng lý tưởng hoá tình yêu. Hãy thẳng thắn, hãy chân thành với nhau. “Thật đáng tiếc, nhiều người đến ngày thành hôn mà vẫn chưa biết nhau. Họ chỉ vui chơi với nhau, đã có những kinh nghiệm với nhau, nhưng chưa đối đầu trước thách đố thể hiện chính mình và học biết người kia thực sự là ai”[6]. H. de Balzac nói: “Hôn nhân không thể hạnh phúc nếu trước khi lấy nhau hai người không biết rõ tính tình, thói quen và tính cách của nhau”.

3. Chuẩn bị liền trước ngày cử hành hôn lễ
 
Nhiều BẠN xem việc điều tra hôn phối mà giáo luật đòi hỏi chỉ gây rắc rối, phiền toái. Thực ra, Giáo hội không bao giờ muốn gây khó dễ cho con cái mình cả, cho nên BẠN cần mặc cho việc điều tra hôn phối một ý nghĩa mới, một nội dung mới và một hình thức mới. Việc điều tra hôn phối và nhất là rao hôn phối công khai không chỉ mời gọi cộng đoàn thêm lời cầu nguyện cho các BẠN nhưng còn giúp xem xét có ngăn trở gì hay không, đồng thời cũng để ấn định lễ cưới.

Trong việc chuẩn bị ngay trước lễ cưới, một điều quan trọng nữa là BẠN phải hiểu rõ ý nghĩa của từng cử chỉ để có thể sống việc cử hành phụng vụ cách sâu xa nhất. BẠN cần tham dự tích cực vào nghi lễ phụng vụ hôn phối. Trong truyền thống Latinh, chính đôi bạn là thừa tác viên cử hành Bí tích Hôn phối. Điều cốt yếu làm nên hôn nhân của các BẠN chính là giây phút hai BẠN cầm tay nhau, với tất cả tự do, nói lên sự ưng thuận của mình trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh.

Mời BẠN đọc lại những lời Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắn nhủ với những người trẻ chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân gia đình: “Người ta có xu hướng tập trung vào những thiệp mời, trang phục, lễ lạc và vô số những chi tiết vốn hao tốn biết bao về ngân sách cũng như sức lực và niềm vui [...] Các bạn đính hôn thân mến, các con hãy can đảm (làm) khác với người ta, đừng để mình bị xã hội tiêu thụ vốn thích sự hào nhoáng bên ngoài nuốt chửng các con. Điều quan trọng là tình yêu gắn kết các con nên một, được củng cố và thánh hoá nhờ ân sủng. Các con có thể chọn việc tổ chức hôn lễ một cách đơn sơ và giản dị, đặt tình yêu lên trên tất cả”[7]. “Đừng vì quá tập trung vào ngày cưới mà quên đi mình đang phải chuẩn bị cho một sự dấn thân kéo dài suốt cả cuộc đời”[8].

Hôn nhân là một ơn gọi, và là một hành trình dài. Cầu chúc BẠN sẽ sống hành trình này trong vui tươi, bình an và hạnh phúc. Nhưng trước hết, cần phải chuẩn bị đã BẠN à!

T/B. BẠN có gì thắc mắc, muốn chia sẻ hay cần trao đổi thêm, xin liên hệ với Nhịp cầu Bạn trẻ qua:
+ Email: nhipcaubantre@gmail.com
+ Facebook: Nhịp Cầu Bạn Trẻ


[1] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Thư chung 2016 - Mục vụ Gia đình, số 4-5.
[2] PHANXICÔ, Tông huấn Niềm vui của Tình yêu - Amoris Laetitia (19/3/2016), số 39.
[3] x. GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn về những bổn phận của gia đình Kitô hữu - Familiaris Consortio (22/11/1981), số 66.
[4] x. UỶ BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN - HĐGMVN, Giáo lý Hôn nhân và Gia đình, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2004.
[5] x. Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, số 2350.
[6] x. PHANXICÔ, Tông huấn Niềm vui của Tình yêu - Amoris Laetitia (19/3/2016), số 209-210.
[7] PHANXICÔ, Tông huấn Niềm vui của Tình yêu - Amoris Laetitia (19/3/2016), số 212.
[8] x. HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC KÊNYA, Sứ điệp mùa Chay (18/2/2015); trích theo: PHANXICÔ, Tông huấn Niềm vui của Tình yêu - Amoris Laetitia (19/3/2016), số 215.

Tác giả: Nhịp cầu Bạn trẻ

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập185
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm162
  • Hôm nay33,758
  • Tháng hiện tại869,507
  • Tổng lượt truy cập69,929,381
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây