Nhịp cầu Bạn trẻ 02: Can đảm dậy đúng giờ!
Chủ nhật - 02/04/2023 21:43
807
Minh Tâm Bảo Giám là tập sách được hình thành vào khoảng đời Tống (Trung Quốc), trích tuyển lời văn của những bậc hiền triết thời xưa, nhằm mục đích giáo dục đạo đức xử thế theo quan niệm bấy giờ. Trong sách có ghi:
Khổng Tử tam kế đồ vân: “Nhất sinh chi kế tại u cần. Nhất niên chi kế tại ư xuân. Nhất nhật chi kế tại ư dần. Ấu nhi bất học, lão vô sở tri. Xuân nhược bất canh, thu sở vô vọng. Dần nhược bất khởi, nhật vô sở biện”.
Ba kế hoạch của thầy Khổng là: “Kế hoạch sống một đời là ở siêng năng. Kế hoạch (làm việc) một năm là ở mùa xuân. Kế hoạch (làm việc) một ngày là ở giờ dần. Trẻ mà không học thì già chẳng biết gì. Mùa xuân nếu không cày thì mùa thu chẳng có gì để trông mong. Giờ dần nếu không thức dậy thì (suốt) ngày không làm được gì”[1].
Xin giải thích chút, theo cách phân chia giờ của người xưa thì giờ dần được tính từ 3 đến 5 giờ sáng. Còn phân chia khắc, canh cụ thể như thế nào, BẠN chịu khó lên Google tìm!
Khi nghe đến kế hoạch của Khổng Tử, tôi nghĩ có lẽ phản ứng của hầu hết các BẠN là đều tru mỏ rồi bảo: “Ôi giời, lỗi thời rồi! Ai mà dậy được giờ đấy. Giờ Dần này chỉ áp dụng cho nhà tu thôi”.
Tôi xin trả lời ngay, không lỗi thời và cũng không phải chỉ dành cho mỗi nhà tu đâu. Vào giờ đó, rất nhiều người lao động, không ngoại trừ cha mẹ BẠN, đã thức dậy. Ai đó còn nói: “Khi còn bé tôi luôn không hiểu, tại sao cha mẹ lại có thể thức sớm như vậy. Sau này lớn lên tôi mới hiểu, đánh thức họ không phải là đồng hồ báo thức, mà là cuộc sống và trách nhiệm”.
Thức dậy sớm xem ra là cả một thử thách lớn lao đối với BẠN. Lần giở một vài cuốn sách và từ điển thời hiện đại[2], tôi đọc được một vài mục:
- Thách thức (tính từ): đi ngủ trước 11 giờ khuya và thức dậy trước 6 giờ sáng.
- Tối nay sẽ đi ngủ sớm (câu nói) là dự định chưa bao giờ thực hiện được.
- Không gì giả tạo hơn cái câu: “Tối nay đi ngủ sớm”.
- Tôi cần được hướng dẫn cách ngủ vào lúc 11 giờ tối thay vì 4 giờ sáng.
- Hẹn báo thức (động từ): Hành động người ta vẫn làm mỗi ngày chỉ để cho có lệ chứ chưa bao giờ dậy đúng giờ báo thức.
- Gửi đồng hồ báo thức! Sẽ có một ngày tao thức sớm hơn mày. Để làm chi? Để tao kêu bíp bíp bíp vô cái mặt này.
Nhưng để tôi nói cho BẠN thêm một sự thật: “Trừ trường hợp hết pin, đồng hồ báo thức luôn luôn trung thành với ý muốn ban đầu của người đặt giờ”.
BẠN lý luận để biện minh cho thói quen ngủ muộn, ngủ lỳ, ngủ nướng của mình: “Dậy muộn thì tiết kiệm được bữa sáng”. Làm ơn nghĩ lại đi. Vào đúng cái giờ mà BẠN thức dậy thì những người chăm chỉ đã làm việc sắp được nửa ngày công rồi! Đã thế, BẠN còn tự đặt mình trong tình trạng uể oải, ngáp ngắn ngáp dài thiếu sức sống suốt cả ngày.
Thanh niên sức dài vai rộng cò kè, nài nỉ thêm vài ba phút để làm gì? Mới sáng ngày ra mà cứ phải mặc cả với chính mình. Chả lẽ đang tuổi xuân phơi phới, tràn đầy sinh lực như thế lại để cái chăn có vài ba cân trở thành thứ nặng nhất trên thế gian này hay sao? Tại sao phải để đồng hồ báo thức phải chịu đựng dày đặc những mốc thời gian mà bạn cài đặt, cách nhau chỉ đôi ba phút?
Nếu BẠN dậy sớm, BẠN có thời gian vận động thân thể, vừa khoẻ người lại thêm khoan khoái tinh thần, để có thể giải quyết tốt nhất các công việc trong ngày.
Nếu BẠN dậy sớm, BẠN có thể hít hà không khí trong lành buổi ban mai khi mọi thứ còn chưa pha tạp để cảm nhận cuộc đời thật đáng sống.
Nếu BẠN dậy sớm, BẠN có cơ hội ngắm ánh bình minh nhuộm đỏ chân trời Đông. Nếu BẠN dậy sớm, bạn biết “cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương” (Kahlil Gibran).
Nếu BẠN dậy sớm, thỉnh thoảng BẠN có thể đi tham dự Thánh lễ ban sáng để tạ ơn Chúa, để kín múc nguồn năng lượng sống cho cả ngày. Còn rất nhiều điều lý thú và hữu ích BẠN hoàn toàn có thể làm, nếu dậy sớm...
Chúa Giêsu cũng dậy sớm. Tin Mừng thuật lại, mặc dù chiều hôm hôm trước, khi mặt trời đã lặn, Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ nhưng “sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (x. Mc 1,32-35; Lc 40-42).
BẠN có thể đưa ra một quyết tâm nho nhỏ thế này: “Một ngày nào đó, tôi sẽ dậy trước lúc đồng hồ báo thức để hét vào mặt nó cho bõ tức”. Muốn thế, không còn cách nào khác là hãy đi ngủ sớm BẠN à. Các nhà khoa học chỉ ra rằng, BẠN nên đi ngủ từ lúc 21-22 giờ mỗi ngày và thức dậy lúc 5-6 giờ sáng để đảm bảo tốt nhất cho cơ thể được nghỉ ngơi, thư giãn và giúp cho hệ miễn dịch hoạt động tốt.
Tôi nhớ đến một cuốn sách truyền cảm hứng của cựu Đô đốc Hải quân Mỹ William H. McRaven có tựa đề: “Dọn giường đi rồi thay đổi thế giới”. Chưa ra khỏi chăn thì đừng nghĩ đến chuyện sẽ bắt đầu làm được bất cứ việc gì? Cứ dậy đi rồi hẵng tính chuyện thay đổi thế giới. Nếu BẠN không thể làm đúng đắn những điều nhỏ nhặt thì thật khó nghĩ rằng sẽ làm đúng những điều lớn lao.
Can đảm dậy sớm đúng giờ BẠN nhé chứ đừng “mở toang cửa sổ đón ánh bình minh... nắng chói vào mình thôi vào ngủ tiếp”.
Làm ơn, đừng đụng vào đồng hồ báo thức quá nhiều nữa! “Tương lai khóc hay cười phụ thuộc vào độ lười của quá khứ”.
T/B. BẠN có gì thắc mắc, muốn chia sẻ hay cần trao đổi thêm, xin liên hệ với Nhịp cầu Bạn trẻ qua:
+ Email: nhipcaubantre@gmail.com
+ Facebook: Nhịp Cầu Bạn Trẻ
[1] Minh Tâm Bảo Giám (Gương quý soi sáng tâm hồn), Nguyễn Nguyên Quân dịch và chú thích, Nxb Đồng Nai, 2011, tr. 258-259.
[2] KHO TỪ ĐIỂN, Từ điển tiếng “Em”, Nxb Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội, 2021; LÂM THÀNH ĐẠT, Vui vẻ không quạu nha, Nxb Phụ nữ Việt Nam, 2021; LÂM THÀNH ĐẠT, Một cuốn sách buồn... cười (Vui vẻ không quạu nha 2), Nxb Phụ nữ Việt Nam, 2021.
[3] WILLIAM H. MCRAVEN, Dọn giường đi rồi thay đổi thế giới, Linh M. Nguyễn dịch, Nxb Thế giới, TP. Hồ Chí Minh, 2020.
Tác giả: Nhịp cầu Bạn trẻ