Nhịp cầu Bạn trẻ 07: Sử dụng rượu bia chừng mực

Thứ sáu - 26/05/2023 21:35  977
ruoubiaThời đại học, lớp chúng tôi có một anh bạn sinh viên người Nhật theo học. Lần kia, tôi có hỏi về điều gì đặc biệt mà bạn thấy ở Việt Nam. Mặc dù giọng lơ lớ, phát âm chưa rõ ràng lắm nhưng anh bạn không ngần ngại trả lời: “Ở Việt Nam, chỗ nào cũng có thể dựng hàng quán được, nhất là quán nhậu”. Và để dẫn chứng, anh bạn giơ tay ra, chỉ vào những quán cóc xung quanh sân vận động Triều Khúc (Thanh Trì - Hà Nội) lúc đó.

Đám sinh viên chúng tôi nhìn nhau rồi gật đầu lấy làm đắc ý. Lời nhận xét của anh bạn người Nhật có phần cảm quan nhưng xem ra cũng khá xác đáng. Người Việt mình nói chung thích ăn nhậu. Đồng nghĩa với đó, bia rượu xuất hiện gần như ở tất cả các buổi liên hoan, họp mặt cấp độ to nhỏ. Trong cách nói của người Việt, những công việc trọng đại đều có thể liên quan đến ăn uống: Ăn Tết, ăn rằm, ăn giỗ, ăn khao... Thậm chí đến cả chuyện: ăn gánh đóng góp, ăn chia, ăn gian, “ăn bẩn”... Không lạ gì khi người ta đưa ra những con số cho biết Việt Nam dẫn đầu “tăng trưởng bia rượu” ở ASEAN vì “vui buồn đều uống”.

Thực ra, rượu bia đã xuất hiện từ xa xưa trong lịch sử loài người. Việc sản xuất có mục đích thức uống có cồn là phổ biến trong nhiều nền văn hóa. Việc phát hiện ra các bình bia có niên đại cuối thời đại đồ đá đã chỉ ra một thực tế rằng thức uống lên men có chủ đích đã tồn tại vào khoảng 10.000 năm trước Công nguyên. Bằng chứng sớm nhất của rượu ở Trung Quốc là các bình rượu từ Cổ hồ (Jiahu) có niên đại khoảng 7.000 năm trước Công nguyên[1]. Mới đây, một nhóm các nhà khảo cổ học Mỹ và Italy đã phát hiện tàn tích của một quán bia có niên đại gần 5.000 năm trong những gì còn sót lại của thành phố Lagash cổ đại, nằm ở phía Đông Bắc thành phố Nasiriyah (Iraq) ngày nay[2].

Không chỉ thế, nhiều người vẫn nói đến “thú uống rượu”, “văn hoá uống rượu”... Ông tiên thơ Lý Bạch đã từng thốt lên: “Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch. Duy hữu độc ẩm lưu kỳ danh” (Xưa nay các bậc thánh hiền đều vắng lặng tiếng tăm, chỉ có kẻ uống rượu là thanh danh vẫn để lại)[3]. Bản dịch thơ của Hoàng Tạo, Nam Trân là: “Thánh hiền tên tuổi bặt đi/ Chỉ phường thánh rượu tiếng ghi muôn đời!” Hơn nữa, nói đến say rượu, thì ai cũng phải nhắc đến Lưu Linh (đời nhà Tấn), một trong bảy thành viên của “Trúc Lâm thất hiền”. Mà Lưu Linh sở dĩ còn lưu danh lại cho ta biết là nhờ bài “Tửu đức tụng” (Đức uống rượu). Tuy nhiên, đạt được cảnh say như Lưu Linh tiên sinh thực là hiếm có.

Kinh Thánh cũng đề cập đến rượu: Rượu làm phấn khởi lòng người (x. Tl 9,13; Gv 9,7; Hc 31,27-28). “Rượu đem lại cho con người sức sống, nếu biết uống có chừng có mực” (Hc 31,27; x. Tv 104,15; x. 1Tm 5,23). Khởi đầu sứ vụ rao giảng công khai, tại Cana miền Galilê, Chúa Giêsu đã làm phép lạ hoá nước thành rượu để tiệc cưới thêm trọn vẹn, nồng nàn (x. Ga 2,1-10). Nhưng Kinh Thánh cũng nói thêm: Say rượu làm cho con người mất khôn (x. Cn 20,1; 23,20-21.29-35; 31,4-5; Hc 31,25; Is 5,22). “Thật là nhức óc, đắng cay và xấu hổ, khi uống rượu mà cãi cọ và giận dữ” (Hc 31,29).

Không thể phủ nhận vai trò của rượu đối với sức khoẻ và giao tế nhưng có điều, cũng đến lúc phải xem lại. Rượu bia được dùng với lượng nhỏ có thể giúp ích cho sức khoẻ, giúp thư giãn và giao tiếp xã hội. Nhưng lạm dụng các loại rượu bia thì có thể làm hại tới sức khoẻ và đưa tới nghiện ngập dễ dàng, từ đó dẫn đến phá vỡ hạnh phúc của cá nhân và gia đình.

Nói rằng uống rượu cho vui thì cần gì phải uống đến nỗi phải nôn ra cả mật xanh, mật vàng. Nói rằng uống rượu để thư giãn thì làm gì mà cứ uống triền miên lâu giờ và “gạ ép” nhau, so đo hơn thua từng ly. Lợi ích thì không thấy rõ mà hậu quả nhiều khi là tan cửa nát nhà, vướng vòng lao lý hay thậm chí là mất mạng. Chưa hết, hiện nay uống rượu bia không còn là đặc quyền của nam giới nữa. Nhiều phụ nữ cũng muốn tham gia nhiệt tình để thể hiện mình. Phụ nữ mà say thì... BẠN tự nghĩ đi! Tôi chỉ xin phân tích cùng BẠN mấy điểm nhỏ thôi.

1. Rượu vào lời ra
 
Nói một cách chữ nghĩa thì đó là tình trạng: “Tửu nhập ngôn xuất”. Có những người bình thường “cậy miệng cũng không nói”, “ăn canh hến cả ngày” nhưng khi có chút men trong người là huyên thuyên đủ chuyện. Đương nhiên theo đó, máu anh hùng sục sôi, mức độ dũng cảm và chỉ số cà khịa cũng thường đạt mức rất cao. Vì vậy, người Nga thường nói: “Say là cái điên tự nguyện”, hay là “Với người say rượu thì biển chỉ sâu tới đầu gối”. Còn người Ấn Độ thì nói: “Hãy đứng cách xa con voi bảy bước, cách xa con bò rừng mười bước và cách xa người say rượu ba mươi bước”.

Biết bao vụ ẩu đả xảy ra trong hoặc sau các cuộc nhậu bởi những nguyên nhân hết sức vụn vặt hoặc không đáng kể như: nhìn đểu, mời rượu nhưng không uống hết hay thậm chí là không được mời nhậu. Cùng với đó là lối lý luận: “rượu bất khả ép, nhưng ép bất khả từ, thì từ từ để tao uống...” Chẳng thế, A. Tsêkhốp mới nói: “Rượu nặng màu trắng nhưng lại làm đỏ mặt mũi và làm đen danh dự”.

Chắc hẳn BẠN đã từng nghe lời này từ miệng của những người thân khi nói về những người say rượu mà lại hay nói nhảm, làm càn: “Người ta vẫn gọi là ông ăn xin, ông ăn mày nhưng chẳng ai gọi là ông say rượu cả mà chỉ gọi là thằng say rượu”...

2. Rượu vào mát ga
 
Không phải ngẫu nhiên mà BẠN bắt gặp thường xuyên các khuyến cáo: “Đã uống rượu bia tuyệt đối không lái xe”, “Đằng sau tay lái là cả gia đình”; “Nói không với sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông”... Điều này không chỉ là luật lệ của Ban An toàn Giao thông Quốc gia nhưng cần trở thành lời nhắc nhở nhau mỗi khi cầm tay lái. Mỗi ngày ở Việt Nam đã có quá nhiều người dắt xe ra đường nhưng chẳng bao giờ về nhà nữa. Rất nhiều vụ tai nạn thảm khốc kéo theo những cái chết thương tâm mà nguyên nhân của nó có liên quan đến rượu bia. Bản thân tôi cũng không ít lần ngậm ngùi tiễn đưa người thân mà sự ra đi của họ có nguyên nhân đến từ “ma men”: “Chồng lái lụa, vợ goá bụa”, “Thể hiện là vào viện”, “Một giây liều mạng, chống nạng cả đời”...

Khốn nỗi, không mấy người uống say mà tự nhận là mình say cả. Miệng ú ớ, nói méo tiếng nhưng vẫn cố khẳng định: “Ăn thua gì! Tôi còn đi được...” Và hậu quả là nhiệt tình tham gia “Giải bát hương vàng mở rộng”, không thì cũng vô tình phá hoại cột điện nhà nước. Có những người say khướt nhưng vẫn đòi cầm tay lái, chở theo vợ con. Sau khi gây tai nạn, tỉnh dậy thì vợ và các con đã mãi mãi không còn trên cõi đời này nữa... Đáng thương hay đáng trách! Như thế đã đủ cảnh tỉnh! Không thể đổi cho ý Chúa muốn như thế được. Chẳng có Chúa nào “ác” dữ vậy. Chẳng có Chúa nào nỡ “dàn dựng” tai nạn đau thương như thế. Mình gây ra tai nạn chẳng lẽ lại cứ đi đổ lỗi cho Chúa!

Trước kia, tôi cũng phản đối Nghị định 100 vì xem ra quá “gắt”, quá khắt khe, nhất là những quy định liên quan đến nồng độ cồn. Nhưng càng nghĩ lại, và nhất là sau những tai nạn tang thương mà mình chứng kiến, tôi thấy sự cần thiết của nó. Bạn cứ xem chương trình 5 phút hôm nay trên kênh VTV1 vào buổi trưa thì BẠN sẽ thấy: “Giá mà anh ta lái xe cẩn thận thì nhiều gia đình đã không có chung một ngày giỗ”.

3. Rượu vào thêm “ca”
 
Tôi không muốn nói tới thêm ca rượu hay ca bia mà là thêm “ca hai”, “ca ba”. Đang trong cơn đê mê, phấn khích của men say, người ta sẽ thường nghĩ đến những “tập vui” tiếp theo. Có người phàn nàn với tôi: “Lúc nào cũng bảo là đi hát cho vui, hát để giải trí nhưng mà... có cái thứ hát karaôkê gì mà chỉ mỏi tay chứ không mỏi mồm!”

Nói đúng ra thì hát karaokê vẫn có mức độ lành mạnh và lợi ích giải trí nhất định. Tuy nhiên, khi có sự tham gia tích cực của rượu bia, những nguyên tắc luân lý dường như sẽ trở nên rất thoáng. Và sau một cái chậc lưỡi, độ liều đạt mức tối đa thì cái gì cũng có thể làm. Và đấy mới là điều nguy hiểm. Như lời bàn của tác giả Cổ học tinh hoa: “Còn những hạng người say mà nói nhảm, làm càn, phạm vào những điều thương luân, bại lý mà vin Lưu Linh thì lại là tội nhân của Lưu Linh, chứ không phải là đồ đệ của Lưu Linh”[4].

Lúc tỉnh táo còn khó thắng được các cơn cám dỗ, chứ nói gì khi đã say sưa, không làm chủ được lý trí. Những lúc đó, bản năng mới thường thắng thế. Khoảng cách giữa vui chơi và sa đà, giải trí và tội lỗi rất gần và mong manh. Trong lời kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện: “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.

Theo giáo huấn luân lý của Giáo hội về việc uống rượu bia, ta áp dụng quy tắc như sau:
+ Nếu việc uống rượu không gây hại cho sức khoẻ và việc sử dụng lý trí, thì ta có thể dùng rượu cách chừng mực, tuỳ theo thời điểm, nơi chốn và tập quán nơi mình sinh sống;
+ Ngược lại, nếu vì uống rượu mà ta bị mất sức khoẻ, mất tự chủ và khả năng sử dụng lý trí, có nguy cơ trở thành nghiện ngập, thì buộc phải tránh. Đó là chưa kể đến việc vì say sưa mà người ta có thể đánh đạp vợ con, gây gổ với người khác, hoặc chạy xe quá tốc độ gây tai nạn chết người[5].

Hôm Tết vừa rồi, tôi có ngồi ăn cơm với đứa em họ. Nó nhắc tôi: “Anh uống được bao nhiêu thì uống chứ không việc gì phải cả nể. Chả lẽ cứ phải uống rượu mới nể nhau hay sao? Chẳng ai bóp miệng mình ra mà đổ rượu bia vào bao giờ, tự mình uống hết đấy chứ. Trước đây em cứ nghĩ phải uống để xây dựng tình cảm bạn bè và quan hệ đối tác... nhưng khi nghĩ lại thì không hoàn toàn thế”.

Tôi trầm ngâm ngồi nghe. Nó mới nói tiếp: “Say hay không là do mình hết anh ạ. Tửu lượng không nói lên đẳng cấp đâu. Hơn thua gì chén rượu cốc bia. Anh đừng nghe người khác ‘gáy’ mà nổi máu anh hùng. Chẳng may mình bị tai nạn chết người thì những thằng vừa nhiệt tình ‘ép’ mình uống trước đó, cùng lắm đến thắp cho được nén nhang rồi ra ngoài ngồi cười với nhau. Chấm hết. Tóm lại, chỉ thiệt mình thôi”.

Ngẫm lại, tôi thấy cũng đúng thật. Người ta thường nói “cái gì quá cũng không tốt”. Tôi xin bổ sung thêm, nhất là “quá chén”. Vui thôi, xin đừng vui quá! Có lẽ ngoài việc tìm hiểu những “phương pháp để uống rượu không say” hay “biện pháp giải rượu nhanh nhất” thì tôi và BẠN cũng nên học hỏi “nghệ thuật từ chối uống rượu”. Hơn nữa, điều 5 Luật Phòng chống tác hại rượu bia 2019 còn nghiêm cấm các hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia nữa đấy nhé. Coi chừng: “rượu bất khả ép, ép mất cả... tiền” đấy.

Hãy là người biết sử dụng rượu bia “chừng mực” để có thể luôn giữ “đúng mực”, BẠN nhé!

Trở lại với câu chuyện cùng anh bạn sinh viên người Nhật. Ngay sau khi phát hiện ra “chân lý” về sự đa dạng quán xá ở Việt Nam, chúng tôi quyết định rủ nhau “đi nhậu” để ăn mừng. Tất nhiên là có sự tham gia của anh bạn người Nhật đó...

T/B. BẠN có gì thắc mắc, muốn chia sẻ hay cần trao đổi thêm, xin liên hệ với Nhịp cầu Bạn trẻ qua:
+ Email: nhipcaubantre@gmail.com
+ Facebook: Nhịp Cầu Bạn Trẻ


[1] Theo Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia, mục: Lịch sử thức uống có cồn.
[2] THANH PHƯƠNG, Phát hiện dấu tích của một quán bia 5.000 năm tuổi tại Iraq, theo Thông tấn xã Việt Nam (15/02/2023): https://vnanet.vn/vi/anh/anh-thoi-su-quoc-te-1049/phat-hien-dau-tich-cua-mot-quan-bia-5000-nam-tuoi-tai-iraq-6584923.html
[3] x. Bài thơ “Thương tiến tửu” của Lý Bạch tại: https://tangthuquan.com/ngan/tho-thuong-tien-tuu-ly-bach.html/
[4] ÔN NHƯ NGUYỄN VĂN NGỌC - TỬ AN TRẦN LÊ NHÂN, Cổ học tinh hoa, Nxb Văn học, Hà Nội, 2020, tr. 287.
[5] ĐỨC GIÁM MỤC MATTHÊÔ NGUYỄN VĂN KHÔI, Luân lý Kitô giáo qua Mười điều răn - Quyển 2, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2013, tr. 180.

Tác giả: Nhịp cầu Bạn trẻ

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập133
  • Máy chủ tìm kiếm75
  • Khách viếng thăm58
  • Hôm nay20,138
  • Tháng hiện tại143,476
  • Tổng lượt truy cập79,375,314
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây